VnReview
Hà Nội

Điện thoại vỏ nhựa cũng có ưu điểm của nó

Nhựa thường được xem là chất liệu rẻ tiền, và vì vậy, smartphone vỏ nhựa dù đắt tiền đến mấy cũng bị đánh giá thấp điểm đi. Tuy nhiên, vỏ nhựa cũng có những ưu điểm của nó.

Điện thoại vỏ nhựa không lo bị vỡ lưng như vỏ kính

Nếu từng dùng một chiếc Pixel 3a, bên cạnh những tính năng nổi bật, bạn hẳn ấn tượng bởi khối lượng của nó. Đây có lẽ là một trong những chiếc smartphone nhẹ nhất bạn từng sử dụng, nhẹ hơn nhiều so với những chiếc điện thoại mặt lưng kính to xác, nặng nề mà Samsung và Apple đang đua nhau đưa ra thị trường.

Một số người có thể tranh luận rằng Pixel 3a nhẹ vậy là bởi nó có màn hình chỉ 5.6-inch. Nhưng kích thước không phải là yếu tố quyết định mọi thứ. Pixel 3a nhẹ là bởi nó làm từ nhựa. Cứ nhìn chiếc Pixel 4a mới mà xem: nó nặng chỉ 140g mặc cho sở hữu màn hình 5.8-inch, nhẹ hơn đáng kể so với chiếc iPhone SE 4.7-inch mới vốn có khối lượng lên đến 150g.

Google Pixel 3a

Tất nhiên chẳng ai lấy iPhone SE ra làm vũ khí - iPhone luôn là những thứ dễ vỡ, chỉ cần nó rơi đủ mạnh, bạn sẽ có ngay một chiếc điện thoại với màn hình bể toác hay mặt lưng đầy dấu chân chim (hoặc cả hai). Một chiếc điện thoại vỏ nhựa khi rơi đập mặt lưng xuống đất có lẽ sẽ chẳng cần sửa chữa gì, dù rằng nó sẽ có một vài vết trầy xước nhẹ không thể tránh khỏi.

Nhựa cũng có "nhựa this, nhựa that"

Chiếc Samsung Galaxy S5 đánh dấu một bước biến chuyển trong thiết kế điện thoại. Không phải bởi nó đặc biệt hấp dẫn hay trông đầy tham vọng, mà bởi giới phê bình cho rằng mặt lưng nhựa trông thật rẻ tiền. Những lời than phiền tệ đến mức Samsung phải thay cả giám đốc thiết kế rồi tung ra S6/S6 Edge, hai chiếc điện thoại đã thiết lập nên tiêu chuẩn về thiết kế ngày nay với mặt lưng kính và màn hình vát cong.

Các fan Samsung rõ ràng đã cảm thấy ghen tị trước chiếc iPhone 6 vỏ nhôm, trông như một sản phẩm đến từ tương lai khi đặt cạnh Galaxy S5 vậy. Nhưng không chỉ chiếc S5, kể từ năm 2014 trở đi, mọi thiết bị vỏ nhựa đột nhiên bị mọi người căm ghét. Kể cả những chiếc điện thoại mà ngày nay khi nhìn lại vẫn có dáng dấp hiện đại, như chiếc Nexus 6 năm 2014, cũng bị chỉ trích vì bộ vỏ nhựa "rẻ tiền".

Nhưng chúng ta đều biết rằng nhựa chẳng khiến thiết bị xấu đi. Những chiếc điện thoại xấu xí không xấu xí bởi chúng được làm từ nhựa; chúng xấu xí bởi thiết kế và lựa chọn nhựa tồi đến từ các nhà sản xuất. Có điện thoại có ngoại hình "chuẩn không cần chỉnh" dù dùng chất liệu nhựa, và thậm chí những thiết bị đã nhiều năm tuổi như Sony Xperia XZ1 Compact vẫn trông đậm chất tương lai nhờ hoạ tiết satin trơn mịn và cách phối màu thông minh.

Sony Xperia XZ1 Compact (2017)

Điện thoại vỏ nhựa là lựa chọn hoàn hảo dành cho những người không thích dùng ốp lưng, bởi chúng (hầu như) chống bám vân tay và kháng được những vết nứt hay trầy xước mà mắt thường khó nhận biết được (và nếu bạn sử dụng ốp, thì tại sao lại quan tâm mặt lưng điện thoại làm từ thứ gì?)

Mặt lưng nhựa không gây ảnh hưởng đến tín hiệu 5G hay sạc không dây

Một trong những điều đáng quan ngại về sóng 5G và công nghệ sạc không dây là phạm vi hoạt động của chúng. Chúng còn dễ bị cản trở - đó là một trong những lý do tại sao nhiều nhà sản xuất thích làm điện thoại bằng kính thay vì nhôm. Nhưng hoá ra nhựa cũng là vật liệu hoàn hảo cho sạc không dây, và thậm chí còn phù hợp hơn với 5G so với kính nữa.

Bạn có biết điện thoại mình có những đường kẻ trắng hoặc xám chạy theo viền trên và dưới của máy hay không? Chúng là những dải ăng-ten, nhưng không thực sự là ăng-ten. Trên thực tế, chúng là những dải nhựa, cho phép tín hiệu ăng-ten của điện thoại xuyên qua bộ khung kim loại đang kẹp chặt những tấm kính của vỏ máy.

Nhựa có thể xem là một thứ vô hình trước sóng radio. Các nhà sản xuất điện thoại không phải lo lắng về các dải ăng-ten hay độ mạnh của tín hiệu khi chế tạo những chiếc điện thoại vỏ nhựa, và họ sẽ dễ dàng giải quyết những vấn đề có thể xảy ra với công nghệ 5G hơn nhiều. Đó có lẽ cũng là lý do tại sao cả chiếc Galaxy Note 20 5G giá 1.000 USD và chiếc Moto G 5G Plus giá dưới 500 USD đều sở hữu bộ vỏ bằng nhựa. Hoá ra, vỏ nhựa không chỉ xuất hiện trên những chiếc điện thoại giá rẻ, kể cả ở năm 2020 này.

Samsung Galaxy Note 20 5G - siêu phẩm 5G vỏ nhựa

Điện thoại vỏ nhựa dễ sửa chữa hơn

Khi nhà thiết kế trưởng phụ trách chiếc Galaxy S5 của Samsung được hỏi tại sao công ty sử dụng chất liệu nhựa, ông trả lời rằng để giúp việc thay pin và sửa chữa dễ dàng hơn. Bạn có thể mở mặt lưng của chiếc S5 và thay thế pin của nó mà chỉ cần... móng tay - quả là tuyệt vời nếu so với quy trình kéo dài cả tiếng đồng hồ khi thay pin của chiếc Galaxy S6 với mặt lưng kính.

Dù các điện thoại vỏ nhựa ngày nay không còn dễ sửa như trước đây, chúng vẫn dễ sửa hơn so với những chiếc điện thoại mặt lưng kính. Lấy Pixel 3a và 4a làm ví dụ - hai chiếc điện thoại này cực kỳ dễ mở, và các thành phần được cố định bằng lớp keo mỏng dễ xử lý. Chiếc Pixel 4a mới hơn còn sở hữu thiết kế accordion, cho phép bạn dễ dàng "mò mẫm" các linh kiện bên trong bằng cách tháo màn hình và vặn một con ốc duy nhất nằm ngay giữ khung máy.

Sửa một chiếc điện thoại vỏ nhựa vẫn là một quy trình tiêu tốn thời gian và đôi lúc gây bực bội mà hầu hết chúng ta sẽ không (hoặc không nên) tự thực hiện. Nhưng ít ra bạn cũng biết rằng chiếc Pixel 4a của mình sẽ được tân trang và bán lại một cách dễ dàng sau khi bạn lên đời. Những chiếc điện thoại khó sửa chữa không phải lúc nào cũng có số phận tương tự.

Cho dù người tiêu dùng sẽ thất vọng nếu điện thoại cao cấp sử dụng chất liệu nhựa, nhưng không thể phủ nhận điện thoại vỏ nhựa có ưu điểm của nó.

Minh.T.T;theo ReviewGeek

Chủ đề khác