VnReview
Hà Nội

Tại sao nhiều phim và show truyền hình thường xuyên biến mất khỏi các dịch vụ stream?

Có bao giờ bạn cảm thấy hụt hẫng khi bộ phim hay show truyền hình yêu thích của mình bỗng một ngày nọ không còn chút dấu vết trên Netflix hay một dịch vụ stream nào khác?

Tại sao điều đó lại xảy ra?

Có nhiều lý do giải thích việc các nền tảng stream như Netflix và Hulu không thể phát các bộ phim hay show truyền hình mãi mãi. Và khi cuộc chiến stream trở nên ngày một cạnh tranh hơn, số lượng các lý do đó lại tăng lên và phức tạp thêm. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn!

1. Cách thức hoạt động của stream

Để hiểu lý do tại sao một series hay một bộ phim không thể phát mãi mãi, bạn cần biết quá trình nó được đưa lên một dịch vụ stream.

Giấy phép

Một vài trong số những lý do chính khiến các dịch vụ stream không thể lưu trữ nội dung mãi mãi là vì giấy phép. Giấy phép về cơ bản là quyền của một nhà phân phối, như một dịch vụ stream chẳng hạn, được phép phân phối nội dung vốn thuộc sở hữu của một người khác. Hầu hết các nội dung hiện có trên các dịch vụ stream thông thường thực ra thuộc sở hữu của một thực thể khác chứ không phải của dịch vụ stream đó.

Khi bạn lướt qua danh sách các nội dung sẵn có trên nền tảng stream yêu thích của mình, bạn có thể thấy những bộ phim từ các tập đoàn như Sony, cũng như các chương trình truyền hình từ các công ty như Fox và BBC. Theo giải thích từ trang MPLC, các nội dung đó hiện diện trên dịch vụ stream bởi các dịch vụ này đã trả phí bản quyền của chúng cho các công ty sở hữu.

Một ngoại lệ là các nội dung nguyên bản (original). Hầu hết các dịch vụ stream đều có một số nội dung do họ tự sản xuất, tất nhiên thuộc quyền sở hữu của họ. Ví dụ, The Handmaid's Tale trên Hulu, hay Stranger Things trên Netflix.

Thu nhập thặng dư và chi phí sản xuất

Lúc này, chúng ta lại có một câu hỏi thú vị khác: nếu các dịch vụ stream không phải trả phí bản quyền cho các nội dung nguyên bản, tại sao họ phải gỡ bỏ chúng?

Dù rằng các dịch vụ stream không phải trả tiền cho chính họ để phân phối nội dung "nhà làm", nhưng vẫn có một vài hoá đơn khác phải trả. Hầu hết các diễn viên, bên cạnh khoản tiền ban đầu họ được trả khi tham gia một bộ phim hay một series, còn được trả khoản tiền gọi là "thu nhập thặng dư". Thu nhập thặng dư là những khoản thanh toán mà các diễn viên nhận từ các nhà phân phối.

Thông thường, thu nhập thặng dư là một phần trong phí bản quyền mà một nhà phân phối phải trả. Nhưng đối với các chương trình do chính nhà phân phối sản xuất, họ vẫn phải trả khoản tiền đó.

Chưa hết, không phải mọi nội dung nguyên bản đều được chính dịch vụ stream sản xuất. Theo Netflix, một số nội dung nguyên bản của họ được sản xuất bởi một hãng khác vốn có quyền phân phối đặc biệt. Ví dụ, series Peaky Blinders được gán nhãn là Netflix Original nhưng do BBC, Tiger Aspect Productions và Caryn Mandabach Productions sản xuất.

Các website stream còn phải trả chi phí sản xuất cho một bộ phim hay một mùa của một series. Đây là chi phí trực tiếp trong trường hợp các bộ phim và series được dịch vụ stream sản xuất. Nếu dịch vụ stream không tự sản xuất nội dung, thì chi phí sản xuất vẫn thể hiện trong chi phí mua bản quyền.

2. Tại sao các nội dung lại bị gỡ bỏ

Khi bạn đã hiểu rõ hơn cách thức một nội dung được đưa lên dịch vụ stream, đã đến lúc giải thích tại sao chúng có thể bị gỡ bỏ.

Chi phí sản xuất

Theo Giám đốc Nội dung của Netflix, Ted Sarandos: "Một show lớn, đắt đỏ, dành cho một lượng khán giả lớn, là điều tuyệt vời. Một show lớn, đắt đỏ, nhưng chỉ dành cho một lượng khán giả nhỏ, thì rất khó, kể cả trong mô hình kinh doanh của chúng tôi"

Khi xét đến nội dung nguyên bản, đôi lúc chỉ một tựa phim thôi cũng đã giúp một dịch vụ trở nên khác biệt so với các đối thủ. Điều này đặc biệt đúng khi mà các dịch vụ như Netflix đang đầu tư ngày càng nhiều tiền vào sản xuất các chương trình nguyên bản so với trước đây. Hơn nữa, trong bối cảnh các dịch vụ stream cạnh tranh ngày càng xuất hiện nhiều, mỗi dịch vụ hẳn sẽ muốn nắm trong tay một ưu thế vượt trội so với các dịch vụ khác.

Vấn đề giấy phép

Theo Netflix, một trong những vấn đề lớn đằng sau việc gỡ bỏ một tựa phim là giấy phép. Vấn đề này ngày càng phức tạp hơn khi các dịch vụ stream xuất hiện ngày càng nhiều.

Các dịch vụ stream muốn nắm trong tay những nội dung độc quyền. Nhu cầu này đặc biệt rõ ràng khi mà các nhà sản xuất nội dung như Disney và NBC cũng tung ra các dịch vụ stream của riêng mình (Disney+ và Peacock).

Trong nhiều trường hợp, khi các nhà cung cấp nội dung tung ra dịch vụ stream của riêng họ, họ sẽ ngừng bán giấy phép của nội dung đó cho các dịch vụ stream khác như Netflix và Hulu - một động thái nhằm giúp bản thân họ có khả năng cạnh tranh tốt hơn.

Phí bản quyền và doanh thu

Như đã nói ở trên, kể cả khi các dịch vụ stream không tự tạo ra nội dung, họ vẫn phải trả tiền để phát nội dung của người khác. Nếu họ trả tiền để phát một nội dung mà chẳng ai muốn xem, doanh thu sẽ bị ảnh hưởng.

Hiển nhiên, các dịch vụ stream như Netflix kiếm tiền từ số lượng người đăng ký. Do đó chỉ một tựa phim riêng lẻ sẽ không mang lại hoặc khiến họ mất đi một khoản tiền đáng kể nào. Tuy vậy, nếu họ đang trả tiền cho một nội dung không có khả năng lôi kéo và làm người đăng ký thích thú, đó chắc chắn là một vấn đề phải xem xét lại.

Các dịch vụ stream như Hulu còn phải cân nhắc một thứ khác: quảng cáo. Các nền tảng này không chỉ kiếm tiền từ người đăng ký, họ còn kiếm tiền từ việc bán khu vực đặt quảng cáo, như các đài truyền hình thông thường vậy. Nhưng các nhà quảng cáo sẽ không trả tiền (hoặc trả nhiều tiền) để mua khu vực đặt quảng cáo nếu không có mấy người dùng xem nó.

Bất kể mô hình kinh doanh là gì, các dịch vụ stream sẽ thu được nhiều tiền nhất khi trình chiếu những nội dung có độ phổ biến cao. Có nghĩa là họ phải mua được những nội dung tốt nhất và sản xuất được những chương trình nguyên bản thú vị nhất, đồng thời phải loại bỏ những nội dung kém phổ biến hơn.

Tính lôi cuốn và tính khả dụng

Trước đây, các dịch vụ stream không cạnh tranh với nhau - họ cạnh tranh với dịch vụ truyền hình cáp. Nhiều người đã quá mệt mỏi khi phải liên tục chuyển kênh và chẳng tìm thấy gì để xem cả. Do đó họ chuyển sang stream.

Tất nhiên, thời đó cũng chỉ có 1 hoặc 2 dịch vụ stream. Ngày nay, các dịch vụ stream chuyển sang cạnh tranh lẫn nhau. Và họ sợ rằng người dùng sẽ gặp lại trải nghiệm mà họ từng gặp với truyền hình cáp ngay trên chính nền tảng stream của mình: lướt danh sách nội dung quá lâu và chẳng xem bao nhiêu trong số đó.

Các dịch vụ stream thường có quãng thời gian dùng thử. Trong giai đoạn dùng thử đó, họ muốn những khách hàng tiềm năng phải ồ lên trước số lượng nội dung chất lượng sẵn có. Có nghĩa là phải làm sao để giảm thiểu số lượng nội dung mà ít người muốn xem. Kể cả với người dùng đã trả tiền, nếu họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những chương trình hấp dẫn, họ có thể xem xét bỏ tiền cho dịch vụ khác.

Nội dung theo mùa

Hầu hết các dịch vụ stream còn tìm cách giảm phí bản quyền bằng cách chỉ phát nội dung khi có thể thu hút lượng người xem cao nhất. Họ thường đưa những nội dung này vào các danh mục đặc biệt với những tên gọi như "phim yêu thích trong mùa". Ví dụ, phát thêm nhiều phim kinh dị vào mùa Halloween hay các phim có không khí lễ hội vào mùa Giáng sinh.

Hulu, vốn thường xuyên phát các series phim vẫn đang được các nhà đài sản xuất hơn so với Netfilx, có một hệ thống nhằm quản lý các series dài hơi mà họ gọi là "rolling availability": chỉ một vài tập phim gần nhất của series được phát trên nền tảng mà thôi.

Có nhiều lý do khiến Hulu sử dụng hệ thống này, bao gồm nhằm khuyến khích mọi người xem phim ngay khi có tập mới vừa lên sóng và tránh những vấn đề có thể phát sinh về bản quyền.

3. Stream là một thế giới phức tạp

Các dịch vụ stream xuất hiện để giúp chúng ta đơn giản hoá quá trình tìm kiếm những nội dung chất lượng có thể xem được. Và đối với người dùng, đó là mục đích họ bỏ tiền ra đăng ký các dịch vụ này. Cho đến khi một chương trình hay phim họ yêu thích biến mất không dấu vết.

Sự thật là thế giới stream không hề đơn giản. Các nền tảng stream thường xuyên phải đối mặt với những thách thức pháp lý và marketing mà chỉ có thể thực sự được giải quyết bằng cách xoay vòng nội dung.

Tin tốt cho người xem là, trong hầu hết các trường hợp, bộ phim hay chương trình bạn thích không thực sự biến mất đâu. Chúng chỉ "dời nhà" sang một dịch vụ nào đó khác mà thôi.

Minh.T.T (theo MakeUseOf)

Chủ đề khác