VnReview
Hà Nội

Lý do Google chọn chip Snapdragon 765G cho Pixel 5

Liệu những chiếc smartphone tầm trung có thể trở thành những thiết bị flagship mới? Google dường như nghĩ vậy khi tung ra chiếc Pixel 5.

Chiếc điện thoại này sở hữu phần cứng lẫn phần mềm mới toanh, đồng thời lược bỏ một vài ý tưởng thiết kế cũ để đạt được một mức giá hấp dẫn hơn.

Có lẽ điểm trừ lớn nhất của Pixel 5 là sự thiếu vắng một vi xử lý cao cấp, khiến nó không thể đạt được hiệu năng "khủng" như các thiết bị flagship đối thủ. Thay vì sử dụng các vi xử lý Snapdragon 865 hay 865 Plus của năm 2020, Google lại chọn Snapdragon 765G. Đây là con chip thuộc nhóm "siêu trung cấp" của Qualcomm, có hiệu năng ấn tượng bậc nhất trong phân khúc tầm trung, trong khi "vay mượn" một vài tính năng chủ chốt từ những con chip cao cấp hơn.

Nhưng tại sao Google lại đánh đổi hiệu năng của chiếc smartphone flagship 2020 của mình để có được mức giá thấp hơn?

5G giá tốt

Chiếc Google Pixel 4 đã không bắt kịp trào lưu 5G trong năm 2019. Vì vậy, nếu gã khổng lồ tìm kiếm không thể tung ra một chiếc điện thoại flagship với công nghệ mạng mới nhất và tốt nhất này trong năm 2020, truyền thông lẫn người tiêu dùng sẽ "ăn sống nuốt tươi" họ. Không may là, 5G khiến chi phí sản xuất của smartphone tăng cao, và đó là một phần lý do tại sao chúng ta ngày càng thấy nhiều điện thoại có mức giá vượt quá 1.000 USD.

Nhiều hãng đã chỉ rõ 5G là nguyên nhân của việc tăng giá sản phẩm. CEO Xiaomi, Lei Jun, cho biết sử dụng vi xử lý Snapdragon cao cấp hỗ trợ 5G trên các điện thoại năm nay đã làm chi phí dành cho vi xử lý tăng gấp đôi, đẩy định mức nguyên vật liệu (BOM) lên thêm 70 USD so với các điện thoại flagship trước đây. Đó là một con số tương đối lớn, và dù không muốn, nhưng người tiêu dùng buộc phải "gánh" một phần trong số đó. Gần đây hơn, trong một buổi họp báo giới thiệu series Reno 4 mới, Oppo nhấn mạnh rằng 5G có thể làm tăng chi phí đến 20%, và quyết định của họ cũng là chuyển sang sử dụng Snapdragon 765G.

Tóm lại: 5G quá đắt đỏ, và Google đã hết đường lùi với chiếc Pixel 4XL giá 899 USD năm ngoái.

5G đòi hỏi nhiều linh kiện hơn, đặc biệt trong các sản phẩm flagship sở hữu công nghệ mmWave. Một phần vấn đề là bởi vi xử lý cao cấp Snapdragon 865 không hề có modem tích hợp, do đó các nhà sản xuất phải mua thêm modem 5G X55. Combo này không rẻ. Thêm ăng ten và nhiều linh kiện cao cấp hơn nữa, chi phí chỉ có thể tăng lên mà thôi (lý do Pixel 5 tại Mỹ có giá cao hơn các thị trường khác là bởi nó phải hỗ trợ mmWave).

Snapdragon 765G khắc phục vấn đề bằng một modem tích hợp nằm ngay trên con chip giống CPU, GPU và các linh kiện khác. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, không gian, và cả mức điện năng tiêu thụ nữa, bù lại tốc độ 5G và hiệu năng hệ thống sẽ thấp hơn một chút nhưng chắc chắn không gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng trong giai đoạn đầu triển khai 5G này.

Google chỉ có hai lựa chọn với Pixel 5. Hoặc họ tiếp tục thử vận may với một thiết bị có giá còn cao hơn năm ngoái, mà gần như chắc chắn sẽ thất bại xét doanh số nghèo nàn của Pixel 4. Hoặc họ áp dụng bài học thành công của chiếc Pixel 3a giá tốt và chọn con đường 5G dễ đi hơn với Snapdragon 765G.

Hiệu năng "đủ tốt", tính năng đa dạng

Tất nhiên, nếu bạn theo đuổi mức giá tốt, có khá nhiều chipset để lựa chọn. Điều khiến Snapdragon 765G khác biệt là một loạt những tính năng quan trọng vay mượn từ series Snapdragon 800, bao gồm hỗ trợ màn hình FHD+ tần số làm tươi;90Hz của Pixel 5, sạc nhanh, chơi game HDR, quay video 4K 60fps, và mạng 5G với mmWave.

Bản thân Google là một ông lớn về học máy, đã và đang sử dụng công nghệ này trong quá trình xử lý hình ảnh tiên tiến không ai sánh bằng của mình, cũng như trong Google Assistant. Snapdragon 765G được trang bị vi xử lý tín hiệu hình ảnh thị giác máy tính (CV-ISP) cao cấp của Qualcomm để thực hiện các tác vụ xử lý hình ảnh phức tạp với hiệu năng cao và mức tiêu thụ điện năng thấp. Một tính năng mà trước đây chỉ có series 800 mới có. Hexagon-DSP của con chip này là một vi xử lý chuyên biệt dành cho giọng nói và các tác vụ học máy khác. Nó không chạy nhanh như Snapdragon 865, nhưng vẫn hỗ trợ - đó là mấu chốt.

Xét việc Pixel 5 không được tích hợp Pixel Neural Core của Google, có thể đoán được rằng 765G đã đáp ứng được mọi nhu cầu về mặt hiệu năng của Google để có thể chạy tốt các tính năng Night Mode, HDR+, Super Res Zoom, và xử lý giọng nói...

Sự lựa chọn của Google còn cho chúng ta thấy một sự thật quan trọng: bạn không thực sự cần hiệu năng cao cấp mới tạo ra được trải nghiệm cao cấp. Chip smartphone ngày nay đang ở giai đoạn mà tối ưu cho hiệu năng sử dụng thường ngày mới là ưu tiên hàng đầu. Trong suốt nhiều năm qua, hiếm khi chúng ta thấy có ứng dụng nào hoạt động một cách chậm chạp, trừ khi chúng chạy trên những sản phẩm có giá quá rẻ mạt. Snapdragon 765G chắc chắn không phải là con chip nhanh nhất xét về điểm benchmark, nó vẫn đạt mức hiệu năng/giá bán đáng ngưỡng mộ. Nó mang lại hiệu năng đủ dùng đối với hầu hết ứng dụng, game, các thuật toán AI cao cấp, và cả nhiếp ảnh điện toán nữa.

Tại sao lại phải bỏ thêm tiền cho một chipset hiệu năng cao khi mà bạn chẳng mấy khi tận dụng tối đa sức mạnh của nó?

Thời lượng pin tốt hơn?

Nếu những lý do trên vẫn chưa đủ để giải thích cho quyết định chọn Snapdragon 765G, thì một giả thuyết nữa: Google đơn giản là muốn khắc phục một trong những điểm yếu lớn nhất của dòng Pixel - thời lượng pin. Việc Pixel 5 được trang bị chế độ Extreme Battery Saver mới có lẽ đã phần nào cho thấy những gì Google đang dự tính.

Sở hữu ít hơn 2 nhân CPU đòi hỏi điện năng cao so với những con chip cao cấp, cùng với khu vực chip dành riêng để xử lý đồ hoạ nhỏ hơn, Snapdragon 765G hiển nhiên tiêu thụ ít điện năng hơn so với những người anh em thuộc series 800 trong hầu hết các tác vụ - dù hiệu năng của nó sẽ không cao bằng, và khả năng tiết kiệm điện cũng không khác biệt một cách quá rõ ràng, khi mà những con chip nhanh hơn sẽ hoàn thành các tác vụ nhanh hơn và đi vào chế độ nghỉ sớm hơn. Dù sao thì, modem 5G tích hợp cũng giúp nó có được đôi chút ưu thế về mạng.

Snapdragon 765G vẫn được chế tạo dựa trên quy trình FinFET 7nm giống Snapdragon 865, do đó nó sở hữu cùng những lợi thế về khả năng tiết kiệm điện và mật độ trên chip như đàn anh. Kết hợp với một viên pin lớn hơn, đến 4.080mAh, cuối cùng chúng ta cũng có được một chiếc flagship Pixel trụ được cả ngày dài.

Pixel 5 nhiều khả năng cũng sẽ ít nóng hơn người tiền nhiệm, có nghĩa là mức hiệu năng cao của nó sẽ được duy trì lâu hơn khi cần thiết, như lúc chơi game chẳng hạn. Đó là chưa kể nhiệt được xem là "sát thủ pin" thầm lặng về lâu về dài. Các flagship Pixel trước đây từng gặp vấn đề hiệu năng lúc trồi lúc sụt, và bản thân chúng cũng chưa bao giờ được đề cao là những mẫu flagship nhanh nhất thị trường. Với một thân máy nhỏ gọn, việc tối ưu lượng nhiệt toả ra là một nước đi đúng đắn để đảm bảo hiệu năng và tuổi thọ pin.

Snapdragon 765G có phải là lựa chọn phù hợp cho Pixel 5?

Google Pixel 5 là một sản phẩm lạ trong series Pixel. Một mặt, nó sở hữu những tính năng flagship như chỉ số chống nước IP68 và sạc không dây. Mặt khác, nó không còn cảm biến Soli và hiệu năng flagship để có được giá bán tốt hơn. Sự đánh đổi này sẽ khiến nhiều người không hài lòng, nhưng trước những thách thức về chi phí cao và thời lượng pin nghèo nàn, Google buộc phải đưa ra quyết định.

Lựa chọn Snapdragon 765G thay vì 865, Google đã chọn sự cân bằng. Đối với Pixel 5, 765G dường như đáp ứng tốt tất cả các yếu tố về hiệu năng, tính năng, và chi phí mà những con chip mạnh hơn và đắt hơn không thể. Nó có mọi thứ Google cần để chiếc Pixel của họ chiếm lợi thế so với các điện thoại 5G khác: phần mềm AI mạnh mẽ, thời lượng pin dài hơi, và giá thấp hơn.

Tất nhiên, mỗi nhà sản xuất lại có những mục tiêu khác nhau, và chắc chắn series Snapdragon 800 vẫn có chỗ đứng của nó trên thị trường smartphone. Nó vẫn là con chip mang lại hiệu năng cao cấp, sở hữu nhưng tính năng 5G hiện đại bậc nhất, và là lựa chọn hàng đầu của các game thủ di động. Miễn là bạn có sẵn tiền để "rước nàng về dinh".

Nhìn chung, Snapdragon 765G giải quyết được nhiều vấn đề mà dòng Pixel gặp phải trước đây, biến nó thành một lựa chọn cực kỳ hợp lý cho Pixel 5. Bạn có nghĩ vậy không?

Minh.T.T (theo AndroidAuthority)

Chủ đề khác