VnReview
Hà Nội

Vào năm 2012, Google từng tung ra Nexus 4 với chip flagship nhưng giá chỉ bằng một nửa Pixel 5

Dòng điện thoại Nexus của Google có thể đã phải trải qua một khởi đầu đầy khó khăn, nhưng lại chiếm được nhiều cảm tình từ lượng người dùng trung thành của mình theo cách mà những chiếc điện thoại Google Pixel chưa bao giờ có được. Vấn đề của Pixel nằm ở chỗ chúng là dòng điện thoại phân khúc cao cấp, kéo theo đó cũng là mức giá "cao cấp", trong khi Google Nexus lại đích thị là một "flagship killer" xét trên mọi khía cạnh - trừ cái tên, hiển nhiên rồi!

Chúng ta đang nói về chiếc Nexus 4, được ra mắt với mức giá 300 USD/300 EUR/280 GBP (cho phiên bản dung lượng 8GB) và 350 USD/350 EUR cho phiên bản 16GB. Một năm sau khi ra mắt, người dùng đã có thể mua được chiếc điện thoại này mà chỉ cần bỏ ra 200 USD, nhưng dẫu vậy, giá ra mắt của nó thậm chí cũng chỉ bằng chưa đến một nửa so với chiếc Pixel 5 mới được Google trình làng vào tuần trước. Và nếu bạn chưa biết, thì giá của nó thậm chí còn thấp hơn giá của chiếc Pixel 4a nữa.

Hãy xem Nexus 4 có gì hấp dẫn so với Pixel 5, dù đây là một sản phẩm xuất hiện vào năm 2012. Sự khác biệt đáng chú ý nhất nằm ở chipset - Snapdragon S4 Pro là con chip hàng đầu vào thời điểm đó trong khi Snapdragon 765G (trang bị trên Pixel 5) không phải là một vi xử lý cao cấp, thậm chí còn không mạnh nhất dòng Snapdragon 700.

Và cần lưu ý rằng Nexus 4 đi kèm với 2GB RAM. Để tiện so sánh, chiếc Samsung Galaxy S III ra mắt trước đó 6 tháng chỉ được trang bị 1GB RAM. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì Galaxy S III có dung lượng lưu trữ lớn hơn cũng như khả năng mở rộng thêm không gian sử dụng. Bộ nhớ giới hạn là một trong những yếu tố không được lòng những người dùng quan tâm đến Nexus.

Tiếp theo, màn hình LCD IPS 4.7" của Nexus có độ phân giải 720p, khá tiêu chuẩn vào lúc đó. Tỷ lệ màn hình 15:9 không quá phổ biến, bởi đây là thời điểm trước khi màn hình của những chiếc smartphone bắt đầu "tiến hóa", trở nên dài và hẹp hơn.

Màn hình Nexus 4 được ép với lớp kính bảo vệ Gorilla Glass 2, một công nghệ mà LG gọi là "Zerogap Touch" (nó còn có một lớp số hoá điện dung tích hợp). Tất cả những thứ này được vay mượn từ chiếc LG Optimus G, vốn là nền tảng phát triển của chiếc Nexus và cũng là "kẻ khai sinh" ra dòng G series của LG.

Nexus được trang bị một viên pin dung lượng nhỏ 2.100 mAh, vì thế thời lượng pin không phải điểm mạnh của nó, tuy nhiên nó lại là chiếc điện thoại Android đầu tiên được tích hợp chuẩn sạc không dây Qi. Dĩ nhiên thì chiếc smartphone Palm Pre mới là "kẻ tiên phong" trên nhiều mặt khi đã cung cấp sạc không dây từ 3 năm trước đó (nhưng sử dụng một chuẩn công nghệ khác).

Dòng Pixel đã loại bỏ tính năng sạc không dây trên hai thế hệ đầu tiên, và thậm chí đến tận ngày nay chỉ có mỗi người dùng Pixel 5 mới được trải nghiệm công nghệ này. Trong khi Nexus là kẻ đi đầu xu hướng thì Pixel thậm chí còn chẳng buồn quan tâm đến cạnh tranh ở công nghệ này (bên cạnh việc không được trang bị sạc không dây nhanh thì công suất của sạc có dây chỉ có thể đạt 18W).

Một điểm mạnh mà những mẫu Pixel 5 và 4a 5G khác biệt được so với "ông tổ" của mình là khả năng kết nối không dây thế hệ mới như dải tần 5G sub-6Hz (sub-6) và ở một số nơi sẽ là mmWave 5G. Nexus 4 là một thiết bị 3G, bỏ qua mạng 4G vẫn còn khá non trẻ vào lúc đó (thực tế, Nexus 4 có hỗ trợ LTE Band 4, nhưng lại không được sử dụng nhiều).

Camera của Nexus 4 được xem là khá chuẩn mực vào thời điểm này, với cảm biến Sony BSI 8 MP dùng để chụp ảnh và quay video 1080p (mặc dù vậy, nó cũng không thật sự ấn tượng). Máy sử dụng hệ điều hành Android 4.2 "Jelly Bean", sau đó bản cập nhật lên Android 4.4 "KitKat" cùng chế độ HDR+, những bước "tập tễnh" đầu tiên của Google trong cuộc chơi nhiếp ảnh thuật toán.

Nói về cập nhật, Nexus 4 đã tiếp tục nhận được bản cập nhật Android 5.1 "Lollipop" một thời gian ngắn trước khi chính thức bị ngừng hỗ trợ vào tháng 5 năm 2015, gần 3 năm sau khi ra mắt. Có vẻ không quá tồi với một chiếc điện thoại 300 USD, đúng không?

Hiệu ứng hologram ở mặt lưng máy

Phần lưng của thiết bị có hiệu ứng Hologram khá thú vị - một dải các chấm nhỏ nhấp nháy khi bạn di chuyển điện thoại. Đó là do mặt sau được khắc các hoa văn trên kính, phản chiếu ánh sáng đến từ các góc khác nhau. Ngày nay, việc khắc hoa văn trên phần lưng kính đã trở nên phổ biến, khi mà các nhà sản xuất sử dụng công nghệ này để tạo nên một chút "điểm nhấn" cho sản phẩm với các hoạ tiết hình học khác nhau, từ đường cong chữ S cho đến dạng họa tiết Chevron.

Mặc dù ban đầu chỉ được ra mắt với duy nhất phiên bản màu đen, Google đã làm mới mọi thứ một chút vào năm 2013 với việc phát hành thêm phiên bản màu trắng.

Tựu chung, Nexus 4 đã mang đến những sự khác biệt đáng ngưỡng mộ. Nexus 4 không phải là chiếc điện thoại tốt nhất, mà thực tế nó vẫn có khá nhiều sai sót. Tuy nhiên, việc có được một thiết bị hiệu suất cao cấp mà chỉ phải bỏ ra 300 USD vào thời điểm đó đã là một điều không tưởng rồi. Dù không thể trở thành một sản phẩm bán chạy, nhưng Nexus 4 cũng đã ghi được dấu ấn nhất định trong tâm trí của người dùng.

Một thông tin thú vị về sự kiện ra mắt Nexus 4: cơn bão Sandy đổ bộ vào New York đã buộc Google phải huỷ bỏ sự kiện. Nhưng vào phút chót, công ty quyết định công bố Nexus 4 mà chẳng cần tổ chức bất kỳ sự kiện nào!

Minh.T.T (theo GSMArena)

Chủ đề khác