VnReview
Hà Nội

Vì sao ảnh chụp từ smartphone nhiều lúc màu chẳng giống với thực tế chút nào?

Đã bao giờ bạn thử chụp ảnh với smartphone và khi xem lại, bạn nhận ra màu ảnh chẳng hề giống với thứ đang ở trước mặt bạn?

Có lẽ màu quá ám cam hoặc xanh dương?

Dưới đây là lý do tại sao chúng lại trông lạ như vậy, và những điều bạn có thể làm để khắc phục vấn đề.

Vấn đề của đôi mắt chúng ta

Không như camera, mắt chúng ta không ghi lại chính xác thứ đang ở trước mặt. Thay vào đó, mọi thứ chúng ta thấy được diễn dịch bởi bộ não. Đúng là não cũng dựa vào thứ đang ở trước mặt chúng ta, nhưng nó còn dựa vào thứ nó nghĩ là nó nên thấy. Đó là lý do tại sao các ảo ảnh quang học lại có hiệu quả cao đến vậy - mắt chúng ta không bị đánh lừa, mà là bộ não của chúng ta.

Một trong những lĩnh vực điều này thể hiện rõ ràng nhất là khi bạn ngừng lại và nghĩ về màu sắc của ánh sáng. Cụ thể, một nguồn sáng "trắng" có màu cam hay xanh như thế nào?

Hãy tưởng tượng bạn đang đọc một cuốn sách ngay cạnh một đống lửa. Màu sắc của trang giấy là màu gì? Chúng có màu trắng. Vậy còn khi bạn đọc sách ngoài trời, dưới ánh nắng rực rỡ, hay dưới một bóng đèn huỳnh quang thì sao? Trang sách vẫn có màu trắng, hiển nhiên rồi.

Tuy vậy, vấn đề ở đây là: chúng ta chỉ thấy những trang sách màu trắng bởi chúng ta biết chúng màu trắng. Trong những tình huống khác nhau, ánh sáng sẽ phản chiếu từ cuốn sách và đi vào mắt của chúng ta thành những màu sắc khác nhau. Điều chúng ta nghĩ chúng ta thấy không phải là điều đang thực sự ở trước mắt.

Ảnh trên bên trái: dưới ánh đèn vàng, ảnh trên bên phải: dưới ánh sáng ban ngày; Ảnh dưới bên trái: chỉnh sửa cân bằng trắng trên máy ảnh DSLR bằng preset ánh sáng ban ngày, ảnh dưới bên phải: chỉnh sửa cân bằng trắng bằng Adobe Photoshop

Hãy nhìn những bức ảnh bên trên, các trang sách trông như có màu trắng đối với người chụp. Tuy nhiên, khi nhìn trên màn hình máy tính phát ra ánh sáng xanh của bạn, bạn sẽ thấy được màu sắc ánh sáng mà trang sách đang thực sự phản chiếu.

Dù hiệu ứng này hiển nhiên nhất với màu trắng và các màu trung tính khác, mọi màu sắc đều bị ảnh hưởng.

Cân bằng trắng và nhiếp ảnh

"Nhiệt độ" của một nguồn sáng là thuật ngữ ám chỉ mức độ trắng, cam hay xanh dương của nó. Nhiệt độ màu được đo theo độ Kelvin, tương đương với độ nóng mà một vật bức xạ màu đen lý tưởng phải đạt được để phát ra ánh sáng màu đó.

Ví dụ, ánh sáng nến có nhiệt độ màu khoảng 1.850K, trong khi ánh sáng ban ngày là khoảng 5.900K. Vấn đề càng khó hiểu hơn, khi mà ánh sáng cam (màu ấm) lại được phát ra từ các nguồn với nhiệt độ màu thấp hơn so với các nguồn sáng lạnh hơn hay xanh (dương) hơn.

Khi bạn chụp một bức ảnh với smartphone, nó sẽ tìm cách sửa nhiệt độ của ánh sáng. Nó còn tìm cách sửa trục màu xanh lá - đỏ tía, nhưng trục màu cam - xanh dương lại quan trọng hơn.

Nếu bạn chụp một bức ảnh bên cạnh một nguồn sáng ấm, nó tự động khiến hình ảnh hơi xanh (dương) hơn một chút để mọi thứ trông trung tính hơn khi bạn xem lại sau này. Nó sẽ làm điều ngược lại nếu bạn ở gần một nguồn sáng xanh dương. Mọi người đều biết rằng các trang sách có màu trắng, không phải cam hay xanh dương.

Bạn có thấy màu sắc giữa hai bức ảnh này tương đồng nhau hơn không?

Đó được gọi là cân bằng trắng (hay cân bằng màu), một khía cạnh quan trọng của nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tự làm điều này, hoặc sửa nó ở khâu hậu kỳ (các bức ảnh trên đã được chỉnh sửa trong Adobe Photoshop Lightroom). Tuy nhiên, smartphone của bạn hầu hết sẽ làm điều này một cách tự động.

Vấn đề là, trừ khi bạn làm việc với những nguồn sáng studio được kiểm soát hoàn hảo và thực hiện việc cân bằng trắng từ một bảng tham khảo màu, đạt được mức cân bằng trắng thực sự chính xác là điều bất khả thi. Ví dụ, nếu có hai nguồn sáng trong một khung hình, bạn không thể cân bằng cả hai nếu không bỏ ra kha khá công sức trong Photoshop. Cả hai bức ảnh trên đều trông chính xác hơn ảnh gốc, nhưng không cái nào thực sự chính xác cả.

Cân bằng trắng trong bức ảnh này tuy không chính xác, nhưng nó là một bức ảnh đẹp

Ngoài ra, trạng thái cân bằng trắng trung tính thực sự không nhất thiết sẽ mang lại cho bạn những hình ảnh tốt nhất, thú vị nhất, hay thậm chí là chính xác nhất. Nếu bạn chụp một bức ảnh ai đó đứng cạnh ngọn nến, bạn sẽ cần có một chút sắc cam trong ảnh để trông tự nhiên hơn.

Việc tự động cân bằng trắng đã khiến sắc cam từ những đám cháy rừng tại Mỹ bị chỉnh sửa quá tay, gây ra khó khăn cho những người tìm cách chia sẻ một cách chính xác những gì họ đang chứng kiến với ngừoi khác. Quản lý cân bằng trắng trong nhiếp ảnh là một trong những hoạt động đòi hỏi tính nghệ thuật hơn là tính khoa học.

Kiểm soát cân bằng trắng với smartphone

Tinh chỉnh cân bằng trắng trong Halide

Thông thường, cân bằng trắng không phải là thứ bạn phải kiểm soát khi chụp ảnh với smartphone. Nếu khung cảnh bạn đang chụp khiến thuật toán cân bằng trắng tự động của camera bị..."khùng", bạn sẽ phải tự mình ra tay.

Trên iPhone, bạn có thể sử dụng một ứng dụng bên thứ ba. Có hai lựa chọn đáng thử là;VSCO (miễn phí) hoặc Halide (8,99 USD).

Nếu bạn dùng điện thoại Android, mọi chuyện hơi phức tạp hơn một chút. Trên điện thoại Samsung, bạn có thể kiểm soát cân bằng trắng trong chế độ Pro. Các điện thoại khác có thể cũng có tuỳ chọn tương tự bên trong các ứng dụng camera mặc định; nếu không, bạn cần đến một ứng dụng camera bên thứ ba, như Open Camera (miễn phí).

Nhìn chung, trong một ứng dụng camera có hỗ trợ chỉnh tay cân bằng trắng, tuỳ chọn liên quan đến nó sẽ được sắp xếp thành những preset phù hợp với từng điều kiện ánh sáng khác nhau, như nhiều mây, ánh sáng ban ngày, trời râm, bóng đèn sợi tóc,... Nếu không, sẽ có một thanh trượt để bạn tinh chỉnh nhiệt độ màu theo một giá trị Kelvin tuỳ thích.

Sửa cân bằng trắng sau khi chụp xong

Sửa cân bằng trắng trong Adobe Lightroom Mobile

Tinh chỉnh độ chính xác của cân bằng trắng trong khi đang chụp là một lựa chọn, nhưng cách dễ hơn là chụp trước, sau đó mới sửa cân bằng trắng.

Khi smartphone của bạn lưu ảnh dưới định dạng JPEG hoặc HEIC, cân bằng trắng được đưa vào hình ảnh hoàn chỉnh cuối cùng. Bạn có thể thực hiện một số tinh chỉnh sau khi chụp, nhưng không quá nhiều. May thay, có một định dạng khác cho phép bạn chỉnh sửa sâu hơn ở khâu hậu kỳ: RAW.

Trong một tập tin RAW, thông tin cân bằng trắng được lưu song song với hình ảnh. Trong một trình biên tập ảnh RAW (như Lightroom hay Photoshop), bạn có thể thay đổi cân bằng trắng sang bất kỳ giá trị nào mong muốn. Điểm trừ duy nhất là bạn phải xử lý hình ảnh trước khi chia sẻ chúng, và chúng cũng chiếm nhiều dung lượng lưu trữ hơn.

Cả iOS và Android đều hỗ trợ ảnh RAW, nhưng có lẽ bạn phải dùng đến một ứng dụng camera bên thứ ba để chụp được định dạng ảnh này.

Nếu mọi thứ nói trên nghe có vẻ quá khó khăn, thì quả là như vậy. Ngay khi bạn đào sâu mò mẫm tinh chỉnh thông số thủ công, bạn sẽ thấy thế giới nhiếp ảnh trở nên chậm hơn nhiều, bởi bạn cần hiểu sâu hơn về những điều đang diễn ra để thu được những kết quả chấp nhận được.

Cách dễ dàng nhất là để smartphone của bạn đảm nhiệm nhiều việc nhất có thể. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cân bằng trắng chính xác hơn (hoặc muốn kiểm soát nó một cách sáng tạo hơn), hãy cài đặt một ứng dụng camera bên thứ ba để sử dụng khi cần đến.

Minh.T.T (theo HowToGeek)

Chủ đề khác