VnReview
Hà Nội

Tính năng HDMI VRR trên PlayStation 5 và Xbox Series X là gì?

Các game thủ PC đã được tận hưởng trải nghiệm chiến game với công nghệ tần số làm tươi động (VRR) từ nhiều năm qua. Và nay, Sony lẫn Microsoft đều sắp mang VRR vào phòng khách nhà bạn thông qua những cỗ máy console thế hệ tiếp theo.

Vậy chính xác thì VRR là gì, nó hoạt động ra sao, và liệu bạn có cần sắm TV mới để sử dụng được nó hay không?

Tại sao VRR là một tính năng tuyệt vời

Tần số làm tươi là số lần màn hình có thể cập nhật mỗi giây. Hầu hết TV và các thiết bị di động làm tươi ở tần số 60Hz, có nghĩa là có 60 khung hình riêng rẽ được thể hiện trong 1 giây. Những mẫu TV mới nhất đã nâng tần số làm tươi lên 120Hz, trong khi các mẫu màn hình chơi game chuyên dụng có thể đạt đến con số 360Hz ấn tượng.

Tốc độ khung hình là số khung hình mà một máy console hoặc PC có thể tạo ra trong một giây. Khi thiết bị nguồn không thể cung cấp đủ 60 khung hình mỗi giây, một khung hình thiếu sẽ được gửi đi để lấp đầy chỗ trống. Màn hình không quan tâm nó nhận được một khung hình hoàn chỉnh hay một khung hình thiếu; nó sẽ hiển thị bất kỳ thứ gì có được.

Điều đó dẫn đến một hiệu ứng không mấy đẹp mắt gọi là "xé hình", trong đó các khung hình thiếu được hiển thị chèn lên trên khung hình hoàn chỉnh trước đó. Bởi các khung hình được dựng theo chiều ngang, từ trên xuống dưới, hiệu ứng xé hình thể hiện dưới dạng một đường ngang không ổn định, thường nằm ở chính giữa màn hình.

Một lượng nhỏ hiệu ứng xé hình xuất phát từ một vài khung hình thiếu thỉnh thoảng xuất hiện không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, khi GPU liên tục giảm khung hình bởi quy trình dựng hình sử dụng quá nhiều tài nguyên, hiệu ứng xé hình có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hiển thị lẫn trải nghiệm chơi game. May thay, VRR có thể giúp chúng ta loại bỏ vấn đề này, để mọi game trông đẹp hơn và chạy mượt mà hơn.

Các game thủ PC đã sử dụng một tính năng gọi là V-Sync từ nhiều năm qua để khoá tần số làm tươi và tốc độ khung hình. Để V-Sync giảm được hiệu ứng xé hình một cách hiệu quả, bạn cần đảm bảo card đồ hoạ có thể bắt kịp với tần số làm tươi của màn hình. Nếu bạn đang sử dụng một màn hình 60Hz, và hiệu năng của card đồ hoạ tụt xuống dưới 60fps, bạn sẽ thấy hiệu ứng xé hình.

Mặt trái của V-Sync là bạn sẽ phải chấp nhận đánh đổi hiệu năng hoặc chất lượng đồ hoạ. Thông thường, bạn có hai lựa chọn: không bị xé hình nhưng chất lượng hình ảnh giảm đi, hoặc đồ hoạ game đẹp hơn nhưng không phải lúc nào cũng đạt 60fps.

HDMI VRR là một chuẩn mới

Để loại bỏ hiệu ứng xé hình, bạn phải thay đổi tần số làm tươi đồng thời với tốc độ khung hình. Muốn làm được điều đó, bạn cần một công nghệ tích hợp vào cả hai thành phần của vấn đề. Có nghĩa là ở một đầu, máy console hoặc card màn hình phải có tính năng VRR, và ở đầu kia, màn hình cũng phải hỗ trợ VRR.

NVIDIA và AMD đều có các công nghệ VRR của riêng họ, lần lượt gọi là G-Sync và FreeSync. FreeSync còn được sử dụng bởi Microsoft trên hai máy console là Xbox One S và Xbox One X. Trong khi đó, G-Sync lại được ưa chuộng bởi những game thủ sử dụng card đồ hoạ GTX và RTX của NVIDIA.

Màn hình phải được tích hợp các công nghệ như G-Sync và FreeSync ngay từ đầu. Trong trường hợp của G-Sync, nó đòi hỏi một con chip đặc dụng (nhà sản xuất màn hình phải trả phí bản quyền cho NVIDIA), còn FreeSync là một nền tảng mở hơn nhiều. Tuy nhiên, thời gian qua, AMD đã tách gói FreeSync tiêu chuẩn ra thêm 2 gói khác là FreeSync Premium và Premium Pro dành cho nội dung 4K và HDR.;

Dù chúng ta vẫn chưa biết mọi thứ về các máy console thế hệ tiếp theo của Sony và Microsoft, chúng đều sẽ hỗ trợ một định dạng mới gọi là HDMI VRR. Microsoft đã xác nhận rằng Xbox Series X và S có cả HDMI VRR lẫn AMD FreeSync.

Cụ thể, cả hai mẫu máy Xbox mới đều sẽ hỗ trợ VRR từ 30-120Hz, miễn là TV của bạn có thể làm điều tương tự. Bạn sẽ phải làm quen với điều này khi HDMI 2.1 chính thức xuất hiện: bạn cần đảm bảo TV hoặc màn hình của mình có mọi tính năng về hiển thị như chiếc console của mình để có thể tận dụng tối đa được chúng.

HDMI VRR được định nghĩa trong chuẩn HDMI 2.1 mới nhất, nhưng một số TV với cổng HDMI 2.0b cũng đáp ứng yêu cầu của tính năng này. Do đó, đừng kỳ vọng mọi TV tương thích HDMI 2.1 đều sẽ hỗ trợ HDMI VRR.

Trong một vài năm tới, HDMI VRR nhiều khả năng sẽ hiện diện trên các màn hình thuộc mọi phân khúc giá, nhưng hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhiều mẫu màn hình cao cấp hoàn toàn không có HDMI 2.1.

Thông số chính thức của chiếc Sony PS5 có đề cập đến "VRR (mang lại bởi HDMI ver 2.1)". Có nghĩa là HDMI VRR phụ thuộc vào chuẩn mới này. Bởi chiếc PS5 sử dụng GPU của AMD, nó cũng có thể hỗ trợ cả FreeSync giống các máy console mới của Microsoft.

Kỳ vọng gì ở phần cứng thế hệ tiếp theo

NVIDIA đã tung ra dòng card màn hình series 30 (đáng chú ý nhất là RTX 3080 và RTX 3090) vào tháng 9. Đây là những card đồ hoạ đầu tiên dành cho PC với HDMI 2.1 và hỗ trợ cả HDMI VRR lẫn G-Sync. Bởi những card này ra mắt trước những mẫu console thế hệ tiếp theo, chúng được xem là những thiết bị thương mại đầu tiên có HDMI 2.1

Chính điều này đã gây ra một số khó khăn khi muốn G-Sync hoạt động trên những màn hình HDMI 2.1 nhất định. Ví dụ, dòng sản phẩm màn hình OLED của LG không thể xuất ra hình ảnh 10-bit 120Hz 4K thực thụ mà không gặp hiện tượng chrome subsampling (4:4:4). Một bản cập nhật OTA đã được tung ra cho các mẫu 2019 và 2020 nhằm khắc phục vấn đề này, cũng như hiện tượng nháy màn hình khá kỳ quặc xảy ra ở màn hình loading.

Hiện chúng ta vẫn chưa biết được liệu những vấn đề như vậy có tiếp diễn khi các máy console thế hệ tiếp theo được kết nối với các màn hình thế hệ tiếp theo hay không. Một số vấn đề của G-Sync bao gồm màu đen quá đậm, nháy màn hình, và hiện tượng chroma subsampling khiến chữ trở nên cực kỳ khó đọc trong chế độ PC.

LG là một trong số ít các nhà sản xuất ủng hộ HDMI 2.1 ở thời điểm này, và họ nhiều khả năng không phải là hãng cuối cùng gặp những vấn đề nói trên.

Tuy nhiên, một khi lỗi được khắc phục, chơi game trên các phần cứng thế hệ tiếp theo sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời hơn nhiều so với thế hệ trước. Bạn hoàn toàn có thể mơ đến việc chơi game ở độ phân giải 4K ở 120fps.

Đồng thời, VRR sẽ đảm bảo các tựa game hoạt động mượt mà và nhanh nhạy, kể cả khi chưa đạt được nhiều mục tiêu khá khó giải quyết nói trên. Điều đó còn có nghĩa khoảng cách giữa hiệu năng sẽ trở nên khó nhận biết hơn so với thời PS4 và Xbox One.

Tuy nhiên, công nghệ mới cũng có những giới hạn. Tựa game Spider-Man Remastered cho PS5 của Sony sẽ có tuỳ chọn sử dụng ray-tracing cho một vài thành phần game, như các hình ảnh phản chiếu và một số chi tiết bóng đổ.

Bởi ray-tracing bị giới hạn ở 30fps trong chế độ ưu tiên chất lượng, tuy nhiên, công nghệ VRR sẽ không được sử dụng. Quả là điều thú vị khi mà Microsoft tuyên bố Series S và X sẽ hỗ trợ VRR từ 30-120Hz.

Đó là một lý do để sử dụng FreeSync thay cho HDMI VRR nếu phần cứng của bạn có hỗ trợ. AMD đã phát triển một công nghệ gọi là Low Framerate Compensation (LFC), giúp gameplay mượt mà hơn khi khung hình giảm xuống dưới 30fps.

Sử dụng kỹ thuật nhân đôi khung hình, FreeSync LFC giảm rung lắc khi hiệu năng game bị "bóp", nhưng nó không giải quyết được triệt để vấn đề hiệu năng kém. Nếu bạn muốn sử dụng FreeSync, bạn sẽ phải đảm bảo TV hay màn hình bạn sắp mua có hỗ trợ nó.

Công nghệ hiển thị thế hệ tiếp theo

Bạn vẫn chưa bị thuyết phục? Tại sao không chờ thêm một chút để những người khác "làm chuột bạch" thay bạn? Sẽ có rất nhiều TV được tung ra thị trường trong năm 2021-2022 hỗ trợ tính năng này, và chúng chắc chắn sẽ rẻ hơn các mẫu hiện nay.

HDMI VRR là một công nghệ thế hệ tiếp theo, dành cho một thế hệ các máy game console mới. Bên cạnh tấm nền 120Hz, cổng xuất HDMI 2.1, và độ lag nhập liệu thấp, VRR còn là một trong những tính năng hàng đầu mà bạn nên trông chờ trên chiếc TV chơi game tiếp theo.

Minh.T.T (Tham khảo HowToGeek)

Chủ đề khác