VnReview
Hà Nội

Đến lúc dừng đua PPI trong lĩnh vực smartphone?

Trang công nghệ Gizmodo vừa đăng bài phân tích cho rằng các nhà sản xuất smartphone nên dừng cuộc đua tăng mật độ điểm ảnh PPI bởi số;PPI hiện tại đã đạt ngưỡng và cao hơn nữa sẽ không có giá trị với người dùng. 

Chiếc smartphone Droid DNA mới của HTC có nhiều thông số hấp dẫn. Nó có bộ vi xử lý Snapdragon bốn lõi. Nó có màn hình 5 inch bên trong thân máy có kích thước tương đương với HTC One X hoặc Samsung Galaxy S III. Công nghệ màn hình Super LCD 3 của điện thoại này vượt trội hơn so với công nghệ Super LCD2 dùng trong màn hình của chiếc HTC 8X. Nói chung, đó là một thiết bị tuyệt vời.

Nhưng có một điều HTC đặc biệt kiêu hãnh ở điện thoại này là màn hình độ phân giải 1920 x 1080 pixel với mật độ điểm ảnh lên tới 440 điểm ảnh trên mỗi inch (PPI). Đây là mật độ PPI cao nhất trong các smartphone hiện có trên thị trường. Vậy mật độ PPI cao như vậy có thực sự giá trị với người dùng?

Theo trang công nghệ Gizmodo, các thông số công nghệ là khi vượt qua một mức độ nào đó, chúng sẽ trở nên vô nghĩa. Chắc bạn đã từng biết khi camera số lần đầu tiên xuất hiện, chúng còn rất nhiều khoảng trống để cho các nhà sản xuất cải tiến. Một trong số những cải tiến được các nhà sản xuất quan tâm và đua nhau thực hiện là tăng số lượng megapixel cho cảm biến.

Song trên thực tế, tăng thêm chi tiết cho cảm biến chỉ làm tăng kích thước của hình ảnh, chứ không góp phần cải thiện chất lượng. Vì vậy, vào giữa những năm 2000, tăng số lượng megapixel đã không còn được coi là một cải tiến với máy ảnh số hay nói cách khác là các nhà sản xuất cũng không còn đua tăng số lượng megapixel cho máy ảnh số nữa. Thực tế, máy ảnh cảm biến 5 megapixel có thể còn chụp ảnh đẹp hơn máy ảnh cảm biến 10 megapixel. Trừ khi bạn có dự định chụp ảnh ở kích cỡ lớn để treo tường, nếu không thì số lượng megapixel thực sự không có ý nghĩa nhiều.

Sau cuộc đua tăng số lượng megapixel, có vẻ như các nhà sản xuất smartphone bây giờ đang bước vào cuộc đua mới: tăng số PPI. Tương tự như số megapixel, số PPI quá lớn thực ra chỉ có giá trị tiếp thị đối với các nhà sản xuất.

Màn hình lớn độ phân giải Full-HD đang là xu hướng của các nhà sản xuất smartphone hiện nay (ảnh Gizmodo)

Bạn sẽ được gì ở màn hình 5 inch độ phân giải Full-HD 1920 x 1080 pixel của HTC? Xét ở lợi ích với người dùng, độ phân giải này không có nhiều ý nghĩa. Theo các nhà nghiên cứu, mắt người không ra được các chi tiết nhỏ (điểm ảnh) khi màn hình đạt độ phân giải trên 300 PPI. Tiến sĩ Raymond Soneira của hãng nghiên cứu về màn hình DisplayMate cho rằng màn hình được coi là "Retina" thực sự (Retina là khái niệm của Apple ám chỉ màn hình có mật độ điểm ảnh cao đến mức mắt người không nhận thấy được điểm ảnh, nói cách dễ hiểu là độ phân giải hoàn hảo với mắt người) phải có mật độ điểm ảnh tới 477 PPI.

Nhưng có một số nhà nghiên cứu khác, như giáo sư Bryan Johns của Trường đại học Utah (Mỹ) lại nhận định ở khoảng cách nhìn khoảng 30 cm, màn hình sẽ hiển thị ở độ phân giải hoàn hảo với mắt người khi có độ phân giải từ 287 PPI trở lên. Bản thân tiến sĩ Raymond Soneira cũng khẳng định hiệu ứng "Retina" đạt được khi bạn nhìn vào màn hình độ phân giải 300 PPI ở khoảng cách 18 inch (45 cm). 30 cm đến 45 cm là khoảng cách chúng ta thường nhìn vào điện thoại.

Vậy có cần tăng độ phân giải của smartphone để xem được phim HD không? Thực sự là không cần thiết. Để nhận thấy được sự khác biệt của phim độ phân giải full-HD, bạn cần có một màn hình đủ lớn và ngồi xem ở khoảng cách hợp lý. Ví dụ với màn hình 50 inch, khoảng cách xem để bạn có thể phân biệt được sự khác biệt giữa phim HD 720p và Full-HD 1080p là 2 mét. Với điện thoại, để thấy được hết độ nét 1080p, bạn cần giữ điện thoại ở khoảng cách với mắt từ 15-20 cm. Trong thực tế, không ai sử dụng điện thoại ở khoảng cách nhìn gần như vậy.

Lợi ích đáng kể duy nhất của màn hình điện thoại Full-HD là bộ vi xử lý của máy không phải tốn nguồn lực để hạ độ phân giải khi xem các nội dung HD. Nhưng độ phân giải màn hình quá cao cũng có hạn chế là pin hao nhanh hơn và ngốn nhiều nguồn lực xử lý của điện thoại.

Vậy phải chăng cuộc đua về độ phân giải màn hình smartphone nên chấm dứt? Không hẳn như vậy bởi có nhiều cách cải thiện chất lượng màn hình. Nhưng chúng ta đã đạt đến ngưỡng trong cuộc chiến về mật độ điểm ảnh - cao hơn nữa sẽ không có giá trị với người dùng mà hầu như chỉ có tác dụng để làm tiếp thị.

Thanh Phong

Chủ đề khác