VnReview
Hà Nội

Điện thoại sẽ nóng như thế nào khi sạc ở công suất 120W?

Vài năm gần đây, chúng ta đã thấy một cuộc cách mạng trong công nghệ sạc nhanh, từ những đột phá ban đầu với nhiều bộ sạc 20W – 30W đến các công nghệ 40W – 60W phổ biến hiện nay. Nhưng năm 2020 đã đưa chúng ta đi xa hơn nữa khi một vài bộ sạc 120W hiện đã xuất hiện trên thị trường.

Điện thoại sẽ nóng như thế nào khi sạc ở công suất 120W?

Những con số này hứa hẹn chiếc điện thoại của bạn có thể được sạc đầy pin từ mức cạn kiệt chỉ trong vòng vài phút. Dẫu vậy, điều này cũng khiến những lo ngại về tuổi thọ của pin dần tăng lên. Đã có nhiều cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này xuất hiện trên mạng internet. Thế nhưng, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Và để xem xét kỹ hơn cách sạc 120W hoạt động cũng như tốc độ thực sự của nó, Android đã thử nghiệm bộ sạc 120W đi kèm bên trong Xiaomi Mi 10 Ultra.

Độ hiệu quả khi sạc

Điều đầu tiên mà Android Authority muốn kiểm tra: liệu bộ sạc cung cấp công suất bao nhiêu và chiếc điện thoại có thực sự nhận được 120W hay không. Kết quả khá thú vị, bộ sạc 120W của Xiaomi thực sự "chỉ" cung cấp 80W cho cho Mi 10 Ultra. Có lẽ, 120W chỉ khả thi trong phòng thí nghiệm của Xiaomi, và con số đó chưa thể xuất hiện trong thế giới thực. May mắn là bộ sạc này của Xiaomi lại không lãng phí mức 40W bị thiếu đó.

Ban đầu, công suất của cục sạc đạt 92,3W, sau đó nhanh chóng giảm xuống còn 86,4W trong phần lớn quá trình sạc. Như vậy, chỉ 6,3W (tương đương 7,3%) năng lượng bị lãng phí trên cục sạc lẫn dây, tốt hơn nhiều so với những bộ sạc công suất thấp hơn, chiếm ít phần trăm tổng công suất hơn. Nói cách khác, phần trăm công suất mà thiết bị nhận được cao hơn khá nhiều. Đó có thể là do Xiaomi áp dụng công nghệ GaN hiệu quả hơn trong bộ sạc của mình.

Điện thoại sẽ nóng như thế nào khi sạc ở công suất 120W?

Ví dụ, bộ sạc 40W của Huawei lãng phí 5,5W, thế nhưng, con số này chiếm đến 19% tổng năng lượng tiêu thụ của nó. Tương tự, bộ sạc 27W của Poco F2 Pro hao phí mất 5,6W, tương đương 17% công suất của cục sạc, trước khi được đưa đến điện thoại. Mức công suất hao phí từ các bộ sạc của Samsung và Google cũng hoàn toàn tương tự.

Quan trọng hơn, việc sạc điện thoại với bộ sạc 120W của Xiaomi sẽ không làm tăng hóa đơn điện của bạn so với bất kỳ bộ sạc nào khác có trên thị trường. Trên thực tế, nó thực sự hiệu quả hơn nhiều so với các bộ sạc tặng kèm trong hộp nào khác nhờ vào công nghệ GaN tiên tiến.

Tốc độ khi sạc 120W (80W)

Lưu ý: Do bộ sạc của Xiaomi không thực sự cung cấp 120W, thế nên, bài viết sẽ sử dụng mức công suất 80W trong biểu đồ cũng như phân tích. Điều này phản ánh thực tế thử nghiệm của Android Authority hơn. Để có được biểu đồ, Android Authority đã theo dõi toàn bộ quá trình khi sạc Mi 10 Ultra ở nhiều bộ sạc có công suất khác nhau, bao gồm bộ sạc của Xiaomi cùng các bộ sạc USB-PD khác, cho đến lúc đầy pin.

;

Thay vì 120W, mức công suất thực tế 80W vẫn mang lại tốc độ sạc khá ấn tượng. Cụ thể, nó chỉ mất 21 phút để sạc từ 0% đến mức đầy pin, hoặc đạt 25% pin chỉ trong vòng 3 phút sạc. Đây rõ ràng là những con số cực kỳ ấn tượng, đặc biệt là khi điện thoại sở hữu 2 viên pin 2.250mAh, mang đến tổng dung lượng 4.500mAh.

Một điều đáng ngạc nhiên khác là khi sạc ở mức 50W, tốc độ sạc cũng nhanh tương tự. Quá trình sạc từ 0% đến đầy pin chỉ mất 29 phút và chỉ mất hơn 5 phút để chạm mốc 25%. Sự khác biệt chỉ vài phút này cho thấy con số 120W chỉ mang tính chất tiếp thị hơn là một sự thay đổi mang tính cách mạng đối với thói quan sạc pin của chúng ta. Rõ ràng, sẽ rất khó để chúng ta phân biệt công nghệ sạc có công suất hơn 60W của Xiaomi với những bộ sạc nhanh khác có trên thị trường nếu không có các phép đo như vậy.

Quá trình sạc Xiaomi Mi 10 Ultra bằng bộ sạc 18W truyền thống sẽ lâu hơn đáng kể. Con số 68 phút để sạc đầy pin vẫn ổn đối với các tiêu chuẩn hiện đại, nhưng nó chậm hơn đáng kể so với 2 thử nghiệm phía trên. Dĩ nhiên, khi tăng công suất, thời gian sạc sẽ giảm đi. Chẳng hạn, mức công suất 32W (nằm giữa khoảng cách từ 18W đến 50W) giúp thời gian sạc giảm xuống chỉ còn 39 phút, nhanh hơn rất nhiều so với bộ sạc 18W. Tuy nhiên, mức chênh lệch 8 phút giữa 50W và 80W là khá vô nghĩa.

Nhiệt độ và sức khỏe pin

Thời gian sạc siêu nhanh chắc chắn là một điều tuyệt vời, nhưng sẽ không tốt lắm khi ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ dài lâu của pin. Nhiệt độ là tác nhân chính ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin, thế nên, Android Authority cũng theo dõi nhiệt độ của pin bằng phần mềm trong suốt quá trình thử nghiệm.

Thực tế, dữ liệu từ cảm biến của pin có thể không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, do sử dụng cùng một chiếc smartphone trong suốt thử nghiệm, nó vẫn là một con số tham chiếu tốt để so sánh, dù ở mức tương đối.

 

Khi sạc ở 80W, Xiaomi Mi 10 Ultra trở nên khá nóng, chạm mốc nhiệt độ tối đa, 43,8°C. Chắc chắn, con số này sẽ còn cao hơn nếu điện thoại cố gắng đạt mức 120W đầy đủ. Điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ của pin, vì nhiệt độ lý tưởng cho linh kiện này nên duy trì ở mức dưới 40°C. Với việc chỉ mất 21 phút để sạc, viên pin bên trong sẽ không phải tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, mức thời gian đó vẫn đủ để khiến chúng ta lo ngại. Lưu ý rằng, nhiệt độ sẽ dần được giảm xuống khi phần trăm pin chạm mức 70%. Điều đó có thể là do thiết bị đã hạ công suất xuống, không còn duy trì ở mức công suất ban đầu nữa.

Với mức 50W, nhiệt độ đỉnh chạm ngưỡng 39,1°C, mát hơn 4,7°C so với sạc 80W, gần chạm ngưỡng nhiệt độ khuyến cáo tối đa. Mức nhiệt độ đỉnh này cũng chỉ xuất hiện ở gần cuối chu kỳ sạc tối đa, trong khi chế độ 80W lại tăng nhanh hơn nhiều. Trong phần lớn quá trình sạc, nhiệt độ của thiết bị chưa vượt ngưỡng 37°C, không quá tệ. Do thời gian sạc đầy ở công suất 50W chỉ chậm hơn 8 phút so với 80W, đây có vẻ như là một sự đánh đổi đáng giá.

Tuy vậy, với công suất 18W, cảm biến pin còn không thể vượt ngưỡng 30°C. Nhiệt sẽ mất nhiều thời gian tích tụ hơn khi sạc ở mức công suất thấp hơn này. Điều này có nghĩa là pin cũng nguội nhanh hơn. Mức chênh lệch 14,7°C này so với 80W tạo ra sự khác biệt rất đáng kể, dẫu vậy, nó lại đánh đổi bằng thời gian sạc chậm đi đáng kể. Có lẽ, mức lý tưởng nhất để cân bằng nhiệt độ và thời gian sạc pin sẽ nằm trong khoảng 30W – 40W.

Cũng cần nhớ rằng, tùy chọn 120W sẽ đưa dòng điện cao hơn vào pin, làm tăng nhiệt độ. Đây cũng là một điều quan trọng đối với tuổi thọ pin. Với nhiệt độ cao hơn, nếu Xiaomi thực sự đưa 120W đến thiết bị, nó chắc chắn sẽ tác động rất tiêu cực đến dung lượng pin về lâu về dài. Việc sạc thiết bị ở mức công suất thấp hơn là cách an toàn nhất để đảm bảo viên pin bên trong có thể dùng được nhiều năm.

Vậy sạc 120W có thực sự xứng đáng?

Điện thoại sẽ nóng như thế nào khi sạc ở công suất 120W?

Tất nhiên, 120W có ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Việc sử dụng 120W của Xiaomi chắc chắn sẽ tạo ra nhiều lo ngại về nhiệt độ cao khi sạc. Mức công suất 50W có thể chậm hơn vài phút nhưng nó lại mát hơn khá nhiều so với 80W.

Dẫu vậy, 120W rõ ràng sẽ hữu dụng hơn khi cần sạc trong tình huống cấp bách. Chắc chắn, với việc duy trì nhiệt độ cao trong quá trình sạc, ảnh hưởng xấu đến thời lượng pin, bạn chỉ nên sử dụng nó khi pin của điện thoại đang ở mức cạn kiệt và bạn có ít thời gian để sạc. Hãy chuyển sang sử dụng những bộ sạc có công suất thấp hơn, sạc chậm hơn vài phút, nhưng đổi lại, viên pin của bạn sẽ có tuổi thọ lâu dài hơn.

Riêng với Xiaomi, nếu thực sự muốn 120W trở nên hữu ích hơn, họ cần phải tìm một giải pháp hợp lý để giữ cho viên pin bên trong mát hơn. Điều này sẽ giúp giữ lại lợi ích trong việc sạc nhanh nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe của pin trong thời gian dài. Giá trị thực sự của việc sạc nhanh là giúp bạn nạp pin nhanh chóng để bạn có thể tận hưởng ngay, nhưng nó sẽ không đáng để bạn đánh đổi tuổi thọ của pin nếu sử dụng thường xuyên.

Các công ty smartphone sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giảm thiểu những vấn đề liên quan đến tuổi thọ của pin khi sử dụng sạc nhanh. Rốt cuộc, sạc 120W hiện tại của Xiaomi chỉ là một tính năng thử nghiệm hơn là một thứ đã sẵn sàng để triển khai chính thức.

Minh Hùng theo Android Authority

Chủ đề khác