VnReview
Hà Nội

Hiểu lầm lớn nhất về pin smartphone: chai pin do cắm sạc quá lâu

Nếu bạn phải nhấp nhỏm canh điện thoại sạc đầy pin để rút điện thì đừng lo. Điện thoại thông minh được gọi là "thông minh" vì nhiều lý do. Một trong số đó là theo dõi pin và đảm bảo rằng pin không sạc quá mức.

Công nghệ về pin hiện nay tiến bộ hơn trước rất nhiều, và những lo lắng chai pin do cắm sạc quá lâu là không cần thiết.

Hãy sử dụng một ví dụ trong thế giới thực để so sánh pin: bình xăng xe máy. Xe máy có bình xăng kích thước khác nhau tùy theo mẫu xe, hãng xe. Đối với bình xăng, chúng ta đo bằng lít. Đối với pin, đơn vị đo bằng vôn. Ví dụ, xe máy LEAD có bình xăng chứa được 6 lít xăng, còn một cục pin AAA có thể sạc lại được chứa 1,5 vôn.

Khi đổ xăng xe máy, tất nhiên chúng ta sẽ hãm lại khi đầy bình xăng. Smartphone cũng tương tự như vậy, nhưng không cần phải "hãm" một cách thủ công, mà có một thiết bị điện tử đo khi pin được sạc đầy đến 1,5 vôn và nó sẽ tự động ngừng sạc khi đạt đến điểm đó. Đó là một mạch được tích hợp trong cả pin và điện thoại để theo dõi điện áp, cường độ dòng điện và truyền đạt thông tin qua lại. Khi đạt đến mức tối đa, điện thoại sẽ sử dụng mạch điện để ngắt dòng điện và dừng sạc để ngăn pin bị chai do sạc quá mức.

Hiểu lầm lớn nhất về pin smartphone: chai pin do cắm sạc quá lâu

Theo anh Nguyễn Ngọc Nam, chuyên gia về pin thuộc Bkav Electronics, nhà sản xuất Bphone, cho biết cấu tạo bên trong pin smartphone gồm một cực dương, cực âm, bộ phân tách, chất điện phân và hai bộ thu dòng điện (dương và âm). Vật liệu phân tách là một tấm nhựa rất mỏng được đục lỗ. Như tên của nó, nó phân tách các điện cực âm và dương trong khi cho phép các ion đi qua.

Điện cực dương được làm bằng oxit Lithium coban (LiCoO2). Điện cực âm được làm bằng carbon nhẹ. Lithium cũng là một nguyên tố phản ứng cao, có nghĩa là có thể lưu trữ nhiều năng lượng trong các liên kết nguyên tử của nó. Khi pin sạc, các ion liti di chuyển qua chất điện phân từ điện cực dương sang điện cực âm và gắn vào cacbon. Trong quá trình phóng điện, các ion liti di chuyển trở lại LiCoO2 từ cacbon.

Smartphone ngày nay thông minh hơn, nếu bạn đang sử dụng bộ sạc đi kèm với điện thoại, nó sẽ sạc nhanh khoảng 80%, sau đó tốc độ sạc chậm xuống cho đến 100%. Điện thoại thực sự không bao giờ đạt mức 100% để pin không bị quá tải.

Theo anh Nam giải thích, pin điện thoại để không cũng sẽ có dòng rò rỉ, làm pin sụt dần dù không dùng. Nếu bạn đang cắm sạc, lúc này máy sẽ tiếp tục sạc cho đến khi đầy thì tự ngắt. Nhưng thậm chí bạn cắm sạc lâu cũng không phải là nguyên nhân làm chai pin. Chai pin chỉ xảy ra khi một số thành phần hóa học trong pin không phản ứng (do nhiệt độ cao) để tạo ra dòng điện nữa.

Vậy có lời khuyên nào để hạn chế chai pin không? Theo anh Nam, công nghệ pin hiện nay tương đối tiến bộ nên cách dùng của người sử dụng smartphone phổ thông không ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ pin. Trên lý thuyết, vòng đời pin hiện nay là 500 lần sạc xả từ 0% đến 100% (tức là sử dụng từ đầy 100% pin cho đến cạn kiệt rồi sạc lại liên tục như vậy 500 lần, tương đương 1,5 năm). Ở mức này, pin sẽ còn lại 80% dung lượng, tức là 20% chai. Nếu sử dụng khoảng còn 30% rồi cắm sạc đến đầy, tuổi thọ pin được 2 năm.

Nghĩa Hưng

Chủ đề khác