VnReview
Hà Nội

Lý do smartphone không thể được ráp như máy tính

Dù sức mạnh ngày càng được cải tiến, smartphone vẫn chưa có khả năng lắp ráp, thay linh kiện như máy tính.

Nếu được lắp ráp như máy tính, người dùng sẽ có thể nâng cấp cấu hình smartphone bằng cách thay RAM, camera, màn hình hoặc chip xử lý theo sở thích mà không cần mua điện thoại mới. Thiết kế của chúng cũng sẽ đa dạng hơn với khả năng mua hoặc tự sản xuất vỏ điện thoại.

Một số ý tưởng smartphone lắp ghép (dạng module) từng xuất hiện nhưng đều thất bại. Nhiều lý do khác nhau khiến smartphone vẫn chưa có khả năng lắp ráp, thay thế linh kiện như máy tính.

Có nhiều lý do khiến smartphone không có khả năng lắp ráp, thay linh kiện như máy tính. Ảnh:;Digital Trends.

Ảnh hưởng đến doanh số nhà sản xuất

Nếu smartphone có thể lắp ráp hoặc thay linh kiện như máy tính, người dùng có khả năng không còn nâng cấp điện thoại mỗi 1-2 năm như hiện nay. Thay vào đó, họ chỉ cần mua mới các linh kiện quan trọng như chip xử lý, RAM, camera hay bộ nhớ trong để thay cho linh kiện cũ.

Việc người dùng kéo dài chu kỳ nâng cấp smartphone sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh số của nhà sản xuất. Đó là lý do smartphone được nâng cấp liên tục mỗi năm với chip xử lý mạnh, nhiều RAM và camera tốt hơn để thu hút người dùng nâng cấp.

Bảo hành phức tạp

Nguyên nhân khiến ráp máy tính được nhiều người chọn là do máy bộ (máy ráp sẵn) thường sử dụng linh kiện không quá tốt, cấu hình thấp hơn so với mua linh kiện rồi tự ráp với cùng chi phí.

Trong khi đó với smartphone, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khiến các nhà sản xuất rất thận trọng khi lựa chọn linh kiện cho điện thoại. Dịch vụ hậu mãi, sau bán hàng cũng được quan tâm hơn.

Nếu tự lắp ráp linh kiện cho smartphone, chế độ bảo hành hoặc hỗ trợ sau bán hàng có thể khá phức tạp. Ví dụ nếu camera trên máy bị hỏng, người dùng sẽ phải mang nó đến nhà sản xuất camera để bảo hành.

Khác với máy tính, smartphone có nhiều linh kiện nhỏ và phức tạp. Ảnh: iFixit.

Không tối ưu chi phí

Một số hãng smartphone thường sử dụng chip nhớ hoặc chip xử lý từ một nhà cung ứng trong nhiều năm. Điều đó khiến giá thành cung cấp chip có thể được giảm.

Bằng cách này, các hãng smartphone có thể định giá cho sản phẩm dựa trên doanh số bán hàng dự kiến, giá đặt linh kiện và nhu cầu người dùng. Nếu smartphone có thể lắp ráp, giá của mỗi linh kiện luôn cố định, thường sẽ cao hơn so với khi được các hãng smartphone đặt mua với số lượng lớn.

Kỹ thuật ráp smartphone phức tạp

Việc lắp ráp máy tính chỉ đòi hỏi các dụng cụ cơ bản như tua vít, không cần tay nghề quá cao. Do linh kiện máy tính như CPU, RAM hay ổ cứng có kích thước lớn, người dùng có thể gắn vào máy hoặc cắm dây kết nối bằng tay.

Trong khi đó, smartphone có kích thước nhỏ hơn nên các linh kiện cũng tương đối nhỏ, rất khó lắp trực tiếp bằng tay mà phải cần công cụ chuyên dụng. Điện thoại còn có nhiều linh kiện phức tạp như chip NFC, chip Wi-Fi với hình dạng giống nhau nên rất khó phân biệt. Việc cài đặt hệ điều hành cho điện thoại cũng phức tạp hơn máy tính.

Từng có nhiều smartphone cho phép gắn thêm linh kiện nhưng đều không gây tiếng vang. Ảnh: The Verge.

Motorola từng ra mắt dòng sản phẩm Moto Z với khả năng lắp ghép thêm phụ kiện thông qua kết nối nam châm ở mặt lưng. Dù không cho phép thay pin hay camera, hệ thống này giúp bổ sung nhiều phụ kiện cho máy như loa, pin hay máy chiếu. Tuy nhiên, Moto Z và bộ phụ kiện nam châm Moto Mods không gây tiếng vang lớn do giá đắt và cồng kềnh.

LG cũng từng áp dụng ý tưởng lắp ghép phụ kiện lên mẫu smartphone cao cấp G5 ra mắt năm 2016. Những phụ kiện này được gắn vào máy thông qua phần nắp pin bên dưới. Thiết kế này được cho là khá thông minh, tuy nhiên hàng loạt báo cáo về lỗi đột tử trên smartphone LG khiến người dùng e dè khi lựa chọn sản phẩm.

Project Ara, ý tưởng smartphone có thể lắp ráp của Google đã không bao giờ được thương mại hóa. Ảnh: Google.

Project Ara của Google được xem là chiếc smartphone lắp ráp thực thụ. Những bộ phận như camera, chip xử lý được tách thành từng module khác nhau, người dùng sẽ gắn chúng vào một bo mạch chủ để tạo ra chiếc smartphone hoàn chỉnh. Tuy nhiên, dự án này không bao giờ được thương mại hóa.

Một số nguyên nhân khiến Project Ara thất bại như thiết kế cồng kềnh so với những smartphone khác, hệ sinh thái không có triển vọng, khả năng tương thích không tốt và có thể khiến Google thua lỗ nếu dành quá nhiều tiền đầu tư vào phần cứng.

Theo Zing

Chủ đề khác