VnReview
Hà Nội

"Mổ" tay cầm DualSense của PlayStation 5: thiết kế phức tạp, khó sửa chữa hơn thế hệ trước

Một số người có thể coi thường độ phức tạp của tay cầm chơi game, đặc biệt là khi so sánh với chiếc console mà nó phải kết nối. Tuy nhiên, với mức độ hao mòn lớn do đặc tính sử dụng, thiết kế mô-đun và khả năng sửa chữa cao chắc chắn là điều quan trọng hơn hết đối với những phụ kiện chơi game thiết yếu như thế này.

iFixit mổ bụng tay cầm DualSense của PlayStation 5

Và mới đây, dựa vào bài mổ bụng của iFixit, chúng ta đã có thể thấy chiếc tay cầm điều khiển DualSense của PlayStation 5 phức tạp như thế nào, dù một số thành phần bên trong vẫn có thể sửa chữa.

Chiếc tay cầm chính thức này của PlayStation 5 có 2 tính năng nổi bật. Cụ thể, adaptive trigger sẽ cho phép những nhà phát triển game điều chỉnh mức độ kháng của các nút này, trong khi hệ thống xúc giác mới sẽ loại bỏ những động cơ rung cũ kỹ và thay bằng các trình điểu khiển xúc giác khá lớn. Đáng tiếc, chỉ 1 trong 2 thứ này có khả năng sửa chữa thay thế dễ dàng.

Dẫu phức tạp là thế, mọi linh kiện của adaptive trigger đều có thể thay thế được thay thế dễ dàng nhờ vào thiết kế mô-đun. Trong khi đó, các trình điều khiển xúc giác lại được kết nối với bo mạch chủ bằng những sợi dây "hàn chết", khiến việc thay thế nó trở nên khó khăn và rủi ro hơn.

Bên cạnh đó, dẫu các nút bấm trong DualSense cũng khá dễ dàng để thay thế, thế nhưng, cổng USB-C lại được cố định chắc chắn bằng thiếc hàn trên bo mạch chủ. Viên pin lớn có lẽ là thành phần dễ dàng lấy ra và thay thế nhất, dù được bao bọc kỹ hơn, trong khi các cần xoay analog lại được cố định trên bo mạch.

Việc cố định cần xoay analog này có thể là một sự lo ngại đối với những người chơi PlayStation lâu năm. Dường như, cần xoay analog trên DualSense khá giống với phiên bản trên DualShock 4, vốn nổi tiếng về những vấn đề trôi cần. Thế nên, nếu trong trường hợp tay cầm của PlayStation 5 cũng bị tình trạng tương tự, việc sửa chữa nó sẽ trở nên phức tạp hơn mức cần thiết.

Minh Hùng theo SlashGear

Chủ đề khác