VnReview
Hà Nội

2020: năm “tử thần” của những kẻ huỷ diệt flagship

Mỗi năm, chúng ta lại ngóng chờ để thấy OnePlus, Xiaomi, Asus, và nhiều hãng cửa dưới khác tung ra những siêu phẩm thách thức các nhà vô địch như iPhone và series Samsung Galaxy S. Được gọi bằng cái tên trìu mến "kẻ huỷ diệt flagship", chúng mang lại hi vọng cho không ít người tiêu dùng luôn tin rằng cấu hình cao không nhất thiết phải đi kèm mức giá khủng.

Ấy thế nhưng, đã hơn 3/4 của năm 2020 trôi qua, số lượng những "kẻ huỷ diệt flagship" có khả năng làm thị trường dậy sóng lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kể cả OnePlus, hãng vừa tung ra hai mẫu OnePlus 8 và OnePlus 8 Pro, cũng không đưa ra những tuyên bố hùng hồn như trước, bởi các điện thoại của họ hiện đã có giá ngang ngửa các ông lớn. Và điều đó cho thấy từ nay đến cuối năm, có lẽ sẽ chẳng còn mấy cái tên được bổ sung vào danh sách.

OnePlus từ "kẻ huỷ diệt flagship" trở thành flagship đúng nghĩa

Hãy bắt đầu bằng cái tên người ta vẫn nghĩ đến ngay khi nói về "kẻ huỷ diệt flagship". OnePlus không còn là chiếc điện thoại flagship giá rẻ như trước nữa. OnePlus One ra mắt năm 2014 từng khiến mọi người choáng váng với chip flagship Snapdragon 801, RAM 3GB, và màn hình LCD 5.5-inch, 1080p, cùng mức giá chỉ 299 USD. Nhãn hiệu Trung Quốc tiếp tục xu hướng này mỗi năm, dù mức giá dần được đẩy lên khoảng 40 USD qua từng thế hệ máy. Đến năm 2018, điện thoại OnePlus đã vượt mốc 500 USD, và đến chiếc OnePlus 8 Pro của năm nay, giá bán đã gần đạt 1.000 USD.

Dù thích hay không, thì OnePlus đã không còn là một "kẻ huỷ diệt flagship" nữa. OnePlus 8 Pro rõ ràng là một mẫu flagship chất lượng, với giá bán không còn "huỷ diệt" nữa. Ngay cả chiếc OnePlus 8 ít tính năng hơn cũng có giá gần với những mẫu flagship cửa dưới của Samsung, như S20. Thay đổi của OnePlus thực sự đã để lại một lỗ hổng lớn trong lòng người tiêu dùng và thị trường smartphone nói chung.

Tình hình thị trường

Thị trường smartphone hiện đang tiềm ẩn một vấn đề thứ hai: niềm tin vào nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang bị lung lay bởi những vụ tranh chấp thương mại từ đầu năm đến nay. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đặt những dấu chấm hỏi cho khả năng hỗ trợ lâu dài đối với công nghệ của họ. Người tiêu dùng phải chờ đợi hàng tháng trời trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hết deadline này đến deadline nọ nhằm kéo các công ty Mỹ khỏi những mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc hồi năm ngoái. Rất ít người sẵn sàng mạo hiểm mua những thiết bị mà một ngày đẹp trời có thể không được phép chạy phần mềm họ đã quen thuộc nữa, như Android và Qualcomm.

Các điện thoại Trung Quốc như OnePlus hay Xiaomi và nhiều công ty con của họ (Pocophone, Redmi) từng là những "kẻ huỷ diệt flagship". Nhưng mối quan hệ không đoán trước được giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến cộng đồng quốc tế bớt tự tin đi nhiều khi đưa ra quyết định mua những chiếc điện thoại đó.

Ngoại trừ OnePlus, các mẫu flagship giá rẻ mới được tung ra thị trường gần đây tỏ ra khá kín tiếng. Mặc cho sở hữu chip Snapdragon 855 và màn hình AMOLED cỡ lớn, Meizu 16T chỉ được âm thầm ra mắt hồi tháng 10. Tương tự, những "kẻ huỷ diệt flagship" khác như Realme X2 Pro và Asus Zenfone 6 cũng lặn ngụp không tăm hơi dù có mức giá khá thân thiện.

Nguyên nhân tăng giá

Một trong những linh kiện đắt đỏ nhất của một chiếc điện thoại flagship là vi xử lý. Người mua điện thoại flagship kỳ vọng sẽ được sử dụng vi xử lý mới nhất, mạnh nhất, mà cái tên của năm nay chính là Snapdragon 865. Lý do khiến Snapdragon có giá tăng cao gần gấp đôi so với thế hệ trước là bởi nó có modem 5G. Nếu các nhà sản xuất có thể tự tạo modem 5G của riêng mình, họ sẽ chẳng lo lắng gì. Những "kẻ huỷ diệt flagship" thì phải chật vật tính toán làm sao để dùng được 865 mà vẫn duy trì được mức giá thấp, hoặc phải chấp nhận sử dụng những con chip cũ hơn.

Những "kẻ huỷ diệt flagship" cũng hiếm khi tham gia vào cuộc đua camera. Chúng có thể có nhiều RAM và vi xử lý khủng để so kè với các ông lớn, nhưng khoản camera để chiều lòng nhóm người dùng thích chụp ảnh thì chưa bao giờ được quan tâm nhiều đến thế. Các module camera ngày nay đang dần phức tạp hơn. Xu hướng flagship lúc này là cụm camera lên đến 5 cảm biến trên một thiết bị, có thể bao gồm nhiều ống kính và thêm cảm biến ToF nữa. Không cần nói cũng biết chi phí chỉ có thể đi lên mà thôi!

Hướng tiếp cận mới

Google và Apple dường như đã "tìm ra bí kíp" với những chiếc điện thoại sở hữu chỉ một hoặc hai tính năng xuất sắc, trong khi có mức giá khá bèo bọt. Chúng ta đang nói đến Pixel 3a và iPhone SE. Chiếc đầu tiên giỏi chụp ảnh, chiếc thứ hai...là sản phẩm của Apple. Và người mua rõ ràng rất hào hứng với Pixel 3a, cũng như với iPhone SE nữa.

Dù những thiết bị cơ bản như vậy có thể không phải là những "kẻ huỷ diệt flagship" nhiều người trông đợi, chúng vẫn có ưu thế của riêng mình để thuyết phục người mua. Flagship hay không, những chiếc điện thoại giá rẻ cũng phải đối đầu với nhau trong một cuộc chiến riêng và cần phải chiến thắng. Những "kẻ huỷ diệt flagship" mới nhất cố gắng nhồi nhét mọi thứ, nhưng hướng đi này có vấn đề. Chúng bị đè nặng dưới áp lực chi phí ngày càng tăng đến từ những cụm camera và vi xử lý. Giá của chúng đang ngày một tiệm cận với những chiếc flagship thực thụ, nhưng nhiều trong số những chiếc flagship giá tốt kia có thể không nhận được sự hỗ trợ lâu dài từ nhà sản xuất để thuyết phục người mua xuống tiền.

Dù thiếu sạc không dây, không hỗ trợ 5G, hay camera chỉ 1-2 ống kính, những "kẻ huỷ diệt flagship" ngày xưa luôn chấp nhận bỏ qua một vài tính năng để giữ giá thấp. Những câu chuyện thành công như OnePlus One và Pocophone F1 cho thấy luôn có những nhóm người tiêu dùng hoàn toàn hài lòng với sự thiếu hụt đó.

Minh.T.T;(theo SlashGear)

Chủ đề khác