VnReview
Hà Nội

Chúng ta có đang quá phụ thuộc vào các dịch vụ miễn phí của các hãng công nghệ lớn?

Đây là một câu hỏi mà chính chúng ta đôi khi cũng không thể trả lời được.

Trong một thế giới nơi chúng ta được hưởng rất nhiều dịch vụ miễn phí từ email, nghe nhạc, xem video đến lưu trữ, rõ ràng chúng ta đang vô tình trở thành "nô lệ" cho những dịch vụ này lúc nào không hay.

Trong bài viết này, VnRevieww xin được chuyển ngữ quan điểm của cây viết Chris Burns đến từ trang Slashgear.; Các quan điểm được đưa ra chủ yếu nhắm tới Google và một phần liên quan tới cả Apple và Facebook. Điều này không phải vì một thương hiệu có hành vi sai trái nhiều hơn thương hiệu kia mà là vì Google có rất nhiều các dịch vụ miễn phí và dưới đây là những lưu ý trước khi đăng ký bất kỳ một dịch vụ nào.

Các hãng công nghệ muốn người dùng đi theo hướng của họ

Khi Google Music ra mắt, Google đã mang tới một hệ thống lưu trữ và phát nhạc trực tuyến dường như quá tốt. Bạn hoàn toàn có thể tải tất cả các file MP3 trên máy tính lên Google Music. Sau đó, bạn có thể phát trực tuyến miễn phí tất cả các file nhạc đó trên bất kỳ thiết bị nào có cài ứng dụng Google Music.

Nhưng trong năm qua, Google đã tuyên bố sẽ khai tử Google Music và chuyển hướng sang một dịch vụ mới có tên YouTube Music.

Google cũng tung ra một công cụ tương đối đơn giản để chuyển nhạc từ dịch vụ này sang dịch vụ khác. Vào tháng 10/2020, Google Music đã chính thức bị "khai tử" và biến mất. Bạn sẽ có các tùy chọn là tải về thư viện nhạc, tự xóa chúng hoặc Google sẽ tự động xóa tất cả các file nhạc và dữ liệu đã lưu trữ của bạn trên hệ thống máy chủ của Google.

Sự phụ thuộc là điều tất yếu nếu như người dùng không có nhiều lựa chọn

Mặc dù các hệ thống lưu trữ đám mây hiện nay hiếm khi gặp sự cố nhưng không phải không có. Đã có những trường hợp hệ thống lưu trữ đám mây lớn gặp lỗi và tất cả các dịch vụ kết nối đều gặp sự cố. Khi iCloud bất ngờ dừng hoạt động, iWork cho iCloud cũng vậy, đồng bộ hóa Lịch iCloud, tài liệu trong đám mây và Apple Photos, iCloud Backup tất cả đều vị đình trệ theo.

Khi Facebook gặp sự cố, những dịch vụ và ứng dụng liên quan tới Facebook cũng vậy. Điều đó có nghĩa là các dịch vụ WhatsApp, Instagram và Oculus sẽ gặp vấn đề tương tự. Mặc dù tình trạng nguy cấp như vậy đã không còn xuất hiện sau một thời gian dài nhưng hãy nhớ rằng đã có thời điểm khi dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services ngừng hoạt động, Internet cũng đã ngừng hoạt động theo.

Nói như vậy để thấy, nếu như người dùng phụ thuộc vào một dịch vụ bất kỳ trên Internet, bao gồm lưu trữ đám mây, mạng xã hội, họ cũng sẽ phải tập sống quen với những sự cố có thể xảy ra, bởi đơn giản họ là người được thụ hưởng miễn phí và không có nhiều tiếng nói.

Không có gì là "miễn phí" mãi mãi

Google muốn phục vụ thế giới với các dịch vụ miễn phí và lưu trữ đám mây của hãng. Họ muốn bạn tiếp tục làm việc với Gmail, lưu trữ file trên Google Drive và các dịch vụ như Google Photos và YouTube Music và bạn có lẽ đã nhầm tưởng rằng, đó là những món quà miễn phí tốt đến không ngờ của Google. Để rồi,…chính bạn sẽ phải móc hầu bao để trải nghiệm các giá trị nâng cấp và cần thiết nếu như một ngày nào đó, Google không còn miễn phí các dịch vụ đó nữa.

Một khi đã quá quen với các dịch vụ của Google, việc thoát ra là vô cùng khó khăn. Lấy một ví dụ điển hình như Google Drive. Sau khi bạn đạt đến giới hạn bộ nhớ hoặc "thời gian dùng thử miễn phí" Google Drive đã kết thúc và bạn đã vượt quá giới hạn lưu trữ. Lúc này tất cả các dịch vụ kết nối với dữ liệu đó sẽ ngừng hoạt động vì số dữ liệu kia nằm ngoài không gian lưu trữ cho phép.

Đó chính xác là một "cái bẫy" mà người dùng đã mắc phải mà không hề hay biết trong khi sử dụng các dịch vụ miễn phí. Đúng vậy. Mọi thứ đều có giá của nó. Sự miễn phí và tiện lợi cũng vậy.

Bây giờ là cơ hội để nhiều người suy nghĩ đến những câu hỏi đại loại như họ đã phụ thuộc vào một dịch vụ số mà họ coi là đương nhiên như thế nào? Họ có kế hoạch dự phòng cho những biến cố có thể xảy ra nếu như các dịch vụ đó không còn miễn phí nữa hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể kết nối internet?…

Đây cũng là lúc thích hợp để tự hỏi: "Nếu không có những dịch vụ kỹ thuật số miễn phí mà chúng ta phụ thuộc hàng ngày, chúng ta sẽ còn lại gì?

Cuối cùng, cuộc sống của bạn có bị ràng buộc với các công ty cung cấp dịch vụ miễn phí không? Hãy cố gắng trả lời tất cả những câu hỏi đó để biết bản thân có đang bị phụ thuộc quá nhiều vào các dịch vụ đó hay không.

Tiến Thanh (Theo Slashgear)

Chủ đề khác