VnReview
Hà Nội

Xin lỗi người hâm mộ Android, Apple đã đúng: màn hình 1080p là quá đủ với smartphone!

Cuối cùng tôi đã giác ngộ chân lý. Nói đúng hơn, tôi đã biết cần phải quan tâm cái gì trong các thông số độ phân giải, công nghệ tấm nền, độ sáng, tương phản,...

VnReview lược dịch bài viết của biên tập viên Michael Simon đến từ tạp chí công nghệ PCWorld.

Sau vài tuần thử nghiệm đi thử nghiệm lại, tôi cuối cùng có thể tuyên bố rằng độ phân giải 1080p trên iPhone 12 cũng tốt ngang với 1440p của Galaxy Note20 Ultra. Các hãng Android thường rêu rao với chúng ta rằng màn hình 2K trở lên sẽ đem lại trải nghiệm tốt hơn, nhưng thực tế không phải vậy.

Full HD mới là chân lý

Tôi không có ý nói cái nào tốt hơn, iOS hay Android, mà là độ phân giải trên màn hình smartphone. Chúng ta chưa lúc nào lại cần tới một cái màn hình WQHD cả. Chúng ta muốn chúng bởi vì các nhà sản xuất Android đã "nhồi sọ" chúng ta như vậy. Độ phân giải Full HD dần bị đẩy xuống các máy Android giá rẻ, nếu bạn muốn nhiều điểm ảnh hơn, thiết kế tràn viền hiện đại, hiển thị ấn tượng,... thì lại phải tìm tới các mẫu cao cấp có màn hình QHD.

Màn hình iPhone 12 không hề thua kém Galaxy Note20 Ultra dù độ phân giải kém hơn (ảnh: PCWorld)

Nhưng DisplayMate vừa đánh giá màn hình OLED của iPhone 12 Pro Max có chất lượng cao nhất, đạt điểm A+. Mặc dù rõ ràng độ phân giải của máy thấp hơn các flagship Android bây giờ. Bạn thấy không? Chúng ta không cần một màn hình có độ phân giải cao để đạt được chất lượng hiển thị xuất sắc.

Hay là để tôi chỉ ra một dẫn chứng nhé. Samsung bán các flagship hàng đầu với độ phân giải QHD+, nhưng lại tắt nó đi mặc định. Và tôi cá rằng có rất nhiều người mua máy về cứ thể nguyên thế mà dùng, bởi họ còn chẳng biết bật độ phân giải cao hơn ở đâu. Màn hình độ phân giải cao có thể rất ấn tượng trên bảng cấu hình, trong các bài kiểm tra đo đạc, nhưng với kích thước chỉ có 6 inch thì khác biệt đâu thể nhận ra với mắt người.

Nếu màn hình 1080p của Galaxy S8 đã đủ để làm bạn ấn tượng, vậy cần cao hơn để làm gì?

Hãy thành thật với đôi mắt của bạn!

Những người say mê hệ điều hành Android có thể phản bác lại, nói rằng họ đủ tinh tường để nhận ra khác biệt. Nhưng tôi rất nghi ngờ liệu họ có thể bốc trúng một máy có màn hình 1440p ra khỏi các máy chỉ dừng lại ở 1080p. Tôi biết vì tôi từng là một người trong số họ. Từng có một quãng thời gian, cứ nhận máy Galaxy về đánh giá là tôi phải chỉnh ngay độ phân giải từ 1080p lên 1440p.

Màn hình Galaxy S20 Ultra ở mặc định chỉ kích hoạt độ phân giải Full HD (ảnh: PCWorld)

Nhưng, tôi đố ai có thể chỉ ra sự khác biệt giữa hai độ phân giải đó. Không thể!

Năm ngoái, Samsung ra mắt Galaxy S20 series với một quyết định kỳ cục. Họ không cho chúng ta bật tần số quét 120Hz ở độ phân giải cao nhất WQHD+. Tôi đã ngay lập tức chỉ trích gay gắt việc đó. Thậm chí, tôi còn kiên quyết tới mức đặt ra nghi vấn liệu tần số quét cao có xứng đáng để hy sinh độ phân giải cao hay không. Cá nhân tôi lúc đó đã ưu tiên WQHD+ lên trước 120Hz.

Nhưng quyết định Samsung thực ra lại chính xác. Bởi ngay cả ở độ phân giải 1080p, màn hình cũng cung cấp mật độ điểm ảnh khoảng 400 tới 500 ppi. Con số này thậm chí còn cao hơn cả chuẩn Retina mà Apple từng quảng cáo thời Steve Jobs còn tại vị.

Quá nhiều điểm ảnh

Trong khi đó, có một công ty còn bỏ qua độ phân giải QHD để đi lên thẳng 4K. Đó chính là Sony với chiếc Xperia 1 màn hình 3.840 x 1.644, mật độ điểm ảnh lên tới 643ppi. Thật không thể tin nổi!

Liệu có bao nhiêu người có thể nhận ra sự khác biệt giữa màn hình 4K với màn hình iPhone 12? (ảnh: Cnet)

Cuối cùng, các con số 2K, 3K và 4K sẽ có nhiều ý nghĩa cho hoạt động truyền thông quảng bá. Tuy nhiên, độ phân giải cao lại mang tới nhiều bất lợi trong sử dụng thực tế. Chúng gây hao pin, tiêu tốn nhiều tài nguyên GPU hơn, đôi khi, gây ra hiện tượng giật lag và giảm sút hiệu năng. Có thể có ích trên màn hình lớn như TV đấy, nhưng với smartphone thì không.

Apple đang đi đúng hướng

Apple hoàn toàn không quan tâm tới độ phân giải mà tập trung vào các khía cạnh khác. Họ đã cân chỉnh màn hình iPhone 12 trở nên xuất sắc không kém gì các flagship Galaxy Note20 Ultra hay Google Pixel 4XL, sở hữu độ phân giải 3K. Bây giờ, công ty đã trang bị tấm nền OLED lên toàn bộ dải iPhone, còn gì để chê trách nữa đây?

Việc thiếu hụt tần số quét 120Hz có thể gây khó chịu với một số người. Nhưng tin đồn cho biết năm sau iPhone 13 cũng sẽ có, đưa màn hình iPhone lên ngang hàng với flagship Galaxy dù có độ phân giải không bằng.

Màn hình iPhone 12 là quá đủ, không cần độ phân giải cao hơn như các flagship Android (ảnh: PhoneArena)

Apple chú ý vào chất lượng hiển thị, chứ không phải con số độ phân giải vô nghĩa. Chúng ta chẳng cần gì hơn một màn hình 1080p có chất lượng tốt, tôi hy vọng các nhà sản xuất Android có thể học tập Apple ở điểm này.

Ambitious Man

Chủ đề khác