VnReview
Hà Nội

4 vấn đề sức khoẻ Apple Watch có thể phát hiện được

Apple Watch từ lâu đã là một thiết bị theo dõi thể chất tốt. Với mỗi thế hệ về sau, nó lại được trang bị thêm nhiều tính năng phần cứng mới. Trong phiên bản mới nhất, Apple Watch đã có thể phát hiện và giám sát một vài tình trạng sức khoẻ khác nhau.

Cảnh báo: Apple Watch không phải là thiết bị y tế

Trước tiên, bạn cần biết hai vấn đề quan trọng. Apple Watch không thay thế được cho bác sỹ, internet cũng vậy.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn khái quát về những tình trạng sức khoẻ khác nhau mà Apple Watch có tiềm năng phát hiện được. Tuy nhiên, thiết bị này không thể chẩn đoán cho bạn. Nếu những thông tin và kết quả thu được từ các cảm biến khiến bạn lo lắng, hay liên hệ bác sỹ.

Ngoài ra, Apple Watch là một sản phẩm còn tương đối mới. Người ta vẫn đang thực hiện nhiều nghiên cứu về những tình trạng sức khoẻ mà nó có thể phát hiện và giám sát. Tất nhiên, phải còn khá lâu nữa chúng ta mới biết được kết quả của các nghiên cứu này.

Apple Watch không phải là một thiết bị y tế, nó là một chiếc smartwatch. Nếu bạn gặp một tình trạng (hoặc lo lắng bản thân có thể gặp) cần giám sát, hãy liên hệ bác sỹ.

Ok, đi vào nội dung chính thôi!

Nhịp tim nhanh và chậm

Apple Watch đo nhịp tim bằng hai phương pháp:

- Apple Watch Series 1 hoặc cao hơn: sử dụng cảm biến nhịp tim quang học

- Apple Watch Series 4 hoặc cao hơn (trừ mẫu SE ra mắt trong năm 2020): sử dụng cảm biến nhịp tim điện tử kết hợp ứng dụng ECG.

Mọi mẫu Apple Watch có cảm biến nhịp tim quang học đều có thể phát hiện khi nhịp tim của bạn nhanh hoặc chậm bất thường. Mặc định, nếu nhịp tim của bạn ở mức trên 120 bpm (nhịp/phút) sau 10 phút không hoạt động, hoặc giảm xuống dưới 40 bpm trong 10 phút, bạn sẽ nhận được thông báo.

Nếu muốn thay đổi ngưỡng an toàn, bạn có thể dùng ứng dụng Watch trên iPhone. Chỉ cần vào mục "Heart" và đặt giá trị mới cho "High Heart Rate" và "Low Heart Rate" là được.

Cảm biến nhịp tim điện tử chỉ hoạt động khi sử dụng ứng dụng ECG. Nó giống những thiết bị kêu bíp bíp mà bạn thường thấy trong các bộ phim về đề tài bác sỹ, và nó cho kết quả đo nhịp tim chính xác hơn nhiều. Nếu bạn gặp các triệu chứng nhịp tim gián đoạn - tức tim bỏ mất một nhịp, hay nhịp tim nhanh bất thường - bạn có thể ghi lại lịch sử ECG trong ứng dụng ECG, và sau đó chia sẻ nó với bác sỹ.

Dù vậy, nên nhớ rằng khi nói đến giám sát nhịp tim, nhịp tim bình thường đối với người này có thể là bất thường với người khác. Một số người có nhịp tim khi nghỉ ngơi tương đối chậm, dưới 45 bpm, đến nỗi họ không muốn bật tính năng cảnh báo nhịp tim thấp.

Với một số người khác, nhịp tim dưới 50 bpm có thể sẽ là tình huống đáng báo động. Tương tự, cảnh báo nhịp tim nhanh chỉ kích hoạt nếu nhịp tim của bạn nhanh dù bạn đang ngồi. Do đó, đừng lo lắng - bạn sẽ không khiến báo động rú lên nếu chỉ ra ngoài chạy bộ đâu!

Và luôn nhớ rằng, nếu bạn lo lắng về bất kỳ điều gì, hãy gọi bác sỹ của bạn nhé.

Nhịp điệu tim bất thường

Bên cạnh nhịp tim, Apple Watch còn có thể đo nhịp điệu tim (còn gọi là nhịp điệu điện tâm đồ, viết tắt là ECG). Cụ thể, nó sẽ kiểm tra xem tình trạng rối loạn tâm nhĩ (AFib) có đang xảy ra không, tức là khi hai ngăn trên của tim đập bất thường. Đây có thể là một tình trạng y tế nghiêm trọng, hoặc là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng khác.

Apple Watch có thể đặc biệt hữu dụng trong việc phát hiện AFib, bởi nó có thể phát hiện những sự kiện diễn ra một cách rời rạc. Những tình trạng như AFib có thể rất khó để chẩn đoán, bởi chúng không phải lúc nào cũng xảy ra khi bạn đến phòng khám bác sỹ.

Tuy nhiên, có một vài điểm hạn chế (tương đối lớn) với tính năng này:

- Khả năng phát hiện nhịp tim bất thường của Apple Watch được dựa trên một nghiên cứu quy mô lớn, nhưng nó không liên tục giám sát nhịp tim của bạn. Bạn có thể gặp tình trạng AFib nhưng chẳng nhận được thông báo nào từ Apple Watch cả. Ngoài ra còn có khả năng phát hiện nhầm, có nghĩa là bạn nhận được thông báo nhưng chẳng hề bị AFib.

- Tính năng này chỉ sử dụng được tại một số quốc gia nhất định vì nhiều yêu cầu bắt buộc. Ví dụ, tại Úc, Apple Watch phải được chứng nhận là một thiết bị y tế mới kích hoạt được tính năng này. Tại Việt Nam, Apple Watch cũng không sử dụng được tính năng ECG.

- Tính năng này không được thiết kế để sử dụng đối với người dưới 22 tuổi, và những người đã được chẩn đoán bị AFib.

Bạn cũng phải tự mình kích hoạt tính năng phát hiện nhịp tim bất thường. Để làm điều đó, mở ứng dụng Health trên iPhone, vào Heart > Irregular Rhythm Notifications, và chọn "Set Up Notifications". Bạn sẽ phải cung cấp một số thông tin để xác nhận rằng mình phù hợp để sử dụng tính năng này.

Lưu ý: Apple Watch không giám sát được tình trạng đau tim. Nếu bạn có triệu chứng đau tim, hãy gọi cấp cứu ngay.

Cảnh báo môi trường có tiếng ồn lớn

Suy giảm thính lực thường không xảy ra ngay lập tức mà trải qua một quá trình từ từ. Bạn càng ở lâu trong những môi trường ồn ào, mọi chuyện sẽ càng trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, có một số thứ bạn có thể làm để ngăn điều đó xảy ra.

Ứng dụng Noise (có trên Apple Watch SE, và Series 4 trở lên) có thể đo được độ lớn của âm thanh môi trường, sau đó cảnh báo cho bạn nếu âm thanh vượt một ngưỡng nhất định (mặc định là 80dB) để bạn dùng dụng cụ bịt tai hoặc chuyển đến nơi nào đó yên tĩnh hơn. Nhìn chung, tính năng này khá hữu ích bởi ít nhất bạn cũng biết tai mình đang có nguy cơ bị tổn thương.

Để thiết lập tính năng này hoặc thay đổi ngưỡng âm thanh cảnh báo, vào Settings > Noise trên đồng hồ của bạn.

Phát hiện té ngã

Người lớn tuổi không phải là những đối tượng duy nhất lo lắng về việc bị trượt chân hoặc té ngã. Bất kỳ ai cũng có thể ngã khi đạp xe, trượt chân trong phòng tắm, hoặc trật chân rơi khỏi thang. May thay, Apple Watch có thể biết khi nào tình huống này xảy ra và tự động gọi cấp cứu để cứu mạng chủ nhân.

Như thường lệ, có một số hạn chế với tính năng này. Không có gì đảm bảo Apple Watch sẽ phát hiện ra mọi cú ngã. Nó cũng có thể phát hiện nhầm, đặc biệt nếu bạn còn trẻ và thường xuyên vận động mạnh.

Khi thiết lập Apple Watch, bạn sẽ được nhắc kích hoạt phát hiện té ngã. Nếu chưa làm vậy, hoặc muốn kiểm tra xem đã kích hoạt chưa, bạn có thể làm theo hướng dẫn;này.

Những tính năng trong tương lai

Chiếc Apple Watch Series 6 đã có thêm cảm biến nồng độ oxy trong máu (SpO2). Hiện tại, nó chỉ là một công cụ đánh giá tình trạng thể chất, chứ không phải là một tính năng y tế hoặc giám sát sức khoẻ. Tuy nhiên, có thể trong tương lai tính năng này sẽ được nâng cấp thêm. Theo các tài liệu y khoa, mức bão hoà oxy trong máu thấp có liên quan đến những tình trạng bệnh lý phổ biến, như hen suyễn, ngừng thở khi ngủ, và COVID-19.

Apple gần đây công bố rằng nhiều nghiên cứu đang được tiến hành liên quan những tình trạng sức khoẻ, bao gồm hen suyễn, ngưng tim, cúm, và COVID-19. Chỉ vài năm trước thôi, có một bài nghiên cứu chỉ ra rằng Apple Watch có thể dự báo trước bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Dù những tính năng nói trên hiện vẫn cần phải nghiên cứu thêm, có lẽ sẽ không lâu nữa trước khi chúng xuất hiện trên cổ tay bạn!

Minh.T.T (Tham khảo HowToGeek)

Chủ đề khác