VnReview
Hà Nội

“Chế độ chụp đêm” trên camera smartphone hoạt động như thế nào?

Từ các mẫu iPhone đời mới của Apple đến những chiếc điện thoại Android cao cấp của các nhà sản xuất như Samsung, gần như mọi flagship ra đời trong vòng 2 năm trở lại đây đều được tích hợp chế độ chụp đêm (night mode) trên camera.

Bài viết này sẽ giải thích cho bạn cách thức mà những mẫu điện thoại này có thể chụp ra được những tấm ảnh sắc nét và chi tiết như vậy, ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu.

Chế độ chụp đêm ngày càng được cải thiện

Mỗi năm, các nhà sản xuất smartphone đều cố gắng nâng cấp hệ thống camera trên những chiếc điện thoại đầu bảng của họ, và họ hoàn toàn có lý do để tập trung vào khía cạnh này. Trong vài năm qua, camera trên điện thoại và những kỹ thuật xử lý hình ảnh đằng sau chúng, đã được cải tiến rất nhiều để có thể chụp ảnh đẹp hơn trong điều kiện ánh sáng thấp.

Mới chỉ vài năm trước thôi, đa số các mẫu điện thoại thông minh trên thị trường đều gặp khó khăn khi chụp ảnh trong bóng tối, trừ khi sử dụng đèn flash. Vậy mà giờ đây, chúng đã có thể chụp ra những tấm ảnh sắc nét đáng kinh ngạc.

Apple cũng đã cải tiến khả năng chụp đêm trên dòng iPhone 12 mới ra mắt cuối năm ngoái của hãng. Những tấm ảnh được đăng tải trên các trang tin tức công nghệ cho thấy khả năng chụp ảnh trong bóng tối, giữa đêm khuya của smartphone nhà Táo rất đáng nể. Sử dụng các kỹ thuật nhiếp ảnh điện toán, công ty Táo Khuyết đã có thể đưa chế độ chụp đêm hoạt động trên tất cả các camera (không chỉ riêng camera chính) trên máy, tức là cả ống kính góc siêu rộng và tele đều có thể chụp đêm được.

Tính năng Night Sight của Google đã giúp Google trở thành cái tên dẫn đầu trong cuộc đua chụp ảnh đêm trên các thiết bị di động. Gần đây, Google cũng đã ra mắt chế độ chụp ảnh thiên văn trên các mẫu điện thoại Pixel của hãng. Chế độ này cho phép người dùng chụp được những bức ảnh sắc nét và chi tiết của bầu trời đêm, có thể nhìn rõ đến từng ngôi sao. Trên đa số các camera điện thoại khác, điều này đơn giản là không thể.

Ánh sáng và nhiếp ảnh

Trước khi tìm hiểu kĩ về chế độ ban đêm trên smartphone, hãy cũng tìm hiểu một số thuật ngữ nhiếp ảnh cơ bản nếu bạn là người "ngoại đạo" với bộ môn này:

- Độ phơi sáng: Lượng ánh sáng đi đến cảm biến của camera. Thông số này xác định độ sáng tối của một bức hình.

- Tốc độ màn trập: Thời gian cảm biến máy ảnh tiếp xúc với ánh sáng khi tấm ảnh được chụp. Tốc độ màn trập càng dài, camera càng được tiếp xúc nhiều với ánh sáng, nhưng điều này có thể khiến ảnh bị nhoè mờ nếu đối tượng chụp chuyển động nhanh.

- Dải tương phản động: Khoảng cách giữa những vùng tối nhất (shadow) và vùng sáng nhất (highlight) của một bức ảnh.

- Dải tương phản động rộng (HDR): một kỹ thuật xử lý hình ảnh, trong đó máy ảnh sẽ chụp một vài bức ảnh của cùng một khung cảnh nhưng có độ phơi sáng khác nhau (bằng cách thay đổi tốc độ màn trập). Điện thoại sau đó sẽ kết hợp các chi tiết từ những vùng khác nhau của ảnh để đảm bảo vùng tối của hình không bị tối quá, và vùng sáng của ảnh cũng không bị sáng quá.

Kết quả của một bức ảnh HDR chủ yếu phụ thuộc vào phần mềm xử lý ảnh. Một số nhà sản xuất điện thoại có thể ưu tiên độ chi tiết, sắc nét hay các yếu tố khác tuỳ ý họ.

Quy trình chụp ảnh ở ‘chế độ chụp đêm'

Tuỳ thuộc vào từng thiết bị, chế độ chụp đêm có thể được máy tự động kích hoạt trong điều kiện ánh sáng tối hay người dùng cần phải bật thủ công trên giao diện của ứng dụng chụp ảnh. Nhưng dù là cách nào, thì nhà sản xuất cũng cố gắng tối ưu hoá để người dùng có thể chụp không khác gì chụp một tấm ảnh thông thường. Thời gian chụp dài đó chính là chìa khoá của một tấm ảnh chụp đêm.

Chế độ chụp đêm sử dụng một phiên bản đã được tinh chỉnh đôi chút của kỹ thuật HDR. Máy sẽ chụp một loạt các bức ảnh của cùng một đối tượng nhưng với các mức độ phơi sáng khác nhau bằng cách tăng giảm tốc độ màn trập. Sau đó, phần mềm xử lý hình ảnh sẽ cân đối và kết hợp những tấm ảnh trên để mở rộng dải tương phản động của hình ảnh.

Chế độ này cho phép chúng ta bảo toàn được các chi tiết của cả những vùng sáng lẫn vùng tối nhất của bức ảnh. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn thấy rõ những chi tiết mà vốn dĩ không thể thấy được ở những bức ảnh thông thường.

Một số mẫu điện thoại tự động lựa chọn khoảng thời gian cần thiết để chụp ảnh tuỳ thuộc vào mức độ ‘tối' của môi trường xung quanh. Một số dòng điện thoại khác lại cho phép người dùng tinh chỉnh thông số này.

Toàn bộ quá trình này xảy ra trong vài giây. Khi bạn xem được bức ảnh cuối cùng, thì chiếc máy của bạn đã hoàn tất toàn bộ các khâu từ chụp một loạt khung hình, kết hợp và tinh chỉnh bức ảnh cuối cùng rồi!

Các ‘biến thể' khác nhau của chế độ chụp đêm

Đa số các mẫu điện thoại đầu bảng của các hãng như Apple, Google, Samsung, Huawei và LG đều được trang bị chế độ chụp đêm.

Camera của những chiếc điện thoại này sử dụng thuật toán độc quyền để xử lý, kết hợp và cho ra tấm ảnh cuối cùng. Các quy trình kết hợp hình ảnh như vậy (còn gọi là quá trình ‘bracketing') mà mỗi hãng sản xuất điện thoại sử dụng có sự khác biệt, và đó chính là lý do vì sao kết quả của ‘chế độ chụp đêm' của mỗi máy lại có sự khác biệt.

Một số bức ảnh trông sẽ khá tự nhiên, trong khi những ảnh khác dường như nhấn mạnh hơi ‘thái quá' vào vùng sáng, khiến cho ảnh tổng thể trông hơi sáng hơn so với thực tế. Điều này tuỳ thuộc vào việc nhà sản xuất điện thoại muốn ‘nhấn mạnh' vào chi tiết nào.

Hơn nữa, bản thân cảm biến máy ảnh cũng có tác động đến kết quả của một tấm hình chụp đêm. Có một số hãng kết hợp giữa cảm biến độ phân giải lớn và một kỹ thuật gọi là "Pixel Binning" (Gộp điểm ảnh) để mang đến những tấm ảnh chi tiết hơn trong điều kiện ánh sáng yếu. Về cơ bản, tính năng này sẽ ‘giảm độ phân giải' của những cảm biến độ phân giải cao để tạo ra những bức ảnh sáng và nhiều chi tiết hơn.

Làm thế nào để chụp được những tấm ảnh đêm đẹp?

Dù bạn sử dụng điện thoại của hãng nào, nhưng nếu chiếc máy đó hỗ trợ chế độ chụp đêm, thì bạn cần lưu ý một số điểm sau để tấm ảnh chụp ra có chất lượng tốt nhất.

Yếu tố chủ chốt của quy trình này là việc kết hợp tất cả những tấm hình mà máy chụp được lại với nhau. Nếu những khung hình phơi sáng dài mà máy chụp được quá rung hay mờ nhoè, thì tấm ảnh cuối cùng mà bạn có được chắc chắn sẽ không tối ưu.

Đây chính là lý do vì sao đa số các nhà sản xuất máy ảnh yêu cầu người dùng phải giữ thật chắc tay khi chụp ảnh ở chế độ chụp đêm. Đó cũng là lý do vì sao, trong các bức ảnh quảng bá chế độ này, bạn sẽ thấy người ta chỉ chụp các tĩnh vật chứ không chụp những vật thể chuyển động nhanh. Ngoài ra, nếu có thể, bạn nên sử dụng chân máy hoặc tì tay vào một bề mặt nào đó khi chụp ảnh ở chế độ chụp đêm.

Ngoài ra, bạn nên chụp ở một vị trí có một nguồn sáng nhất định chiếu vào (dù yếu). Điều này sẽ không chỉ giúp cải thiện chất lượng của ảnh, mà còn giúp khung hình chụp ra trông sống động và có chất ‘điện ảnh' hơn.

Quang Huy

Chủ đề khác