VnReview
Hà Nội

5 tính năng ít được biết đến nhưng xứng đáng từng xu của Apple Health

Apple Health theo dõi rất nhiều dữ liệu. Bài viết này sẽ giới thiệu một vài chức năng khá thú vị của Apple Health mà bạn có thể đã bỏ qua.

Hầu hết người dùng Apple Watch và iPhone đều quen thuộc với ứng dụng Apple Health (Sức khoẻ). Mục;Activity (Hoạt động) của ứng dụng - nơi cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về quá trình di chuyển, năng lượng hoạt động, số phút đứng... - là mục được người dùng biết đến nhiều nhất. 

Tuy nhiên, khi bạn đào sâu hơn vào ứng dụng Apple Health, bạn sẽ phát hiện ra nhiều chức năng hữu dụng khác nữa.

1. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt

 

Dù có khá nhiều ứng dụng theo dõi kinh nguyệt tốt trên App Store, bạn có biết rằng ngay trong ứng dụng Apple Health cũng có tính năng theo dõi kinh nguyệt không? Và điều tuyệt vời là nó sở hữu tất cả những tính năng quan trọng thường thấy trong các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt bên thứ ba.

Bạn có thể nhập ngày bắt đầu và ngày kết thúc của kỳ hành kinh, và chiều dài của chu kỳ kinh nguyệt (đừng lo nếu bạn không chắc chắn; ứng dụng mặc định sẽ đặt là 28 ngày và điều chỉnh theo dữ liệu bạn nhập vào mỗi tháng). Ứng dụng sẽ sử dụng dữ liệu này để dự đoán khi nào kỳ hành kinh tiếp theo của bạn bắt đầu và khi nào bạn sẽ rụng trứng. Bạn cũng có thể nhập dữ liệu để theo dõi các triệu chứng trong suốt chu kỳ của mình.

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trên thực tế rất hữu ích vì nhiều lý do. Hiển nhiên nhất, nó sẽ giúp bạn biết khi nào mình sắp bước vào kỳ hành kinh. Nó còn giúp bạn suy đoán khi nào bản thân dễ mang thai nhất nếu đang muốn có con. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ cho bạn biết mình có bị trễ kinh hay không - dấu hiệu mang thai hoặc nhiều tình trạng sức khoẻ tiềm ẩn khác.

2. Dữ liệu vận động

 

Bạn có lẽ không biết, nhưng nếu bạn đi bộ với một chiếc iPhone trong túi, nó sẽ thu thập một số dữ liệu vận động khá thú vị để bạn xem lại sau này. Ngoài ra, mang một chiếc Apple Watch cũng giúp làm điều tương tự.

Để truy cập dữ liệu vận động này:

1. Ở ứng dụng Apple Health (Sức khoẻ)

2. Chọn biểu tượng Browse (Duyệt)

3. Cuộn xuống đến mục Mobility (Vận động) trong phần Health Categories List (Danh mục sức khoẻ) và chọn mục này.

Khi đã vào mục dữ liệu vận động, bạn sẽ thấy được một số dữ liệu thú vị như:

Double Support Time (Thời gian hai chân chạm đất)

Dữ liệu này thể hiện thời gian cả hai chân bạn chạm đất trong khi bước đi. Một người khoẻ mạnh sẽ có thời gian hai chân chạm đất chiếm 20 - 40% thời gian một lần đi bộ thông thường. Tỉ lệ phần trăm này càng cao càng chứng tỏ bạn đang gặp vấn đề về khả năng duy trì cân bằng hoặc định hướng. iPhone sẽ ghi lại thời gian hai chân chạm đất khi bạn đang bước đi trên bề mặt phẳng.

Step Length (Độ dài bước chân)

Khoảng cách giữa chân trước và chân sau của bạn khi đang bước đi. Độ dài bước chân được ghi lại khi bạn đi bộ với chiếc iPhone trong túi. Dữ liệu này có thể dao động tuỳ thuộc cân nặng, tốc độ đi bộ, và địa hình mà bạn đang đi.

Tuy nhiên, một sự suy giảm lớn về độ dài bước chân có thể báo hiệu sự suy giảm về mặt sức khoẻ, khả năng điều hướng, hay tình trạng vận động nói chung. Dữ liệu này đặc biệt hữu dụng đối với người cao tuổi hoặc những người đang hồi phục sau chấn thương.

Walking Asymmetry (Đi bộ không đối xứng)

Cho thấy dáng đi của bạn đối xứng đến mức nào. Dáng đi đều và khoẻ mạnh là khi bước đi bạn thực hiện với mỗi chân có tốc độ tương đương nhau. Nếu một chân của bạn bước nhanh hơn hoặc chậm hơn chân còn lại, đó có thể là dấu hiệu chấn thương, bệnh tật, hay những tình trạng sức khoẻ khác.

iPhone sẽ tự động ghi lại mức độ đối xứng khi đi bộ của bạn; hãy theo dõi dữ liệu này để nhanh chóng phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào đang diễn ra.

Walking Speed (Tốc độ đi bộ)

Tốc độ mà bạn đi trên mặt đất phẳng. Dữ liệu này cũng được tự động ghi lại khi bạn đi bộ với chiếc iPhone trong túi hoặc đeo bên hông. Hãy đảm bảo bạn đã lưu lại chiều cao của mình trong ứng dụng sức khoẻ để đo được tốc độ đi bộ chính xác nhất.

3. Theo dõi tình trạng uống thuốc và dữ liệu sức khoẻ khác

 

Bạn có thể theo dõi những thông tin y tế quan trọng như số lần sử dụng bình xịt, tiêm insulin, glucose máu, những dấu hiệu sức khoẻ tối quan trọng, và các triệu chứng sức khoẻ trong ứng dụng Apple Health. Nếu bạn đang được giám sát hoặc điều trị bệnh, dữ liệu này có thể giúp bạn và bác sỹ đánh giá tình trạng cơ thể, các triệu chứng, và tính hiệu quả của phác đồ điều trị hiện tại.

Hãy vào tab Browse (Duyệt) trong Apple Health để xem danh sách thông tin sức khoẻ mà ứng dụng đang theo dõi. Ở dưới cùng của danh sách, chọn Other Data (Dữ liệu khác) để xem thêm nhiều tính năng theo dõi dữ liệu khác.

4. Thông báo mức độ tiếng ồn

 

Nghe nhạc quá ồn khi đang sử dụng tai nghe có thể gây hại cho thính lực của bạn. Để hạn chế vấn đề này, Apple trang bị tính năng thông báo tai nghe và theo dõi mức âm thanh tai nghe trong ứng dụng Health.

Nếu bạn kích hoạt Headphone Notifications (Thông báo tai nghe) trong Apple Health, ứng dụng sẽ gửi một thông báo nếu bạn đã vượt quá mức giới hạn tiếp xúc âm thanh khuyến nghị 7 ngày. Khi điều này xảy ra, thiết bị cũng sẽ giảm âm lượng của âm thanh phát ra từ tai nghe và gửi cho bạn thông báo nhắc nhở.

Để kích hoạt thông báo tai nghe:

1. Mở ứng dụng Apple Health

2. Vào tab Browse (Duyệt) ở góc dưới bên phải

3. Chọn Hearing (Nghe) từ menu

4. Chọn Headphone Notifications (Thông báo tai nghe) và kích hoạt nó lên.

Nếu bạn có một chiếc Apple Watch, ứng dụng Health cũng có thể thông báo cho bạn nếu tiếng ồn gần bạn đang ở mức quá cao, có thể gây hại cho thính lực của bạn.

5. Theo dõi giấc ngủ

 

Chức năng Sleep (Ngủ) trong Apple Health có thể giúp bạn theo dõi lượng giấc ngủ hàng đêm. Bạn có thể lên lịch giấc ngủ, mục tiêu chiều dài giấc ngủ, kích hoạt chế độ ngủ, và đặt các hành động để giúp bạn đi vào giấc ngủ. Chế độ ngủ sẽ kích hoạt chế độ Không làm phiền và đơn giản hoá màn hình khoá của bạn để hạn chế phân tâm.

Chức năng Ngủ trong Apple Health cũng được tích hợp với các ứng dụng theo dõi và hỗ trợ giấc ngủ khác.

Tạm kết

Apple Health có thể cung cấp hàng loạt dữ liệu y tế và sức khoẻ có ý nghĩa, nhưng nó chỉ hữu dụng khi bạn hiểu và sử dụng nó. Để tận dụng được tối đa Apple Health, hãy nhớ nhập vào những dữ liệu mà bạn muốn theo dõi và đánh giá dữ liệu hoạt động đã được thường xuyên ghi lại bởi iPhone hoặc Apple Watch.

Dù dữ liệu này có thể hữu ích trong việc theo dõi sức khoẻ, nó đơn giản không thể thay thế cho một dịch vụ chăm sóc y tế nào. Nếu quan ngại về sức khoẻ của bản thân, hãy nhanh chóng trao đổi với bác sỹ để có hướng xử lý.

Minh.T.T (theo MakeUseOf)

Chủ đề khác