VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta lại nhắn tin với người thân nhiều hơn trong đại dịch?

Các tin nhắn văn bản, dù không thể thay thế được cho tiếp xúc trực tiếp tốt như các phần mềm gọi video, nhưng chúng vẫn góp phần duy trì cảm giác gần gũi giữa những người trong gia đình trong thời đại dịch.;

VnReview lược dịch bài viết của tác giả Samantha Murphy Kelly, trang CNN.

Trong thời gian đầu của đại dịch, Jane Cox Childress, một bà mẹ ở Mỹ, thường xuyên mang một đĩa bánh quy lên phòng cho con trai của mình khi cậu ta đang học trực tuyến. Cô thực hiện điều này đều đặn mỗi khi con trai gửi đoạn tin nhắn sau cho cô trước khi vào học: "Mẹ ơi, mẹ có thể mang cho con thứ gì để ăn trong quá trình con học trực tuyến được không?". 

Chia sẻ với CNN, Childress cho biết bản thân "nhanh chóng học được cách tôn trọng cũng như không làm phiền khi con trai mình đang có lớp học qua mạng". Cụ thể, Childress sẽ không vào phòng cho đến khi con trai cô yêu cầu điều gì bằng cách gửi tin nhắn, tương tự như việc cô mang bánh quy lên phòng cho cậu ta. Childress chia sẻ rằng từ khi con trai cô học tập tại nhà, tần suất mỗi ngày mà cô nhắn tin với con trai mình tăng lên đáng kể, trong đó đa phần là các tin nhắn có nội dung kiểu như: "Tới giờ cơm trưa rồi, con có thể xuống ăn chưa?", "Đây có phải tiết học cuối cùng của con chưa?" hay "Con có cần mẹ mang gì lên phòng không?". 

"Chuyện này làm tôi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa khi tôi còn là một thiếu niên. Một vài người bạn có điều kiện của tôi thời đó, họ sống trong những căn hộ sang trọng với nhiều thiết bị hiện đại bậc nhất, trong đó có cả một hệ thống điện tử để liên lạc trong nhà. Vì cảm thấy công nghệ này mới mẻ nên tôi và đám bạn suốt ngày bày trò nhắn tin cho nhau, thậm chí là khi chúng tôi ở ngay bên cạnh nhau. Tôi tưởng rằng đó là lần duy nhất mà tôi nhắn tin với người thân khi ở trong cùng một ngôi nhà cho đến khi đại dịch diễn ra", Childress chia sẻ. 

Trong bối cảnh nhiều nước phải cách ly xã hội do tình trạng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, mọi người được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài cũng tiếp xúc trực tiếp với người khác. Do đó, công nghệ đã trở thành một công cụ cực kỳ quan trọng giúp chúng ta kết nối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, vài chuyên gia nhận xét rằng điều này vô hình chung đã khiến không ít người bắt đầu lệ thuộc quá mức vào các yếu tố công nghệ, đặc biệt là những ứng dụng nhắn tin và trò chuyện trực tuyến. Khảo sát của CNN tiết lộ rằng một số hộ gia đình ở Mỹ cảm thấy các phần mềm "giao tiếp từ xa" là nguyên nhân chính làm gia tăng khoảng cách giữa các thành viên trong cùng một nhà. 

Trong khi đó, không ít trường hợp lại chia sẻ với CNN rằng việc nhắn tin ở nhà tạo cho họ sự sảng khoái về mặt tâm lý. Các nhà tâm lý học tiết lộ đây là một lợi ích thú vị của những tin nhắn trực tuyến, chúng có thể giúp chúng ta sống chậm lại cũng như tương tác với người khác một cách thoải mái mà không cần phải để ý quá nhiều đến những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, gửi tin nhắn còn là một cách hiệu quả để nhắc trước cho từng người nhớ về vai trò của mình trong nhà mà không gián đoạn công việc online đang dở dang của họ - cha hoặc mẹ có thể đang làm công việc của những nhân viên làm việc từ xa toàn thời gian, trong khi con cái có thể đang tham gia các lớp học trực tuyến. Nói chung, nhắn tin tạo ra một số cảm giác riêng biệt cho nhiều gia đình trong những ngày làm việc từ xa bận rộn. 

Đối với Brooke Sanchez, một chủ doanh nghiệp nhỏ đến từ San Diego và hiện là mẹ của ba đứa trẻ, cô chia sẻ rằng nhắn tin là cách nhanh nhất giúp cô liên lạc với chồng khi cả hai đều đang bận bịu với công việc từ xa tại nhà. Sanchez nói: "Mỗi khi muốn yêu cầu người kia giúp đỡ gì đó, chúng tôi chỉ cần nhắn tin trong khi vẫn giữ nguyên được nhịp độ công việc. Thông thường, tôi sẽ nhờ anh ấy mang cho tôi các tập tài liệu". 

Không chỉ Sanchez, Brittany Burroughs, nữ nhân viên chính phủ làm việc trong mảng giáo dục tài chính cho các cộng đồng thu nhập thấp, cũng nói với CNN rằng cô thường nhắn tin với chồng của mình ít nhất khoảng 7 lần/ngày để trò chuyện về nhiều chủ đề khi cả hai làm việc tại nhà. Burroughs, người làm việc ở tầng dưới trong khi chồng làm việc ở tầng trên, cho hay: "Tôi thường gửi cho anh ấy những bức ảnh hài hước mà tôi thấy trên mạng xã hội, các ý tưởng trang trí ngôi nhà và rất nhiều hình ảnh về chú chó của chúng tôi. Đôi khi chồng tôi sẽ trả lời ngay lập tức nếu anh ấy không tham gia cuộc họp trực tuyến hay gặp trực tiếp tôi khi xuống ăn trưa. Việc trao đổi tin nhắn như vậy giúp chúng tôi duy trì được ngọn lửa tình yêu trong mối quan hệ này".

Các chuyên gia nhận xét rằng khi chúng ta nhắn tin với một người nào đó mà không phải người thân trong nhà hay bạn bè thân thiết, chúng ta sẽ có xu hướng gửi đi những tin nhắn với hình thức trịnh trọng hơn và thường bị áp lực bởi việc phải phản hồi kịp thời, đặc biệt là trong thời buổi mà mọi người giao tiếp chủ yếu qua các ứng dụng tin nhắn trực tuyến. Tuy nhiên, sẽ không có những áp lực tương tự khi chúng ta nhắn tin với người thân của mình, thay vào đó, chúng ta sẽ có cảm giác dễ chịu hơn.

Elias Aboujaoude, giáo sư tâm thần học tại Đại học Stanford, cho biết: "Đối với tin nhắn của người trong gia đình, bạn có thể chọn đọc ngay lập tức hoặc trì hoãn thời gian phản hồi đến khi gặp mặt người kia ở trong nhà và sau đó cả hai vẫn có thể cảm thấy thoải mái khi cùng thảo luận về vấn đề mà một trong hai đã đề cập trong tin nhắn. Thực tế đúng là vậy, việc nhắn tin với những người thân và quen thuộc với mình mang cho bạn nhiều cảm giác tích cực cũng như dễ chịu hơn. Do đó, điều này nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra ở một số hộ gia đình sau khi đại dịch kết thúc".

Thời điểm các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu bùng nổ, các thiết bị hiển thị như smartphone, laptop, máy tính cùng những phần mềm gọi video như Zoom, FaceTime hay các ứng dụng trò chuyện đã trở thành những công cụ không thể thiếu để chúng ta tiếp tục làm việc, học tập và tương tác với bên ngoài. Trong khi đó, các ứng dụng nhắn tin văn bản, dù không thể thay thế được cho tiếp xúc trực tiếp tốt như các phần mềm gọi video, nhưng chúng vẫn góp phần duy trì cảm giác gần gũi giữa những người trong gia đình trong thời đại dịch. 

"Chúng tôi làm vậy không phải để tránh mặt nhau hay vì chúng tôi quá lười biếng để rời khỏi phòng vào thời điểm đó. Đơn giản chúng tôi nhắn tin cho nhau để giữ kết nối trong khi cả hai đều đang làm việc của mình. Đôi khi, tình cảm mà con trai tôi dành cho tôi không cần quá dài dòng mà chỉ thể hiện qua một đoạn tin nhắn ngắn gọn như: Mẹ yêu ơi, mẹ làm cho con một chiếc bánh mì kẹp phô mai nướng nha", Childress chia sẻ.

Chí Tôn

Chủ đề khác