VnReview
Hà Nội

Đây là toàn bộ "bí mật hậu trường" khiến smartphone chụp ảnh ngày càng đẹp

Smartphone hiện là lựa chọn hàng đầu của người dùng khi tìm kiếm một chiếc máy ảnh nhỏ gọn để mang đi mọi nơi. Những thiết bị mà chúng ta có được ngày hôm nay đã phải trải qua một cuộc hành trình dài lột xác, từ nâng cấp số "chấm", ống kính đơn lên đa ống kính, zoom quang học, chống rung... nhưng phần lớn công việc nhằm cho ra một bức ảnh đẹp lại do phần mềm đảm nhiệm.

Camera điện thoại có thể chụp những bức ảnh với rất nhiều thông tin nhúng bên trong, bao gồm dữ liệu về ánh sáng, màu sắc, cường độ, điểm lấy nét... Những dữ liệu bổ sung đó có thể được sử dụng để "hô biến" ảnh chụp sau công đoạn nhấn nút.

Chụp nhiều ảnh trong một lần thao tác cũng là một phần quan trọng của kỷ nguyên nhiếp ảnh điện toán ngày nay, bởi các bức ảnh chụp xong có thể được mang ra so sánh, phân tích, và kết hợp với nhau để cân chỉnh màu sắc, khắc phục những sai sót trong lấy nét, và áp dụng lên đó hàng loạt những "mánh" xử lý thông minh khác. Những "mánh" xử lý này, cùng với các mạng lưới học máy bên dưới chúng, có thể khác biệt tuỳ theo nhà sản xuất điện thoại, nhưng chúng đều sử dụng một số kỹ thuật giống nhau.

Cân bằng phơi sáng

Dải tương phản động cao (HDR) đã xuất hiện được một thời gian, trên TV và các dịch vụ stream phim ảnh, cũng như trên camera smartphone. Ý tưởng đằng sau HDR là làm sao để giúp các chi tiết rõ ràng trong cả những vùng tối nhất và sáng nhất của một bức ảnh - tránh tạo nên hiệu ứng bóng đen mà bạn thường thấy khi chụp ảnh ai đó đứng trước một vùng sáng chói.

Bằng cách chụp nhiều bức ảnh với nhiều mức độ phơi sáng khác nhau, smartphone có thể làm bộc lộ các chi tiết trong mọi khu vực của bức ảnh, từ đó áp dụng một cách hiệu quả các quy tắc xử lý khác nhau lên các phần khác nhau của ảnh. Những điểm sáng sẽ được tinh chỉnh theo một cách, và những điểm tối sẽ được tinh chỉnh theo cách khác, cứ thế tiếp tục cho đến khi hình ảnh tổng thể trở nên cân bằng.

Theo;Google giải thích, những hiệu ứng HDR này ngày càng được cải thiện khi điện thoại ngày càng nhanh hơn và các thuật toán ngày càng thông minh hơn. Chúng đang trở nên tự nhiên hơn và cân bằng hơn, và bạn có thể xem trước chúng trong thời gian thực thông qua màn hình điện thoại, thay vì phải đợi mọi thứ được xử lý sau khi đã nhấn nút chụp.

Một thứ khác cũng trở nên tốt hơn, thông qua những thuật toán không ngừng cải tiến vốn được huấn luyện dựa trên những thư viện chứa hàng triệu hình ảnh, chính là cách các phần khác nhau của một bức ảnh có thể được ráp nối lại với nhau. Đối với người dùng, không có dấu hiệu nào cho họ biết điện thoại đã ghép nhiều ảnh với độ phơi sáng khác nhau, và "xé" các bức ảnh ra để xử lý riêng từng phần một: mọi thứ bạn thấy chỉ là một bức ảnh duy nhất, thu được ngay lập tức sau khi đã nhấn nút chụp.

Xoá mờ hậu cảnh

Chế độ chân dung là một trong những "mánh" nhiếp ảnh điện toán sơ khai nhất được tung ra dưới dạng một tính năng của smartphone, và giống như HDR, càng chụp nhiều, kết quả càng ấn tượng và càng chính xác. Thông tin từ nhiều ống kính và các cảm biến chiều sâu (nếu có) được kết hợp thông qua quá trình suy đoán thông minh của các mạng thần kinh, nhằm biết được phần nào của ảnh nên bị xoá mờ, và phần nào không.

Một lần nữa, điện thoại có thể kết hợp nhiều ảnh lại với nhau, và những khác biệt nhỏ nhặt giữa chúng sẽ nói cho các thuật toán xử lý hình ảnh biết vật thể nào gần với camera hơn - và những điểm ảnh nào cần xoá mờ. Những thuật toán này cũng có thể được sử dụng để đánh giá liệu một bức ảnh có phù hợp để biến thành ảnh chân dung hay không.

Những cải tiến thời gian qua đã giúp người dùng thu thập thêm nhiều dữ liệu nữa, như những khu vực của ảnh sắc nét hơn đôi chút so với những khu vực khác, một lần nữa cho biết vật thể ở cách camera bao nhiêu. Bạn có thể thấy sự tiến bộ thể hiện qua từng năm: camera ngày càng chụp được nhiều chi tiết và các tín hiệu mới hơn, và khả năng xử lý của AI cũng tốt hơn đặc biệt trong việc ghép mọi thứ lại với nhau để cho ra hình ảnh hoàn thiện.

Tuy nhiên, không phải mọi bước tiến đều nhờ phần mềm. Sự xuất hiện của LiDAR trên các mẫu Pro của iPhone 12 đồng nghĩa thiết bị này có thể thu được nhiều dữ liệu chiều sâu hơn ngay từ đầu, và những nâng cấp phần cứng sẽ tiếp tục được thực hiện song song với những cải tiến phần mềm.

Nhiếp ảnh thiếu sáng

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã được chứng kiến những bước nhảy thần kỳ trong nhiếp ảnh thiếu sáng, và điều đó chủ yếu là nhờ nhiếp ảnh điện toán. Một lần nữa, ý tưởng ở đây chính là kết hợp nhiều bức ảnh với nhiều thiết lập khác nhau để cho ra nhiều chi tiết nhất có thể, trong khi giữ cho độ nhiễu hạt ở mức tối thiểu. Loại hình xử lý này hiện đã tốt đến mức nó có thể gần như biến đêm thành ngày!

Tuy nhiên, mọi thứ đều cần đánh đổi, và trong trường hợp của nhiếp ảnh thiếu sáng, bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn (tính bằng giây) để thu được nhiều ánh sáng nhất có thể. Chế độ nhiếp ảnh thiên văn trên các điện thoại Pixel thậm chí đòi hỏi người dùng phải chờ... vài phút để hoàn tất quá trình chụp, và điện thoại cần được giữ càng chắc càng tốt để đạt được kết quả như ý.

Dù đòi hỏi thêm thời gian cũng như yêu cầu người chụp phải giữ vững camera, vẫn thật khó tin khi chúng ta nay đã có thể chụp được những bức ảnh bầu trời đêm đầy sao mà chỉ cần một chiếc điện thoại tầm trung nhét vừa túi quần. Các mạng thần kinh trở nên phức tạp hơn, nhiều tầng hơn, một số chuyên dùng để "soi" ra những điểm sáng yếu ớt nhất, số khác có chức năng giải quyết những vấn đề khó nhằn, như làm sao để đảm bảo cân bằng trắng trong điều kiện chụp đầy thách thức như trời đêm.

Công nghệ này cũng liên tục được cải tiến. Các mạng thần kinh đằng sau nó đang dần sành sỏi hơn trong việc nhận biết các phần của một bức ảnh, tìm ra được cách lấy nét vào các vật thể trong bóng tối, và biến chúng trở nên sắc nét nhất có thể, xác định được sự khác biệt giữa một bầu trời đêm và một ngọn núi tối tăm - hạn chế tối đa những bức ảnh vô lý như bầu trời xanh sáng sủa hoàn hảo nhưng đầy sao.

Những cải tiến khác

Lợi ích của nhiếp ảnh điện toán chưa dừng ở đó. Nhiều khung hình có thể được phân tích và đưa vào các thuật toán để giảm nhiễu và tăng độ sắc nét - đó chính là những gì công nghệ Deep Fusion của Apple có thể làm được. Nó sẽ xem xét những bức ảnh với độ phơi sáng khác nhau và áp dụng các kỹ thuật AI nhằm đưa ra giải pháp tăng độ sắc nét của chi tiết, đôi lúc ở cấp độ từng điểm ảnh riêng rẽ. Bức ảnh hoàn thiện sẽ là tập hợp của toàn bộ những điểm ảnh hoàn hảo nhất lấy từ những bức ảnh với độ phơi sáng khau nhau đã chụp được trước đó.

Ghép điểm ảnh là công nghệ tương tự mà hẳn bạn đã từng nghe khi tìm hiểu về camera trên các smartphone cao cấp. Nó về cơ bản sẽ sử dụng thông tin từ nhiều điểm ảnh trong một cảm biến camera để tạo ra một điểm ảnh lớn, siêu chính xác, trong một bức ảnh hoàn chỉnh - có nghĩa là ảnh cuối cùng sẽ có số "chấm" nhỏ hơn so với thông số của camera, nhưng lại sắc nét hơn và rõ ràng hơn.

Để được như vậy, thiết bị đã thực hiện vô số thao tác xử lý hình ảnh với thời gian tính bằng mili-giây trên hàng triệu điểm ảnh riêng rẽ, nhưng đó là chuyện nhỏ đối với những smartphone flagship hiện đại, vốn sở hữu phần cứng mạnh mẽ. Những nguyên lý này hiện cũng đang được áp dụng để giúp zoom kỹ thuật số trở nên tốt không kém zoom quang học. Nó còn giúp các thiết bị cao cấp nổi trội so với các thiết bị bình dân và tầm trung, bởi chúng được trang bị vi xử lý với tốc độ "khủng" và bộ nhớ dư dả - hai yêu cầu cần thiết để quá trình tối ưu hoá diễn ra ở tốc độ thoả đáng.

Các định dạng ảnh RAW (bao gồm Apple ProRAW) vẫn có mặt trên nhiều điện thoại nếu bạn chỉ muốn mọi dữ liệu mà camera chụp được và tin vào khả năng biên tập của mình hơn là các thuật toán. Tuy nhiên, nhiếp ảnh điện toán ngày nay đã xâm nhập vào mọi điện thoại trên thị trường ở một mức độ nhất định nào đó: hầu hết chúng ta đều vui mừng tận hưởng những cải tiến nó mang lại, kể cả khi hình ảnh hoàn thiện không hoàn toàn trùng khớp với thứ chúng ta thực sự thấy.

Minh.T.T (Tham khảo Gizmodo)

Chủ đề khác