VnReview
Hà Nội

Nếu nghĩ LG chỉ toàn sáng tạo vô bổ và không thực tiễn, có thể bạn đã nhầm!

Thông tin LG chính thức đóng cửa mảng di động có thể khiến nhiều người hối tiếc. Từng nằm trong top 5 thương hiệu điện thoại dẫn đầu thị trường, nhà sản xuất Hàn Quốc đã có nhiều phát minh sáng tạo mang đến cho người dùng.

LG đã chọn hướng đi mạo hiểm thay vì an toàn như đa số hãng khác. Tuy nhiên, nhiều trong số đó lại không được đón nhận vì không có tính ứng dụng cao, đơn cử như thiết kế mô đun trên LG G5, mở khóa bằng nhận diện tĩnh mạch trên LG G8.

Nhưng không vì thế mà LG không có cho mình những cải tiến mang tính cách mạng, làm thay đổi thị trường di động. Sau đây là 7 xu hướng công nghệ LG từng tiên phong trong quá khứ và được sắp xếp theo thứ tự thời gian:

Màn hình cảm ứng điện dung

Chiếc iPhone đời đầu luôn được biết đến là một thiết bị mang tính đột phá, làm thay đổi quá trình phát triển của ngành công nghiệp smartphone. Tuy nhiên câu chuyện chiếc điện thoại thông minh đầu tiên có màn hình cảm ứng điện dung mà không cần bút stylus nhiều người đặt cho iPhone đời đầu lại không chính xác.

Trên thực tế, LG Prada (tên mã LG KE850) mới là sản phẩm đầu tiên được có màn hình cảm ứng điện dung. LG Prada được ra mắt vài tháng trước khi iPhone đời đầu xuất hiện. Nói như thế đồng nghĩa với việc LG là hãng tiên phong làm ra màn hình cảm ứng cho điện thoại di động chứ không phải Apple. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận thao tác cảm ứng do Apple tinh chỉnh cho trải nghiệm mượt mà, đa dạng hơn.

Camera góc siêu rộng

Camera góc siêu rộng là tính năng thiết yếu cho các smartphone ở mọi phân khúc giá hiện nay. Và LG là nhà sản xuất đầu tiên đưa ống kính góc rộng lên camera smartphone với mẫu LG G5 ra năm đầu năm 2016. Nhưng sản phẩm của LG không thu hút được nhiều sự chú ý, các hãng khác tại thời điểm ấy chưa nhận ra tầm quan trọng của khả năng mà ống kính này mang lại.

Phải mất hai năm sau đó, Huawei mới là hãng di động tiếp theo trang bị ống kính siêu rộng cho smartphone, thông qua bộ đôi cao cấp Mate 20 và Mate 20 Pro. Đến cuối năm 2019, hai ông lớn Samsung và Apple đều lần lượt tham gia cuộc đua trang bị camera góc siêu rộng.;

Loại bỏ các phím bấm ở mặt trước 

Đã bao lâu trên thị trường không xuất hiện những mẫu smartphone có phím cứng ở mặt trước. LG G2 ra mắt vào tháng 9/2013 là chiếc điện thoại đầu tiên loại bỏ các nút vật lý ở mặt trước, nhằm đổi lấy thiết kế gọn gàng và cảm ứng toàn bộ. Thậm chí lúc ấy, nhiều người còn chê trách việc thiếu nút bấm vật lí.

Nhưng đến năm 2017, Samsung bắt đầu lược bỏ ba phím bấm truyền thống của mình trên Galaxy S8, Apple thì là iPhone X. Việc loại bỏ phím vật lý đã giúp smartphone của LG nhỏ gọn hơn, trong khi vẫn có màn hình lớn. Có thể kể đến LG G3, dù có chung màn hình 5,5 inch, đại diện smartphone lại sở hữu thiết kế nhỏ gọn và dễ dàng cầm nắm hơn so với iPhone 6 Plus ra mắt cùng năm 2014.

Chế độ chụp ảnh chuyên nghiệp

Một chiếc camera tốt trên smartphone sẽ cho phép người dùng chụp mà không cần thực hiện nhiều thao tác tinh chỉnh, với thành quả cho ra luôn là những bức ảnh đẹp. Đây chính xác là triết lý mà Google và Apple theo đuổi. Vì các máy iPhone hay Pixel đều thiếu đi khả năng tùy chỉnh thông số như ISO, tốc độ màn trập, cân bằng trắng, vùng lấy nét,...

Đi ngược với suy nghĩ đó, LG cho rằng nhiều người sẽ thích kiểm soát mọi thông số. Vì thế, nhà sản xuất Hàn Quốc đã trình làng LG G3 với điểm nhấn về camera là chế độ chụp ảnh thủ công. Thậm chí, hãng còn bổ sung các tùy chọn thủ công cho chế độ quay video cho LG V10.

Ngày nay, chế độ thủ công, hay còn được gọi là Chế độ chuyên nghiệp, xuất hiện hầu hết trên các máy Android, ngoại trừ Pixel.

Màn hình độ phân giải Quad HD

Hai năm qua, thị trường di động đã chứng kiến trào lưu làm màn hình tần số quét và độ phân giải cao của các nhà sản xuất. Ngay cả Samsung cũng cho ra mắt những sản phẩm cao cấp được trang bị màn hình Quad HD+ cùng tần số quét 120 Hz, bất chấp những trang bị đó ảnh hưởng đáng kế đến thời lượng sử dụng pin.

Nhưng ít ai nhớ được rằng LG là thương hiệu đầu tiên đưa ra hy sinh thời lượng pin để đổi lấy độ phân giải cao trên màn hình. LG G3 cũng là chiếc smartphone đầu tiên của hãng có màn hình Quad HD (1440 x 2560 pixel) trong khi những mẫu máy khác đa phần dừng lại ở Full HD.

Khi đó, LG đã nhận về nhiều phản ứng của người dùng với đại đa số ý kiến cho rằng thời lượng pin trên G3 tương đối yếu, bù lại họ có được màn hình hiển thị vô cùng sắc nét. Ở thời điểm hiện tại, khi công nghệ sạc nhanh phát triển, người dùng sẵn sàng đánh đổi thời lượng pin để có trải nghiệm mượt mà trên smartphone với độ phân giải Quad HD+ và tần số quét 120 Hz.

Tỷ lệ màn hình dài

Giữa những năm 2010, hàng loạt smartphone to bảng ra đời. Chúng có màn hình lớn và được xem như thiết bị lai giữa điện thoại và máy tính bảng, hay còn có tên gọi khác là phablet. Dần dần, kích thước quá lớn đã khiến người dùng hầu như không thể sử dụng điện thoại bằng một tay. Điều này khiến cho LG đưa ra quyết định chuyển sang tỷ lệ màn hình hình 18:9 cao hơn, hẹp hơn (thay vì 16:9 truyền thống).

LG G6 ra mắt năm 2017 là chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình 18:9 kiểu mới với thiết kế không quá lớn và dễ dàng cầm nắm. Vài tuần sau khi G6 ra mắt, Galaxy S8 của Samsung cũng được trình làng với màn hình tỷ lệ 18:9. Có thể nói, 2 nhà sản xuất Hàn Quốc đã góp phần tạo nên chuẩn mực mới cho thế giới smartphone, trong đó LG là người dẫn đầu.

Nhấn 2 lần để mở/khóa thiết bị

Từ đời G2, LG đã loại bỏ nút Home khỏi mặt trước điện thoại khiến cho việc đánh thức thiết bị trở nên kém thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hãng cũng mang đến một giải pháp mà đến ngày nay vẫn được nhiều hãng trang bị: nhấn đúp vào màn hình để mở hoặc khóa màn hình.

Thao tác này nhanh hơn và ít đòi hỏi người dùng phải bấm vào nút nguồn được đặt ở cạnh máy. So với cách đánh thức của Apple trên iPhone X thông qua cử chỉ chạm vào màn hình, thao tác nhấn đúp hạn chế được khả năng chạm nhầm khiến máy tự động bật sáng và gây hao pin.

LG luôn sẵn sàng thử nghiệm những cái mới, bất kể là tốt hay xấu

Có vô số lý do để giải thích cho việc mảng kinh doanh điện thoại của LG sụp đổ. Từ chiến lược tiếp thị, lỗi phần cứng đến cập nhật chậm chạp, tất cả chúng đều khiến những người dùng trung thành với nhãn hiệu đành phải từ bỏ sang các nhà sản xuất.

Nhưng suy cho cùng, những thử nghiệm độc đáo của LG vẫn mang lại những giá trị và bài học quý giá cho ngành công nghiệp di động. Khi LG ra mắt thiết kế mô đun trên G5, hay tính năng quét tĩnh mạch để mở khóa điện thoại, giới truyền thông cho rằng sản phẩm của thương hiệu Hàn Quốc quá "phô trương về mặt công nghệ", thay vì đi theo những ý tưởng an toàn nhưng lại mang tính thực tế cao.

Tuy vậy, hình ảnh của LG trong thị trường di động vẫn sẽ luôn được nhớ đến bởi họ không ngừng sáng tạo giữa một ngành công nghiệp đôi khi có đầy rẫy những bản sao chép nhàm chán.

Ngọc Diệp

Chủ đề khác