VnReview
Hà Nội

Tạm biệt LG, một công ty sáng tạo đầy "điên rồ" trong ngành di động!

LG vừa thông báo rằng sẽ đóng cửa bộ phận di động của mình. Có thể, bạn sẽ không hoàn toàn hiểu được ảnh hưởng của động thái này đối với ngành công nghiệp di động.

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

Những chiếc điện thoại gần đây nhất mà LG trình làng đã không nhận được sự chú ý xứng đáng, hoàn toàn bị lu mờ bởi những cái tên Samsung, Apple, Huawei, cũng như nhiều thương hiệu Trung Quốc khác, chẳng hạn như Xiaomi và Oppo, OnePlus.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng LG đã tạo ra nhiều mẫu smartphone có sức ảnh hưởng, sáng tạo và thú vị. Không chỉ bắt đầu xu hướng mà còn đi kèm những thiết kế đột phá, các tính năng thú vị, khác biệt với phần còn lại. Dưới đây là một vài ví dụ tại sao chúng ta lại tiếc nuối khi không còn LG trong ngành di động.

Những năm đầu

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

Sự sáng tạo trong thiết kế của LG đã thể ngay từ khi mới bắt đầu với nhiều chiếc điện thoại di động tiêu chuẩn được phát hành vào cuối những năm 2000. Dòng Black Label, bao gồm LG Chocolate, LG Shine và LG Secret là những biểu tượng của thời đại. Tất cả chúng đều sử dụng thiết kế trượt phổ biến, có màn hình phủ phía trên và bàn phím số sẽ xuất hiện khi người dùng trượt lên. LG Crystal cũng tiếp tục thực hiện điều này, nhưng thay vào đó là bàn phím trong suốt nhằm tăng thêm yếu tố thú vị.

Khi màn hình cảm ứng lên ngôi, dòng sản phẩm Optimus của LG đã mang đến rất nhiều thứ đầu tiên trong ngành. Từ điện thoại đầu tiên sở hữu bộ xử lý lõi kép, NVIDIA Tegra 2 bên trong Optimus 2X, cho đến Optimus 3D (hoặc LG Thrill 4G) với màn hình 3D cũng như camera 3D. LG Mobile thích sử dụng các chiêu trò quảng cáo, hầu hết những chiếc điện thoại của họ đều sử dụng chiến lược này nhằm nổi bật giữa đảm đông. Điều này cũng được áp dụng cho đến chiếc điện thoại cuối cùng của họ.

Dòng G-series

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

LG G4

Dòng Optimus cuối cùng cũng đã bị LG loại bỏ, thay thế bằng dòng G-series. Bắt đầu từ LG G2 ra mắt vào năm 2012, nhưng phải đến thế hệ G3, thế giới mới thực sự chú ý đến công ty. LG G3 đi kèm một tính năng tiên phong trong ngành, màn hình QHD 1440p, cùng camera mạnh mẽ trang bị cảm biến hồng ngoại nhằm hỗ trợ lấy nét nhanh và chính xác hơn. Tiếp tục duy trì phong cách thiết kế từ G2, G3 cũng có nút nguồn và cụm phím âm lượng ở mặt lưng dưới camera. Điều này khá ấn tượng về mặt công thái học, và LG còn bổ sung thêm tính năng nhấp đúp vào màn hình để đánh thức máy.

G4 cũng mang đến những sự bất ngờ không kém. Đây là mẫu smartphone thực sự đưa nhiều người đến với nhiếp ảnh di động. Nó có chế độ "Manual" (Thủ công), giúp bạn tự cài đặt tốc độ màn trập, ISO cũng như điểm lấy nét. Đáng tiếc, chiếc điện thoại này đã gặp vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm khiến nhiều người thất vọng.

LG tiếp tục đổi mới camera của mình bằng cách bổ sung thêm ống kính siêu rộng trên LG G5 và V20. Sau đó, công ty cung cấp một cụm camera đa ống kính, bao gồm tiêu chuẩn, siêu rộng và tele trên mẫu V40. LG cũng là hãng đầu tiên đưa Quad DAC vào smartphone bắt đầu từ V20, biến họ trở thành một trong số ít các công ty ưu tiên chất lượng âm thanh. Hãng cũng duy trì hỗ trợ pin rời và khe cắm thẻ nhớ microSD khi nhiều hãng khác đã chuyển sang sản xuất điện thoại unibody.

LG cũng đi trước trong những mối quan hệ đối tác thương hiệu. Samsung có lẽ hiện được biết đến nhiều nhất khi cung cấp một phiên bản đặc biệt BTS hay Blackpink. Nhưng trong quá khứ, LG cũng từng hợp tác với nhiều nhóm K-Pop khác. Năm 2009, công ty Hàn Quốc này đã hợp tác với nhóm nhạc đình đám Girls' Generation để quảng cáo cho chiếc điện thoại BL40 Chocolate, một năm sau đó là Cyon.

Để quảng bá màn hình 18:9 trên G6, LG đã hợp tác với Blackpink, tương tự là kết hợp với Red Velvet trong video quảng cáo V50 ThinQ. Công ty đã hợp tác với nhóm nhạc Twice để quảng cáo cho V30. Đến năm 2018, LG thậm chí còn phát hành các phiên bản BTS đặc biệt cho bộ đôi LG G7 và LG Q7 của mình, trước khi Samsung hợp tác với những nhóm nhạc nổi tiếng trên thế giới.

Khoảng thời gian từ LG G2 đến LG V20, bao gồm G4 và G Flex 2, thực sự là những năm tháng hoàng kim của smartphone LG. Những mẫu smartphone sáng tác, vui nhộn và thú vị đã giúp nhiều người khai thác sâu hơn chiếc điện thoại của mình.

Chiếc điện thoại Google tốt nhất mà LG từng sản xuất

Năm 2013, một smartphone LG được yêu thích cũng đã phát hành dù không mang thương hiệu LG, đó là Google Nexus 5. Những chiếc điện thoại Google Nexus sau đó đã bị thay thế bằng dòng Pixel, nhưng chúng phục vụ cùng một mục đích: quảng bá phiên phản phần mềm Android mới nhất. Nexus 5 do LG sản xuất, chạy Android 4.4 KitKit ngay khi xuất xưởng. Về mặt kỹ thuật, nó rất giống LG G2 nhưng có một vài hạ cấp về phần cứng. Dẫu vậy, điều đó cũng giúp Nexus 5 thành công.

Với camera tương đối cơ bản cùng dung lượng pin khiêm tốn, Nexus 5 có giá 349 USD, tức chỉ bằng một nửa so với những chiếc điện thoại cạnh tranh vào thời điểm đó. Đối với nhiều người, nó vẫn luôn là chiếc điện thoại hoàn hảo nhất của Google: phần mềm sạch, phần cứng tuyệt vời và giá rẻ. LG cũng đã sản xuất Nexus 4 có mặt lưng lộng lẫy cũng như Nexus 5X cho Google, nhưng cả hai đều không có được sự tiếp nhận nồng nhiệt như Nexus 5.

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

Chiếc smartphone Google Nexus 5 do LG sản xuất

Tuy vậy, trong khi Nexus 4 gặp lỗi dễ vỡ mặt lưng thì vấn đề của Nexus 5X lại nghiêm trọng hơn. Đó chính là đột tử. Lỗi này cũng xuất hiện trên cả LG G4 và V10, đây có lẽ là vấn đề xuất phát từ dây chuyền sản xuất của LG.

Mánh lới quảng cáo, không phải tính năng

Dẫu nhiều người sẽ luôn nghĩ đến khả năng chụp ảnh cũng như âm thanh đầu tiên khi nhắc về LG, nhưng số khác lại liên tưởng LG với những ý tưởng thiết kế và tính năng điên rồ. Trong nhẵng năm qua, LG đã thể hiện sự sáng tạo, táo bạo và điên rồ của mình hơn hầu hết các công ty smartphone khác. Tuy nhiên, công bằng mà nói, từ khía cạnh kinh doanh, một số ít trong chúng lẽ ra chỉ nên dừng lại ở giai đoạn ý tưởng.

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

LG G5 với các phụ kiện mô-đun

Vào năm 2016, LG đã giải đáp cho câu hỏi hóc búa - làm thế nào để tạo ra một chiếc điện thoại có thiết kế kim loại nhưng vẫn thay thế được pin? Câu trả lời là thiết kế mô-đun trên LG G5. Bên cạnh việc tháo lắp pin, thiết kế mô-đun này còn mang đến khả năng mở rộng khác, chẳng hạn mô-đun pin mở rộng, mô-đun âm thanh DAC cao cấp Bang & Olufsen, báng cầm camera hay phụ kiện camera 360 độ riêng biệt.

LG G5 đã trở nên nổi bật với thiết kế mô-đun, một mánh lới quảng cáo được tâng bốc vào thời điểm đó, nhưng nó lại là một giải pháp phức tạp, đòi hỏi quá nhiều từ người dùng. Đó là một dự án đầy tham vọng nhưng thiếu sót. Đáng buồn là nó không mang lại nhiều danh tiếng cho LG. Công ty sau đó cũng rất chật vật với mẫu G6 quay lại thiết kế thông thường. Điều khiển cử chỉ trên G8 cũng là một ví dụ khác về mánh lới quảng cáo.

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

LG G Flex 2

LG G Flex (2013) và G Flex 2 (2016) thì là vài điển hình về những ý tưởng điên rồ của hãng trong việc tạo ra các chiếc điện thoại tốt, hoặc ít nhất là đáng mơ ước. Cả hai đều có màn hình dẻo P-OLED, uốn cong từ trên xuống dưới, cho thấy LG sẵn sàng kết hợp sức mạnh kỹ thuật của mình với những thử nghiệm thiết kế. Màn hình và thân hình với hình dạng giống quả chuối của G Flex vẫn rất tuyệt vời cho đến hiện tại.

Màn hình không phải là điều thú vị duy nhất trên LG G Flex 2. LG quảng cáo, mặt nhựa phía sau thiết bị này có khả năng "tự phục hồi". Công ty tuyên bố, các vết xước nhỏ sẽ biết mất một cách kì diệu sau một thời gian ngắn, giúp nó bền hơn nhiều chiếc điện thoại khác.

Nhiều màn hình hơn

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

LG G8X được gắn chiếc ốp lưng Dual Screen

Nhiều hơn một màn hình từ lâu đã trở thành một niềm đam mê đối với LG. Nỗi niềm đó bắt đầu với LG DoublePlay ra mắt từ năm 2012. Đến thế hệ V10 và V20, LG tiếp tục sử dụng một màn hình phụ nằm phía trên màn hình chính nhằm hiển thị đồng hồ, tin nhắn, văn bản tùy biến, hoạt ảnh hay phím tắt.

Không chạy theo xu hướng smartphone gập, LG đã tận dụng ý tưởng màn hình thứ hai đầy thủ cho G8X, V50, V60 và Velvet như một phần của ốp lưng. Ý tưởng này giúp người dùng có thể tháo rời khi không cần thiết, dễ mang đi hơn.

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

LG Wing

Đỉnh cao của ý tưởng đa màn hình từ LG đó chính là LG Wing. Thiết bị này sử dụng cơ cấu xoay để giấu màn hình thứ hai, ẩn bên dưới màn hình chính. Giống như những ý tưởng điên rồ của LG, thiết kế của LG Wing có tiềm năng nhưng lại chưa được phát hiện ra vào thời điểm phát hành.

Không phải lúc nào LG cũng thành công với những ý tưởng đột phá của mình, nhưng chính họ lại mang đến làn gió mới cho thị trường smartphone vốn đã bão hòa. LG là một trong số ít các công ty sẵn sàng thử nghiệm sự khác biệt và mới mẻ. Dường như, LG ít lo lắng về những gì sẽ xảy ra khi biến các thử nghiệm đó thành hiện thực.

Sự sáng tạo của LG sẽ luôn được ghi nhớ

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

LG Watch W7

Không chỉ smartphone, LG cũng tạo nên danh tiếng với những chiếc smartwatch của mình. Bỏ qua LG G Watch xấu xí, LG G Watch R thực sự là một trong những chiếc smartwatch xuất sắc thế hệ đầu. Và dẫu LG Watch Urbane và LG Watch Sport tách đôi triết lý thiết kế, nhưng chúng lại là những cái tên không thể không nhắc đến trong thế giới smartwatch.

Từ cơ sở đó, LG tiếp tục thử nghiệm những ý tưởng về thiết bị đeo của mình với LG Watch W7, chiếc đồng hồ lai, vừa sở hữu cấu trúc đồng hồ kim truyền thống nhưng cũng được trang bị những tính năng thông minh nhờ nền tảng Wear OS và màn hình cảm ứng.

Tạm biệt LG, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!

Màn hình phụ trên LG V10 và LG V20

Có thể nói, mẫu smartphone điên rồ nhất của công ty là LG Wing đã trở thành thiết bị di động đáng nhớ cuối cùng của hãng. Nhìn lại những đột phá mà công ty mang đến, gần như chẳng có bất kỳ công ty nào có thể so sánh với LG về độ điên rồ.

Nhưng điên rồ chỉ là một phần của câu chuyện. Những mẫu điện thoại thường thiếu khí chất riêng và đôi khi cần phải có vài sáng tạo táo bạo, để biến một món đồ điện tử vô hồn trở nên thú vị. LG đã nhiều lần vượt qua những thử thách đó, mang đến vô số công nghệ hấp dẫn, âm thanh mạnh mẽ cũng như chất lượng camera tuyệt vời trên các sản phẩm tốt nhất của mình. Thật buồn khi thị trường smartphone vắng bóng LG!

Minh Hùng;(theo Digital Trends)

Chủ đề khác