VnReview
Hà Nội

Giải thích chi tiết hiện tượng quầng sáng trên màn hình iPad Pro 12.9 inch

Những ngày gần đây, cộng đồng công nghệ xôn xao trước nhiều hình ảnh cho thấy màn hình iPad Pro M1 gặp vấn đề về kiểm soát ánh sáng.

Theo tài liệu chính thức từ Apple, công nghệ miniLED đã được thiết kế để cải thiện khả năng hiển thị của Liquid Retina XDR. Đối với các màn hình LCD thông thường, hiện tượng quầng sáng rất hay xảy ra do không thể kiểm soát chính xác ánh sáng từ đèn nền. Theo công ty Mỹ thì lựa chọn miniLED sẽ giúp giảm thiểu hiện tượng này, nhờ rất nhiều vùng làm mờ.

Một bài đăng phàn nàn về màn hình iPad Pro 12.9 inch

Tuy nhiên, trang công nghệ MacRumors;ghi nhận nhiều người dùng trong đó một số là reviewer, đã lên Twitter phàn nàn về chất lượng hiển thị của iPad Pro 12.9 inch. Một người cho biết sau một ngày trải nghiệm, anh nhận ra đèn nền miniLED không nên là công nghệ lâu dài, các mẫu iPad Pro tương lai nên chuyển sang màn hình OLED có hình ảnh tốt hơn. 

Tài khoản @JoshTeder viết: "Đây là trải nghiệm của tôi với vấn đề quầng sáng trên iPad Pro M1 cho đến nay. Nó dễ nhận ra ở phòng tối với các yếu tố hiển thị nằm trên một nền đen. Tuy nhiên, đó cũng là hoàn cảnh duy nhất tôi thực sự nhận ra".

Màn hình bị quầng sáng

Màn hình của iPad Pro M1 là công nghệ LCD truyền thống, cần phải có đèn nền, khác biệt dựa trên kích thước đường chéo mỗi bản. Ở iPad Pro 11 inch, đó là màn hình LCD LED, sử dụng các chip LED tiêu chuẩn bố trí ở cạnh viền (Edge LED). Còn bản 12.9 inch trang bị màn hình LCD miniLED, bố trí đèn nền full array local dimming (FALD) tương tự TV cao cấp.

Tâm điểm chỉ trích ở trên chủ yếu xoay quanh mẫu 12.9 inch, do công nghệ miniLED lần đầu xuất hiện trên dòng iPad nên đã thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng. Tuy vậy, nhìn nhận khách quan thì màn hình iPad vẫn là LCD trang bị đèn nền LED, không phải OLED có thể bật tắt từng điểm ảnh, việc bị quầng sáng là khó tránh khỏi.

Cụ thể, hiện tượng quầng sáng được hiểu là xung quanh thành phần hiển thị đang rất sáng, có những vầng hào quang lờ mờ tỏa ra nền tối xung quanh. Trong khi một số đèn LED cố gắng giảm độ sáng để tái hiện màu đen, những đèn khác lại cố sáng nhất có thể. Ví dụ rõ nhất là chữ phụ đề trên nền đen khi xem phim. Nếu môi trường xung quanh ít hoặc không có ánh sáng, quầng sáng sẽ càng dễ nhận ra.

Đối với iPad Pro 11 inch, màn hình dùng LED viền nên quầng sáng xảy ra ở mức độ nặng và dễ thấy. Màu đen có thể không còn là màu đen mà trở nên ngả xám. Còn với iPad Pro 12.9 inch hiện tượng này đã được giảm thiểu đáng kể so với bản 11 inch, nhưng khi đặt cạnh OLED có thể vẫn chưa làm hài lòng nhiều người.

Phóng viên The Verge gặp hiện tượng lạ mà anh cho là lỗi thuật toán điều khiển vùng làm mờ 

Rất nhiều người phàn nàn quầng sáng khi bật thanh điều khiển video (ảnh: @JoshTeder)

Quầng sáng lộ rất rõ trong một môi trường tối như mực (ảnh: @JoshTeder)

Đèn nền miniLED

Nhiều người vẫn hay gọi màn hình trên iPad Pro là "màn hình miniLED" dẫn tới nhiều ngộ nhận, lầm tưởng đây là công nghệ màn hình mới, một công nghệ hiện đại hơn LCD hoặc thậm chí so sánh nó với OLED. Tuy nhiên, về bản chất thì đây chỉ là công nghệ mới về đèn nền LED còn màn hình thì vẫn là LCD.

Bản thân Apple cũng không tiếp thị đây là công nghệ màn hình miniLED mà ghi rõ tấm nền IPS LCD, trang bị đèn nền miniLED. Đi sâu hơn vào thông số, chúng ta có như sau:

  • Độ phân giải: 2.732 x 2.048 pixel.

  • Số điểm ảnh: gần 5,6 triệu điểm ảnh.

  • Số đèn miniLED: 10.384 đèn.

  • Số vùng làm mờ: 2.596 vùng.

  • Số đèn LED mỗi vùng: 4 (theo mẫu 2x2).

Không chỉ những bài đăng từ người trên tay sản phẩm sớm, ngay cả trang công nghệ MacRumors cũng thừa nhận chuyện này. Một số biên tập viên của họ đã trải qua vấn đề tương tự, trong khi số khác thì cho rằng nó không đáng bận tâm.

Một slide giải thích về hiện tượng quầng sáng của màn hình LCD sử dụng đèn nền miniLED (ảnh: DSCC)

Một cảnh phức tạp cho thấy rõ giới hạn của LCD kể cả khi đã có đèn nền miniLED (ảnh: MacRumors)

Để hiểu chính xác vì sao một số người lại khó chịu với quầng sáng trên iPad Pro 12.9 inch, chúng ta có thể tham khảo giải thích từ chuyên gia Ross Young của một đơn vị điều tra thị trường màn hình, DSCC. Trang công nghệ Wccftech đã chia sẻ lại quan điểm của nhà phân tích có 25 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành này.

Giới hạn kiểm soát ánh sáng

Chuyên gia Ross Young thừa nhận, kể cả khi đã có hàng ngàn vùng làm mờ, tương phản lên tới 1.000.000:1, màn hình iPad Pro 12.9 inch vẫn có khả năng xảy ra hiện tượng quầng sáng. So với LCD LED truyền thống trên iPad Pro 11 inch, hiện tượng này có thể được giảm thiểu đáng kể khi tăng độ tương phản và số vùng làm mờ.

Khi đặt cạnh, màu đen trên bản 11 inch trông như bị "rửa trôi" và không còn sâu nổi khối nữa. Tuy nhiên, đèn nền miniLED vẫn khó tránh khỏi bị quầng sáng dù chỉ rất nhẹ. Thay vì toàn khung hình trở nên "nhạt nhòa" và kém nổi khối đi, trên LCD miniLED sẽ chỉ có phần rìa cạnh của các đối tượng đang phát sáng cao bị quầng.

Mỗi cụm đèn nền sẽ kiểm soát 2.155 điểm ảnh (ảnh: PhoneArena)

Lí do nằm ở khả năng kiểm soát ánh sáng đèn nền chiếu sáng cho điểm ảnh hiển thị. Với lượng điểm ảnh gần 5,6 triệu thì mỗi vùng làm mờ sẽ kiểm soát khoảng 2.155 điểm ảnh. Vậy nên những chi tiết hay đối tượng nhỏ hơn mức này, sẽ vượt quá khả năng làm mờ của hệ thống đèn nền.

Phần viền của đối tượng hiển thị thường dễ bị quầng sáng nhất, bởi cụm đèn miniLED cũng không thể tắt chính xác ánh sáng ở đây. Theo vị chuyên gia, chỉ có thể giải quyết bằng cách dùng OLED. Tấm nền OLED có thể kiểm soát chính xác đến từng điểm ảnh bật tắt, một điểm ánh phát sáng không liên quan gì đến điểm ảnh bên cạnh đang tắt.

Giả sử iPad Pro 12.9 inch sử dụng OLED, đó sẽ là gần 5,6 triệu vùng làm mờ khi mỗi điểm ảnh tương ứng với một vùng. Rõ ràng so với 2.596 vùng, mỗi vùng kiểm soát 2.155 điểm ảnh, thì ở một cấp độ hoàn toàn khác.

Yếu tố bên ngoài

Hiện tượng quầng sáng không lộ liễu như nhiều người tưởng khi nhìn trực diện (ảnh: Max Tech)

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả về những hình ảnh đang lan truyền trên mạng. Theo trang công nghệ PhoneArena, người dùng không cần quá hoang mang. Hiện tượng quầng sáng không nghiêm trọng đến mức phải hủy đơn đặt hàng của bạn, bởi gần như không nhận ra được khi xem phim, chơi game, lướt web,... hàng ngày.

Nó chỉ bộc lộ rõ nhất ở các hoàn cảnh chênh sáng quá lớn, khi các đối tượng hiển thị có độ sáng và độ tương phản quá chênh lệch đặt cạnh nhau. Như ở trên giải thích, vượt quá khả năng kiểm soát 2.155 điểm ảnh của cụm đèn LED. Hơn nữa, nó dễ nhận ra khi bạn nhìn từ góc nghiêng nhưng nếu xem trực diện thì không.

Đồng tình với nhận định này, MacRumors cũng cho biết sản phẩm của họ sẽ bị quầng sáng khi hiển thị nội dung HDR. Các đối tượng cô lập trên nền đen dễ dàng bị bao quanh bởi một vầng ánh sáng lờ mờ. Góc nghiêng hoặc môi trường tối đến rất tối cũng khiến nó lộ rõ hơn.

Trừ khi là người khó tính, nếu không chuyện này cũng không ảnh hưởng đến trải nghiệm. Tùy vào điều kiện và nhu cầu sử dụng mà quầng sáng có thể bộc lộ.

Còn nếu nhìn nghiêng thì có thể nhận ra (ảnh: PhoneArena)

Cuối cùng, việc chụp hình hoặc quay phim có thể dẫn tới mô tả sai hình ảnh thực tế. Do kỹ thuật đo sáng, xử lý hình ảnh, ống kính,... mà nó đã bị "thổi phồng". Điển hình là dùng máy quay ghi lại màn hình đang hiển thị video HDR. Nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, máy quay có thể không thu được chính xác hình ảnh HDR đang chiếu.

Kết luận

  • iPad Pro 12.9 inch sử dụng màn hình LCD miniLED, không thể loại bỏ hiện tượng quầng sáng.

  • Đèn nền miniLED cải thiện đáng kể tương phản, độ sáng, kiểm soát ánh sáng so với LED truyền thống (trên bản 11 inch), nhưng vẫn chưa thể bằng khả năng bật tắt chính xác từng điểm ảnh của OLED.

  • Hiện tượng quầng sáng trên iPad Pro 12.9 inch không tồi tệ như bạn tưởng, nhất là khi chỉ nhìn nhận qua video, ảnh chụp. 

Ambitious Man

Chủ đề khác