VnReview
Hà Nội

Xiaomi sử dụng cảm biến và AI để theo dõi động đất bằng smartphone

Xiaomi lần đầu tiên tích hợp tính năng cảnh báo động đất trên ROM MIUI cho smartphone và TV thông minh vào năm 2010. Sắp tới đây, Xiaomi sẽ phối hợp cùng Viện giảm nhẹ thiên tai công nghệ cao Thành Đô, Trung Quốc;ra mắt một hệ thống chuyên giám sát động đất.

Tính đến nay, Xiaomi đã cảnh báo thành công khoảng 35 trận động đất có cường độ từ 4.0 độ richter trở lên với hơn 12,64 triệu tin nhắn được gửi đi. Tuy nhiên, Xiaomi cho biết công ty đang phát triển một hệ thống cảm báo sớm thảm họa thiên tai, bên cạnh địa chấn. Tính năng mới không chỉ cho phép smartphone của người dùng nhận thông tin cảnh báo động đất mà còn theo dõi các trận động đất.

Để làm được điều đó, Xiaomi sẽ tích hợp cảm biến theo dõi hoạt động địa chấn của Trái Đất theo thời gian thực lên smartphone. Công nghệ này không chỉ tiết kiệm chi phí giám sát động đất mà còn tăng số lượng trạm quan trắc, giúp mạng lưới giám sát và cảnh báo sớm động đất hoạt động hiệu quả hơn.

Trong tương lai, tính năng theo dõi động đất sẽ được tích hợp vào mỗi smartphone được bán ra. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, người dùng điện thoại Xiaomi chạy phiên bản MIUI 12.5 có thể truy cập vào phần quản lý thiết bị, bấm chọn cảnh báo sớm động đất để đăng ký tham gia chương trình làm tình nguyện viên.

Xiaomi giải thích thêm rằng, khi cảm biến trên điện thoại phát hiện rung chấn, nó sẽ bắt đầu tính toán biên và phân tích xem có phải động đất hay không. Nếu là động đất thật, thiết bị sẽ gửi thông tin về trung tâm cảnh báo sớm. Trung tâm có thể sử dụng thông tin từ nhiều thiết bị, kết hợp với AI để tính toán và đưa ra kết luận chính xác.

Trong tường hợp xác định có động đất, trung tâm sẽ nhanh chóng tính toán cường độ, vị trí và thời gian xảy ra, sau đó sẽ gửi đi thông báo cảnh báo cho người dân khu vực xung quanh nơi bị ảnh hưởng.

Thông qua cách làm này, mỗi smartphone của Xiaomi sẽ trở thành thiết bị giám sát rung chấn, giúp những nơi không có máy theo dõi động đất truyền thống có thể nhận được thông tin cảnh báo sớm. Nhờ đó, mạng lưới giám sát và cảnh báo sớm động đất của Trung Quốc có thể bao phủ rộng hơn.

Xiaomi cam kết tính năng theo dõi động đất không nguy hại đến quyền riêng tư của người dùng theo bất kỳ cách nào. Công ty chỉ ra rằng trong toàn bộ quá trình phân tích, thiết bị sẽ sử dụng cái được gọi là "quyền riêng tư khác biệt" để xử lý ẩn danh tất cả dữ liệu người dùng, giúp đảm bảo vấn đề riêng tư hơn bao giờ hết. Song, nhiều khả năng tính năng này ban đầu chỉ khả dụng cho khu vực Trung Quốc.

Hệ thống cảnh báo sớm động đất sử dụng chênh lệch thời gian so với các sóng lan truyền nhanh hơn để đưa ra dự đoán. Vì những sóng này phát ra từ sâu bên dưới lòng đất và di chuyển rất nhanh nên thời gian cảnh báo thường tính bằng giây. Sóng dọc nhanh hơn và sóng ngang chậm hơn có mối quan hệ với nhau.

Mục đăng ký tham gia tình nguyện viên giám sát động đất trên MIUI 12.5

Vì sóng dọc tương đối vô hại đến trước nên có thể dự đoán nhanh thời gian đến của sóng ngang và động đất có tính hủy diệt liên quan. Chênh lệch thời gian đến giữa các sóng này thường rất nhỏ.

Các nghiên cứu lý thuyết đã chỉ ra, nếu thời gian cảnh báo là 3 giây, tỷ lệ thương vong có thể giảm 14%. Nếu là 10 giây, tỷ lệ thương vong giảm 39%. Còn nếu thời gian cảnh báo là 20 giây, tỷ lệ thương vong cũng có thể giảm 63%.

Hiện chưa rõ mức độ chính xác của chức năng dự đoán động đất trên MIUI là bao nhiên. Đây được xem là một quá trình rất phức tạp và đòi hỏi độ chính xác cao. Trên thực tế, không có nhiều dự đoán chính xác và thành công về động đất trên toàn cầu.

Ngọc Diệp (Theo Gizmochina)

Chủ đề khác