VnReview
Hà Nội

7 vấn đề của smartphone thời đầu giờ đã được khắc phục

Ngày nay, việc sở hữu một chiếc smartphone không còn quá khó như đầu những năm 2010. Đồng thời, smartphone chắc chắn cũng đã có những cải tiến trên hầu hết tất cả các mặt. Từ chất lượng camera đến thời lượng pin và khả năng kết nối, bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi phải tìm hiểu thêm nhiều tính năng mới nếu vừa nâng cấp lên từ chiếc điện thoại mua ở năm 2011 hay 2012.

Có thể, bạn không hề nhận ra rằng phần lớn vấn đề trên smartphone thời đầu đã được giải quyết ở những thế hệ smartphone gần đây. Không tin ư? Dưới đây là những điểm từng khiến không ít người dùng đau đầu nhưng đã được xử lý một cách âm thầm.

1. Màn hình OLED không còn "lởm" nữa

Cuộc chiến giữa OLED và LCD đã từng khốc liệt hơn nhiều ở thời kỳ đầu của smartphone. Khi đó, Samsung Galaxy S và Galaxy S2 sử dụng màn hình OLED, còn LG và HTC lại sử dụng màn hình LCD. Nguyên nhân là vì màn hình OLED có tuổi thọ quá thấp và thường hỏng trước khi người dùng có nhu cầu đổi điện thoại mới.

Một vấn đề lớn nhất của màn hình OLED đời đầu là hiện tượng "burn-in" hay còn gọi là hiện tượng lưu ảnh. Việc người dùng sử dụng điện thoại màn hình OLED thấy có những bóng mờ trên màn hình không phải là hiếm gặp. Dù đến năm 2021 thì hiện tượng lưu ảnh vẫn còn là một vấn đề lớn đối với màn OLED. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã có những tiến bộ trong việc phát triển các biện pháp để giảm thiểu tình trạng này ở mức thấp nhất có thể.

Chất lượng tổng thể cũng là một vấn đề quan trọng không kém đối với màn OLED. Nếu so sánh với hiện tại thì màn OLED thời kỳ đầu có chất lượng khá tệ, như việc hiển thị kém dưới ánh sáng mặt trời. Và một lần nữa, những tấm màn OLED hiện nay đã thể hiện sự tiến bộ vượt bật với khả năng hiển thị ngoài trời tuyệt vời và trải nghiệm người dùng cũng tốt hơn nhiều.

Cuối cùng, giá thành cũng từng là một vấn đề đối với màn hình OLED, nhưng qua nhiều năm, giá thành của chúng đã ngày càng giảm dần. Hiện nay, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy những mẫu điện thoại tầm trung được trang bị màn hình OLED.

2. Bộ nhớ không bị trì trệ theo thời gian

Ở thời kỳ đầu, bộ nhớ trên smartphone sẽ chậm dần theo năm tháng sử dụng. Bạn có thể dễ dàng nhận ra vấn đề này nếu còn đang sử dụng những chiếc máy tính bảng của Google hay Asus Nexus 7 ra mắt năm 2012.

Đầu tiên là máy tính bảng Nexus 7 sử dụng mộ nhớ eMMC có tốc độ khá chậm, nhưng vấn đề lớn hơn cả là cách hệ điều hành Android xử lý bộ nhớ flash. Điều này có nghĩa là việc hàng loạt thiết bị chạy hệ điều hành Android có tốc độ chậm dần gần như là điều hiển nhiên. Rất may là Google đã cho ra mắt một tính năng liên quan đến bộ nhớ có tên là TRIM từ hệ điều hành Android 4.3 trở đi. Tính năng này đã giúp cải thiện hiệu suất của thiết bị không bị trì trệ sau một thời gian dài sử dụng.

3. Chuyển danh bạ và dữ liệu cá nhân

Bạn có nhớ trước đây mỗi khi đổi điện thoại chúng ta phải vất vả thế nào để chuyển danh bạ qua điện thoại mới không? Khi đó tôi phải nhập bằng tay, lưu danh bạ vào thẻ SIM, hay thậm chí là phải nhờ đến kỹ thuật viên ở cửa hàng. Vấn đề này gần như đã được khắc phục hoàn toàn trong những năm gần đây. Giờ đây, chúng ta chỉ cần đăng nhập vào tài khoản Google trên điện thoại mới là tất cả sẽ được đồng bộ một cách nhanh chóng.

Nhờ sự tiện lợi của tài khoản Google mà chúng ta có thể truy cập email, phát nhạc trong thư viện, bộ nhớ đám mây, sao lưu ảnh và còn nhiều tính năng khác giữa nhiều thiết bị. Bạn cần chuyển toàn bộ dữ liệu từ điện thoại cũ sang điện thoại mới ư? Đã có những giải pháp vô cùng tiện lợi và nhanh chóng dành cho bạn.

Các smartphone chạy hệ điều hành Android ngày nay đều được cung cấp giải pháp chuyển dữ liệu thông qua Google. Bên cạnh đó, mỗi nhà sản xuất smartphone cũng sẽ cung cấp những công cụ riêng dành cho thiết bị của họ. Vì vậy, bạn có thể sử dụng bất kỳ công cụ nào để chuyển dữ liệu giữa hai điện thoại một cách nhanh chóng. Dù nó không được liền mạch như Apple, nhưng dù sao đó vẫn là cách hiệu quả nhất.

4. Phóng to chưa chắc đã giảm chất lượng ảnh

Trước đây, phóng to hình ảnh khi chụp hình sẽ khiến chất lượng giảm đi trông thấy vì hầu hết camera trên smartphone lúc bấy giờ chỉ sử dụng tính năng thu phóng kỹ thuật số từ một ống kính duy nhất. Nhưng điều này đã thay đổi hoàn toàn trên những chiếc flagship trong những năm qua.

Ngày nay, bạn có thể tìm thấy những chiếc smartphone hiện đại được trang bị ống kính tele 2X, 3X hay 5X cho phép chụp những tấm ảnh phóng to hoàn toàn rõ nét. Thậm chí bạn có thể tìm được những thiết bị được trang bị đồng thời hai ống kính tele để chụp ảnh cận cảnh và ảnh phóng xa.

Tuy không phải mọi điện thoại ngày nay đều có ống kính tele, nhưng những chiếc điện thoại không có chúng vẫn được cải thiện chất lượng ảnh phóng to nhờ những công nghệ hiện đại hơn. Có thể kể đến công nghệ thu phóng hybrid zoom, như Super Res Zoom;của Google hay Hybrid Optic Zoom của Samsung. Các hãng khác, như LG, sử dụng camera chính có độ phân giải cao (từ 48MP đến 108MP) để có thể chụp ảnh thu phóng ở khoảng cách gần tốt hơn, đó là nhờ vào số pixels được tăng thêm.

Dù việc được trang bị ống kính tele không đảm bảo chất lượng ảnh phóng to tuyệt vời, nhưng chắc chắn kết quả chúng mang lại tốt hơn nhiều so với những năm trước. Và bạn hoàn toàn có thể chụp được ảnh 2X một cách sắc nét dù thiết bị không có ống kính tele.

5. Dung lượng bộ nhớ lớn hơn

Khoảng một thập kỷ trước, bạn chỉ mong đợi có được chiếc smartphone với bộ nhớ 8GB, hay cao cấp hơn là 16GB, 32GB hoặc 64GB. Và thậm chí là những chiếc smartphone giá rẻ trước đây cũng chỉ có 4GB bộ nhớ, một con số vô cùng ít ỏi. Chính vì vậy, việc thiếu bộ nhớ là vấn đề nghiêm trọng nhất trên smartphone thời kỳ đầu.

Hiện tại, bộ nhớ trên smartphone không còn là một vấn đề đáng quan tâm như trước nữa. Đó là vì nhà sản xuất thiết bị đã có thể giảm giá thành bộ nhớ eMMC và UFS. Bạn hoàn toàn dễ dàng tìm thấy những chiếc điện thoại giá rẻ được trang bị bộ nhớ từ 32GB cho đến 128GB. Trong khi đó, với những thiết bị giá rẻ chạy Android Go, bộ nhớ tối đa chỉ có 16GB.

Một nguyên nhân khác khiến vấn đề bộ nhớ không còn quan trọng nữa là vì dịch vụ lưu trữ đám mây đã trở nên phổ biến hơn. Dịch vụ Google Photo, dù đã ngừng cung cấp dung lượng không giới hạn miễn phí, nhưng nó vẫn là một phương thức sao lưu tự động hiệu quả với dung lượng miễn phí lên đến 15GB. Mặt khác, giá thành sử dụng dịch vụ Google Photo cũng giảm dần qua thời gian về mức giá phù hợp hơn, từ 5 USD/100GB/tháng chỉ còn 2 USD/100GB/tháng.

Cuối cùng, hình ảnh và video hiện tại cũng chiếm ít dung lượng hơn dù vẫn giữ nguyên chất lượng. Đó là nhờ sự hỗ trợ của HEVC và HEIF codec, ảnh chụp và video ở độ phân giải cao được nén lại nên chiếm ít bộ nhớ hơn nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng. Ngoài ra những dịch vụ phát trực tuyến như Youtube và Instagram cũng hỗ trợ HEVC.

6. Chụp ảnh HDR

Chất lượng ảnh HDR ở những thiết bị đời trước khá là tệ. Một ảnh HDR thường gồm nhiều khung hình với độ phơi sáng khác nhau để tạo ra hình ảnh có dải màu rộng hơn. Nhờ đó, bạn có thể nhìn thấy rõ chi tiết ở trong vùng tối nhất mà không phải hi sinh hình ảnh ở vùng sáng nhất, và ngược lại.

Đáng tiếc là việc chụp ảnh HDR trên thiết bị đời cũ mất quá nhiều thời gian. Nguyên nhân là vì camera và bộ xử lý đời cũ không thể chụp và kết hợp hình ảnh đủ nhanh để loại bỏ bóng mờ. Và chính những bóng mờ là thứ khiến việc chụp ảnh HDR trên những thiết bị đầu những năm 2010 rất chật vật.

Nhưng đến giữa những năm 2010, tính năng chụp ảnh HDR đã có một bước tiến lớn, cõ lẽ phải kể đến sự thay đổi trên điện thoại Samsung Galaxy S5. Chiếc điện thoại này được trang bị tính năng chụp ảnh HDR thời gian thực với khả năng kết hợp khung hình và cho ra kết quả tốt hơn nhiều mà không bị nhòe hay xuất hiện bóng mờ. Kể từ đó, các thiết bị của Samsung hay Google đều đưa chế độ chụp ảnh HDR làm chế độ mặc định vì nó đã đạt tốc độ chụp ngang với chế độ bình thường.

7. Cảm biến vân tay

Trước đây, để bảo vệ chiếc smartphone của mình, bạn chỉ có thể sử dụng mã PIN hay hình vẽ. Chúng không phải là biện pháp bảo mật liền mạch nhất, nhưng bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tắt chúng đi. Tuy nhiên, năm 2011, chúng ta đã có thế hệ smartphone đầu tiên sử dụng cảm biến vân tay, ví dụ như Motorola Atrix, nhưng tốc độ và độ chính xác rất thấp so với hiện nay.

Đến năm 2021, cảm biến vân tay và nhận diện khuôn mặt đã trở thành phương thức bảo mật trên hàng triệu thiết bị di động. Bạn có thể dễ dàng có được một chiếc điện thoại với cảm biến vân tay với giá thành rất rẻ.

Điểm nổi bật nhất là tốc độ và độ chính xác của cảm biến đã được cải thiện rất nhiều. Thậm chí chúng ta đang tiến dần đến việc phổ thông hóa cảm biến vân tay dưới màn hình. Ngoài ra, cảm biến vân tay đã được sử dụng để thực hiện nhiều tác vụ khác ngoài việc mở khóa điện thoại, như cho phép ứng dụng và trang web sử dụng vân tay để đăng nhập hay thậm chí là để bảo vệ dữ liệu trên thiết bị.

Đó là những điểm mà chúng tôi nghĩ rằng smartphone đã dần dần thay đổi mà chúng ta không hề nhận ra. Bạn có nhận thấy điều gì khác trên smartphone tuy mới mẻ nhưng lại ít người để ý đến không? Hãy cùng bình luận bên dưới nhé.

Minh Bảo (Theo Android Authority)

Chủ đề khác