VnReview
Hà Nội

iOS vs Android vs Windows Phone 8 vs BlackBerry 10 (phần 1)

Cuộc chiến giành quyền bá vương trong thế giới smartphone sau nhiều năm trời vẫn chưa ngã ngũ. Người tiêu dùng đang dần chuyển từ điện thoại phổ thông sang cả những tuyệt tác công nghệ như iPhone 5 và HTC One lẫn những smartphone giá dễ chịu như Lumia 520 và Ascend G330: Chúng ta chưa thể khẳng định được ai sẽ nắm tương lai của ngành công nghiệp smartphone.

1

Chúng ta đã được chứng kiến những thiết bị phần cứng ấn tượng đến và rồi mờ nhạt dần: vi xử lý lõi tứ đang có mặt trên tất cả các mẫu đầu bảng (Sony Xperia Z, HTC One v...v...), một số phiên bản của Galaxy S4 thậm chí còn có vi xử lý 8 lõi ở một vài thị trường.

Hiển nhiên, tất cả các nguồn lực trong ngành công nghệ đều có ít nhiều ảnh hưởng tới thế giới của các hệ điều hành di động. Apple có iOS (chuẩn bị lên phiên bản 7), Google có Android – phiên bản mới nhất là Jelly Bean 4.2.2, Microsoft có Windows Phone 8, trong khi BlackBerry đặt mọi hi vọng lên BlackBerry 10. Chúng ta hãy cùng xem một số so sánh giữa các hệ điều hành này, do trang TechRadar thực hiện và VnReview chuyển ngữ.

Giao diện

Giao diện của iOS 7 là một sự cải tiến cực kỳ lớn so với các phiên bản cũ. Mặc dù mang dáng dấp hiện đại và sạch sẽ, công thức "đơn giản là nhất" vẫn được Apple giữ nguyên. Các biểu tượng đã được cải tiến toàn bộ, các ứng dụng cũng bắt đầu sử dụng thiết kế trong suốt – iOS giờ có thiết kế nhất quán hơn rất nhiều so với quá khứ.

2

Những người đã quen thuộc với các phiên bản iOS cũ có thể cảm thấy hơi sốc khi đi lên iOS 7, đặc biệt là khi ngay cả những thứ quen thuộc nhất như màn hình khóa cũng được thiết kế lại toàn bộ. Các yếu tố thiết kế của iOS 7 "tròn" hơn trước đây, và cũng sáng sủa hơn rất nhiều. Nhìn trên bề mặt, mọi thứ đã là rất khác biệt với iOS 7 – song ở bên dưới, sự thay đổi còn sâu rộng hơn gấp nhiều lần.

Android hiện tại đang dừng lại ở phiên bản 4.2 – phiên bản mới nhất của Jelly Bean. Jelly Bean được xây dựng trên thành tựu của 4.0 Ice Cream Sandwich: mọi thứ giờ đã trở nên mượt mà hơn rất nhiều nhờ có "Project Butter". Đồng thời, trợ lý ảo Google Now cũng vượt mặt Siri của Apple ở khá nhiều mặt.

Gần như tất cả mọi nhà sản xuất đều tự đặt một giao diện của riêng mình lên trên nền Android: HTC có Sense, Samsung có TouchWiz và Huawei có Emotion.

Mặc dù vậy, phần lớn các phiên bản Android đều được xây dựng dựa trên nhiều màn hình Home với rất nhiều widget. Các ứng dụng được đặt trong một "ngăn kéo" gọn gàng.

3 4

Windows Phone 8 (trái) và BlackBerry 10 (phải)

Hệ thống của Microsoft lại được đặt trên một hệ thống có tên gọi "Live Tile". Những Live Tile này khá giống với widget của Android, cho phép theo dõi thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện. Những người sử dụng Windows Phone 7 hay Windows 8 trên tablet và PC sẽ nhanh chóng quen với Windows Phone.

Về mặt tùy biến cho người dùng, giống như iOS, Windows Phone 8 là một hệ thống khá đóng. Chúng ta có thể thay đổi kích cỡ của Live Tile, cho phép các Live Tile quan trong nhận được nhiều chỗ trống hơn trên màn hình. Ngoài ra, Windows Phone cũng cung cấp tới 20 màu khác nhau cho các Live Tile. Người dùng có thể thay đổi màn hình khóa để hiển thị ảnh, widget và các thông báo (notification).

Đến từ Canada là BlackBerry 10 (BB10) – hệ điều hành đang mang tất cả mọi hi vọng của BlackBerry. Giống như Windows Phone 8, BB10 cho phép sử dụng 8 "Active Frame" – trong đó 4 Active Frame sẽ được hiển thị cùng lúc.

Các Active Frame này hiển thị các ứng dụng được dùng gần nhất, cũng như các thông tin mà ứng dụng đó có thể đưa ra, ví dụ như thời tiết hay sự kiện trên lịch.

Là một hệ điều hành khác hẳn với các hệ điều hành cũ của Research In Motion, BB10 sẽ hơi gây rối cho người dùng lúc đầu. Đóng ứng dụng bằng cách di tay từ dưới màn hình lên có vẻ không được tự nhiên cho lắm.

Màn hình khóa của BB10 có đầy đủ thông báo (notification), sự kiện trên lịch, cũng như khả năng bật camera nhanh chóng.

Camera

Do ứng dụng chụp ảnh là một trong những tính năng được sử dụng nhiều nhất trên các smartphone hiện đại, chúng ta cần phải đánh giá cụ thể ứng dụng camera của từng hệ điều hành di động một. Một trong những đặc điểm tiện dụng nhất của iOS 7, Android và BB10 là khả năng bật ứng dụng camera từ ngay màn hình khóa.

iOS 7 mang đến cho ứng dụng camera rất nhiều thay đổi. Thực chất, các thay đổi này không ảnh hưởng sâu tới hệ thống mà chỉ bao gồm một số hiệu ứng mới được thêm vào, nhiều hình thù cho ống kính và một số filter tương tự như Instagram. Ngoài ra, ứng dụng camera của iOS 7 cũng đã được cải tiến để tích hợp cử chỉ trượt nhiều hơn.

Ứng dụng thư viện ảnh cũng có thêm một vài cải tiến – các bức ảnh được sắp xếp theo vị trí và được gọi là các "khoảnh khắc" ("moments"). Sử dụng cử chỉ chụm tay để zoom sẽ vẽ lại thư viện ảnh của bạn, hiển thị nổi bật những ngày đặc biệt (ví dụ như ngày nghỉ, ngày lễ...). Thu nhỏ ảnh hơn nữa sẽ giúp bạn theo dõi các ảnh chụp trong năm qua, bao gồm cả các thông tin về địa điểm chụp.

5

Ứng dụng camera của Android Jelly Bean

Ứng dụng camera của Android gần như luôn luôn được các nhà sản xuất trang bị giao diện riêng. Với số lượng thiết bị Android khá lớn, mỗi thiết bị gần như có ứng dụng camera của riêng mình, trong đó đáng chú ý nhất là công nghệ Ultrapixel và Zoe của HTC One. Bên cạnh đó, có thể kể đến tính năng chụp nhanh (Burst mode) của Galaxy S3 và Galaxy S4.

Tuy vậy, các ứng dụng camera trên Android gần như luôn luôn có phần nền giống nhau. Filter (hiệu ứng màng lọc) khá phổ biến: ngay cả những thiết bị Android tầm thấp nhất cũng có Sepia, Monochrome và Negative. Cho dù các ứng dụng thư viện ảnh cũng thường khác biệt nhau, phần lớn trong số này đều có khả năng lấy ảnh từ lưu trữ đám mây, từ các album Picasa hoặc Google+. Một số thậm chí còn cho phép bạn truy cập các album ảnh của mình trên Facebook.

6

Ứng dụng camera của Windows Phone 8

Là một hệ điều hành nhất quán trên các phần cứng khác nhau, các thiết lập camera của các smartphone Windows Phone 8 tương đối giống nhau. Người dùng có khả năng kéo để phóng to/thu nhỏ hình, đồng thời tính năng chạm màn hình để chụp ảnh biến ứng dụng Camera trở nên tự nhiên hơn bao giờ hết. Windows Phone cũng sử dụng khái niệm ống kính ảo ("lense"), cho phép bạn sử dụng nhiều công cụ camera được tải về, thay vì phải sử dụng các ứng dụng riêng.

Về phần mình, BlackBerry tỏ ra khá tự tin khi giới thiệu ứng dụng camera ngay tại lễ ra mắt của BB10. Lý do là công ty Canada đã phát minh ra một tính năng mới khá thú vị mang tên "Time Shift" – cho phép bạn "đi ngược thời gian" để tìm ra nụ cười đẹp nhất của mọi người. Tính năng này cho phép bạn chỉnh sửa nhiều khuôn mặt, song để nhận được thành quả cuối tốt nhất bạn phải chụp trong điều kiện sáng tốt.

Các tính năng khác của BB10 bao gồm các chế độ chụp hình phổ biến, bên cạnh khả năng sử dụng nút điều chỉnh âm lượng làm nút cò camera.

Nội dung số, ứng dụng và khả năng lưu trữ

Khi iPhone ra mắt vào năm 2007, smartphone của Apple đã đặt nội dung số trên điện thoại vào ánh đèn chính của sân khấu. iOS 7 sẽ tiếp tục xu hướng đó: hệ điều hành này sẽ không chỉ có mặt trên iPhone mà trên cả iPod Touch và iPad mới.

iOS 7 sẽ tích hợp tính năng lưu trữ đám mây iCloud, cho phép bạn lưu trữ tất cả các album nhạc mà bạn có tại một thư mục cố định. Khả năng hiển thị các bức ảnh bìa album trong chế độ ngang màn hình (Landscape) tỏ ra khá hấp dẫn và thú vị.

1

Cuộc cách mạng lớn nhất trên iOS 7 là iTunes Radio – dịch vụ phát nhạc trực tuyến được đồn đại và bàn tán rất nhiều của Apple (trước đó được báo giới gọi là iRadio). Hiện thời, dịch vụ này chưa có ngày phát hành chính thức: Apple chỉ tuyên bố sẽ ra mắt iTunes Radio vào "mùa thu" (tháng 9 – tháng 11 theo lịch Hoa Kỳ). iTunes Radio sẽ là một dịch vụ miễn phí (qua quảng cáo) và trả phí thông thường.

Về mảng ứng dụng, chợ ứng dụng App Store của Apple hiện nay có thể coi là chợ ứng dụng nổi tiếng nhất trên tất cả hệ điều hành. iOS 7 đem đến một số cải tiến, ví dụ như khả năng tìm ứng dụng theo độ tuổi, hoặc mục ứng dụng mới "Apps Near Me" cho phép bạn tìm kiếm những ứng dụng phổ biến nhất tại khu vực của mình. Ứng dụng trên iOS 7 giờ cũng có thể tự cập nhật dưới nền của máy.

Việc lưu trữ nội dung số và các ứng dụng được thực hiện theo đúng phong cách của Apple, và người dùng có rất nhiều lựa chọn về dung lượng bộ nhớ trong trên các thiết bị iOS hiện nay. Tuy vậy, thẻ nhớ microSD vẫn không được Quả táo hỗ trợ – điều này sẽ không bao giờ thay đổi.

Chạy theo Apple trên mảng nội dung số, Google đã tung ra các ứng dụng của riêng mình bao gồm Play Books (bán sách), Play Magazines (bán tạp chí), Play Movies (bán phim) và Play Music (bán nhạc số). Trong khi chợ ứng dụng Google Play không thể đạt được cùng một tầm thành công và ảnh hưởng như iTunes, việc tải về các nội dung số trên Android giờ đã trở nên dễ dàng hơn trước kia rất nhiều.

Việc tải về các ứng dụng cũng hết sức đơn giản và thuận tiện. Chợ ứng dụng Play Store (CH Play theo tiếng Việt) của Google giờ đã trở thành một khu vực mua bán hết sức hấp dẫn với đầy đủ mọi tính năng cần có. Trên đó, bạn có thể theo dõi nhiều mục ứng dụng, cũng như các danh sách khác nhau. Google cũng đã giới thiệu tính năng tự động cập nhật trước cả Apple. Nếu muốn tiết kiệm băng thông, bạn hoàn toàn có thể tắt tính năng này.

7 8

Chợ ứng dụng trên Windows Phone và BlackBerry hiện nay vẫn còn rất thưa thớt nếu so sánh với Google Play Store và Apple App Store. Tuy vậy, số lượng ứng dụng trên BlackBerry 10 cũng đã đạt tới 120.000 ứng dụng (iOS đạt 900.000 ứng dụng), còn hệ điều hành của Microsoft cũng có khả năng tương thích với một số dịch vụ của Xbox.

Kể từ Android 2.2 Froyo, người dùng đã có thể bắt đầu cài đặt ứng dụng lên thẻ nhớ microSD. Windows Phone 8 cũng hỗ trợ cài đặt ứng dụng lên thẻ nhớ, trong khi người dùng BlackBerry 10 không được cung cấp tính năng này.

Việt Dũng

(còn tiếp)

Chủ đề khác