VnReview
Hà Nội

Android cơ bản: Tìm hiểu các phiên bản Android

Bắt đầu từ tuần này, VnReview sẽ giới thiệu loạt bài "Android cơ bản" dành cho những người mới dùng và có ý định sử dụng thiết bị Android tìm hiểu các khía cạnh của hệ điều hành này. Bài đầu tiên trong loạt bài "Android cơ bản" sẽ giới thiệu về các phiên bản Android của Google.

Trong lĩnh vực công nghệ hiện nay, smartphone là lĩnh vực thay đổi nhanh nhất và có thể nói Android là trung tâm của sự thay đổi đó. Kể từ khi ra mắt vào năm 2008, hệ điều hành Android của Google đã có tới 12 bản cập nhật quan trọng và trở thành nền tảng di động phổ thông nhất hiện nay, vượt xa các nền tảng iOS, BlackBerry và Windows Phone.

Dưới đây, mời các bạn cùng điểm lại những mốc thay đổi quan trọng của Android trong các năm qua.

Android 1.0

Kỷ nguyên Android chính thức bắt đầu từ ngày 22/10/2008 khi chiếc điện thoại T-Mobile G1 do HTC sản xuất ra mắt ở Mỹ. Ban đầu, nhiều tính năng mà chúng ta dùng hàng ngày bây giờ không có như bàn phím ảo, khả năng đa chạm và các ứng dụng thu phí nhưng những chức năng khiến Android trở nên khác biệt đã xuất hiện ngay từ phiên bản đầu tiên.

T-Mobile G1 là smartphone Android đầu tiên

Đó là cửa sổ thông báo xổ xuống tiết lộ danh sách tin nhắn, cuộc gọi, tin nhắn…; các widget hiển thị thông tin trực tiếp trên màn hình chủ; tích hợp Gmail và đặc biệt là kho ứng dụng Android. Bây giờ thật khó tưởng tượng smartphone sẽ ra sao nếu không có kho ứng dụng tập trung mặc dù Android Market (đã đổi tên thành Google Play) khi đó cũng chỉ 35 ứng dụng chứ không nhiều như hiện nay.

Android 1.1

Bản nâng cấp đầu tiên của Android xuất hiện vào tháng 2/2009, tức chỉ 3 tháng sau khi ra mắt chiếc điện thoại T-Mobile G1. Phiên bản 1.1 chủ yếu vá những lỗi của phiên bản đầu tiên nhưng điều đáng chú ý là nó được cung cấp qua mạng (OTA – over the air), giúp người dùng cập nhật dễ dàng. Vào thời điểm đó, cập nhật OTA là một bước tiến lớn vì chưa có nền tảng smartphone nào làm được như vậy.

Android đã hỗ trợ cập nhật OTA từ rất sớm

Android 1.5 Cupcake

Phiên bản Android 1.5 có lẽ được biết qua tên mã Cupcake nhiều hơn. Nó là phiên bản Android đầu tiên của Google được đặt tên theo các loại bánh ngọt và món tráng miệng. Cupcake được nâng cấp khá nhiều tính năng quan trọng tạo nên sự hấp dẫn và sức cạnh tranh của nền tảng Android.

Bàn phím ảo: Tính năng đáng chú ý đầu tiên xuất hiện trên phiên bản Cupcake là bàn phím ảo xuất hiện trên chiếc HTC Magic. Ngay từ đầu, Google đã cho phép các nhà phát triển tạo ra các bàn phím ảo thay thế, một điều mà đến bây giờ các nền tảng hệ điều hành di động khác như iOS và Windows Phone vẫn không cho phép. Vào thời điểm ra mắt Cupcake, bàn phím ảo chính thức của Android bị đánh giá là có tốc độ chậm và không chính xác, vì vậy các nhà sản xuất như HTC đã nhanh chóng ra mắt bàn phím ảo riêng cho những thiết bị của họ. Đó là một trong những hình thái ban đầu của "Android Skin", các phiên bản Android tùy biến riêng của các nhà sản xuất sau này như Sense của HTC, TouchWiz của Samsung, MotoBlur của Motorola hay Timescape của Sony.

Bàn phím ảo xuất hiện trên Android 1.5

Mở bộ công cụ SDK widget dành cho các nhà phát triển. Android 1.0 và 1.1 đã tích hợp widget nhưng tiềm năng của nó không được khai thác triệt để do Google chưa mở SDK dành cho các nhà phát triển bên ngoài tham gia. Điều này đã thay đổi trong phiên bản Android 1.5 và từ đó đến nay, nhiều ứng dụng của các bên thứ ba trên Android đã có một hoặc nhiều widget dành cho người dùng. Đến bây giờ, widget vẫn là ưu thế lớn của Android, tạo nên các màn hình chủ sôi động, nhiều thông tin.

Quay phim. Hiện nay hầu như không có smartphone nào không hỗ trợ quay phim nhưng người dùng chiếc T-Mobile G1 của năm 2008 không có được tính năng này. Phiên bản Cupcake đã hỗ trợ quay phim nhưng tương tự như bàn phím ảo của Android, phần mềm camera của hệ điều hành này là một trong những phần bị chê bai nhiều nhất, khiến cho các nhà sản xuất điện thoại phải thay thế bằng phần mềm riêng có nhiều chức năng hơn, nhiều chế độ chụp hơn, nhiều tùy chỉnh hơn và tiện lợi hơn như lấy nét mềm.

Ngoài ra, phiên bản Android 1.5 cũng có một số nâng cấp nhỏ khác như khả năng xóa và lưu nhiều email cùng lúc trên Gmail, hỗ trợ tải file trực tiếp lên (upload) YouTube và Picasa.

Android 1.6 Donut

Android 1.6 không phải là bản nâng cấp lớn như Cubcake nhưng cũng có một số thay đổi tác động đáng kể với sự phát triển của hệ điều hành này. Donut là phiên bản đầu tiên hỗ trợ CDMA, tạo điều kiện cho Android thâm nhập các thị trường châu Á như Hàn Quốc và Nhật. Donut cũng là phiên bản Android đầu tiên có khả năng hoạt động trên nhiều độ phân giải và tỷ lệ màn hình.

Donut cũng giới thiệu khái niệm ô tìm kiếm nhanh (Quick Search Box), ý tưởng hiện nay được gọi là tìm kiếm chung (universal search). Trước Donut, nhấn vào nút Search trên bàn phím hoặc màn hình chính sẽ đưa bạn đến ô tìm kiếm Google để tìm trên mạng, không khác gì mở Google.com và tìm trên đó. Trên Donut, bạn có thể tìm kiếm nhiều nội dung bên trong điện thoại như các ứng dụng, danh bạ và mạng Internet trên cùng ô tìm kiếm.

Android 2.0/2.1 Eclair

Vào đầu tháng 11/2009, khoảng 1 năm sau sự xuất hiện của chiếc T-Mobile G1, Android 2.0 đã ra mắt và được đánh giá là bản nâng cấp khá lớn của Android với nhiều cải tiến quan trọng. ;

Google Maps Navigation. Đây là ứng dụng dẫn đường miễn phí Google Maps Navigation, cung cấp cho người dùng thông tin giao thông, chỉ dẫn bản đồ và dẫn đường đi bằng giọng nói. Google Maps Navigation đến nay vẫn là tính năng mang lại vị thế cho Android trên thị trường smartphone.

Hỗ trợ nhiều tài khoản. Lần đầu tiên, nhiều tài khoản Google có thể dùng đồng thời trên cùng thiết bị Android để đồng bộ chung danh bạ và email, gồm cả tài khoản Exchange.

Cải tiến trình duyệt. Trình duyệt của Eclair không hỗ trợ tính năng zoom đa chạm (pinch to zoom). Nhưng Google có cách giải quyết vấn đề là bổ sung khả năng phóng to thu nhỏ trang web bằng cách chạm hai lần trên màn hình cảm ứng, thay cho các nút phóng to và thu nhỏ. Tính năng mới này hữu ích với hiển thị các trang web được tối ưu cho máy tính.  

Quick Contact: Đây là widget bật lên để chọn chế độ liên lạc nhanh với các contact trong danh bạ. Ví dụ, người dùng có thể chạm vào ảnh của một số liên lạc (contact) sẽ thấy một wiget bật lên, trong đó có các lựa chọn gọi điện, nhắn tin hoặc gửi email cho người đó.

Màn hình khóa mới. Android 2.0 được đưa vào màn hình khóa mới có khả năng quét tay lên màn hình để mở khóa và chuyển sang chế độ yên lặng. Chức năng này cơ bản vẫn được dùng đến tận bây giờ nhưng có nhiều ứng dụng được đưa lên màn hình khóa hơn.

Màn hình khóa trên Android 2.0 và 2.1 có nhiều thay đổi 

Android 2.0 còn có khá nhiều cải tiến khác. Bàn phím ảo được thiết kế lại cách sắp xếp giúp cải thiện tốc độ gõ và khả năng gõ ký tự chính xác hơn; ứng dụng camera bổ sung khả năng hỗ trợ flash, zoom số, lấy nét cận cảnh, cân bằng trắng và các hiệu ứng màu; hỗ trợ chuẩn Bluetooth 2.1; ứng dụng tin nhắn có thể tìm tin SMS và MMS lưu trên máy và tự động xóa tin nhắn cũ sau khi số lượng tin đạt giới hạn mặc định.

Hai tháng sau khi Eclair 2.0 ra mắt, Google tiếp tục công bố bản cập nhật Android 2.1 vẫn lấy tên mã là Eclair. Đó là dấu hiệu cho thấy phiên bản Android 2.1 chỉ là một bản nâng cấp nhẹ. Tuy vậy, phiên bản này cũng có một số bổ sung đáng chú ý:

Nhập liệu bằng giọng nói (speech-to-text). Trên Android 2.1, người dùng có thể nói vào điện thoại để nhập liệu thay thế cho cách nhập liệu quen thuộc bằng bàn phím. Để làm được điều đó, Android 2.1 đã thay phím dấu phảy trên bàn phím ảo bằng biểu tượng microphone. Người dùng chỉ cần chạm vào microphone đó và nói để máy chuyển thành văn bản. Tuy nhiên, khả năng này không thực sự hữu ích trong thực tế do tính hiệu quả chưa cao.

Hình nền động (live wallpaper). Thay vì sử dụng hình ảnh tĩnh, hình nền trên màn hình chủ của các thiết bị chạy Android 2.1 có thể trang trí bằng hình nền động. Tuy nhiên, các hình nền động có hạn chế là làm hao pin khá nhanh.

Thiết bị Nexus: Mặc dù không có nhiều nâng cấp quan trọng như phiên bản Android 2.0, song Android 2.1 đánh dấu một thay đổi chiến lược của Google. Có lẽ là do lo ngại về xu hướng phát triển phiên bản tùy biến (skin) của các nhà sản xuất phần cứng và làm thay đổi trải nghiệm Android nguyên gốc, Google đã hợp tác với HTC sản xuất thiết bị đầu tiên chỉ chạy phiên bản Android nguyên gốc mà không có bất kỳ tùy biến nào. Đó là lý do điện thoại Nexus One ra đời.

Đây là thiết bị không có bàn phím cứng, mỏng, dùng màn hình AMOLED độ phân giải WVGA và là sản phẩm đầu tiên trang bị vi xử lý Snapdragon 1GHz của Qualcomm. Có thể nói đây là thiết bị đi trước thời đại của Google và là một trong những smartphone Android được đánh giá cao vào thời điểm đó.

Nexus One, thiết bị đầu tiên mở màn chương trình Nexus thành công của Google

Android 2.2 Froyo

Android 2.2 được phát hành vào giữa năm 2010 và ưu thế của chương trình Nexus bắt đầu trở nên rõ ràng: chiếc Nexus One là điện thoại đầu tiên được cập nhật Android 2.2. Froyo được coi là phiên bản cập nhật nhẹ.

Thay đổi dễ nhận thấy đầu tiên là số lượng màn hình chủ tăng từ 3 lên 5 và ba ứng dụng cơ bản là gọi điện (Phone), trình duyệt và khay chứa ứng dụng đã trở thành phím tắt (shortcut) cố định trên các màn hình chủ, giúp truy cập đến chúng nhanh hơn.

Một số tính năng đáng chú ý khác của Android 2.2 gồm tính năng hotspot chuyển sóng 3G trên điện thoại thành Wi-Fi cung cấp cho các thiết bị khác (tối đa tới 8 thiết bị); kho ứng dụng Android Market có thể tự động nhận cập nhật bản vá; khả năng cài ứng dụng lên thẻ SD; hỗ trợ quay số giọng nói và chia sẻ danh bạ qua Bluetooth; thêm chức năng khóa màn hình bằng mã PIN. Nói chung, đây là phiên bản Android mà Google bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề bảo mật để cạnh tranh với BlackBerry.

Android 2.3 Gingerbread

Khoảng nửa năm sau khi Froyo ra mắt trên chiếc Nexus One, Google tiếp tục giới thiệu sản phẩm thứ hai trong chương trình Nexus để quảng bá cho sự xuất hiện của Android 2.3. Lần này, Google lựa chọn Samsung làm đối tác sản xuất chiếc Nexus S, là sản phẩm kế thừa dòng Galaxy S thành công của hãng điện thoại Hàn Quốc.

Xét về việc cập nhật tính năng mới, Gingerbread không phải là bản cập nhật lớn nhưng nó có nhiều thay đổi nhỏ, giúp nền tảng Android trở nên hoàn thiện hơn. Cụ thể, Android 2.3 bắt đầu hỗ trợ camera trước, chuẩn trao đổi dữ liệu không dây NFC và chức năng sao chép được cải tiến cho phép người dùng dễ dàng chọn cả từ hoặc nhiều từ để cắt, dán.

Chức năng cắt dán trên bàn phím và trình duyệt hỗ trợ chọn từ và cụm từ dễ dàng

Phiên bản Android 2.3 cũng được bổ sung các công cụ quản lý pin và ứng dụng rất tiện dụng. Người dùng có thể xem mức độ tiêu thụ pin của những ứng dụng đang chạy và các thành phần hệ thống để tắt đi những thứ không cần thiết, qua đó giúp tối ưu thời gian pin. Tương tự như vậy, mục Quản lý ứng dụng (Manage Applications) trên phiên bản Gingerbread cũng được bổ sung thêm thẻ quản lý ứng dụng đang chạy (Running) hiển thị danh sách những ứng dụng đang hoạt động và mức độ chiếm dụng bộ nhớ của chúng.

Android 2.3 được bổ sung công cụ quản lý pin và ứng dụng đang chạy

Bên cạnh đó, giao diện người dùng trên phiên bản Android 2.3 đã được tinh chỉnh theo xu hướng đơn giản để dễ dùng hơn và cải thiện tốc độ hoạt động.

Các thiết bị nổi tiếng thời Android 2.3 có thể kể đến Samsung Nexus S, Samsung Galaxy S2, HTC Sensation và Motorola Droid Razr. Tất nhiên, các thiết bị này đã được các nhà sản xuất nâng cấp lên các phiên bản Android mới hơn. Hiện nay, Android 2.3 chỉ xuất hiện trên một số ít smartphone cũ sản xuất cách đây hai năm như chiếc HTC Rhyme.

Android 3.0 Honeycomb

Ra mắt vào tháng 2/2011, Honeycomb là phiên bản Android đầu tiên được tối ưu cho máy tính bảng. Nó cũng là phiên bản Android đầu tiên và duy nhất chỉ hỗ trợ máy tính bảng. Chiếc máy tính bảng đầu tiên được sử dụng để giới thiệu Honeycomb là Motorola Xoom.

Mặc dù Honeycomb hiện nay chỉ chiếm thị phần cực nhỏ trong các thiết bị Android nhưng đây là phiên bản ghi dấu ấn về thiết kế với giao diện người dùng mới 3D mới được gọi là "Holographic". Giao diện Holographic vẫn tiếp được sử dụng cho các phiên bản Jelly Bean mới hiện nay.

Honeycomb cũng đánh dấu sự ra đi của các nút vật lý. Các nút vật lý Back, Home, Menu và Search trên Android 2.3 đã trở thành các nút ảo trên máy tính bảng Honeycomb, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất giảm độ dày của viền màn hình trên các thiết bị.

Một số bổ sung đáng chú ý khác trên Honeycomb gồm khả năng hỗ trợ duyệt web trên nhiều tab, trình duyệt có thêm chế độ duyệt web riêng tư (incognito), chức năng đa tác vụ cũng được cải tiến hiển thị các ứng dụng mở gần đây theo danh sách, bàn phím ảo cũng được thiết kế lại phù hợp với kích cỡ lớn của màn hình.

Các phiên bản Android 3.1 và 3.2 sau đó vẫn lấy tên mã là Honeycomb, bổ sung một số tính năng mới như khả năng thay đổi kích cỡ widget, hỗ trợ các thiết bị ngoại vi như bàn phím và tay cầm chơi game.

Số lượng máy tính bảng chạy Honeycomb không nhiều như Motorola Xoom, Asus Eee Pad Transformer, Samsung Galaxy Tab 10.1 và hầu hết chúng đều được nâng cấp lên các phiên bản mới hơn.

Android 4.0 Ice Cream Sandwich (ICS)

Android 4.0 với tên mã Ice Cream Sandwich ra mắt vào tháng 11/2011 cùng với chiếc Galaxy Nexus, là thiết bị thứ hai Google hợp tác với Samsung trong chương trình Nexus. Đây là phiên bản Android đầu tiên được thiết kế chung cho cả smartphone và máy tính bảng, vì vậy khá nhiều tính năng mới và các yếu tố thiết kế của Ice Cream Sandwich được kế thừa từ Honeycomb như các phím ảo, điều chỉnh kích cỡ widget, chức năng đa tác vụ hay giao diện 3D Holographics.

Dưới đây là một số cải tiến đáng chú ý trên Android 4.0 Ice Cream Sandwich:

Các cải tiến trên màn hình chủ: Như đã đề cập ở trên, ICS kế thừa nhiều thay đổi trên Honeycomb nhưng có bổ sung thêm một số chức năng mới. Việc tạo thư mục có thể thực hiện dễ dàng bằng cách kéo các icon ứng dụng chồng lên nhau. Các màn hình chủ có thêm khay ứng dụng yêu thích (favorites tray) để cho người dùng nhóm các ứng dụng, shortcut hay thư mục họ hay dùng vào đó để truy cập nhanh từ bất kỳ màn hình chủ nào.

Mở khóa màn hình bằng khuôn mặt (Face Unlock). Ngoài cách khóa màn hình bằng mật khẩu và mô hình (pattern unlock), Android 4.0 còn bổ sung thêm cách mở khóa bằng cách sử dụng camera mặt trước để nhận dạng khuôn mặt của người dùng. Đây là lựa chọn mở khóa điện thoại khá thú vị nhưng lưu ý là mức độ bảo mật của hình thức khóa máy này không cao do nó có thể bị qua mặt dễ dàng chỉ bằng bức ảnh của người sở hữu điện thoại đó.

Mở khóa bằng khuôn mặt

Android Beam. NFC đã hỗ trợ Android từ phiên bản 2.3 Gingerbread nhưng bị hạn chế do các dịch vụ thanh toán di động như Google Wallet không được ứng dụng trong thực tiễn. Phiên bản ICS đã bổ sung thêm chức năng mới của NFC gọi là Android Beam cho phép hai điện thoại hỗ trợ Android Beam có thể trao đổi dữ liệu với nhau bằng cách chạm chúng vào nhau.

Kiểm soát lưu lượng dữ liệu sử dụng. Giống như Gingerbread cải tiến việc hiển thị các ứng dụng đang tiêu thụ pin, Android 4.0 làm theo cách tương tự với dung lượng dữ liệu người dùng sử dụng. Bạn có thể xem được các ứng dụng đang ngốn nhiều lưu lượng dữ liệu theo đơn vị MB, xem được tổng lưu lượng dữ liệu theo thời gian và thiết lập cảnh báo để tránh sử dụng quá mức.

Kiểm soát lưu lượng dữ liệu sử dụng

Ngoài ra, Android bổ sung một số tính năng mới khác gồm: chế độ chụp ảnh toàn cảnh panorama, chụp ảnh màn hình, từ chối cuộc gọi đến bằng tin nhắn theo các mẫu tạo sẵn, gợi ý sửa lỗi chính tả trên bàn phím ảo và cải tiến chức năng nhận diện giọng nói để cạnh tranh với "cô nàng Siri" của Apple. Cùng với khả năng chụp ảnh toàn cảnh, ứng dụng camera có thêm một số khả năng như lấy nét liên tục, chụp trong khi quay, ổn định hình ảnh, chạm lấy nét và nhận diện khuôn mặt.  

Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết "10 tính năng hấp dẫn của Android 4.0 Ice Cream Sandwich".

Android 4.1 Jelly Bean

Được giới thiệu vào tháng 7/2012 tại hội nghị dành cho các nhà phát triển của Google (Google I/O), Android 4.1 Jelly Bean là bản nâng cấp bổ sung của Ice Cream Sandwich. Phiên bản này không có nhiều thay đổi về giao diện bên ngoài mà hầu hết những thay đổi quan trọng ẩn chứa bên trong hệ điều hành.

Một trong những thay đổi quan trọng nằm sâu bên trong hệ điều hành là Project Butter mà theo Google là nó giúp cải thiệu rất nhiều hiệu năng cảm ứng và tốc độ xử lý đồ họa trên điện thoại và máy tính bảng.

Tính năng mới quan trọng thứ hai phải kể đến là Google Now cùng với khả năng điều khiển bằng giọng nói hoạt động không cần kết nối mạng 3G hay WiFi. Tuy vậy, các tính năng này không được người dùng Việt Nam quan tâm do chúng chưa hỗ trợ tiếng Việt.

Android 4.1 cho phép nhắn tin hoặc gọi lại ngay từ thanh thông báo

Thanh thông báo trên Jelly Bean tiếp tục được cải tiến cho phép mở rộng thông báo để xem được nhiều thông tin hơn và có thể thực hiện một số hoạt động ngay trên thanh thông báo, ví dụ như thấy cuộc gọi có thể gọi lại luôn từ thanh thông báo.

Những bổ sung đáng chú ý khác trên Android 4.1 gồm khả năng đoán từ của bàn phím ảo chính xác hơn, các widget có thể tự điều chỉnh để vừa kích cỡ khi màn hình đã có sẵn các widget khác, Chrome trở thành trình duyệt mặc định.

Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết "9 điểm mới của Android 4.1 Jelly Bean".

Android 4.2 Jelly Bean

4 tháng sau khi ra mắt Android 4.1, Google tiếp tục công bố bản cập nhật Android 4.2 vẫn sử dụng tên mã là Jelly Bean. Hai thiết bị đầu tiên được giới thiệu cùng với Android 4.2 là chiếc Nexus 4 và máy tính bảng Nexus 10.

Hai thiết bị đầu tiên được trang bị Android 4.1 là Nexus 4 và Nexus 

Mặc dù chỉ là bản cập nhật nhỏ nhưng Android 4.2 cũng có một số tính năng mới gồm chế độ chụp ảnh 360 độ PhotoSphere, hỗ trợ nhiều người dùng, chia sẻ nội dung trên điện thoại lên các màn hình lớn, điều chỉnh các thiết lập (Wi-Fi, độ sáng màn hình, chế độ máy bay…) ngay trên thanh thông báo, chức năng Daydream hiển thị thông tin khi điện thoại ở chế độ màn hình khóa, phóng to thu nhỏ trên Gmail và bàn phím ảo có thêm chức năng gõ phím bằng cử chỉ giống như bàn phím Swype.

Chia sẻ nội dung từ điện thoại liên màn hình lớn

Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết "Các tính năng mới của Android 4.2, vẫn gọi là Jelly Bean".

Android 4.3 Jelly Bean và Android 5.0 Key Lime Pie

Hiện nay, Google vẫn công bố thông tin chính thức nào về phiên bản Android mới. Theo các thông tin rò rỉ, phiên bản sau của Android 4.2 sẽ là một bản nâng cấp nhẹ 4.3 vẫn giữ nguyên tên mã là Jelly Bean dự kiến ra mắt trong thời gian ngắn tới, có thể là ngay trong tháng 7/2013. Còn phiên bản Android 5.0 với tên mã Key Lime Pie dự kiến sẽ là một bản nâng cấp lớn và ra mắt vào năm tới.

Nguồn TheVerge, Cnet và Android.com

Chủ đề khác