VnReview
Hà Nội

Smartphone có thể gây ra điện giật chết người không?

Chiếc smartphone có thể giật điện chết người không? Câu hỏi này đang được rất nhiều người dùng smartphone đặt ra sau khi có thông tin Apple đang điều tra cái chết của một phụ nữ Trung Quốc mà theo gia đình cô gái thì nạn nhân bị điện giật chết sau khi trả lời điện thoại trên iPhone đang sạc pin.

Sủ dụng smartphone khi đang sạc pin có gì nguy hiểm?

Cái chết của Ma Ailun, 23 tuổi, lần đầu tiên được hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa hôm Chủ Nhật vừa qua. Trích dẫn các nguồn tin từ phía cảnh sát và các phát biểu trên mạng xã hội của gia đình cô Ma Aliun, Tân Hoa Xã cho biết cô Ma, sống ở vùng Tân Cương phía Tây Trung Quốc, đã ngã xuống sàn nhà sau khi sử dụng iPhone 5 trong khi máy đang sạc pin.

"Chúng tôi rất buồn khi biết tin về tai nạn thương tâm này và gửi lời chia buồn đến gia đình của Ma. Chúng tôi sẽ điều tra kỹ càng và hợp tác với các cơ quan chức năng trong vụ việc này", Apple nói trong một thông cáo gửi đến hãng tin CNN và các hãng thông tấn khác.

Chi tiết về cái chết của Ma vẫn còn nhiều điểm nghi vấn. Cảnh sát địa phương khẳng định Ma chết vì bị điện giật, nhưng vẫn chưa xác định liệu chiếc điện thoại của cô có liên quan không.

Tuy nhiên, thông tin về cái chết của Ma đã đặt ra nhiều câu hỏi về mối nguy hiểm bị điện giật tiềm ẩn trong một thiết bị chúng ta hầu như luôn luôn mang theo bên mình

Ma Ailun, 23 tuổi, đã tử vong sau khi sử dụng iPhone 5 khi đang sạc pin

Các chuyên gia nói rằng khả năng một người nào đó bị điện giật bởi một chiếc smartphone, ngay cả khi chiếc smartphone đó đang sạc pin là cực kỳ thấp. Điện thoại đang được sạc pin từ cổng USB có nguồn điện chỉ khoảng 5 volt, không đủ để hại chết một người.

"Chúng ta có rất ít các tai nạn liên quan đến sốc hay giật điện vì ĐTDĐ", Scott Wolfson, giám đốc truyền thông của Uỷ ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ, nói. "Hầu hết các trường hợp là điện thoại bị nóng, bốc khói hoặc cháy".

Tuy nhiên, rủi ro trở nên lớn hơn khi người dùng sạc pin cho máy điện thoại bằng bộ sạc không tương thích hoặc không đạt chuẩn. Một số bộ sạc nhái không có lớp cách điện phù hợp, có thể khiến người dùng bị bỏng, cháy hoặc sốc điện. Gần đây, Hiệp hội Tiêu dùng Trung Quốc đã khuyến cáo về việc thị trường Trung Quốc tràn ngập các bộ sạc nhái có thể biến điện thoại thành "lựu đạn".

"Vì thế, hãy mua phụ kiện chính hãng cho điện thoại của bạn", Wolfson nói.

Vẫn chưa rõ loại sạc mà Ma sử dụng, mặc dù theo một thông tin đăng trên trang tiểu blog Trung Quốc Sina Weibo, gia đình cô nói cô đã mua điện thoại hồi tháng 12 năm ngoái tại một cửa hàng Apple chính hiệu và đang dùng bộ sạc gốc để sạc chiếc iPhone 5 của cô khi tai nạn xảy ra.

Để điện thoại ướt là một mối lo ngại an toàn khác. Gia đình của Ma nói rằng cô bước ra khỏi nhà tắm để trả lời điện thoại. Nước là một chất dẫn điện rất tốt và các chuyên gia cho rằng độ ẩm trên da có thể làm giảm khả năng đề kháng tự nhiên của con người chống lại điện giật.

Ngoài ra, sốc điện liên quan đến các thiết bị điện tử tiêu dùng thường không phải do lỗi của các thiết bị. Thay vào đó, có thể do cổng điện quá tải, dây điện cũ sờn hoặc lỗi hệ thống điện trong nhà.

Wolfson nói rằng người tiêu dùng Mỹ từng báo cáo một số vụ về điện thoại bốc khói hoặc phát cháy khi đang sạc. Khi tìm hiểu về ĐTDĐ và sự an toàn, phần lớn vấn đề liên quan đến pin điện thoại nổ hoặc bắt lửa khi bị nóng quá hoặc bị áp lực lớn.

Hoàng Lan

Chủ đề khác