VnReview
Hà Nội

Con đường iOS trở thành huyền thoại - Phần I

Vào ngày 9/1/2007, lịch sử thế giới di động sang trang khi Steve Jobs ra mắt iPhone. Trong vòng 5 năm qua, làng công nghệ di động đã thay đổi nhanh tới mức iOS đang dần trở thành hệ điều hành di động già cỗi nhất trên thị trường.

Điều đó không có nghĩa iOS là một hệ điều hành yếu kém về sức mạnh hay thiếu hụt về tính năng. Trong suốt những năm vừa qua, Apple đã liên tục đưa ra nhiều cải tiến để giúp iOS giữ vững được vị trí của mình: Một trải nghiệm dễ sử dụng với người dùng phổ thông và cũng là một nền tảng mạnh mẽ dành cho các nhà phát triển.

1

Điều đáng ngạc nhiên nhất về iOS là trong suốt 6 phiên bản đầu tiên, hệ điều hành di động này gần như không thay đổi về mặt giao diện. Dưới lớp vỏ cũ đó, Apple liên tục thêm vào các tính năng mới không chỉ nhiều về số lượng mà còn có chiều sâu chất lượng. Không gặp phải tình trạng thừa thãi tính năng như phần lớn các hệ điều hành khác, iOS hiện tại vẫn ổn định và nhanh nhạy hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh.

Trước giờ phát hành chính thức của iOS 7, hãy cùng nhìn lại từng bước tiến của iOS từ những tháng ngày không có ứng dụng của bên thứ 3, không có đa nhiệm và không có cả... copy paste cho tới những thay đổi như cảm biến vân tay và thiết kế phẳng của năm 2013.

iOS ra đời với một cái tên xa lạ: iPhone OS

2

Trong buổi ra mắt mẫu iPhone đầu tiên, Apple quảng cáo rằng hệ điều hành của iPhone sử dụng cùng một nhân Unix giống như Mac OS X và cũng được phát triển sử dụng các công cụ giống nhau. Tuy vậy, dù OS X và hệ điều hành dành cho iPhone có nhiều điểm tương đồng, nhưng hệ điều hành di động mới này có đủ khác biệt để trở thành một tên tuổi lớn độc lập với Mac OS.

Khi iPhone ra mắt, hệ điều hành di động của Apple được gọi tên "iPhone OS". Cái tên này sau đó đã được giữ lại trong vòng gần 4 năm, cho tới khi Apple quyết định ra mắt iOS 4 vào tháng 6/2010. Để bài viết trở nên dễ hiểu hơn, kể từ đây chúng ta tạm gọi tất cả các phiên bản của iPhone OS và iOS là "iOS".

iOS 1: iPhone ra đời

0

Khoảnh khắc lịch sử của Steve Jobs

Bạn có thể sẽ không tin khi ai đó nói với bạn rằng ngay khi ra mắt, iOS 1 là hệ điều hành smartphone "kém thông minh" nhất trên thị trường, nhưng đó lại là sự thật. Khác với iOS 1, các hệ điều hành đã có mặt từ trước như Windows Mobile, Palm OS, Symbian và BlackBerry đều đã có tên tuổi được công nhận cùng rất nhiều ứng dụng chất lượng cao.

Trong khi đó, iOS 1 không hỗ trợ kết nối 3G. Bạn thậm chí còn không thể dùng tính năng copy paste. iOS 1 không hỗ trợ tin nhắn đa phương tiện (MMS), không hỗ trợ tùy biến màn hình Home, không hỗ trợ phát sóng di động ra Wi-fi.

Thực tế, nhiều người sẽ đưa ra quan điểm rằng iPhone không phải là một chiếc smartphone thực thụ, do iOS 1 không phải là một nền tảng cho phép các bên thứ 3 phát triển ứng dụng. Thay vào đó, Apple khuyến khích các lập trình viên sử dụng công nghệ ứng dụng web, nhưng rõ ràng công nghệ HTML năm 2007 không thể sánh cùng các ứng dụng chạy trực tiếp trên hệ điều hành. iOS 1 không hỗ trợ đa nhiệm, một tính năng vốn đã từng có mặt trên các hệ điều hành di động đối thủ.

app

Ứng dụng trên iPhone 1 phải chạy trên nền web qua Safari

Một điểm yếu khác của iOS là một nguyên tắc thiết kế phá vỡ lịch sử của ngành công nghiệp điện toán: Ẩn không cho phép người dùng truy cập hệ thống file. Nguyên tắc thiết kế này vẫn gây rất nhiều tranh cãi cho tới ngày hôm nay, và những giới hạn khác như không thể đính kèm một file tùy chọn nào đó vào email có thể khiến nhiều người khó chịu. Khả năng không thể thay đổi âm báo khiến iPhone thua kém cả điện thoại phổ thông giá rẻ.

Trong năm 2013, bạn sẽ không thể sống nếu không có các tính năng này trên smartphone, ấy vậy mà vào năm 2007 chẳng mấy ai thèm để ý tới những thiếu sót đó. Apple đã đưa ra một lựa chọn đúng đắn: Xây dựng một trải nghiệm cơ bản hoàn hảo. Hệ điều hành của Quả táo khuyết tập trung vào tốc độ, sự đồng nhất về trải nghiệm giữa các ứng dụng có sẵn.

Quan trọng hơn hết, Apple cũng đã đưa ra nhiều đột phá mang tính cách mạng trên iOS thế hệ đầu tiên:

- Giao diện iOS: Trước iOS, smartphone có hoặc không có màn hình cảm ứng, và nếu có thì chúng đều là các màn hình điện trở sử dụng bút stylus. iPhone ra mắt cùng màn hình cảm ứng điện dung, nhưng điều làm nên thành công cho iPhone là Apple đã biết kết hợp đột phá kỹ thuật cùng một mô hình tương tác người dùng đơn giản hơn và mạnh mẽ hơn các hệ điều hành trước đó. Số lượng nút bấm được giảm xuống còn 5 nút cơ bản, cảm ứng trở thành hình thức nhập liệu chính. Các thao tác cảm ứng cũng giúp trải nghiệm ứng dụng trở nên tự nhiên và nhanh nhạy hơn. Tốc độ phản ứng của iOS tiếp tục là một thành tựu về mặt thiết kế cho tới ngày hôm nay.

3

- iPod màn hình rộng (Widescreen iPod): Apple sử dụng hệ sinh thái iTunes và iPod vốn đã rất lớn mạnh để làm đòn bẩy cho iOS. Với nhiều người, nghe nhạc trên iPhone có thể không còn là một tác vụ quan trọng, nhưng các tính năng iPod trên iPhone vào năm 2007 đã là một yếu tố hấp dẫn đến chết người.

- Trình duyệt Safari: Steve Jobs nói Safari trên iOS đi trước thời đại nhiều năm, và đó là sự thật. Trong khi Apple gặp khá nhiều điều tiếng vì thẳng thừng từ chối hỗ trợ nội dung flash vốn rất phổ biến thời bấy giờ, Safari vẫn là trình duyệt di động đầu tiên mang tới trải nghiệm lướt web di động tương đồng với lướt web trên PC. Các hệ điều hành di động khác cố gắng hết sức để sắp xếp lại (và làm hỏng) nội dung web, nhưng các trang web trên Safari iOS được hiển thị một cách đầy đủ, và chúng kết hợp hoàn hảo với các thao tác cảm ứng độc nhất vô nhị của Safari.

4

iTunes và iPod cũng chính là những viên gạch đầu tiên cho hệ sinh thái âm nhạc, video, sách và ứng dụng trên iOS hiện nay. Cho dù không hỗ trợ ứng dụng bên thứ 3, iOS 1 cũng mang tới 3 ứng dụng/tính năng đi trước thời đại:

- Google Maps trên iPhone tốt hơn bất kì nền tảng nào khác. Apple đã sử dụng tính năng "pinch-to-zoom" (tính năng phóng to, thu nhỏ bằng 2 ngón tay trên màn hình cảm ứng);đột phá, giúp cho trải nghiệm Google Maps trên iOS trở nên tự nhiên và trực quan hơn cả trên PC.

8

- Màn hình Home: Bấm nút Home sẽ luôn đưa bạn trở lại màn hình Home, bất kể bạn đang ở đâu trên hệ điều hành iOS. Người dùng sẽ được tiếp cận với một bảng biểu tượng ứng dụng cực kỳ đơn giản (chưa có tính năng sắp xếp). Cho đến tận bây giờ Apple vẫn tránh xa các widget hay các dạng thông tin tùy biến mà Windows Mobile hay Symbian sử dụng.

- Đồng bộ cùng iTunes: Tính năng đồng bộ hóa ngày càng ít được trân trọng, song những người đã từng vật lộn với HotSync của Palm và ActiveSync của Microsoft chắc chắn hiểu được tầm quan trọng của khả năng đồng bộ cùng PC theo một cách đơn giản và ổn định. Đây là một ví dụ kinh điển về khả năng đơn giản hóa các tính năng phức tạp (đã từng được các đối thủ cạnh tranh xây dựng) của Apple.

6

Bàn phím ảo trên iOS 1 có lẽ là bàn phím di động đầu tiên có thể xếp vào loại "sử dụng được". Bàn phím rộng, tiện dụng và triết lý thiết kế chỉ mở bàn phím khi người dùng cần sử dụng là một cột mốc quan trọng trên hành trình đưa smartphone tới tay người dùng phổ thông.

Nói tóm lại, nếu đem so sánh từng tính năng thì Windows Mobile có thể đánh bại iOS trên tất cả các phương diện. Nhưng, nếu xét về tính tiện dụng và trải nghiệm thực tiễn thì iOS chiến thắng tuyệt đối. Và chính lựa chọn đúng đắn này đã mang iPhone đi vào lịch sử.

Các phiên bản cập nhật cho iOS 1

3 tháng sau khi ra mắt iPhone 1, Apple tung ra iPod Touch thế hệ đầu tiên cùng bản cập nhật phần mềm lớn đầu tiên cho iOS: iOS 1.1.1. Sự ra mắt của iOS 1.1.1 báo hiệu trước một chiến lược sản phẩm mới của Apple: Tung ra các phiên bản iOS mới cùng các thiết bị di động mới. Sự ra mắt của iOS 1.1.1 cũng cho thấy các bản cập nhật iOS sẽ được tung ra với tần suất dày đặc và cũng sẽ hỗ trợ càng nhiều thiết bị càng tốt.

iOS trên iPod Touch không quá khác biệt iOS trên iPhone: Ngay cả sau này, khi số lượng thiết bị Apple ra mắt ngày càng nhiều lên, iOS cũng không gặp hiện tượng phân mảnh như Android.

4

Về mặt tính năng, iOS 1.1.1 chỉ có một cải tiến lớn mới: Mua mp3 trên iTunes qua Wi-fi. Đây là lần đầu tiên người dùng có thể mua bán một cách dễ dàng qua một thiết bị di động, dù mối lo ngại về băng thông khiến gian hàng mp3 iTunes chỉ hoạt động qua Wi-fi. Ngoài ra, khi nhấn 2 lần nút Home, bạn sẽ dẫn tới một phím tắt tùy chọn. Đây là thay đổi lớn đầu tiên cho nút Home.

iOS 1.1.3 cho phép người dùng sắp xếp lại các biểu tượng trên màn hình Home và thêm đường dẫn tới các trang web. Trong khi tính năng đường dẫn tắt (shortcut) đến trang web với tên gọi Web Clips là một tính năng hữu ích, sự vắng mặt của các ứng dụng bên thứ 3 trên iOS khiến người dùng vừa mất kiên nhẫn vừa hồi hộp: Ai cũng có thể thấy iOS tại thời điểm này còn quá nhiều tiềm năng bị bỏ trống.

iOS 2: Ứng dụng

9

Cuối cùng thì vào năm 2007, Apple cũng đã ra mắt chợ ứng dụng trực tuyến App Store cho iOS. Các ứng dụng "mới" trên iOS không thực sự đem đến một trải nghiệm hoàn toàn mới, song Apple đã xây dựng được một hệ thống phát triển, tìm duyệt và cài đặt ứng dụng hoàn hảo.

App Store có mặt trên iTunes (PC, MAC) và trên cả trên thiết bị iOS. Đây là một bước tiến lớn đối với chu trình phát hành ứng dụng di động: Các ứng dụng di động trước đó đều được phát hành qua mạng hoặc qua các chợ ứng dụng được tích hợp rất kém, hoặc không hề được tích hợp vào smartphone. Apple cũng đã khôn ngoan khi sử dụng lại thương hiệu iTunes: Người dùng vốn đã quen thuộc với trải nghiệm mua nhạc trên iTunes sẽ không mất thêm một chút thời gian làm quen nào để đến với App Store.

10

Gói công cụ phát triển phần mềm iOS SDK là đột phá thứ 2 của iOS 2. Các công cụ trong iOS SDK rất tiện dụng, 3D trở thành chuẩn mực mới trên game di động, và nói chung ứng dụng iOS hoạt động tốt hơn, đẹp hơn và tân tiến hơn các ứng dụng trên các nền tảng khác. Khoảng cách giữa iOS và các đối thủ "bỗng dưng" được tăng lên rất nhiều.

Sự ra mắt của App Store cũng gây ra một cuộc tranh cãi lớn. Người dùng chỉ có cách duy nhất để cài ứng dụng: Thông qua iTunes. Apple tự cho mình quyền kiểm duyệt xem ứng dụng nào sẽ được lên hay không được lên gian hàng iTunes. Một số nguyên tắc của Apple là rất dễ hiểu (ví dụ như không chấp nhận ứng dụng khiêu dâm), song một số nguyên tắc khác sẽ không làm cho nhiều người vừa lòng (không chấp nhận các ứng dụng trạm phát internet từ iPhone để PC sử dụng).

Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, sự ra mắt của App Store cũng đã giúp cho giá thành ứng dụng di động giảm mạnh. Đây là một chiến thắng hoàn hảo cho người dùng và các nhà phát triển độc lập, song cũng là một cú ngã đau cho các công ty lớn khi các ứng dụng di động đầu bảng của họ bị buộc phải giảm giá từ 40 USD xuống dưới 5 USD. Sự ra mắt của App Store cũng đã viết nên nhiều câu truyện cổ tích thời hiện đại, khi nhiều nhà phát triển nhỏ và độc lập cũng có thể viết ra những ứng dụng đứng đầu bảng xếp hạng của App Store.

11

Ngoài ra, iOS 2 còn có khả năng hỗ trợ kết nối Microsoft Exchange, cho phép người dùng đọc email công việc từ trên thiết bị di động của họ. iOS 2 cũng là phiên bản đầu tiên của iOS sở hữu dịch vụ lưu trữ đám mây của riêng mình, dù dịch vụ MobileMe do Apple cung cấp không đạt được nhiều thành công do có giá quá đắt (99 USD/năm) và không được ổn định.

Dĩ nhiên, iOS 2 cũng có khả năng hỗ trợ các tính năng phần cứng mới của iPhone 3G như A-GPS và kết nối 3G.

Các bản cập nhật cho iOS 2

Trong khi có nhiều bước tiến lớn, iOS 2 không thực sự ổn định. Thời lượng pin của iPhone bị giảm sút, các ứng dụng treo nhiều hơn và ngay cả các cuộc gọi cũng bị gián đoạn. Apple đã nhanh chóng tung ra các bản cập nhật, song phải tới iOS 2.1 (tháng 8/2008), phần lớn các lỗi của iOS 2 mới được cải thiện.

iOS 2.2 mang tới một tính năng mới cực kỳ hấp dẫn: Khả năng hỗ trợ Street View trên (Google) Maps.

iOS 3: Ngập tràn tính năng

Tháng 6/2009, iPhone 3GS ra đời cùng iOS 3. Tuy là một phiên bản "S", 3GS không có tính năng mới đột phá nào. Song, trên iOS 3, Apple đã bổ sung các tính năng cần thiết, lần đầu tạo ra một trải nghiệm iOS tương đối "hoàn thiện" đối với nhu cầu của người dùng:

- Tính năng cut, copy và paste: Trên iOS 3, Apple đã tìm ra một cách bôi đen văn bản mới, giải quyết được bài toán chọn chữ trên màn hình cảm ứng. Sự kết hợp giữa chiếc kính hiển vi và 2 thanh kéo để bôi đen văn bản là một thiết kế hết sức thông minh và tiện dụng hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh cùng thời.

12

- Khả năng tìm kiếm toàn bộ thiết bị: Các loại nội dung (liên lạc, email, lịch hẹn...) đang ngày càng gia tăng số lượng trên iPhone, và do đó Apple bắt buộc phải đưa ra tính năng tìm kiếm nội dung. Ô tìm kiếm cho phép gõ nội dung vào để tìm kiếm cả các liên lạc, email, lịch hẹn, các ghi chú và các file nhạc ra mắt hơi muộn, song nó cũng đã giúp iOS san bằng khoảng cách với BlackBerry, PalmOS, webOS và Windows Mobile.

14

- Cho phép người dùng gửi tin nhắn đa phương tiện (MMS).

Một số tính năng khác trên iOS 3 có thể xếp vào loại "bổ sung tính năng căn bản còn thiếu" bao gồm: Quay video, bàn phím ở chế độ nằm ngang, tính năng ghi chú bằng giọng nói, hỗ trợ phát tai nghe Bluetooth và phát kết nối Internet thông qua Bluetooth hoặc USB.

Một tính năng phổ biến khác đã từng có mặt trên các sản phẩm đối thủ được Apple mang lên iOS là tính năng quay số bằng giọng nói (voice dialing). Tính năng điều khiển giọng nói của Apple vượt trội hơn do cho phép người dùng chọn lựa liên lạc bằng giọng nói, phát chương trình chơi nhạc và thậm chí là nhận diện bài hát.

13

Quan trọng hơn hết, iOS 3 cũng có nhiều tính năng độc đáo mang tính đột phá:

- Chạm để lấy nét khi chụp ảnh.

- Mua phim, phim truyền hình và sách từ iTunes.

- Đưa ra mô hình mua bán bên trong ứng dụng.

ia

- Ứng dụng la bàn.

- Tính năng kiểm soát nội dung cho trẻ em.

- Tính năng tự động hoàn thiện các form nhập liệu.

iOS 3.2: iPad xuất hiện

15

Sau khi ra mắt iOS 3.1, bản cập nhật cuối cùng dành cho chiếc iPhone đầu tiên, Apple tiếp tục cách mạng hóa ngành công nghiệp di động với sự ra đời của iPad. iOS 3.2 phục vụ chủ yếu cho sự ra đời của iPad, với độ phân giải màn hình lớn hơn, màn hình Home theo chiều ngang và các cửa sổ thông báo mới.

Thực tế, Apple đã không "phóng to" iPhone lên thành iPad như nhiều người vẫn mỉa mai. Một số cải tiến lớn trên iPad có thể kể tới như danh sách nội dung được hiển thị trên cùng màn hình với nội dung chính. Ví dụ, trong ứng dụng ghi chú, danh sách các ghi chú sẽ được hiển thị ở phía bên trái màn hình, người dùng không cần phải chọn nút "trở lại" để thoát ra khỏi mỗi ghi chú và trở lại với danh sách chính nữa. Ngay cả khi iPad được chuyển sang chế độ dọc, danh sách này cũng sẽ không biết mất mà trở thành một cửa sổ "nổi" lên trên màn hình.

16

Trong các ứng dụng khác, Apple cũng bắt đầu sử dụng các đoạn hội thoại thay vì buộc người dùng phải chuyển màn hình.

iPad cũng mang nhiều yếu tố thiết kế riêng biệt so với iPhone: Safari có một thanh hiển thị trang ưa thích riêng; ứng dụng Ảnh (Photos) được chuyển sang dạng "tập ảnh", cho phép người dùng phóng to để xem các bức ảnh bên trong; ứng dụng chơi nhạc được thay đổi để trở thành một phiên bản iTunes thu nhỏ. Các ứng dụng vốn trông rất "kì cục" khi được đưa lên màn hình to của iPad cũng đã được thay đổi giao diện để phù hợp hơn.

17

Nhưng yếu tố quan trọng nhất của iOS 3.2 là thiết kế giả chất liệu (skeumorphism). Ứng dụng ghi chú NotePad bỗng dưng có viền "da" trông giống như một cuốn sách thật. Ứng dụng lịch và các liên lạc biến thành những cuốn sách nhỏ. Vấn đề lớn nhất của thiết kế giả chất liệu trên iOS 3.2 là các vật dụng được các ứng dụng "làm giả" không hề liên quan tới trải nghiệm sử dụng. Ví dụ, trong sổ liên lạc của bạn sẽ không có bất kì trang nào để lật, thay vào đó là các ô chữ vô hồn.

18

Trong khi iPad nhanh chóng bị lôi ra chỉ trích vì "trông giống như một chiếc iPhone phóng đại", các đối thủ của Apple cũng đã sớm nhận ra rằng chính "điểm yếu" này đã làm nên thành công cho iPhone. Apple đã thu hút được một lượng fan đông đảo với iPhone, và iPad hoàn toàn có thể tận dụng trải nghiệm iOS quen thuộc để chiếm thị phần của các sản phẩm laptop, vốn cồng kềnh và phức tạp hơn rất nhiều.

Liệu iOS sẽ tiếp tục "biến hình" như thế nào để trở thành thế lực hùng hậu như hôm nay? Mời các bạn tiếp tục theo dõi tiếp ở phần 2 của bài viết này trong thời gian tới trên VnReview.

(Hết phần 1)

Việt Dũng

Chủ đề khác