VnReview
Hà Nội

Đọ chụp ảnh Lumia 1020, Galaxy S4 Zoom, Xperia Z1 và LG G2

Khả năng chụp ảnh là một trong những chiến trường nóng bỏng mà ở đó bất cứ smartphone cao cấp nào cũng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Đối với Nokia Lumia 1020, Samsung Galaxy S4 Zoom, Sony Xperia Z1 và LG G2, tất cả các hãng sản xuất đều dành những lời có cánh dành cho đứa con cưng của mình. Vậy sự thật đâu mới là smartphone chụp ảnh xuất sắc nhất?

Ra mắt vào tháng Bảy, Nokia Lumia 1020 là thiết bị Windows Phone 8 rất được mong đợi của Nokia với công nghệ hình ảnh PureView vốn trước đây chỉ có mặt trên 808 chạy hệ điều hành Symbian cũ kĩ. Với cảm biến CMOS 41MP kích cỡ 1/1.5 inch, công nghệ ổn định hình ảnh quang học và ống kính f/2.2, Lumia 1020 sở hữu cấu hình hết sức ấn tượng cho phép cho ra đời những bức ảnh chất lượng tuyệt vời.

Sony Xperia Z1 là thiết bị mới được giới thiệu tại triển lãm công nghệ tiêu dùng IFA tại thành phố Berlin vào tháng 9. Về mặt thiết kế, Xperia Z1 rất giống đàn anh là chiếc Xperia Z, hơn nữa cũng có khả năng chống nước và bụi. Tuy nhiên mảng chụp ảnh của Xperia Z1 đã được nâng cấp toàn diện và sở hữu cấu hình rất cao, ít nhất là xét trên thông số. Cảm biến CMOS BSI 20.7MP của Sony có kích thước 1/2.3, bằng với hầu hết các máy ảnh bỏ túi hiện nay. Xperia Z1 được trang bị ống kính f/2.0 nhưng lại thiếu đi công nghệ ổn định hình ảnh quang học so với các đối thủ.

LG G2 là thiết bị đầu bảng mới nhất của hãng điện thoại Hàn Quốc. Màn hình 5,2 inch Full HD viền cực mỏng cùng với hàng loạt thông số kĩ thuật khủng khác khiến G2 mặc nhiên được định vào phân khúc cao cấp. Cảm biến CMOS BSI 13MP có kích thước 1/3 chuẩn dành cho smartphone thay vì cảm biến cực khủng như của Nokia hay Sony. Ngoài ra, G2 cũng là một smartphone Android hiếm hoi sở hữu tính năng ổn định hình ảnh quang học.

Samsung Galaxy S4 Zoom là thiết bị kì lạ nhất trong bài thử nghiệm này. Đây là một chiếc smartphone với ống kính zoom 10x và cảm biến 16MP 1/2.3. Do khả năng zoom quang, Galaxy S4 Zoom có kích thước lớn hơn nhiều so với các thiết bị đối thủ nhưng vẫn nhỏ hơn so với người anh em Galaxy Camera. Đối với những người đam mê chụp ảnh di động và không thể sống thiếu zoom quang, đây là một lựa chọn không tồi.

Với thông số kĩ thuật như vậy, những thiết bị này sẽ trình diễn ra sao ngoài đời thực? Bài thử nghiệm của trang công nghệ Dpreview bao gồm các phần thi chụp phong cảnh, chụp chân dung đủ sáng, chụp đêm, chụp chân dung thiếu sáng và cuối cùng là chân dung có đèn flash. Để cho kết quả sát với thực tế sử dụng của người dùng nhất, tất cả các máy được đặt ở chế độ chụp tự động (M-Mode trên Xperia Z1 để ảnh có kích thước lớn nhất).

Chụp phong cảnh

Nokia Lumia 1020

Nokia Lumia 1020, ISO 100, 1/719s , 38MP

Samsung Galaxy S4 Zoom

Samsung S4 Zoom, ISO 100, 1/400s, 16MP

Sony Xperia Z1

Sony Xperia Z1, ISO 50, 1/800s , 20.7MP
 
LG G2
 
LG G2, ISO 100, 1/377s, 13MP
 

Lượng ánh sáng ban ngày khá tốt nhưng trời âm u và nhiều mây. Về độ phơi sáng, smartphone của Sony và LG khá sát nhau nhưng vẫn kém Samsung Galaxy S4 Zoom thấy rõ, trong khi đó Sony hơi tối một chút. Nokia tạo màu ấm nhất, trái ngược hẳn với màu lạnh của LG G2 còn Sony và Samsung đứng ở giữa. Khả năng xử lý hình ảnh của cả 4 thiết bị làm cho ảnh có độ tương phản và độ bão hòa cao, nhưng vẫn chưa đến mức làm ảnh mất tự nhiên.

Khi zoom vào 100%, rõ ràng cảm biến 1 inch của Lumia 1020 thu được nhiều chi tiết và ánh sáng tốt hơn các đối thủ. Cảm biến 20.7MP của Sony gom chi tiết khá tốt nhưng khi zoom gần có thể thấy ảnh bị xử lý làm nét hơi quá tay nên trông không tự nhiên. Kể cả ở ISO chuẩn, cả 2 máy đều bị nhiễu sáng (luminance noise).

LG G2 thể hiện đúng như những gì bạn sẽ mong đợi ở một smartphone 13MP. Các chi tiết tương phản thấp như tán lá ở phía xa bị làm mờ do hệ thống chống nhiễu, dù sao bạn cũng chỉ có thể nhận ra khi crop 100%. Mặc dù sở hữu cảm biến lớn hơn LG, Galaxy S4 Zoom của Samsung cho ảnh mịn nhất trong bộ tứ. Có vẻ như ống kính zoom 10x xử lý ảnh hơi mịn ở chế độ góc rộng.

Lumia 1020 Xperia Z1 Galaxy S4 Zoom G2 dpreview

Nokia Lumia 1020 cho kết quả tốt nhất trong phần thi này với lượng chi tiết và phơi sáng tốt. Màu sắc hơi ngả về phía nhiệt độ ấm nhưng nhìn chung khi chụp ở chế độ 38MP Nokia vẫn dẫn trước các đối thủ ở phần ánh sáng.

Chụp đêm

Nokia Lumia 1020

Nokia Lumia 1020, ISO 800, 1/9s, 38MP

Samsung Galaxy S4 Zoom

Samsung Galaxy S4 Zoom, ISO 500, 1/6s, 16MP

Sony Xperia Z1

Sony Xperia Z1, ISO 400, 1/10s, 20.7MP

LG G2

LG G2, ISO 800, 1/15s, 13MP

Giống như phần chụp phong cảnh, ở bài chụp đêm, Samsung Galaxy S4 Zoom thu được nhiều sáng hơn so với 3 máy còn lại. Nokia Lumia 1020 vẫn tiếp tục cho màu sắc ấm nhất, trong khi LG G2 tạo màu lạnh nhất. Ảnh của Lumia 1020 bão hòa rất cao, một mặt cho ảnh rực rỡ nhưng cũng bị xử lý quá tay bởi phần mềm.

Khi xem thông tin Exif, ở chế độ tự động, tất cả các máy đều cố gắng đưa ISO về mức thấp nhất có thể và vì thế tốc độ chụp gần chạm tới mức quá chậm dù đã có ổn định hình ảnh quang học trên Nokia, LG và Samsung. Trong số nhiều bức ảnh được chụp với cả 4 máy, chỉ có 1 hoặc 2 tấm của mỗi máy là đủ nét.

Lumia 1020 cho ảnh rõ nhất nhưng với cảm biến độ phân giải siêu cao, ở tốc độ 1/9s vẫn rất khó có thể chụp được ảnh nét khi zoom 100% dù ổn định hình ảnh quang học hoạt động khá tốt. Sẽ tốt hơn nếu ở chế độ tự động, ISO được đẩy lên mức cao hơn để đổi lấy độ nét.

Ảnh chụp bởi Galaxy S4 Zoom và Lumia 1020 nét hơn nhưng lại bị nhiễu sáng. Đặc biệt trên chiếc G2, với mức ISO 800, những chi tiết tương phản thấp gần như không hề xuất hiện. Điểm sáng của cả 4 thiết bị là độ nhiễu màu sắc được kiểm soát tốt.

Lumia 1020 Xperia Z1 G2 Galaxy S4 Zoom night crop

Rất khó để chọn ra người thắng cuộc trong phần thi này. Nokia Lumia 1020 vẫn cho kết quả tốt nhất nếu người dùng kiên nhẫn để chụp được một bức ảnh sắc nét và chỉnh ISO bằng tay để tăng tốc độ màn trập. Trong 3 thiết bị còn lại, Galaxy S4 Zoom kết hợp tốt nhất giữa độ nhiễu và chi tiết. Ở ISO 400, Sony cung cấp độ chi tiết ở mức chấp nhận được nhưng ảnh lại rất nhiễu. Ngược lại, LG G2 có hệ thống giảm nhiễu quá mạnh và làm mất hết các chi tiết trên ảnh.

Chân dung ngoài trời

Nokia Lumia 1020

Nokia Lumia 1020, ISO 200, 1/100s, 38MP

Samsung Galaxy S4 Zoom

Samsung Galaxy S4 Zoom, ISO 100, 1/40s, 16MP

Sony Xperia Z1

Sony Xperia Z1, ISO 64, 1/50s, 20.7MP

LG G2

LG G2, ISO 200, 1/30s, 13MP

Các bức ảnh chụp chân dung được chụp vào ngày trời sáng, chụp trong bóng râm và tập trung lấy nét vào mặt của mẫu. Mặc dù các bức ảnh có độ phơi sáng khác nhau, nhìn chung các bức ảnh này đều xử lý môi trường tương phản cao khá tốt và làm rõ người được chụp.;Phần lớn các mẫu máy đều cho ảnh chụp có gam màu lạnh. Trên S4 Zoom, ảnh có tông màu ấm hơn, tạo ra một bức ảnh nhiều sức sống hơn.

Trong điều kiện chụp ảnh đủ sáng, tốc độ cửa trập chậm và hiện tượng rung tay không phải là vấn đề lớn, do đó trên lý thuyết các mẫu camera này có thể thu được rất nhiều chi tiết. Mặc dù ISO được sử dụng rất thấp, các mẫu ảnh thu được điều có nhiễu khá rõ ràng trong khu vực tối. Lumia 1020 là mẫu điện thoại gây ra nhiều nhiễu nhất, nhưng cũng thu được nhiều chi tiết nhất. Sony gặp hiệu tượng nhòe hình nhẹ nhưng có số lượng chi tiết tổng thể khá tốt. Cả S4 Zoom và LG G2 đều áp dụng biện pháp giảm nhiễu và làm sắc hình ảnh thường thấy trên các máy di động khác.

Lumia 1020 Galaxy S4 Zoom Xperia Z1 G2

Một lần nữa, chúng ta khó có thể chọn được người thắng cuộc rõ ràng cho thử nghiệm này. Nhìn từ góc độ phơi sáng và cân bằng trắng, Xperia Z1 là một lựa chọn tốt nhưng ảnh chụp có vẻ bị xử lý hơi thái quá. Lumia 1020 đem lại nhiều chi tiết nhưng lại có quá nhiều nhiễu vì hệ thống tự động lựa chọn ISO 200 thay cho ISO ở mức thấp nhất vốn đã là quá đủ cho ảnh chụp ngoài trời.

Chân dung trong nhà

Nokia Lumia 1020

Nokia Lumia 1020, ISO 320, 1/50s, F2.2, 38MP

Samsung Galaxy S4 Zoom

Samsung Galaxy S4 Zoom, ISO 160, F3.3, 1/6s, 16MP

Xperia Z1

Sony Xperia Z1, ISO 160, 1/32s, F2.0, 20.7MP

LG G2

LG G2, ISO 160, 1/15s, F2.4, 13MP

Bức chân dung trong nhà được chụp trong phòng khá tối, với chỉ một vài ánh đèn đường rọi vào qua cửa sổ. Thông tin EXIF từ các bức ảnh cho thấy các thiết bị đi theo các hướng xử lý phơi sáng khác nhau. LG G2 tạo ra bức ảnh sáng nhất, tiếp đó là Xperia Z1 và Galaxy S4 Zoom. Nokia tạo ra bức ảnh tối nhất.

Thông tin này cũng được phản ánh trong dữ liệu phơi sáng. Galaxy S4 Zoom có vẻ rất tin tưởng vào hệ thống ổn định hình ảnh quang học của mình và chỉ sử dụng mức ISO thấp nhất: 160. Ống kính zoom tương đối chậm của Galaxy S4 Zoom cũng chỉ chụp với tốc độ cửa trập 1/6 giây trong thử nghiệm này. Hệ thống ổn định hình ảnh quang học đã giúp giảm hiệu ứng do rung tay rất tốt, song nếu mẫu vật chuyển động ảnh sẽ bị mờ ngay lập tức.

Ảnh chụp sáng của LG G2 là kết quả của ISO 400 cùng tốc độ cửa trập 1/15 giây. Giống như trên S4 Zoom, hệ thống ổn định hình ảnh quang học hoạt động tốt nhưng khả năng mẫu vật bị mờ là rất lớn. Xperia Z1 lựa chọn tốc độc cửa trập 1/32. Tốc độ cửa trập này là rất cần thiết do máy thiếu khả năng ổn định hình ảnh. Chỉ có duy nhất Lumia 1020 là đủ khả năng tránh tình trạng mờ hình do mẫu vật chuyển động ở tốc độ cửa trập 1/50 giây.

Lumia 1020 Xperia Z1 Galaxy S4 Zoom G2

Nếu chỉ xét về mức độ chi tiết của ảnh chụp, Nokia là người chiến thắng. Tuy vậy, bức ảnh 38MP của Nokia cũng có rất nhiều nhiễu sáng khi xem ở kích cỡ đầy đủ mặc dù nhiễu màu được kiểm soát tốt. Galaxy S4 Zoom với ISO thấp cũng tạo ra kết quả khá tốt. Ảnh có bị làm mịn nhiều hơn một chút so với Lumia 1020 song nhìn chung S4 Zoom chụp ảnh rất tốt, miễn là mẫu vật không chuyển động. 

Xperia Z1 cũng không bị bỏ lại quá xa nhưng lại xuất hiện nhiều hạt lốm đốm khi phóng to. LG G2 tạo ra ảnh mờ nhất, do sử dụng quá nhiều tính năng giảm nhiễu và tốc độ cửa trập quá chậm.

Chụp chân dung có flash

Lumia 1020

Nokia Lumia 1020, ISO 125, 1/30s, F2.2, 38MP

Samsung Galaxy S4 Zoom

Samsung Galaxy Z4 Zoom, ISO 100, 1/30s, F3.3, 16MP

Xperia Z1

Sony Xperia Z1, ISO 500, 1/32s, F2.0, 20.7MP

LG G2

LG G2, ISO 800, 1/10s, F2.4, 13MP

Các bức ảnh bật flash được chụp trong một căn phòng rất tối chỉ có ít đèn đường rọi vào qua cửa sổ. Xperia Z1 và LG G2 sử dụng đèn flash LED phổ biến trên smartphone, trong khi Lumia 1020 và Galaxy S4 Zoom sử dụng đèn flash Xenon mạnh mẽ.

Nhờ đó, Lumia 1020 và Galaxy S4 Zoom tạo ra độ sáng tốt hơn cho toàn bộ cảnh vật, và cũng chỉ cần chụp ở ISO thấp hơn. Về mặt phơi sáng, ảnh của Lumia 1020 là tốt nhất. Ảnh có độ sáng vừa phải và có tông màu ấm, dễ chịu. Đèn flash của Galaxy S4 Zoom mạnh quá mức cần thiết, tạo ra bức ảnh lạnh và màu sắc giả tạo vốn thường thấy từ đèn flash.

Mặc dù có ISO cao, ảnh của Xperia Z1 có độ sáng tối nhất. LG G2 cũng phải tăng ISO tới 800 để tạo ra độ phơi sáng bằng với Lumia 1020 và Galaxy S4 Zoom. Đèn flash trên Xperia Z1 và LG không phù hợp với các bức ảnh chụp nhóm đông người, hoặc chụp mẫu vật ở quá xa camera.

ISO quá cao và tốc độ cửa trập quá chậm gây ảnh hưởng xấu tới chi tiết ảnh trên Xperia Z1 và LG G2. Tuy vậy, Xperia Z1 cũng tạo ra kết quả có thể chấp nhận được trong khi ảnh của LG G2 quá mờ. Trong những quán bar tối, có lẽ bạn nên bỏ qua LG G2 khi chụp ảnh.

Trong khi đó, Lumia 1020 và Galaxy S4 lại có thể tạo ra nhiều chi tiết hơn nhờ ISO thấp và tốc độ cửa trập lớn. Mặc dù hiện tượng mắt đỏ đã xảy ra, nhìn chung ảnh của Lumia 1020 là tốt nhất. Mặt khác, Galaxy S4 Zoom cũng không thua kém Lumia 1020 quá nhiều.

Lumia 1020 Xperia Z1 Galaxy S4 Zoom G2

Kích cỡ ảnh

Các biên tập viên của Dpreview đã chụp ảnh mẫu tại độ phân giải cao nhất có thể trên các model được thử nghiệm. Dĩ nhiên, các kích cỡ này (đặc biệt là kích cỡ 38MP của Lumia 1020) không phải là tối ưu cho các bức ảnh mà bạn muốn chia sẻ lên các mạng xã hội nói riêng và lên Internet nói chung. Một phần lý do để lưu lại các bức ảnh tại độ phân giải cao nhất có thể là để tăng chất lượng của quá trình zoom số và giảm hiện tượng nhiễu khi thu nhỏ (downsample) các bức ảnh có ISO cao. Do vậy, bạn có thể tùy chỉnh để Lumia 1020 chỉ chụp ảnh 5MP hoặc chụp cả 2 bức ảnh 38MP và 5MP cùng lúc.

Lumia 1020 G2 Xperia Z1 Galaxy S4 Zoom

Xperia Z1 cũng có tính năng tương tự. Độ phân giải tối đa 20,7MP chỉ có mặt trên chế độ chụp ảnh thủ công, theo đó bạn phải tự động tùy chỉnh các thông số của quá trình chụp ảnh. Mức độ ISO tối đa trong tùy chọn này là 800. Chế độ chụp tự động của Z1 lưu ảnh ở độ phân giải 8MP. Giống như trên Nokia, các pixel "thừa" được sử dụng để tạo ra ảnh zoom số đẹp hơn và bớt đi hiện tượng nhiễu khi thu nhỏ hình ảnh. Trong các bức ảnh sau đây, bạn sẽ thấy một vài bức ảnh độ phân giải thấp (phải) bên cạnh các bức ảnh độ phân giải cao (trái). Các bức ảnh này sẽ cho bạn thấy sự khác biệt rõ ràng giữa ảnh chụp ở độ phân giải cao nhất của máy và độ phân giải thấp (5MP hoặc 8MP).

Lumia 1020 Galaxy S4 Zoom Xperia Z1 G2

Kết luận

Khi nhìn vào các bức ảnh mẫu trong bài, có thể nói rằng chất lượng ảnh chụp bằng smartphone đang ngày càng được cải thiện. Trong thử nghiệm này, có thể nói rằng Lumia 1020 có chất lượng ảnh chụp nói chung tốt nhất. Mẫu đầu bảng của Nokia có khả năng thu được nhiều chi tiết trong điều kiện ảnh sáng tốt; đèn flash Xenon cũng giúp tạo ra các bức ảnh có chất lượng tốt trong điều kiện thiếu sáng. Tại các mức ISO cao, ảnh có khá nhiều nhiễu sáng, song nhiễu màu được kiểm soát tốt và các bức ảnh có kích cỡ lên tới 38MP giúp cho các bức ảnh xem trong điều kiện thường và ảnh kích cỡ in sẽ ít gặp tình trạng nhiễu hơn.

Nếu bạn chỉ cần chia sẻ ảnh trên các mạng xã hội, Lumia 1020 cũng có lựa chọn chụp ảnh 5MP cho phép tiết kiệm bộ nhớ của điện thoại. Nhờ có tính năng giảm độ phân giải (downsampling) khá thông minh của Nokia, các bức ảnh có độ phân giải thấp hơn 38MP ít gặp phải tình trạng nhiễu song vẫn có khả năng thu được nhiều chi tiết. Tuy vậy, một số người dùng có thể thấy các bức ảnh này sắc nét quá mức.

Lumia 1020 chỉ thực sự gặp khó khăn khi chụp ảnh vào ban đêm. Trong 30 bức ảnh của Dpreview, tốc độ đóng cửa trập luôn luôn là quá chậm để có thể nhận được một bức ảnh sắc nét 100%. Trong điều kiện chụp này, người dùng cần nâng ISO của Lumia 1020. Một điểm yếu khác của Lumia 1020 là hiệu năng hoạt động thường của máy có thể chậm hơn các sản phẩm cạnh tranh khác, do 1020 chỉ có vi xử lý 2 nhân cũ kỹ.

Xperia Z1 giúp mang lại những bức ảnh có độ phân giải rất cao, nhưng cũng gặp tình trạng nhiễu, thậm chí là ở tất cả các thiết lập ISO. Điều may mắn là mức độ nhiễu trên Xperia Z1 chỉ trở nên rõ ràng khi ảnh được phóng đại. Độ sáng tốt và màu sắc ảnh chụp khá hài hòa của Sony giúp Xperia Z1 trở thành một lựa chọn khá tốt cho những người thích chia sẻ ảnh lên mạng. Một lợi thế khác của Z1 là nhờ có hiệu năng cao, máy hoạt động khá nhạy. Cùng với nút chụp hình riêng, Xperia Z1 có khả năng chụp không kém gì các máy ảnh du lịch phổ thông.

Chất lượng ảnh của LG G2 không thuộc cùng một đẳng cấp với Nokia và Sony. Khả năng ổn định hình ảnh quang học khá tốt giúp cho ảnh chụp của G2 tránh được tình trạng mờ khi chụp tối, nhưng máy tạo ra quá nhiều nhiễu ở tất cả các mức ISO. Khả năng tự động điều chỉnh cân bằng trắng khiến ảnh của G2 đôi khi lạnh quá mức. Nhìn chung, LG G2 vẫn là một mẫu camera chụp ảnh tốt, nhưng chất lượng ảnh của G2 không đủ để mẫu đầu bảng của LG đứng vào hàng ngũ "smartphone camera" của năm 2013.

Mặc dù có cảm biến kích cỡ lên tới 1/2,3 inch, Galaxy S4 Zoom không hề thu thêm được bất kỳ chi tiết nào so với thế hệ smartphone hiện nay. Thực tế, ống kính của mẫu S4 Zoom được Dpreview thử nghiệm gặp phải tình trạng nhòe hình ở các góc chụp rộng. Tuy vậy, mẫu smartphone Samsung này cũng là một lựa chọn khá tốt cho người dùng muốn có smartphone sử dụng zoom quang học và đèn flash tốt.

Có thể nói rằng phần lớn người dùng sẽ đưa ra lựa chọn smartphone chỉ dựa trên chất lượng camera. Tuy vậy, những người muốn mua một chiếc smartphone chụp ảnh tốt giờ đây đang có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết. Chất lượng ảnh chụp của smartphone đang dần bắt kịp với các camera phổ thông truyền thống, và có lẽ chỉ vài thế hệ nữa thôi khoảng cách mỏng manh này sẽ không còn tồn tại.

Việt Dũng (nguồn Dpreview)

Chủ đề khác