VnReview
Hà Nội

5 dấu hiệu trẻ nghiện iPad và cách điều trị

Máy tính bảng và điện thoại đã thay thế TV làm món đồ "mua vui" cho trẻ và giúp các em giải trí. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây lại cho thấy cứ 3 em bé thì có 1 em biết dùng đồ công nghệ trước khi biết nói.;Vấn đề là những thiết bị này có thể có tác động mạnh mẽ đến sức khoẻ tinh thần của các em nhỏ. 

Tiến sĩ kiêm bác sĩ tâm thần Richard Graham và nhà tâm lý học, bác sỹ Jay Watts, thuộc Trung tâm tư vấn trẻ vị thành niên ở Anh cho rằng: Nghiện công nghệ có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ và giấc ngủ. "Các thiết bị điên tử bắt đầu có ảnh hưởng lớn đến hành vi của con người. Khi trẻ trở nên buồn chán nếu không được dùng thiết bị công nghệ, đó là khi các bậc cha mẹ thực sự cần thay đổi mọi thứ", bác sỹ Draham nói.

Dưới đây là 5 dấu hiệu trẻ nghiện thiết bị công nghệ và cách chữa trị, theo tư vấn của bác sĩ Richard Graham và Jay Watts.

1. Thiếu quan tâm, thích thú với các hoạt động khác

Một dấu hiệu cho thấy trẻ có vấn đề với công nghệ là khi bố mẹ muốn trẻ tham gia một hoạt động thú vị - như đi xem phim hoặc dã ngoại – nhưng trẻ lại miễn cưỡng.

Bác sỹ Graham giải thích rằng, nếu sự miễn cưỡng này gia tăng và "ngày càng khó khăn để trẻ làm bất cứ gì ngoài sử dụng đồ công nghệ", thì đó có thể là những dấu hiệu của chứng nghiện thiết bị số.

2, Liên tục nói hoặc bị sao nhãng với các thiết bị số

Nếu trẻ nói về việc khi nào chúng sẽ online tiếp, hoặc bố mẹ nghi ngờ chúng đang nghĩ về lần dùng thiết bị tiếp theo, đây cũng có thể là dấu hiệu. Bác sỹ Graham nói: "Hãy lưu ý các dấu hiệu chúng liên tục muốn sử dụng đồ công nghệ. Chẳng hạn, nếu chúng vừa chơi và kiểm tra điện thoại xong lại tiếp tục muốn cầm điện thoại nữa".

3. Dễ thay đổi tâm trạng, thích tranh cãi

Một dấu hiệu nữa là xem xét tổng thời gian mà trẻ dành cho các thiết bị công nghệ có tăng lên không. Nếu chúng trở nên "dễ xúc động, biểu hiện lo lắng khi có thể không được dùng công nghệ, và hành vi của trẻ dễ trở thành một cuộc tranh cãi".

Một số trẻ có thể nói với người lớn rằng, chúng không hiểu vì chúng không có các thiết bị công nghệ khi đã trưởng thành.

Theo bác sỹ Watts: "Rất khó cho bất kỳ người lớn, bố mẹ nào sinh trước năm 1980 nhận ra mạng xã hội, thiết bị số đã trở thành trung tâm của đời sống con trẻ ngày nay, bởi người lớn thường có ấn tượng, xu hướng suy nghĩ trẻ sẽ có một tuổi thơi truyền thống".

4. Các triệu chứng khi không được onine

Nếu trẻ căng thẳng hoặc buồn bã khi không được dùng thiết bị công nghệ, và cảm giác này nhanh chóng biến mất khi chúng được dùng trở lại, trẻ có thể đã có vấn đề.

"Một chút khó chịu khi không thể online có thể là điều bình thường, nhưng nếu trẻ em liên tục khó chịu nghĩa là đã đến lúc phải có biện pháp", bác sỹ Watts nói.

5. Hay nói dối hoặc có nhiều hành vi "ranh ma"

Điều này bao gồm việc dấu diếm, che đậy trẻ đang dùng thiết bị nào, dấu chúng hoặc dùng chúng mà bố mẹ không biết.

Bác sỹ Graham nói rằng, những trẻ có nguy cơ nghiện "sẽ luôn cố gắng hết sức để chúng có thể ít bị hỏi han nhất về việc dùng thiết bị công nghệ, và trẻ sẽ bí mật sử dụng chúng".

Dùng thuốc gì để điều trị chứng nghiện công nghệ của trẻ?

Nếu các bậc cha mẹ lo ngại trẻ bị nghiện, hoặc sắp nghiện thiết bị công nghệ, cần có biện pháp để giúp đỡ trẻ. Bác sỹ Graham đã đưa ra một "liều thuốc kỹ thuật số kéo dài trong 72 giờ".

Ban đầu, trẻ sẽ đau buồn và có các dấu hiệu khó chịu, giống như bất cứ các chứng nghiện khác. Các bố mẹ xử lý bệnh tình như thế nào còn phụ thuộc vào đứa trẻ và cách chúng phản ứng. Tất nhiên, lúc này nên bỏ qua mọi lời cầu xin được dùng công nghệ của trẻ, nhưng các bậc bố mẹ cũng có thể cố gắng động viên trẻ tham gia các hoạt động khác nếu chúng quá nài nỉ.

"Thách thức bắt đầu khi chúng ta đưa công nghệ trở lại với cuộc sống của chúng, theo cách được kiểm soát hơn. Họ cần cân bằng các hoạt động để giúp đỡ trẻ, bao gồm gia tăng hoạt động thể chất", bác sỹ Graham nói. "Điều quan trọng là phải hạn chế thời gian trẻ dùng công nghệ để giúp ngăn ngừa trẻ tiếp tục bị phụ thuộc".

Tuy nhiên, bác sỹ Watts cũng nói rằng, biện pháp này có thể không phù hợp với các trẻ ở tuổi vị thành niên, do các áp lực xã hội.

"Nếu bố mẹ thực sự lo lắng con trẻ bị nghiện, và thời gian dành cho smartphone của trẻ nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa, các bố mẹ nên cố gắng đặt ra một số thoả thuận", nghĩa là gia đình vẫn phải dành thời gian cùng nhau, chẳng hạn như không dùng smartphone/tablet trong bữa ăn, nửa ngày cuối tuần bên nhau không dùng thiết bị công nghệ.

Trong trường hợp trẻ vẫn chưa bình phục, bố mẹ nên nhờ đến sự hỗ trợ của các trung tâm tư vấn hoặc y tế.

Hoàng Lan

Theo Daily Mail

Chủ đề khác