VnReview
Hà Nội

Điện thoại di động đã giết chết máy nghe nhạc MP3 như thế nào?

Trong bối cảnh rất nhiều người dùng nghe nhạc trên smartphone nhiều hơn cả gọi điện, các mẫu máy nghe nhạc MP3 chuyên dụng gần như đã hoàn toàn chìm vào dĩ vãng. Hãy cùng điểm tên những sản phẩm đã góp phần đưa điện thoại di động trở thành máy nghe nhạc số 1 của con người.

10 năm trước, "âm nhạc" trên điện thoại di động chỉ dừng lại ở các mẩu nhạc chuông nhàm chán hoặc các bản nhạc MIDI có thể gây… nhức đầu. Đến ngày hôm nay, có thể nói rằng smartphone đã trở thành thiết bị nghe nhạc phổ biến nhất trên thế giới. Cũng giống như máy ảnh phổ thông, máy nghe MP3 chuyên dụng gần như đã bị giết chết hoàn toàn bởi smartphone.

Đây không phải là một điều bất ngờ. Ông Yong-hyuk Na, Nghiên cứu viên Cao cấp tại Phòng thí nghiệm Sản phẩm Tương lai, LG Mobile, đưa ra nhận định rằng: "Khi tính năng của smartphone tăng lên, nhu cầu của người dùng về việc sử dụng các tính năng di động cũng tăng theo.;Cụ thể hơn, smartphone thường xuyên được sử dụng để nghe nhạc khi bạn đi ra ngoài, giúp bạn không phải mang theo nhiều thiết bị. Do đó, chất lượng âm thanh trên smartphone đã trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn bao giờ hết".

Chặng đường tới chất lượng âm thanh, độ phổ biến và tầm quan trọng như ngày hôm nay của smartphone đã không diễn ra chỉ trong một đêm. Đây là một quá trình phát triển lâu dài của điện thoại: quá trình điện thoại di động được phát triển để tích hợp thêm nhiều tính năng đã diễn ra đồng thời với quá trình âm nhạc trở thành một tính năng quan trọng trên điện thoại di động. Trong suốt quá trình phát triển, 5 chiếc điện thoại sau đây đã góp phần biến điện thoại di động trở thành thiết bị nghe nhạc phổ biến nhất.

Siemens SL45

Máy nghe nhạc MP3 bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ năm 1997, nhưng phải đến khi Siemens ra mắt SL45 vào năm 2001, điện thoại di động mới có khả năng chơi nhạc số.

Rất có thể vào thời điểm đó, Siemens đã tính toán trước được sức ảnh hưởng của SL45 đối với thị trường điện thoại di động sau này, song rõ ràng SL45 đã mở đường cho điện thoại di động từ thiết bị liên lạc trở thành máy nghe nhạc cá nhân.

điện thoại nhạc

Vì sao phải tới 4 năm sau khi máy nghe nhạc MP3 ra đời, điện thoại di động mới có khả năng chơi nhạc số? Câu trả lời là do các giới hạn về mặt kĩ thuật. Trước hết, điện thoại di động có pin khá nhỏ, và do đó chỉ có thể nghe gọi trong vài giờ. Pin 540mAh của SL45 không thực sự giải quyết được vấn đề này, song khả năng chơi nhạc trong vòng 5 giờ liên tục giúp cho SL45 trở thành một lựa chọn máy nghe nhạc di động đạt mức "chấp nhận được".

điện thoại nhạc

Một vấn đề quan trọng khác được SL45 giải quyết là bộ nhớ quá nhỏ bé của điện thoại di động. Những bộ nhớ chỉ có kích cỡ tối đa là... vài trăm KB khiến cho việc chơi nhạc trên điện thoại di động trở thành không thể. Siemens giải quyết vấn đề này bằng cách nâng dung lượng bộ nhớ trong cho SL45, đồng thời trang bị cho máy khe cắm thẻ nhớ MultiMediaCard và thẻ nhớ 32MB. Bạn chỉ có thể copy một vài bài hát lên bộ nhớ 32MB, nhưng vào năm 2001, bộ nhớ lên tới 32MB vẫn là điểm mạnh của riêng SL45.

So với các máy nghe MP3 chuyên dụng vào thời đó (ví dụ như iPod), SL45 là một chiếc máy nghe nhạc có vẻ yếu thế. Bạn buộc phải kết nối thẻ nhớ và copy dữ liệu qua cổng Serial vốn có tốc độ rất chậm. Không chỉ có vậy, các máy nghe nhạc sử dụng ổ cứng thời đó cũng hoàn toàn vượt trội so với SL45 về dung lượng bộ nhớ và thời lượng pin. Tuy vậy, dù có "tệ" đến mức nào thì thành công của SL45 cũng đã chứng minh được rằng điện thoại di động hoàn toàn có thể là những chiếc máy nghe nhạc số tiện dụng. 

Thậm chí, chất lượng âm thanh tốt của SL45 đã trở thành huyền thoại, cho đến nay vẫn có nhiều người tin dùng cho nhu cầu âm nhạc của mình và ở Việt Nam có cả một cộng đồng người dùng SL45 là diễn đàn SL4X. Có thể nói, SL45 là chiếc điện thoại tiên phong và là "huyền thoại" của dân nghe nhạc di động.

Sony Ericsson W800i

Sau khi SL45 ra đời, tính năng chơi MP3 trên điện thoại di động ngày càng trở nên phổ biến, song những chiếc điện thoại này vẫn không được coi là sản phẩm có thể thay thế cho máy nghe nhạc MP3: Dung lượng bộ nhớ của chúng quá thấp và các phần mềm rất khó sử dụng.

điện thoại nhạc

Sự thống trị của iPod và những thiết bị nghe nhạc như Sony Walkman cũng khiến cho quá trình "tiến hóa" thành máy nghe nhạc MP3 của điện thoại di động trở nên khó khăn hơn. Do iPod đã gần như tiêu diệt hoàn toàn các thương hiệu máy chơi MP3 khác, việc tạo ra một chiếc điện thoại có khả năng chơi nhạc tốt cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhưng khi Sony Ericsson ra mắt W800i vào năm 2005, thế giới đã hiểu được rằng điện thoại di động sẽ sớm trở thành một thế lực trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Có nhiều lý do giúp cho W800i trở nên thành công, nhưng có lẽ thương hiệu Walkman là lý do quan trọng nhất. Sau iPod, Walkman có lẽ là thương hiệu máy nghe nhạc cá nhân (CD, MP3...) thành công nhất. Sony Ericsson W800i là chiếc điện thoại di động đầu tiên được mang thương hiệu này. Từ trước khi ra đời, W800i đã có sẵn một lượng fan đông đảo.

Nhưng bên dưới thương hiệu Walkman cũng là một chiếc máy nghe nhạc tuyệt vời. W800i có hẳn một nút bấm riêng chỉ để bật chương trình chơi nhạc trên điện thoại. Điều này giúp cho tính năng chơi nhạc trở thành trung tâm của điện thoại, bên cạnh tính tiện dụng, dễ sử dụng. Giao diện của chương trình chơi nhạc trên W800i tuy rất đơn giản nhưng cũng đủ để mang lại một trải nghiệm âm nhạc cực kì dễ chịu.

điện thoại nhạc

Bởi vậy, W800i có thể coi là một sản phẩm tiên phong cho các mẫu điện thoại sau này. Khi smartphone ngày càng trở nên phức tạp hơn, Luc Burson, nhà thiết kế âm thanh cấp cao tại HTC, khẳng định rằng tính tiện dụng và tính đơn giản là các yếu tố mà các chương trình chơi nhạc trên smartphone cần phải cải thiện. "Cơ hội lớn nhất dành cho các ý tưởng sáng tạo vào lúc này là tính dễ sử dụng. Tất cả các khía cạnh của tính dễ sử dụng". Một vài người sẽ còn nhớ về các dàn âm thanh tại nhà và tính dễ sử dụng cũng như sự đơn giản của chúng. Hiện nay, trải nghiệm smartphone mở ra cơ hội rất lớn dể tăng tính dễ sử dụng. Việc giữ lại các chức năng hiện tại và tích hợp thêm các hình thức âm thanh/hình ảnh mới là tối quan trọng, nhưng sự đơn giản mới là mặt trận chính".

Không chỉ là một chiếc điện thoại thân thiện với người dùng, W800i không gặp phải các vấn đề về bộ nhớ và thời lượng pin. Dù chỉ có bộ nhớ trong 34MB, W800i cho phép mở rộng qua thẻ Memory Stick Pro Duo với dung lượng tối đa 2GB. Pin 900mAh của máy đủ để bạn có thể nghe nhạc trong vòng 30 giờ liên tiếp. Ra đời sau đó, W810i cũng là một huyền thoại của dòng nghe nhạc và được những người yêu mến Sony Ericsson gọi là "nữ hoàng nhạc số".

Apple Iphone

Cho tới tận năm 2007, các dòng sản phẩm iPod của Apple vẫn đang thống trị thị trường máy chơi nhạc cầm tay. Chỉ khi iPhone ra mắt, mọi chuyện mới bắt đầu thay đổi.

Thế hệ iPhone đầu tiên tạo ra một "cơn bão" không hề nhỏ trong cộng đồng số: Thương hiệu Apple quen thuộc, hỗ trợ iTunes, cho phép hàng triệu người dùng iTunes có thể dễ dàng chơi nhạc trên điện thoại của họ và thậm chí là tải các bài hát thẳng về điện thoại iPhone của họ không cần thông qua máy vi tính. Đây là một thành công vượt trội, bởi với rất nhiều người dùng, iTunes là gian hàng nhạc số đầu tiên mà họ biết tới và cũng là gian hàng duy nhất mà họ cần tới.

điện thoại nhạc

Chip âm thanh Wolfson trên iPhone cũng có chất lượng rất tốt, đồng thời cũng hỗ trợ các hiệu ứng 3D, giúp iPhone hoàn toàn vượt trội so với các mẫu điện thoại trước đó về chất lượng âm thanh.

Theo ông Yong-hyuk Na, Nghiên cứu viên Cao cấp tại Phòng thí nghiệm Sản phẩm Tương lai, LG Mobile, lợi thế về chất lượng của chip âm thanh đã không còn là của riêng một công ty nào nữa. "Chất lượng giữa các nhà sản xuất chip âm thanh lớn đã được chuẩn hóa đến mức sự khác biệt về chất lượng âm thanh giữa các con chip không còn rõ ràng, thay vào đó sự khác biệt đến từ các thiết kế được tối ưu và tính năng cân chỉnh âm thanh của từng nhà sản xuất smartphone".

Do đó, vào thời điểm này, việc đặt trọng tâm quá cao vào chip âm thanh có thể là một lựa chọn sai lầm, nhưng vào thời iPhone ra mắt, đó là một yếu tố cực kì quan trọng: chỉ riêng mình iPhone có chip âm thanh chất lượng cao riêng biệt.

Các tính năng khác như khả năng chơi các bài hát liền mạch cùng giao diện ứng dụng chơi nhạc quen thuộc với người dùng iPod đã giúp cho iPhone trở thành một chiếc máy nghe nhạc quen thuộc và trực quan. Có lẽ việc iPhone trở thành sản phẩm điện thoại nghe nhạc số 1 thế giới cũng không có gì là bất ngờ cả.

HTC One

Có thể nói rằng cho đến thời điểm này, thương hiệu iPhone vẫn là thương hiệu được đánh giá tốt trong số các dòng smartphone dành cho tín đồ âm nhạc. Nhưng iPhone không phải là chiếc smartphone duy nhất được đánh giá cao về chất lượng âm thanh. HTC One là một trong số ít các sản phẩm smartphone có chất lượng âm thanh được đánh giá cao được ra mắt trong năm vừa qua, thậm chí vượt trội và qua mặt cả iPhone.

điện thoại nhạc

Cải tiến đáng giá nhất của HTC One nằm ở chỗ chiếc smartphone này có 2 loa BooomSound ở mặt trước. Bộ loa này không chỉ cho âm lượng lớn hơn loa smartphone thông thường mà còn được hướng về phía trước, giúp sóng âm thanh được truyền thẳng tới tai của bạn. Đây là một điều khá hiển nhiên, nhưng chẳng có nhà sản xuất smartphone nào đang đi theo hướng này cả (loa của smartphone thường hướng về phía dưới của máy). Việc HTC đi theo một thiết kế khá hợp lý giúp đem lại một trải nghiệm âm thanh tuyệt vời hơn rất nhiều.

Thiết kế loa của HTC One giúp đem lại sự khác biệt rất lớn khi bạn đang xem video, nhưng ngay cả khi chỉ nghe điện thoại sự khác biệt cũng là rất rõ ràng. Nhờ có bộ tăng âm tích hợp và công nghệ Beats Audio, HTC One đem lại âm thanh bass và stereo (âm thanh nổi) rất ấn tượng.

HTC đã suy nghĩ rất kĩ về các bộ loa bên trong máy. Burson khẳng định rằng mặc dù tai nghe đã và đang là lựa chọn số 1 cho trải nghiệm âm nhạc di động, nhưng "trong tương lai mọi người có thể sẽ tìm lại được khát khao muốn chia sẻ âm nhạc và ước muốn hòa mình vào các âm thanh thiên nhiên vốn là nguồn gốc của âm nhạc".

điện thoại nhạc

Nói cách khác, khi loa trên smartphone được cải thiện chất lượng, xu hướng âm nhạc trên smartphone có thể sẽ thay đổi. Người ta có thể sẽ thích dùng loa ngoài của smartphone hơn là tai nghe.

Khi đặt tên "BooomSound" cho bộ loa trên HTC One, công ty Đài Loan muốn giữ lại cả những dải tần cao và thấp cho âm thanh của máy, giúp chiếc điện thoại này có thể tái tạo các âm thanh mà các sản phẩm khác thường bỏ qua, đồng thời tăng tính ấn tượng cho những đoạn bass trong bản nhạc. Nhờ đó, khi nghe nhạc với loa ngoài của HTC One, bạn sẽ không phải hy sinh chất lượng âm thanh quá nhiều so với khi nghe tai nghe.

Ông Burson thậm chí còn khẳng định rằng, "loa gắn trong của smartphone có tiềm năng để trở thành các bộ loa di động thực thụ".

Ông Yong-hyuk Na cũng đưa ra ý kiến tương tự: "Trong tương lai, loa smartphone có thể thay thế được các bộ loa di động". Tuy vậy, ông Yong cũng cho rằng những người dùng thực sự yêu âm thanh có thể sẽ tiếp tục lựa chọn các bộ loa di động: Nhiều người vẫn mua các dàn âm thanh tốt để kết hợp với TV chất lượng cao của mình, và do đó rất có thể người tiêu dùng cũng sẽ tiếp tục lựa chọn loa di động để bổ trợ cho smartphone.

LG G2

Có thể nói rằng LG G2 đang là sản phẩm smartphone nghe nhạc qua tai nghe "đỉnh" nhất trên thị trường hiện nay. Trong khi HTC One cố gắng đem đến một trải nghiệm loa ngoài ấn tượng, LG G2 tập trung vào cải thiện chất lượng âm nhạc qua tai nghe.

Khi phần lớn các mẫu smartphone khác đều chỉ sử dụng các tính năng âm thanh có sẵn của Android, LG đã chỉnh sửa cả kiến trúc âm thanh của Android nhằm tạo ra âm thanh chất lượng cao 24-bit 192KHz. Mức chất lượng này cao hơn tất cả các đối thủ smartphone khác và thậm chí còn vượt mức của CD thông thường. Nhờ đó, LG G2 có thể tái hiện tất cả các bản nhạc chất lượng cao nhất.

điện thoại nhạc

Ông Yong-hyuk Na cho rằng sự cải tiến cần thiết nhất trên smartphone là "tái tạo âm thanh thực thụ qua tín hiệu analog. Nhiều người nghĩ rằng âm thanh 16-bit, 44KHz của CD là hoàn hảo, bởi đây đang là tiêu chuẩn của ngành công nghiệp âm nhạc".

"Tuy vậy, CD không thể tái tạo tần số của âm thanh gốc một cách tinh tế, khiến người dùng phải chấp nhận âm thanh có chất lượng kém hơn. Âm thanh 24/192 sẽ giúp tạo ra âm thanh chính xác hơn so với CD và nhờ đó cải thiện chất lượng âm thanh đáng kể". Đó là những gì LG đã làm được trên G2.

LG G2 hỗ trợ cả 2 định dạng âm thanh lossless phổ biến FLAC và WAV, giúp người nghe có thể nghe được những bản nhạc gần với bản thu âm gốc nhất. Không chỉ có vậy, vi xử lý Snapdragon 800 sẽ giúp hoàn thiện chất lượng âm thanh và các tính năng đa phương tiện trên LG G2, tạo ra "chất lượng âm thanh tốt nhất trên các thiết bị di động".

Với G2, LG đã tạo ra được âm thanh hi-fi thực thụ. Hiện tại, G2 vẫn còn một số hạn chế nhất định. Bạn chỉ có thể trải nghiệm âm thanh chất lượng cao trên G2 khi sử dụng ứng dụng chơi nhạc mặc định để chơi các file lossless qua tai nghe. Khi bạn dùng các ứng dụng chơi nhạc khác, hoặc khi chơi nhạc qua loa ngoài của máy, âm thanh sẽ bị giảm chất lượng xuống mức thông thường.

Điều này có nghĩa rằng LG còn rất nhiều điều phải làm để đem lại một trải nghiệm âm thanh hoàn hảo hay nghe loa ngoài tốt như HTC One, song rõ ràng G2 đã giúp đưa chất lượng âm thanh trên smartphone lên một tầm cao mới. Các tín đồ âm thanh thực thụ (audiophile) giờ đã có thể dùng smartphone để chơi nhạc chất lượng cao (qua tai nghe).

Cũng giống như HTC One, LG G2 là minh chứng cho thấy nếu cố gắng hết sức, các nhà sản xuất smartphone có thể mang lại trải nghiệm âm thanh tuyệt vời hơn mong đợi của bạn rất nhiều.

Âm nhạc cho tương lai

Càng ngày, bộ nhớ trong của smartphone càng được nâng cao. Bước tiến lên lưu trữ đám mây và các dịch vụ phát nhạc qua mạng cho phép người dùng có thể mang theo mình hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu bài hát mọi lúc, mọi nơi. Berson tin rằng vấn đề lưu trữ trên điện thoại di động sẽ sớm chìm vào dĩ vãng. "Giờ đây, dung lượng lưu trữ càng ngày càng có giá rẻ và hiệu quả hơn, băng thông rộng đang phổ biến hơn. Mặc dù việc cung cấp khả năng truy cập một cách an toàn và mượt mà là công việc của chúng tôi, tôi nghĩ rằng vấn đề lưu trữ đang tự biến mất một cách dễ dàng".

Khi bạn nghĩ tới các cửa hàng nhạc số và khả năng tải nhạc trực tiếp về smartphone, có lẽ việc người dùng rời bỏ máy chơi MP3 của họ là không có gì bất ngờ cả. Ngay cả sự phổ biến của nhạc số cũng có thể khiến bạn bất ngờ: Chỉ trong vòng 6 tháng, người dùng tại Anh đã mua và tải  239 triệu bản nhạc số một cách hợp pháp.

Tiếp đó, số lượng ứng dụng chơi nhạc trên smartphone cũng đang gia tăng, cho phép người dùng có thể lựa chọn ứng dụng phù hợp nhất với mình, bên cạnh những tính năng như bộ chỉnh âm (equalizer). Rõ ràng các thiết bị di động đang là thế lực số 1 trong ngành âm nhạc di động.

Việc lựa chọn ra chiếc smartphone nghe nhạc "tốt nhất" sẽ không phải là dễ dàng. Các mẫu smartphone ngày nay rất đa dạng về chip âm thanh, bộ tăng âm, driver, bộ chuyển tín hiệu số thành analog cũng như các yếu tố khác. Không ai có thể khẳng định linh kiện nào là tốt nhất, cũng giống như không một bản nhạc nào có thể chinh phục tất cả các thính giả.

Burson đã kết luận về vấn đề này một cách ngắn gọn: "Không một bảng thông số nào có thể tái tạo chính xác một nhạc cụ và cảm giác của bạn khi nghe âm thanh của nó, cũng không một đặc tả kỹ thuật nào nói chính xác cho bạn rằng thiết bị đó nghe hay hoặc dở. Bạn phải trực tiếp cầm điện thoại lên và tự cảm nhận".

Gia Cường

Theo Tech Radar

Chủ đề khác