VnReview
Hà Nội

Chọn mua máy làm bánh mì

Nếu bạn thích ăn các loại bánh làm từ bột mì như: bánh mì, pizza, sandwich,;hamburger, bánh bao, bánh ngọt…, một chiếc máy làm bánh mì sẽ là món đồ rất hữu ích trong gian bếp của bạn.

Máy làm bánh mì không chỉ làm bánh mì

Gọi tên là máy làm bánh mì (bread maker) nên chức năng cơ bản của máy sẽ là giúp bạn làm ra những chiếc bánh mì thơm ngon một cách hoàn toàn tự động. Bạn chỉ cần cho đủ các nguyên liệu như bột mì, men nở, muối, đường, sữa… theo công thức bánh yêu thích vào ruột máy, chọn chế độ thích hợp rồi bấm nút và chờ đợi, sau khoảng 60 phút – 3 giờ, bạn sẽ nhận được một ổ bánh mì thơm phức, chất lượng đảm bảo.

Hầu hết các máy làm bánh mì đều cung cấp một số chức năng ngoài chức năng làm bánh mì cơ bản như làm bánh mì ruột trắng, nướng bánh (đã nhào bột từ trước), và nhào bột; một số máy đa năng còn cho phép nướng sandwich, bánh mì ngọt, làm mứt trái cây…

Tuy nhiên, để tận dụng máy làm bánh mì cho các mục đích khác như làm bánh bao, pizza, hamburger… thì bạn cần có thêm một chiếc lò nướng đối lưu nữa. Các bà nội trợ thường dùng chức năng nhào bột của máy làm bánh mì để nhào các loại bột làm bánh, kể cả bánh mì, sau đó lấy ra tạo hình và nướng bằng lò nướng sẽ cho nhiều loại bánh phong phú hơn. Điều này xuất phát từ nhược điểm của máy làm bánh mì: tất cả các loại bánh dù theo công thức nào và sử dụng chức năng nào của máy cũng đều cho ra một khối bánh hình chữ nhật bằng với phần khuôn của ruột máy. Có lẽ máy phù hợp nhất với bánh mì sandwich, bánh mì ngọt (bánh bông lan).

Như vậy, nếu bạn định mua máy làm bánh mì chỉ để làm bánh mì thì hơi phí. Hãy tận dụng chức năng nhào bột của máy để làm thêm các món bánh từ bột mì khác để không phải mất công nhào, ủ bột. Máy sẽ nhào và ủ sẵn bột cho bạn, bạn chỉ cần lấy ra chế biến thêm.

Mua máy nào, ở đâu?

Máy làm bánh mì mới chỉ phổ biến ở Việt Nam trong thời gian vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, bạn hầu như chỉ có thể mua loại máy này tại các siêu thị online hoặc các cửa hàng gia dụng trực tuyến. Tôi đã thử tìm đến các siêu thị điện máy tại Hà Nội như Pico, Trần Anh, Nguyễn Kim, Mediamart nhưng không nơi nào bán loại máy này. Trên website Pico hiện vẫn còn hiện thông tin máy làm bánh mì Tiross TS822 nhưng khi đến nơi thì được biết siêu thị không còn bán mặt hàng này nữa. Ở các siêu thị như Nguyễn Kim, Trần Anh, nhân viên hoàn toàn không biết đến mặt hàng này và lầm tưởng với máy nướng bánh mì sandwich.

Hầu hết các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Sendo, Meta, Adayroi, Tiki… đều có bán máy làm bánh mì, ngoài ra còn có một số trang bán hàng online dạng xách tay cá nhân cũng có bán một vài mẫu máy. Có một số thương hiệu máy làm bánh mì đang được bán nhiều là Tiross, Donlim, ngoài ra còn có thương hiệu kém phổ biến hơn là Kangaroo. Đây là các thương hiệu có máy giá rẻ, khoảng từ 1-1,7 triệu đồng. Loại máy đắt tiền hơn thuộc thương hiệu Severin, Zelmer, Zorijushi với giá khoảng 3-5 triệu đồng. Thương hiệu Breadman từng rất nổi tiếng trên trang Best Buy cách đây mấy năm thì bây giờ hầu như không còn nơi nào bán. Tính tổng cộng trên thị trường chỉ có chừng 10 mẫu máy mà thôi.

Tuy số lượng máy để lựa chọn khá ít, nhưng cũng cần cân nhắc để chọn mua máy nào. Xin được đưa ra một số phân tích vài mẫu máy để bạn chọn:

- Donlim XBM1008: Đây là mẫu máy rẻ nhất trên thị trường hiện nay. Mẫu máy này trước đây thường có giá trên 1 triệu đồng, thậm chí nhiều nơi bán tới 1,2-1,3 triệu đồng, nhưng hiện tại có một số trang bán hàng online bán với giá dưới 800.000 đồng, đặc biệt trang Tiki.vn đang bán 599.000 đồng (giá có thể thay đổi khi hết khuyến mại). Tuy nhiên, đây là mẫu máy có kích thước nhỏ, dung tích máy chỉ cho phép làm được khối bánh thành phẩm nặng chừng 400-500g. Thông số công suất của máy là 600W, tương đương với một số dòng máy khác, nhưng bạn lưu ý là công suất không phản ánh hiệu năng của máy, máy có thể chạy khá yếu và ồn (tôi chưa kiểm chứng được điều này nhưng có thể đoán được dựa trên kích thước khá nhỏ của máy).

Máy chỉ có 5 chế độ: bánh mì cơ bản (Basic), bánh mì nguyên cám (Whole wheat), làm bánh mì nhanh (Quick), trộn bột (Dough), nướng (Bake). Máy không có chế độ hẹn giờ nhưng có thể ủ ấm bánh trong 60 phút, tự động chạy tiếp chương trình nếu bị mất điện đột ngột.

Nếu bạn chỉ muốn tận dụng máy để trộn bột và thỉnh thoảng làm bánh mì thì có thể xem xét mua chiếc máy này vì mức giá khá hấp dẫn của nó. Với 600.000 đồng mà có một chiếc máy như vậy kể cũng đáng cho bạn đầu tư. Nếu giá máy cao hơn, bạn nên mua loại máy khác.

Video quảng cáo máy làm bánh mì Donlim, bạn có thể tham khảo để biết cách sử dụng máy

Thương hiệu Donlim còn một số mẫu máy làm bánh mì khác như: Donlim XBM1128, XBM1228, XBM1301, XBM1309, tuy nhiên hiện trên thị trường không còn hàng bán.

- Tiross TS 820, TS 821, TS 822. Thương hiệu Tiross có 3 mẫu máy hiện bán trên thị trường, chức năng tương tự nhau, chỉ khác ở dung tích và công suất máy, trong đó hai mẫu TS 820 và 821 đều có công suất 600W, cho khối bánh thành phẩm từ 700-900g nhưng có thiết kế khác nhau; mẫu TS 822 cho khối bánh lên tới 1 kg với công suất 750W. 

Máy làm bánh mì Tiross có 12 chức năng làm bánh khác nhau: bánh mỳ cổ điển, bánh mỳ Pháp, bánh ngọt, làm bánh nhanh, làm bột, mứt, sandwich... Máy cho phép hẹn giờ 13 tiếng, có thể chọn được kích cỡ bánh, màu vỏ bánh mong muốn.

Tiross TS 820, các nút điều khiển nổi lên khỏi bề mặt nắp máy, giúp thao tác bấm khá dễ. Giá khoảng 1,45-1,55 triệu đồng.

Tiross TS 821 có thiết kế với các nút bấm bằng với mặt phẳng nắp máy, giá từ 1,55-1,65 triệu đồng

máy làm bánh mì tiross TS 822

Tiross TS 822 có thiết kế khá đẹp, làm được khối bánh lớn, giá từ 1,85-2 triệu đồng

- Kangaroo KG395, KG396: Các chức năng và công suất của máy tương tự như Tiross 820 và 821 nhưng giá rẻ hơn. Một số trang đang bán KG395 với giá 1,3-1,4 triệu đồng, KG396 khoảng 2 triệu đồng, tuy nhiên bạn có thể mua trên trang Meta.vn với giá chỉ 990.000 đồng với mẫu KG395 và 1.250.000đ với KG396 (giá có thể thay đổi khi hết khuyến mại). 

Kangaroo KG395

máy làm bánh mì KG396

Kangaroo KG396

Zojirushi BB-HAQ10: Mẫu máy này có thương hiệu xuất xứ Nhật Bản, sản xuất tại Trung Quốc, giá khá đắt, lên tới 4.990.000 đồng, có nơi còn bán với giá gần 6 triệu đồng. Chức năng của máy cũng phong phú hơn các dòng máy kể trên: làm bột bánh quy/pasta, bánh ngọt, bánh mì nướng giòn, bánh mì nướng mềm, bánh mì kiểu Pháp, làm mứt, trộn bột... Có thể máy sẽ cho chất lượng bánh tốt hơn, nhưng mức giá quá cao là điều bạn cần cân nhắc khi chọn mua mẫu máy này.

máy làm bánh mì Zojirushi ZOLN-BB-HAQ10-WZ

 

Zojirushi BB-HAQ10-WZ

- Zelmer ZBM1600: Mẫu máy xuất xứ Ba Lan này có giá trên Meta.vn là 4.690.000 đồng, có 13 chế độ làm bánh, 2 khuôn đi kèm gồm 1 khuôn chữ nhật và 1 khuôn tròn, trọng lượng bánh tối đa 1kg. Máy có kích thước khá lớn nên có thể hơi cồng kềnh trong gian bếp của bạn, nhưng đảm bảo từ một sản phẩm xuất xứ châu Âu sẽ khiến bạn yên tâm hơn về chất lượng bánh. Dĩ nhiên, nếu tài chính eo hẹp thì mẫu máy này không phải là ưu tiên hàng đầu để lựa chọn.

Zelmer ZBM1600

Như vậy, với không nhiều mẫu máy làm bánh mì, bạn có thể lựa chọn cho mình một chiếc tuỳ theo nhu cầu và khả năng tài chính. Giá bán máy khá chênh lệch nhau tuỳ thuộc nơi bán, bạn nên khảo giá kỹ trước khi mua.

Một số lưu ý khi sử dụng

- Nên đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng để biết cách dùng máy cũng như áp dụng các công thức bánh khác nhau.

- Bạn có thể trộn bột trước ở chế độ Dough, sau đó bỏ bột ra trộn sơ lại bằng tay, tạo hình hoặc chia nhỏ thành 2-3 phần, sau đó cho các phần bột vào máy và nướng ở chế độ Bake, bánh sẽ ngon hơn để máy chạy theo chương trình nướng A-Z.

- Tuỳ theo công thức bánh, hãy cho nguyên liệu vào từng phần theo từng giai đoạn, không phải công thức nào cũng cho tất cả các nguyên liệu ngay từ đầu.

- Nếu muốn ăn bánh mì nguyên cám, bạn nên mua máy làm bánh mì sẽ ngon và dễ làm hơn tự làm bằng tay.

Ngọc Mai

Chủ đề khác