VnReview
Hà Nội

TV Samsung QLED và LG OLED khác nhau như thế nào?

Năm nay, Samsung tung ra dòng TV cao cấp mới lấy tên là QLED TV để cạnh tranh vương mượn chất lượng hình ảnh ấn tượng với các TV OLED của LG. Mặc dù có tên nghe khá giống nhau song thực tế thì các TV QLED và TV OLED lại khác nhau như phấn và pho mát.

Samsung, nhà sản xuất TV số 1 thế giới, vừa bắt đầu bán các dòng TV cao cấp 2017 ở một số thị trường. Các TV cao cấp mới của Samsung hiện được quảng bá với cái tên mới mẻ là TV QLED.

Samsung giới thiệu TV QLED 2017 ở Mỹ

Trong khi đó, đối thủ LG, nhà sản xuất TV số 2 thế giới, sẽ tiếp tục bán TV cao cấp sử dụng công nghệ tấm nền OLED. Các hãng Philips, Panasonic và sắp tới là Sony cũng sẽ bán TV OLED nhưng tấm nền trên TV OLED của các hãng này đều được cung cấp bởi LG Display.

Tại sao Samsung lại gọi tên TV cao cấp 2017 của mình là QLED? Phải chăng hãng này đang muốn ăn theo danh tiếng tốt đẹp của OLED bằng cách gọi TV mới của mình với cái tên gần giống?

Trang công nghệ Cnet cho biết họ đã hỏi Samsung câu hỏi đó. Phía Samsung không trả lời trực tiếp vào câu hỏi nhưng phản hồi trong thông báo như sau: "QLED là viết tắt của cụm từ Qualtum Dot LED TV. Hiện nay có nhiều loại công nghệ màn hình dựa trên Quantum Dot (Chấm lượng tử). Một số cấu trúc mới cũng sẽ xuất hiện trong tương lai. QLED bao gồm tất cả biến thể của Quantum Dot giống như OLED cũng có nhiều cấu trúc khác nhau."

Mặc dù vậy, QLED trên thực tế trông và nghe giống như OLED và những người mua TV thông thường rất dễ nhầm tưởng hai loại TV này giống nhau. Đây không phải là lần đầu tiên trò tiếp bắt trước được dùng trong lĩnh vực TV. Chỉ mới năm ngoái, LG cũng gọi TV của họ là Super UHD, cụm từ khá giống với các TV SUHD của Samsung.

Hiểu cách đơn giản, TV QLED là TV LCD sử dụng công nghệ chấm lượng tử (Quantum Dot). Ngoài cái tên na ná nhau, hai công nghệ này hoàn toàn khác nhau.

  • OLED là viết tắt của cụm từ đi-ốt phát quang hữu cơ (organic light emitting diode).
  • QLED (theo Samsung) là các TV LED sử dụng công nghệ chấm lượng tử.
  • OLED là công nghệ khác cơ bản so với công nghệ LCD được dùng phổ biến trên TV hiện nay.
  • QLED là biến thể của LCD LED, có thêm tấm phim chấm lượng tử trong cấu trúc màn hình LCD.
  • OLED sử dụng các điểm ảnh tự phát ánh sáng.
  • QLED, giống như LCD, dựa vào ánh sáng từ các đèn LED chiếu dưới nền.

Nói cách khác, phiên bản TV QLED 2017 của Samsung gần với TV LCD thông thường, còn OLED là loại TV khác hẳn giống như TV plasma trước đây.

Màn hình LCD gồm nhiều lớp. Ảnh trên là các lớp trong màn hình LCD sử dụng công nghệ chấm lượng tử thông thường.

Đây là biểu đồ các lớp trong màn hình TV QLED 2017 của Samsung.

Chấm lượng tử (quantum dot) là những phân tử cực nhỏ khi được ánh sáng chiếu vào sẽ phát ra những màu sắc khác nhau. Trong các TV QLED 2017 của Samsung, các chấm lượng tử được đặt trong tấm phim và ánh sáng chiếu qua tấm phim đó từ những đèn LED nền. Ánh sáng đó sẽ đi qua vài lớp khác trong TV gồm lớp tinh thể lỏng (LCD) để tạo ra hình ảnh. Ánh sáng từ nguồn đèn LED được truyền qua các lớp đến bề mặt màn hình.

Samsung đã sử dụng chấm lượng tử được 2 năm trên các dòng TV SUHD nhưng hãng này nói rằng họ đã cải tiến công nghệ chấm lượng tử trong năm 2017 để tạo ra chất lượng màu sắc và độ sáng tốt hơn.

Theo Cnet, Samsung đang phát triển công nghệ màn hình gần tương đồng với OLED và plasma với độ tương phản cao, độ đen cực sâu, màu sắc tốt và tiêu hao năng lượng hiệu quả. Tuy vậy, công nghệ đó chưa được Samsung sử dụng trong các TV QLED 2017 và có thể phải vài năm tới mới được đưa vào ứng dụng.

TV QLED so với TV OLED sẽ như thế nào?

Đầu tiên, giá bán TV QLED tương đương hoặc đắt hơn chút so với các TV OLED. TV QLED rẻ nhất của Samsung có giá ở thị trường Mỹ là 2500 USD (khoảng 57 triệu đồng) với mẫu 55 inch. Tuy vậy, đến cuối năm 2017, Cnet dự đoán các TV QLED sẽ giảm giá xuống mức rẻ hơn các TV OLED.

Ngoài giá, chất lượng hình ảnh giữa hai loại TV này khác nhau thế nào? Cnet cho biết họ chưa so sánh các TV QLED 2017 với các TV OLED nên chưa đưa ra đánh giá chính xác. Dựa trên những đánh giá với các TV SUHD (là những TV cao cấp 2016 của Samsung) với các TV OLED của LG, Cnet cho rằng TV QLED có thể sẽ kém hơn TV OLED ở khả năng thể độ đen, độ tương phản, góc nhìn và hiện tượng không đều màu nặng hơn. Còn các TV QLED sẽ có ưu thế ở độ sáng cao hơn và màu sắc tốt hơn với các nội dung HDR.

So sánh độ sáng giữa TV QLED và TV OLED

Các hình ảnh và thông tin giới thiệu về TV QLED 2017 của Samsung cũng tập trung nhấn mạnh vào các ưu điểm của QLED là độ sáng có thể lên tới 2000 nit và có màu sắc tốt hơn. Biên tập viên của Cnet cho biết họ đã chứng kiến buổi giới thiệu TV QLED của Samsung ở Mỹ. Tại buổi giới thiệu, hãng này đã so sánh cạnh nhau các TV QLED 2017 với các TV OLED 2016 của LG. Hình ảnh so sánh cho thấy các TV QLED có màu sắc sống động hơn khi hiển thị nội dung HDR.

Samsung nói lý do của sự khác biệt là bởi vì công nghệ chấm lượng tử mới trên TV QLED 2017 mang lại "khối lượng màu" (color volume) nổi trội. Ý tưởng của việc có khối lượng màu tốt là để có màu sắc và độ bão hoà vẫn được đảm bảo bất kể hình ảnh có sáng đến đâu. Trong các hình ảnh giới thiệu của Samsung, màu sắc trên các TV OLED bị bay màu và trở nên kém sống động ở vùng rất sáng trong khi TV QLED vẫn giữ được độ tương phản tốt.

Nhà sản xuất phần mềm đo và căn chỉnh màn hình CalMan cũng đang phát triển phương pháp đánh giá khối lượng màu, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Các màn giới thiệu và so sánh với OLED của Samsung trông rất ấn tượng nhưng cần nhớ là chúng được thực hiện trong môi trường do Samsung kiểm soát, không phải bởi một đơn vị độc lập. Quan trọng hơn nữa là những ưu thế về hiển thị màu sắc và độ sáng chỉ áp dụng với nội dung HDR (high dynamic range). Hầu hết nội dung chúng ta xem trên TV hiện nay vẫn là nội dung thông thường (SDR - standard dynamic range). Ở nội dung thông thường, Cnet cho rằng họ không tin QLED có thể đánh bại OLED. Thậm chí cả với HDR, ưu thế về độ tương phản của OLED có thể đánh bại những thế mạnh của QLED, đặc biệt là khi mà các TV QLED đều sử dụng công nghệ làm tối cục bộ từ các đèn LED ở viền (edge-lit local dimming), không tốt bằng công nghệ làm tối cục bộ bằng các đèn LED nền (full-array).

Tóm lại, để có kết luận rõ ràng nhất về sự khác biệt của TV QLED và TV OLED, chúng ta phải chờ khi những mẫu TV QLED mới nhất của Samsung bước ra thị trường.

TP

Chủ đề khác