VnReview
Hà Nội

Mua TV chơi game, nên chú ý điều gì?

Gợi ý nhé: Chất lượng hình ảnh không phải là ưu tiên số một đâu.

Theo Engadget, các nhà sản xuất TV (và các nhân viên bán hàng) đều mặc định rằng bạn mua TV để tận hưởng các bộ phim hay các show truyền hình yêu thích, điều này hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn thích ngắm thế giới hùng vĩ của Monster Hunter World hơn là xem những bộ phim của Netflix thì sao? Việc chọn thiết bị phù hợp có thể khá khó khăn, khi một chiếc TV xem phim tốt chưa chắc đã có những yếu tố cần thiết để mang lại trải nghiệm trọn vẹn khi chơi game.

Độ trễ thấp mới là quan trọng nhất

Hãy đặt yếu tố chất lượng hình ảnh sang một bên đi. Điều trước nhất bạn nên chú trọng là chỉ số input latency (hay input lag/latency) thấp, đây là con số biểu hiện độ trễ xảy ra giữa thời điểm máy chơi game bắt đầu gửi khung hình lên màn hình và thời điểm màn hình thực sự hiển thị khung hình đó.

TV với chỉ số input latency cao sẽ không ảnh hưởng lắm khi bạn chơi game giải đố hay game chiến thuật, nhưng sẽ hủy hoại trải nghiệm chơi game đối kháng hoặc bắn súng góc nhìn thứ nhất, khi chênh lệch dù chỉ một phần giây thôi cũng đủ để tạo nên sự khác biệt.

Hãy tìm một chiếc TV với input lag dưới 30ms, nhưng vẫn thỏa mãn độ phân giải và màu sắc như mong muốn, đồng thời áp dụng chế độ chơi game của TV (game mode) – hi sinh một vài tính năng xử lý hình ảnh để tăng hiệu suất. Điều này không khó để đạt được nếu bạn chơi game ở độ phân giải FullHD hay tắt tính năng HDR, nhưng một số TV có độ trễ cao bất thường khi chơi ở độ phân giải 4K và/hoặc bật HDR, khiến trải nghiệm bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là khi bạn sở hữu các thiết bị như PlayStation 4 Pro hay Xbox One X.

Hầu hết sản phẩm từ LG, Samsung và TCL sẽ đáp ứng tốt yêu cầu về độ trễ thấp, nhưng với sản phẩm của Sony và Vizio thì còn tùy vào dòng sản phẩm – một số thì ổn, còn số khác sẽ gây giật lag khi chơi game ở chế độ HDR.

Tuy nhiên, đừng mong đợi nhà sản xuất sẽ công bố rõ những thông số này. Như đã đề cập ở đầu bài viết, các nhà sản xuất TV thường tập trung vào khả năng hiển thị hình ảnh chứ không phải tối ưu cho game. Thay vào đó, hãy tham khảo những trang web review TV từ bên thứ ba như RTings hay DisplayLag. Họ đã thay bạn làm công việc thử nghiệm và so sánh các sản phẩm TV, giúp chọn ra thiết bị phù hợp mong muốn của bạn.

OLED hay LCD? Còn tùy

Hiện nay giá TV OLED đã tương đối dễ chịu, chúng là lựa chọn hấp dẫn nếu bạn đủ khả năng chi trả để sở hữu một sản phẩm TV cao cấp nhằm chơi game. Nhưng liệu có nên chăng? Điều này phụ thuộc vào cách bạn chơi game và chơi thể loại gì.

Xét về tổng thể, màn hình OLED nhìn đẹp hơn. Chúng không cần đèn nền phát quang phía sau hay ở góc như LCD, nên bạn sẽ thấy màu đen thật thay vì màu xám đen. Do đó, tùy vào lựa chọn của bạn mà thôi vì suy cho cùng, nếu như chơi game kinh dị, bạn đều muốn trải nghiệm sự hoảng sợ khi quái vật bất ngờ lao ra từ trong bóng đêm.

Thêm nữa, hiện tượng bóng mờ bạn thường gặp trên LCD hầu như không xuất hiện trên OLED nên cực kỳ hữu ích khi hiển thị rõ các chi tiết trong thể loại game hành động. Tuy vậy điều này không phải lúc nào cũng tốt vì có thể gây giật hình ảnh khi xem nội dung có tỷ lệ khung hình trên giây thấp.

Ngoài ra OLED cũng là lựa chọn tốt hơn cho những game đa người chơi vì nó sẽ không gây hiện tượng chuyển màu hay bị giảm sáng ở các góc nhìn rộng, vốn thường thấy ở màn hình LCD.

Dẫu thế, cũng đừng vội mua ngay màn hình OLED. Công nghệ này dễ tạo ra hiện tượng lưu ảnh màn hình (burn-in), cụ thể, nếu như một hình ảnh hiển thị trên màn hình quá lâu thì nó sẽ tiếp tục ở đó và chèn lên các nội dung hiển thị khác.

Mặc dù các màn hình OLED hiện nay đã được cải thiện (ít bị burn-in và được tích hợp thêm giải pháp như tính năng chuyển điểm ảnh), bạn vẫn nên chú ý đến yếu tố này. Bạn có thường xuyên chơi game chiến thuật, khung ảnh hiển thị trên màn hình ít thay đổi, và bạn thường để màn hình treo trong thời gian dài? Nếu vậy, đừng nên mua TV OLED. OLED phù hợp hơn với những tựa game hành động với các hình ảnh thay đổi liên tục hơn.

Màn hình LCD vẫn còn những lợi thế khác, bên cạnh việc có giá thành rẻ hơn. Những chiếc TV với độ trễ thấp và độ sáng cao nhất vẫn thường sử dụng tấm nền LCD. Tuy màn hình OLED đang dần đuổi kịp (ví dụ dòng TV OLED của LG trong năm 2017 sở hữu thông số phản hồi nhanh hơn so với các "tiền bối" ra đời năm 2016), nhưng có lẽ bạn nên chọn màn LCD nếu như chú trọng vào độ trễ thấp hoặc thường chơi game trong môi trường có nhiều ánh sáng. Ngoài ra, màn hình TV OLED thường to, nhà sản xuất định hướng chúng để đặt trong phòng khách, trong khi đó còn rất nhiều màn LCD nhỏ phù hợp hơn cho bạn chơi game trong phòng ngủ hoặc ký túc xá.

Cân nhắc về lợi ích lâu dài

Nhìn chung, sẽ thật khôn ngoan khi chọn mua một sản phẩm TV mà vẫn có thể dùng tốt theo thời gian, điều này còn đặc biệt đúng khi bạn chơi game. Thị trường máy chơi game thường xuyên thách thức các giới hạn của công nghệ TV, và ngày càng trở nên khó lường. Vào năm 2013, ai dự đoán được PS4 Pro hay Xbox One X sẽ ra đời? Bạn gần như sẽ muốn gắn bó với một sản phẩm TV trong nhiều năm hơn là mua một sản phẩm sắp hết thời.

TV có hỗ trợ 4K và HDR đã phổ biến. Hầu như mọi TV chơi game mới đều sẽ hỗ trợ độ phân giải tối thiểu là 4K, cũng như HDR. Hãng TCL nói riêng đã nổi tiếng với các sản phẩm TV chơi game hỗ trợ 4K của họ. Đừng bận tâm đến 4K nếu bạn muốn mua TV màn hình nhỏ. Hầu hết TV kích thước nhỏ hơn 40 inch sẽ không hỗ trợ 4K, và bạn cũng khó có thể nhận ra sự khác biệt về chất lượng hình ảnh.

Thay vào đó, bạn nên quan tâm những tính năng khác "chuyên sâu" hơn. Đừng lo về tần số quét cao hơn 60Hz (hầu hết trò chơi không cần cao quá ngưỡng này), bạn sẽ muốn TV của mình hỗ trợ càng nhiều chuẩn HDR càng tốt. PS4 Pro và Xbox One X đều dùng chuẩn HDR10 nhằm cải thiện chất lượng hiển thị, nhưng việc hỗ trợ Dolby Vision (hiện được tích hợp trong nhiều sản phẩm TV của LG, TCL và Vizio) có thể trở nên hữu ích nếu máy chơi game trong tương lai hoặc các bản nâng cấp phần mềm của chúng biết cách tận dụng tốt chuẩn này.

Khả năng kết nối cũng là điều bạn cần quan tâm. Bạn sẽ muốn TV có càng nhiều cổng HDMI 2.0 càng tốt (nhiều nhà sản xuất chỉ tích hợp một cổng), và cũng đừng lo nếu số lượng cổng kết nối nhiều hơn so với nhu cầu của bạn.

Các TV có khả năng phát âm thanh qua Bluetooth cũng là một lợi thế. Tất nhiên, khi chơi game thì một hệ thống loa chất lượng cao sẽ là thứ mà bạn muốn, nhưng tai nghe Bluetooth sẽ là "vị cứu tinh" nếu bạn muốn chơi game mà xung quanh có người đang ngủ.

Nói tóm lại, việc chọn một chiếc TV chơi game tốt là điều "khó mà cũng không khó". Nếu bạn dành chút thời gian cân nhắc những yếu tố trên, bạn sẽ không những chọn được thiết bị phù hợp với nhu cầu mà còn tiết kiệm được một số tiền kha khá đấy!

Ngọc Quyên

Chủ đề khác