VnReview
Hà Nội

Hệ thống báo cháy hoạt động như thế nào và lí do nó ‘không kêu’ khi có sự cố

Hệ thống báo cháy chính là yếu tố quan trọng nhất giúp mọi người có thể nhanh chóng dập tắt đám cháy hoặc sơ tán kịp thời.

Hệ thống báo cháy tự động đóng vai trò rất quan trọng đến an nguy của mọi người, đặc biệt là những người đang sống ở chung cư cao tầng. Trong trường hợp đám cháy bùng phát, hệ thống báo cháy tự động sẽ phát chuông báo động để mọi người có thể kịp thời sơ tán hoặc kịp thời chữa cháy.

Về cơ bản, hệ thống báo cháy tự động là một hệ thống gồm nhiều thiết bị báo cháy. Trong đó, bộ phận cảm biến có nhiệm vụ tự động phát hiện và thông báo cho mọi người biết khi có sự cố cháy nổ xảy ra trong khu vực có gắn thiết bị. Đặc biệt, thiết bị này phải hoạt động thời gian 24/24.

Một hệ thống báo cháy tự động bao gồm 3 thành phần chính: Trung tâm báo cháy, thiết bị báo cháy đầu vào và thiết bị báo cháy đầu ra.

Thông thường, trung tâm báo cháy được thiết kế theo dạng tủ, trong đó bao gồm các thiết bị chính như: bảng điều khiển, board mạch xử lý thông tin, bộ nguồn và ác quy dự phòng. Trung tâm này có nhiệm vụ thu thập và chuyển tín hiệu từ "thiết bị báo cháy đầu vào" thành chuông báo động ở "thiết bị báo cháy đầu ra".

Thiết bị báo cháy đầu vào là thiết bị ghi nhận sự thay đổi của các yếu tố (nhiệt độ, ánh sáng, nổng độ khói,…) trong môi trường quanh nơi gắn thiết bị. Nó bao gồm đầu báo khói, báo nhiệt và công tắc khẩn.

Về thiết bị báo cháy đầu ra, đây là thiết bị dùng để phát đi thông báo nếu ghi nhận được xảy ra hỏa hoạn. Thiết bị bao gồm chuông, đèn báo động, thiết bị phun nước và bộ quay số điện thoại tự động.

Thông thường, toàn bộ hệ thống báo cháy luôn ở tình trạng hoạt động, do đó luôn có sự kiểm tra cũng như hồi đáp giữa các thiết bị.

Trong trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ ở khu vực có hệ thống báo cháy. Các yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, nồng độ khói,… sẽ được thiết bị báo cháy đầu vào ghi nhận. Sau đó thông tin sẽ được truyền đến trung tâm báo cháy.

Khi tín hiệu được truyền đến nơi, trung tâm báo cháy sẽ xử lý tín hiệu nhận được, xác định vị trí cháy và truyền tín hiệu đến thiết bị báo cháy đầu ra để mọi người có thể xử lý hoặc sơ tán kịp thời.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chuông báo cháy cũng hoạt động ổn định. Đôi lúc thiết bị có thể tự phát chuông; cảnh báo trong trường hợp không có hỏa hoạn hoặc ngược lại.

Có thể kể đến 3 yếu tố chính gây nên tình trạng trên, thứ nhất có thể là chủ nhà đã lắp đặt hệ thống không đúng chỗ. Thứ hai, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại hệ thống báo cháy khác nhau. Tùy theo mỗi loại mà phân chia ra mỗi mức giá thành khác nhau, độ ổn định khác nhau.

Cuối cùng, đây là nguyên nhân mà nhiều người không mấy để tâm, đó là khoảng thời gian kể từ lúc sử dụng hệ thống báo cháy. Được biết, các hệ thống báo cháy trong nhà, chung cư,.. nên được thay thế mỗi 10 năm/ lần. Do đó, hãy lập tức thay thế hệ thống báo cháy nếu nó đã quá hạn sử dụng. Ngoài ra, bạn cần phải thường xuyên kiểm tra hệ thống, thay pin cho chuông báo sau một khoảng thời gian sử dụng để đảm bảo an toàn cho chính bạn và người thân.

Theo Saostar.vn

Chủ đề khác