VnReview
Hà Nội

Hướng dẫn sử dụng máy rửa chén bát

Máy rửa chén bát tuy không quá khó sử dụng nhưng vẫn cần có một số vấn đề cần lưu ý, nhất là những ai mới sử dụng lần đầu. Bài viết hướng dẫn cách sử dụng máy rửa chén bát sao cho bền, an toàn, tiết kiệm điện nước.

hướng dẫn sử dụng máy rửa bát

Cách thức hoạt động của máy rửa bát

Nguyên lý hoạt động của máy rửa bát là phun nước thật mạnh và tạo dòng xoáy để rửa các chất bẩn, kết hợp với các hoá chất tẩy rửa dành riêng cho máy rửa bát để làm sạch và tạo độ bóng cho bát đĩa, hệ thống xả nước nóng lần cuối sẽ làm sạch, và giúp chén bát trắng sáng, sau đó sấy khô ngay khi vừa kết thúc quy trình rửa.;

Công nghệ cấp nước và hệ thống phun đóng vai trò chính trong việc làm tăng hiệu quả tẩy rửa cũng như giảm thời gian phun xả bát đĩa. Công nghệ cấp nước hiện đại sẽ giúp máy rửa bát loại bỏ thực phẩm bám trên bát đĩa nhanh hơn và sạch hơn. Bên cạnh đó cũng cần xem đến việc thiết kế các đầu phun của hệ thống cấp nước. Càng nhiều lỗ cấp nước với đường kính nhỏ trên cả hai trục ngang và dọc của đầu phun thì càng dễ sạch chén đĩa.

Xem thêm bài: Máy rửa bát hoạt động như thế nào?

Một số nguyên tắc khi sử dụng máy rửa bát

- Trước khi cho chén bát xoong nồi vào máy rửa bát, phải gạt hết tất cả những thức ăn thừa trên bát đĩa, việc này nhằm tránh thức ăn thừa làm tắc nghẽn bên trong máy, giảm hiệu quả tẩy rửa.

- Đặt chén đĩa trong ngăn đựng phải đảm bảo chúng cố định, không thể di động để tránh làm rối vòng xoay của nước trong quá trình rửa.

- Không đặt chồng chén đĩa vào nhau hay đặt lên các vật khác.

- Xếp bát đĩa nghiêng để máy rửa được sạch.

- Không đặt quá nhiều chén đĩa vào 1 ngăn đựng, chúng dễ bị rơi và làm nghẽn nhánh nước, máy bơm.

- Các loại đồ dùng như chai, ly, tách, nồi, chảo nên đặt theo hướng úp ngược xuống để tiện thoát nước, ly tách không đặt quá gần nhau vì dễ bị va chạm, nứt vỡ.

- Chén đĩa, nồi chảo bằng gỗ có thể bị hỏng khi rửa dưới nhiệt độ cao, loại bằng đồng, kẽm, bạc, thiếc có thể bị biến màu, loại bằng nhôm có thể bị phai màu sau nhiều lần rửa, loại bằng nhựa chịu nhiệt khi rửa nên đặt ở ngăn trên.

- Một số đồ dùng bằng pha lê, thủy tinh sau nhiều lần rửa, có thể bị đục màu nên hạn chế rửa trong máy.

- Các món đồ thủ công, đồ trang trí được khuyến cáo làm sạch được trong máy nhưng chúng có thể không bền màu, bạn cũng nên cân nhắc khi rửa.

- Sau khi máy hoàn thành xong chu trình rửa nên tắt máy và đợi sau 10 – 20 phút, mở cửa máy ra để hơi nước bay ra ngoài, nhiệt độ máy nhanh giảm, chén đĩa mau khô hơn.

- Nên cho muối chuyên dụng làm mềm nước vào máy để bát đĩa được tiệt trùng hiệu quả nhất. Nếu máy sử dụng quá nhiều muối thì tức là nắp đậy của bình chứa muối không chặt, mức đặt lượng muối trong máy cao, đặt không đúng.

- Cho bột rửa bát đúng tiêu chuẩn theo máy, cho nước làm bong sau cùng. Nếu xuất hiện nhiều bọt trong máy rửa bát tức là bạn dùng sai chất tẩy rửa, hoặc dùng nhầm chất tẩy rửa loại dùng tay. Bạn phải dùng loại chuyên dụng cho máy rửa bát.

- Với nồi chảo có vết cháy thức ăn, ngâm vào nước ấm trước rồi mới đặt vào ngăn dưới của máy.

- Nên sử dụng "chương trình rửa nửa tải" hoặc chương trình tương tự khi rửa ít chén đĩa để tiết kiệm điện, nước hơn. Nếu chọn chương trình, bạn không nên rải chén đĩa vào các ngăn mà chỉ nên đặt vào 1 ngăn và các ngăn khác nên để trống.

Các loại hoá chất thường dùng cho máy rửa bát

- Nước bóng, nước làm bóng chén đĩa hay nước trợ xả: là hóa chất hỗ trợ giúp làm tăng độ bóng sáng, sạch sẽ, khô ráo cho chén đĩa, đồ thủy tinh trong đẹp, không đọng vết nước khô trên bề mặt chén đĩa.

- Muối làm mềm nước (dạng bột) là một loại muối chuyên dụng cho máy rửa chén, có công dụng làm mềm hóa nước, giảm độ cứng của nước, giảm và ngăn cản sự đóng cặn, vôi hóa của các tạp chất tích tụ dần trong đường ống nước qua quá trình sử dụng máy.

- Bột rửa (dạng bột), viên rửa (dạng rắn) là chất tẩy rửa chén đĩa chuyên dụng cho máy rửa chén dùng để làm sạch chén đĩa, không sử dụng nước rửa chén cho máy.

- Một số nhà sản xuất tạo nên các viên rửa có công dụng như chất tẩy rửa + nước bóng nhưng để đảm bảo hiệu suất tẩy rửa chén đĩa và duy trì độ bền cho máy, bạn vẫn nên dùng thêm nước bóng khi dùng các viên rửa này.

Các bước vận hành máy rửa bát

1. Điều chỉnh độ cứng của nước

Để cho kết quả rửa tốt nhất, cần phải làm mềm nước. Nước máy có độ Clarke trên 9°(trong bảng giá trị cài đặt là H:01) phải được làm mềm. Nước được làm mềm bằng muối (muối tái sinh) trong hệ thống làm mềm nước của máy rửa chén đĩa. Chế độ cài đặt và lượng muối cần thiết sẽ tùy thuộc vào độ cứng của nước máy theo bảng sau:

Bảng nước cứng máy rửa bát

Bảng nước cứng máy rửa bát

2. Thêm muối làm mềm nước cho máy rửa bát

- Trong lần đầu sử dụng, bạn đổ muối làm mềm nước vào máy trước, đổ khoảng 1 hộp 1,2 kg, đổ vừa đầy và đậy nắp lại. Trường hợp nếu bạn đổ muối không đủ lượng vào máy, đèn báo cho chỉ số muối sẽ chuyển sang màu đỏ và bạn cần thêm muối vào. Nếu đổ sai vị trí, chỉnh máy ở chế độ "Pre-rinse" để loại bỏ muối ra khỏi máy và đổ đúng vị trí.

- Luôn đổ muối vào thiết bị ngay trước khi khởi động thiết bị để lượng muối bị tràn ra ngoài được rửa sạch ngay và tránh ăn mòn buồng súc rửa.

- Xoay mở nắp ngăn chứa muối.

- Đổ nước vào buồng rửa (điều này chỉ cần thiết khi thiết bị hoạt động lần đầu tiên)

- Sau đó đổ muối rửa bát đĩa vào (không dùng muối ăn hoặc muối hột)

- Nước rửa sẽ được xả ra ngoài.

- Ngay khi chỉ bảo hết muối sáng lên, hãy đổ đầy muối vào ngăn chứa.

- Tắt chỉ báo hết muối / hệ thống làm mềm nước

Nếu chỉ báo hết muối bị hỏng (ví dụ khi sử dụng chất tẩy rửa tổng hợp có chứa muối) thì đèn chỉ báo cần phải tắt đi.

Chú ý:

Tuyệt đối không được đổ chất tẩy rửa vào ngăn chứa muối để tránh làm hỏng hệ thống làm mềm nước.

Để tránh cho ngăn chứa bị ăn mòn, luôn luôn nên đổ đầy muối vào ngăn chứa ngay trước khi bật máy lên.

3. Thêm nước bóng/nước trợ xả vào ngăn chứa chuyên dụng

- Khi đổ nước bóng vào ngăn chứa chuyên dụng, chỉ đổ đến mức Max tầm 50 ml, thông thường khi đổ đủ lượng, đèn báo nước bóng sẽ tắt.

Khi chỉ báo hết nước trợ xả sáng lên, vẫn còn nước trợ xả dùng cho 1-2 lần rửa nữa. Nên đổ đầy nước trợ xả.

Nước trợ xả cần thiết cho các vật dụng không có vết bẩn hoặc ly chén thủy tinh sạch. Chỉ sử dụng nước trợ xả cho thiết bị rửa bát đĩa dùng trong gia đình.

Mở ngăn chứa nước trợ xả bằng cách bấm và nhấc cái gạt trên nắp đậy của ngăn này.

Cẩn thận đổ nước trợ xả vào ngăn chứa đến vạch mức cao nhất (max).

Đậy nắp ngăn chứa nước trợ xả, nghe tiếng "click" là đã đóng khít.

Lau sạch nước trợ xả tràn ra trong khi đồ bằng vải thấm nước để tránh sự hình thành bọt dư trong lần rửa kế tiếp.

Tắt chỉ báo hết nước trợ xả

Nếu chỉ báo đổ thêm nước trợ xả bị hỏng ( ví dụ khi sử dụng chất tẩy rửa tổng hợp có thành phần trợ xả) thi đèn chỉ báo cần phải tắt đi.

- Tiếp theo, với viên rửa, bạn chỉ cần cho nó vào vị trí đặt chất tẩy rửa chuyên dụng, còn với bột rửa, đổ vào ngăn chứa lượng vừa đủ, đậy nắp lại trước khi bắt đầu chương trình rửa chén đĩa.

- Khi dùng bột rửa để biết cách đo lường, bạn dùng muỗng múc bột sữa 30 ml của trẻ, tính theo tiêu chuẩn cho máy rửa 12 bộ như sau:

+ Nếu cần rửa khoảng 12 bộ chén đĩa, lượng chén đĩa nồi chảo nhiều, chất kín 2 ngăn thì dùng 1 muỗng đầy.

+ Cần rửa tầm 6 bộ chén đĩa thì dùng ½ muỗng bột rửa. Trường hợp lượng chén đĩa cần rửa không chất kín 2 tầng, chất bẩn, dầu mỡ bám trên đồ dùng không nhiều dùng 2/3 muỗng.

-  Khi đổ bột vào máy thì đổ ½ vào ngăn chứa chuyên dụng và ½ đổ ra ngoài nắp máy rửa chén.

4. Cho bát đĩa vào máy 

- Luôn cho bát đĩa vào ngăn dưới của máy trước. Đặt vào ngăn này các loại nồi, xoong, chảo, bát và đĩa. Các nồi nông và đĩa dẹt xếp ở phía sau, bát và nồi sâu hơn thì để phía trước, các đồ bằng thép không gỉ hoặc bạc, kim loại phải xếp cách nhau ra, không cho chúng chạm vào nhau để tránh các phản ứng hóa học xảy ra có thể làm hỏng đồ của bạn.

- Các đồ thủy tinh và ly, chén, tách, ca, cốc thì xếp ở ngăn trên, đồ nhựa cũng cần xếp ở ngăn trên do thanh nhiệt của máy nằm ở phía dưới, nếu xếp đồ nhựa ở phía dưới có thể làm chảy nhựa. Lưu ý đồ nhựa nhẹ có thể bị di chuyển lung tung trong máy dưới áp lực của nước, nên cần được xếp cố định. Các đồ đắt tiền, kiểu cách, các loại nồi chống dính... nên rửa bằng tay bên ngoài, không nên cho vào máy rửa bát.

- Để tiết kiệm điện nước, nên chọn chế độ rửa thấp nhất (light wash) để rửa, nhất là với bát đĩa không quá bẩn. Chỉ chọn chế độ heavy khi bát đĩa bẩn nhiều.

- Nên để bát đĩa tự khô thay vì dùng chế độ sấy, sẽ tiết kiệm đáng kể tiền điện, bởi vì lần cuối máy đã sử dụng nước nóng để rửa.

N.M

Chủ đề khác