VnReview
Hà Nội

Tính năng “Motion Smoothing” trên TV là gì, tại sao nó lại bị ghét?

Bạn vừa mua một chiếc TV mới và hí hửng thưởng thức nó. Bất chợt, bạn cảm thấy mọi thứ trở nên quá mượt mà và uyển chuyển, giống như đang xem truyền hình trực tiếp vậy. Bạn có thể không ngờ nhưng chiếc TV đang kích hoạt chức năng "Motion Smoothing" - nguyên nhân khiến các bộ phim trở nên giả tạo.

Chức năng này giúp làm các chuyển động trở nên mượt mà hơn, loại bỏ bóng mờ (Motion Blur). Và mỗi hãng lại có những cái tên mỹ miều riêng để gọi thay cho chức năng trên TV mình, Action Smoothing (Roku TV), TruMotion (LG), Motionflow (Sony), Auto Motion Plus (Samsung),... Tuy nhiên, tất cả đều quy chung về mục đích làm sao cho hình ảnh trở nên mượt mà nhất có thể.

Hầu hết các chương trình truyền hình, phim điện ảnh lại được ghi ở tốc độ khung hình 24fps hoặc 30fps, vừa đủ nhanh để "đánh lừa" não bạn rằng đó là một video chứ không phải slideshow. Tuy nhiên, các TV 4K ngày nay thì có tần số quét còn cao hơn thế, đa phần là 60Hz hoặc 120Hz nếu là loại đắt tiền (ở Việt Nam sẽ là 50Hz và 100Hz). Vậy nên "Motion Smoothing" sinh ra là để bù lấp cho khoảng cách này. Phần mềm sẽ xử lý 30 khung hình gốc sau đó tạo ra 30 khung hình "giả" chèn vào khoảng trống phù hợp giữa các khung hình gốc. Thường thì thuật toán sẽ so sánh vị trí thay đổi của các đối tượng trên khung hình, sau đó suy đoán vị trí trung điểm và tạo ra một khung hình giả hợp lý.

Các đạo diễn Hollywood căm ghét "Motion Smoothing"

Ý tưởng tăng khung hình mỗi giây lên gấp đôi nghe có vẻ hứa hẹn. Tuy nhiên nó lại gây ra vấn đề thuộc về cảm nhận. Sau tất cả, não bộ đã được huấn luyện để thích nghi với tốc độ 24 hoặc 30 fps. Nó cho rằng đó là cách hợp lý nhất mà một bộ phim nên thể hiện. Và ở chiều ngược lại, các đoàn làm phim cũng hướng tới tối ưu trải nghiệm điện ảnh cho từng khung hình, tính toán với ý đồ nhất định. Nên như thế nào và khi chiếu sẽ như thế nào. Chỉ có các hãng TV là không muốn điều đó, họ cần những con số thật hoành tráng, 240Hz chắc chắn hấp dẫn hơn 120Hz, và 120Hz thì lại hơn 60Hz.

Hệ quả dẫn đến là chúng ta không thể tận hưởng bộ phim theo đúng cách mà nhà sản xuất muốn, hay nó lên được chiếu như thế nào. Hình ảnh 24fps hoặc 30fps trở nên quá mượt và giống như "đời thực" khiến bộ phim trở thành phim tài liệu hậu trường, hoặc như đang phát sóng trực tiếp. Điều đó phá vỡ hoàn toàn trải nghiệm đắm chìm vào điện ảnh. Hình ảnh bị biến dạng khi phát vì nó không còn đúng như nguyên gốc được tạo ra ban đầu. Ví dụ như Rtings minh họa dưới đây:

Hiện tượng "soap opera" xuất hiện khi đẩy khung hình có tốc độ quá cao so với 24fps ban đầu, hình ảnh bị biến dạng rất ảo

Tuy nhiên, Motion Smoothing cũng có chút tác dụng khi xem bóng đá hay các chương trình thể thao nói chung, các video game. Tuy vậy, vì là phần mềm nên có những lúc chúng bộc lộ điểm yếu không hoàn hảo của mình, giảm trải nghiệm của bạn:

-;  Trong thể thao, có những lúc vật thể di chuyển quá nhanh với khoảng cách xa, khiến thuật toán không biết phải làm sao cho đúng. Khung hình "giả" chèn vào giữa trở nên lạc lõng với khung hình thật, thường là một hình ảnh bị nhòe. Chi tiết thừa sai khác xuất hiện của hình ảnh trông rất kì cục và người ta gọi nó là "artifact".

-   Đối với trò chơi, nó có thể khiến việc điều khiển trở nên chậm chạp và không phản hồi. Mà trong màn chơi thì chỉ tích tắc nửa giây thôi là cục diện đã thay đổi. Vậy nên các hãng thường có một "Game Mode" chuyên cho chơi game. Tắt toàn bộ các hiệu ứng xử lý hình ảnh có thể gây hại bao gồm cả Motion Smoothing.

Các nhà làm phim cực lực lên án "Motion Smoothing" vì nó làm sai khác hình ảnh, không còn đúng như ý đồ của họ khi làm phim. Ví dụ như James Gun, Tom Cruise, Christopher McQuarrie. Họ thậm chí còn kêu gọi các hãng không nên bật nó mặc định, hãy để người dùng tự chọn khi nào cần và khi nào không. Chiếu một bộ phim vốn được quay 24fps hay 30fps ở tốc độ khung hình cao, chẳng khác nào hủy hoại hàng ngàn giờ lao động sáng tạo của nhiều con người.

Ambitious Man

Chủ đề khác