VnReview
Hà Nội

Công nghệ Mini-LED sẽ mang lại những thay đổi gì cho màn hình trong tương lai?

Mini-LED là công nghệ màn hình thế hệ mới vừa được giới thiệu cách đây chưa lâu. Liệu nó sẽ xuất hiện trên chiếc TV tiếp theo của bạn? Liệu nó có được mang lên điện thoại? Tại sao nó lại ưu việt hơn những công nghệ màn hình hiện nay?

tv

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng giải thích mọi thứ bạn cần biết về mini-LED.

Đầu tiên, hãy nói về hai loại công nghệ màn hình chính đang được sử dụng trên hầu hết các TV, máy tính và màn hình ngày nay: OLED và LCD. Công nghệ màn hình được sử dụng trên các TV OLED (Diode phát sáng hữu cơ) ở thời điểm hiện tại cho chất lượng hình ảnh rất tốt, với độ tương phản cao, bởi sử dụng các điểm ảnh phát sáng riêng rẽ. Mỗi điểm ảnh trên màn hình OLED có thể được bật hoặc tắt độc lập với nhau, có nghĩa là về lý thuyết, màn hình OLED sẽ có màu đen rất đen và màu trắng rất trắng.

Hầu hết các loại TV khác trên thị trường thì sử dụng công nghệ LCD (màn hình tinh thể lỏng). Công nghệ này có một số biến thể với các thiết lập và tinh chỉnh đa dạng, nhưng nguyên tắc hoạt động chung thì như nhau: sử dụng các điểm ảnh phát sáng từ đằng sau hoặc từ rìa của màn hình.

Cách thức hoạt động của công nghệ LCD vì lẽ đó không thể hiện tốt màu đen, và độ tương phản cũng không cao như OLED – đó là lý do vì sao thời gian gần đây, các màn hình LCD đã bắt đầu sử dụng một tính năng gọi là "làm tối cục bộ": trên các TV hỗ trợ tính năng này, độ sáng đèn nền phía sau các vùng đang hiển thị màu đen sẽ được giảm đi, kết quả là những vùng tối sẽ có màu đen sâu hơn và những vùng còn lại của màn hình vẫn giữ được độ sáng giúp cải thiện độ tương phản giữa tối và sáng. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, bạn vẫn sẽ thấy màu xám thay vì màu đen, hoặc thấy các vầng sáng xung quanh các điểm sáng trên màn hình.

Các TV LCD hiện đại thường sử dụng LED (Diode phát sáng) để làm đèn nền, đó là lý do tại sao đôi lúc chúng được gọi là LED hoặc TV LCD-LED – rất khó hiểu.

led

Còn mini-LED thì sao? Về cơ bản, đây là một bản nâng cấp của công nghệ LED: những vùng đèn nền kia sẽ được thu nhỏ lại rất nhiều, có nghĩa là việc chiếu sáng nền trên các tấm nền LCD có thể đạt độ chính xác cao hơn hẳn.

Với kích thước khoảng 200 micron, hoặc 0,008-inch, những mini-LED này chỉ nhỏ bằng 1/5 kích cỡ của các LED chuẩn trên tấm nền LCD ngày nay – có nghĩa là hàng ngàn LED có thể được tích hợp vào một màn hình, thay vì hàng chục hay hàng trăm LED như hiện nay.

Mini-LED cho độ sáng tốt hơn OLED, cộng thêm độ tương phản xuất sắc và hiệu năng tái hiện màu sắc đỉnh cao (bởi hệ thống đèn nền của tấm nền mini-LED bao gồm rất nhiều LED), mà giá cả lại không quá cao. OLED vẫn dẫn trước xét về chất lượng tổng thể, nhưng khoảng cách đang được thu hẹp dần – có lẽ một khi mini-LED trở nên phổ biến, chúng ta sẽ thấy rằng OLED không còn tương xứng với mức giá cao cấp của nó nữa.

Dù các loại TV mini-LED vẫn chưa phổ biến, nhưng không sớm thì muộn, công nghệ này cũng sẽ tỏa sáng với những sản phẩm như dòng TV series-8 của TCL. Tuy nhiên, có một thứ khác sắp xuất hiện, và thậm chí còn tốt hơn nữa: micro-LED. Cái tên đã nói lên tất cả, micro-LED có nghĩa là LED sẽ nhỏ hơn nữa, giúp LCD-LED có chất lượng ngang ngửa OLED, trong đó các điểm ảnh riêng rẽ sẽ có thể bật/tắt theo yêu cầu.

Sự xuất hiện của micro-LED không đồng nghĩa mini-LED sẽ rơi vào thế bất lợi. Chi phí cao, cũng như những khó khăn trong việc sản xuất công nghệ micro-LED ở thời điểm hiện tại là bằng chứng cho thấy mini-LED chắc chắn sẽ là công nghệ được tin dùng để làm đèn nền cho các TV LCD-LED giá tốt trong nhiều năm tới, trước khi nó bị thay thế.

Công nghệ mini-LED và micro-LED cũng sẽ được mang lên các thiết bị di động. Một lợi thế của mini-LED là nó tiêu thụ tương đối ít năng lượng – và khi thiết bị của bạn đang ở chế độ sử dụng pin, thì yếu tố này trở nên cực kỳ quan trọng. MSI đã công bố một chiếc laptop màn hình 17-inch với công nghệ mini-LED, dự kiến đến tay khách hàng trong tháng này.

Ngoài ra, còn có nhiều tin đồn cho biết màn hình mini-LED sẽ xuất hiện trên iPad và MacBook Pro trong năm nay, dù rằng cả hai dòng sản phẩm này vừa được Apple làm mới gần đây. Có lẽ với việc đại dịch virus corona đang có diễn biến phức tạp, chúng ta sẽ phải đợi sang năm 2021 mới được trên tay một thiết bị Apple sử dụng mini-LED.

ipad

Một chiếc iPad Pro màn hình mini-LED sắp sửa ra mắt?

Và khi các quy trình sản xuất dần được mở rộng, công nghệ dần được cải tiến, và các chi phí liên quan dần giảm xuống, chúng ta sẽ được thấy công nghệ mini-LED và micro-LED hiện diện ngày một nhiều trên các loại TV, tablet, và cả điện thoại nữa. Còn ở thời điểm hiện tại, OLED và LCD vẫn là những lựa chọn mặc định của các nhà sản xuất.

Dù "ngày huy hoàng" của mini-LED và micro-LED vẫn còn xa, ít nhất sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ không cảm thấy xa lạ với công nghệ này nữa. Chỉ cần nhớ rằng thông số chỉ là một phần quyết định chất lượng của sản phẩm, và mini-LED không thay đổi được điều đó. Một mẫu màn hình có thể tốt, có thể không, mặc cho những công nghệ nó được trang bị hay những tính năng bắt tai, bắt mắt nó được quảng cáo. Còn rất nhiều những thứ khác cần cân nhắc khi nói đến màn hình, chứ không chỉ dừng lại ở đèn nền và những tinh chỉnh nhỏ nhặt mà các công ty thực hiện. Hãy chờ đón những công nghệ mới – nhưng một chút thận trọng không bao giờ là thừa.

Minh.T.T (theo Gizmodo)

Chủ đề khác