VnReview
Hà Nội

Vì sao nhiều sự cố thiết bị có thể được khắc phục chỉ nhờ thao tác “rút phích cắm”?

Khi thiết bị gặp trục trặc, nhiều lúc bạn sẽ được hướng dẫn là: Rút phích cắm, đợi khoảng 10 giây rồi cắm lại. Thường thì sau đó vấn đề sẽ được giải quyết. Tại sao lại như vậy?

ổ cắm

Thao tác cưỡng chế khởi động lại

Rút phích khởi động lại có thể giúp khắc phục sự cố trên nhiều vật dụng điện tử như modem, router, hộp truyền phát truyền hình (TV box), những thiết bị được gắn các máy tính nhỏ bên trong. Thao tác rút – cắm phích buộc các máy tính nhỏ này phải khởi động lại và xóa đi các lỗi phần mềm tạm thời.

Máy tính nội bộ có trong các thiết bị chạy phần mềm tích hợp cố định (built-in software, hay còn được gọi là firmware) giúp điều khiển hành vi thiết bị. Đôi khi, firmware có lỗi và những lỗi này chính là nguyên nhân dẫn đến sự cố trạng thái, mất dữ liệu hoặc gây treo máy. Khởi động lại thiết bị buộc máy tính nội bộ phải khởi động lại, xóa bộ nhớ tạm, thiết bị khi đó sẽ buộc phải tải lại và thực thi lại phần mềm từ đầu.

Chỉ là khắc phục tạm thời

Khởi động lại thiết bị bằng cách rút ổ cắm đôi lúc có thể giúp thiết bị hoạt động lại ngay sau đấy, nhưng thực tế nó chỉ là biện pháp tạm thời. Nó không thực sự giải quyết được vấn đề cốt lõi. Để làm được điều này, firmware cần được nâng cấp lên bản vá mới nhất cho từng thiết bị cụ thể.

Lỗi phần cứng cũng có thể gây ra sự cố mà việc ép khởi động lại cũng có thể tạm thời giải quyết. Tuy nhiên, việc sửa chữa lâu dài hoặc là thay thế phụ tùng vẫn sẽ là yêu cầu cần thiết. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là tham khảo ý kiến tư vấn từ bộ phận hỗ trợ của nhà sản xuất.

Các thiết bị có thể áp dụng phương pháp rút – cắm để khắc phục sự cố

rút phích

Nhìn chung, tốt nhất là chỉ nên rút các thiết bị gia dụng không có công tắt bật/tắt. Những thiết bị này tải phần mềm từ firmware, thường thì chúng ít khi bị hỏng nếu bị sốc điện đột ngột. Một vài thiết bị có thể kể đến là:

  • Modem (Cable modem)
  • Bộ định tuyến (Internet router)
  • Hộp truyền phát vô tuyến (Steaming and cable TV box)
  • Smart TV
  • Một số đồ dùng gia dụng thông minh khác (Smart home devices)

Điều gì sẽ xảy ra nếu thiết bị có công tắc nguồn?

Trong trường hợp thiết bị sử dụng có công tắc nguồn bật/tắt, hãy thử sử dụng nút này để khởi động lại thiết bị thay vì tháo rút phích cắm. Công tắc nguồn cũng có tác dụng giải quyết sự cố tương tự.

Tuy nhiên, đôi khi, chỉ tắt bật công tắc nguồn là chưa đủ. Ngày nay, nhiều thiết bị sử dụng công tắc nguồn "ngầm" dựa trên phần mềm điều khiển. Ở nhiều thiết bị, bấm công tắc nguồn chỉ giúp chuyển thiết bị về trạng thái ngủ (sleep mode), trong khi một số công tắc khác lại có tác dụng khởi động một tiến trình tắt máy từ bên trong.

Tắt nút nguồn "mềm" và bật lại trên thiết bị lỗi không nhất thiết phải khởi động lại máy tính bên trong. Vì vậy, có thể sẽ vẫn cần thực hiện tháo rút và cắm lại phích cắm.

Khi nào không nên dùng cách rút phích cắm thiết bị

Tắt nguồn đột ngột một thiết bị như máy tính (bao gồm cả desktop và laptop) hầu như luôn là một ý tưởng tồi, bởi điều này đồng nghĩa với việc tải lại phần mềm từ nguồn khả ghi, như là ổ cứng hay SSD. Chúng cũng thường sử dụng các thiết bị đó để lưu trữ các cài đặt tạm thời khi máy tính hoạt động. Nếu nguồn điện bị cắt đột ngột, có thể sẽ gây gián đoạn quá trình ghi dữ liệu và làm hỏng toàn bộ hệ thống tệp tin (file system) bên trong.

Tuy nhiên, đôi khi, cũng có trường hợp máy tính hoàn toàn không có phản ứng gì và không có cách nào để khắc phục sự cố phần mềm bên trong. Trong tình huống này, phương án cuối cùng và duy nhất chỉ có thể là sử dụng dây nguồn, tháo – bật lại, khởi động lại máy tính. Tất nhiên, có thể sẽ có vài dữ liệu bị mất, nhưng chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác.

Ngoài ra, một số thiết bị khoa học đặc thù và thiết bị y tế cũng không nên rút nguồn đột ngột. Hành động đó có thể gây thiệt hại lớn khó lường hoặc khiến ai đó rơi vào nguy hiểm. Rõ ràng, bạn chỉ muốn thiết bị hoạt động tốt chứ chẳng hề muốn gây hại đến ai phải không nào.

Shirley (theo How-To Geek)

Chủ đề khác