VnReview
Hà Nội

Đến nay, công nghệ HDR vẫn là một mớ hỗn độn

"High dynamic range" hay "HDR" là một thuật ngữ rất phổ biến ngày nay. Bạn chắc chắn đã nghe và thấy nó được sử dụng tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, một sự thật ẩn giấu về HDR mà có thể bạn chưa biết: nó thực sự là một mớ hỗn độn.

HDR là công nghệ nâng cao chất lượng hình ảnh, nhưng nó cần quá nhiều yếu tố để có thể thực sự tiếp cận được người dùng. Bao gồm TV, đầu phát Blu-ray, thiết bị chơi nội dung, dịch vụ streaming, ứng dụng, cable HDMI,...; Chưa kể có đến năm loại định dạng nội dung HDR khác nhau. Tất cả tạo nên một mớ hỗn độn và khiến HDR trở thành cỗ máy bất kham nhất, khó có công ty nào có thể bao quát hết và điều hướng nó.

Giờ thì hãy cùng điểm qua các công ty trong ngành công nghiệp cùng có tác động tới HDR, để chúng ta thấy họ khó có chung tầm nhìn như thế nào và khiến HDR phức tạp ra sao.

Các hãng TV

Có rất nhiều công ty hiện nay sản xuất TV tương thích HDR. Chúng ta có thể kể tên ra như Sony, LG, Samsung, Vizio, TCL, Hisense, Toshiba,... Tại thời điểm này, khó tìm ra công ty nào lại sản xuất TV không thể tương thích với nội dung HDR - đơn giản vì HDR chính là cái đích hướng tới của ngành công nghiệp hiển thị. Dù bạn quan tâm hay không, chắc chắn TV mà bạn vừa mua hoặc sắp mua sẽ là TV HDR.

Không phải cứ mua TV HDR là chúng ta sẽ có hiệu quả hình ảnh như nhau (ảnh: Digital Trends)

Tuy nhiên, lựa chọn TV HDR đồng nghĩa với xác định phe định dạng HDR mà bạn sẽ ngả theo. Nếu muốn khai thác tiềm năng của HDR, tất nhiên là phải chú ý tới định dạng nội dung HDR. Và quan trọng hơn, do mỗi hãng có những bí quyết sản xuất TV khác nhau, hiệu quả hình ảnh HDR thể hiện trên TV của họ cũng khác nhau. Nếu chọn đúng, hình ảnh HDR sẽ vô cùng đẹp.

Vậy nên, khi mà Samsung cứ nhất quyết từ chối Dolby Vision còn Sony và LG thì kiên quyết nói "không" với HDR10+, các hãng ít kinh nghiệm về xử lý hình ảnh không thể bắt kịp các ông lớn về sản xuất TV, thì sẽ không có chuyện TV HDR nào cũng cho trải nghiệm tương đương nhau. Đó chỉ là một giấc mơ!

Định dạng HDR

Lạy chúa! Chúng ta đã trải qua những cuộc chiến trong quá khứ, như VHS đối đầu Betamax, HD-DVD và Blu-ray, cả hai "thế chiến định dạng" này đều có "bàn tay" của Sony đứng sau. Nhưng lần này, không có ông lớn Nhật Bản thì mọi chuyện thậm chí còn tệ hơn. Nội dung HDR đang có tới 5 loại gồm HDR10, HDR10+, HLG (Hybrid Log-Gamma), Dolby Vision, Advanced HDR (chống lưng bởi Technicolor).

Hiện tại, HDR10 và Dolby Vision là hai định dạng HDR được hỗ trợ nhiều nhất trong ngành công nghiệp (ảnh: FlatpanelsHD)

Trong số này, HDR10, HDR10+ và HLG là các định dạng nguồn mở, không cần trả phí để sử dụng. Trong khi Dolby Vision của Dolby và Advanced HDR của Technicolor đều cần mua giấy phép từ hai công ty sáng tạo, khiến chúng khó phổ biến hơn. Thực tế, Samsung và Roku là hai công ty lớn từ chối mua cấp phép Dolby Vision. Còn Advanced HDR thì gần như không có ai hỗ trợ, một định dạng bị ngó lơ trừ LG.

Vì mỗi hãng lại có chiến lược kinh doanh khác nhau, rất khó tìm một sản phẩm có thể hỗ trợ tất cả định dạng và người dùng thường phải chấp nhận bỏ qua một số cái không được hỗ trợ. Dolby Vision hiện là định dạng ưa chuộng nhất của các nhà sáng tạo, hãng TV và người xem, chủ yếu bởi chất lượng hình ảnh quá ấn tượng.

So với HDR10 là một định dạng cơ bản mã mở, Dolby Vision cung cấp nhiều màu sắc hơn, độ sáng cao hơn, khả năng xử lý từng khung hình làm nổi bật các chi tiết highlight và shadow. Trên các TV cao cấp của Sony và LG, Dolby Vison thực sự không thể bị đánh bại.

Các dịch vụ streaming

Hiện tại, chúng ta đang có các dịch vụ streaming như Netflix, Vudu, Amazon Prime Video, Disney+,... ngoài ra còn cả đống các dịch vụ khác cùng tồn tại. Trong số này, Amazon Prime Video là dịch vụ nỗ lực hỗ trợ HDR nhất, có đầy đủ HDR10, HDR10+, HLG và Dolby Vision cho hầu hết các đầu phim HDR. Còn lại, hầu như chỉ tập trung vào một số định dạng như HDR10.

Các dịch vụ streaming cần cung cấp nhiều đầu phim HDR với đa dạng tiêu chuẩn hơn (ảnh: Digital Trends)

Mọi chuyện tệ đến mức nào?

Không có nhà sản xuất TV nào bán sản phẩm hỗ trợ đầy đủ cả 5 định dạng, nhiều nhất chỉ tới 4 và thường là 3. LG là công ty hỗ trợ mọi thứ trừ định dạng HDR10+ do đối thủ Samsung tạo ra. Đa phần sẽ như Samsung hoặc Sony, hỗ trợ hai định dạng cơ bản là HLG và HDR10, thêm vào một định dạng cao cấp là Dolby Vision hoặc HDR10+.

Nhưng kể cả trong trường hợp tươi sáng nhất, Dolby Vision là định dạng được ủng hộ hơn cả giành chiến thắng trong cuộc đua, mọi chuyện cũng không dễ dàng hơn. Bạn vẫn phải vất vả tìm kiếm nguồn nội dung Dolby Vision, lúc này chỉ hy vọng các công ty như Netflix, Amazon có sẵn thật nhiều đầu phim mà thôi.

Cuối cùng, Hollywood vẫn là người quyết định đến sự phát triển của nội dung HDR. Hãy nhớ rằng Netflix hay Amazon chỉ là điểm phân phối, còn nguồn sản xuất vẫn nằm trong tay các studio lớn ở Hollywood, tự họ không thể sản xuất đủ phim để phục vụ nhu cầu thưởng thức của tất cả chúng ta. Nếu một studio không sản xuất phim cùng định dạng HDR cụ thể, không ai có thể làm thay họ, kể cả Netflix hay Amazon.

Các hãng phim Hollywood đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn phim HDR ra thị trường (ảnh: FaceHead)

Giải pháp là gì?

Giải quyết mớ rắc rối này thực sự quá khó khăn. Đáng lẽ người tiêu dùng chúng ta không phải đi tìm hiểu các thông số này, nhà sản xuất phải làm việc với nhau và thống nhất nó. Trong hoàn cảnh tốt đẹp nhất, các công ty sản xuất TV lớn cần họp lại với nhau và hỗ trợ chung định dạng càng nhiều càng tốt, thay vì phân mảnh như hiện nay.

Sau đó, hiển nhiên là tất cả studio phim và đài truyền hình buộc phải tạo không gian cho HDR phát triển trong quy trình làm việc của họ. Chỉ có như vậy mới đẩy nhanh tốc độ thương mại hóa nội dung HDR tiếp cận thị trường đại chúng. HDR thực sự vẫn là một mớ bòng bong chưa tìm thấy ánh sáng. Một công nghệ rất tiềm năng nhưng quá trình triển khai lại quá phức tạp.


Ambitious Man theo Digital Trends

Chủ đề khác