VnReview
Hà Nội

2020 rồi, mua TV OLED bây giờ có cần lo về tình trạng burn-in nữa không?

Màn hình OLED mang lại trải nghiệm hình ảnh tuyệt đẹp, và đi kèm với chúng là một mức giá tương đối đắt đỏ. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết loại màn hình ưu việt này có thể dính lỗi burn-in, hay hiện tượng lưu ảnh vĩnh viễn. Vấn đề này phổ biến đến mức nào, và bạn có nên lo lắng về nó hay không?

Hiện tượng burn-in trên màn hình OLED là gì?

OLED là viết tắt của Organic LIght Emitting Diode (Đi-ốt phát quang hữu cơ). Bởi loại vật liệu được sử dụng trong chế tạo những tấm nền OLED là chất hữu cơ, nên chúng sẽ dần xuống cấp. OLED là công nghệ tự phát quang, có nghĩa màn hình OLED không cần đèn nền. Mỗi điểm ảnh phát ra ánh sáng của riêng nó, và ánh sáng này sẽ yếu dần đi trong suốt vòng đời của một sản phẩm.

Hiện tượng burn-in trên màn hình OLED (hay hiện tượng lưu ảnh vĩnh viễn) là thuật ngữ ám chỉ tình trạng xuống cấp dần dần của các điểm ảnh. Burn-in không phải là vấn đề của riêng màn hình OLED - các loại màn hình CRT, LCD và plasma đều có thể bị burn-in ở một mức nào đó.

Hiện tượng lưu ảnh vĩnh viễn trên màn hình OLED xuất phát từ việc các điểm ảnh xuống cấp không đều. Nó xảy ra khi một nhóm các điểm ảnh xuống cấp với tốc độ khác biệt so với các điểm ảnh quanh chúng.

Các hình ảnh tĩnh trên màn hình là yếu tố chủ yếu góp phần dẫn đến burn-in. Chúng bao gồm các logo hiển thị trên góc một số kênh truyền hình, các banner chữ chạy để hiển thị tin tức, hay những vùng hiển thị bảng tỷ số khi bạn xem các sự kiện thể thao.

Nhưng nếu bạn đang hoang mang, thì xin nói rõ rằng việc xem các chương trình thể thao suốt nhiều tiếng đồng hồ vào một ngày chủ nhật lười nhác sẽ không khiến màn hình OLED đắt đỏ của bạn bị burn-in ngay đâu. Tuy nhiên, hiệu ứng tích luỹ khi bạn xem cùng một kênh thể thao trong suốt một quãng thời gian dài hoàn toàn có thể gây ra burn-in.

Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu có bất kỳ thứ gì hiển thị những thành phần tĩnh trên màn hình trong một thời gian dài. Giao diện (HUD) của một trò chơi, taskbar của Windows, bảng thông báo chuyến bay đến ở sân bay... tất cả đều có thể là nguyên nhân.

Những thành phần tĩnh như banner chữ chạy hiển thị tin tức như thế này có khả năng gây ra hiện tượng burn-in

Thay đổi thói quen xem TV

Nếu bạn quan ngại về burn-in, có lẽ bạn sẽ nghĩ tốt nhất đừng mua màn hình OLED. Tuy nhiên, nếu bạn không thể cưỡng lại sự cuốn hút của OLED, có một vài lưu ý bạn nên biết để tránh hiện tượng burn-in.

Đầu tiên, bạn nên đa dạng hoá thói quen xem TV của mình. Cách này sẽ giúp các điểm ảnh "già đi" một cách đồng đều hơn, để những khu vực nhất định trên màn hình không bao giờ bị quá tải. Tất nhiên, sự gò bó này khiến màn hình OLED không phù hợp với một số người.

Ví dụ, nếu bạn muốn để TV ở một kênh tin tức với banner chữ chạy suốt ngày, OLED là lựa chọn tồi. Tương tự, bạn nên tránh màn hình OLED nếu muốn sử dụng nó làm màn hình máy tính, với các biểu tượng tĩnh và taskbar hiển thị suốt ngày dài. Nếu bạn ngày nào cũng cắm cúi chơi một tựa game duy nhất, OLED cũng sẽ gây hoạ!

Ngược lại, nếu bạn xem nhiều kênh TV, hoặc chơi nhiều tựa game, màn hình OLED sẽ đáp ứng tốt. Nếu bạn không có nhu cầu để các ảnh tĩnh hiển thị trên màn hình máy tính trong thời gian dài, màn hình OLED cũng sẽ ổn.

Với một số người, ý nghĩ phải "săn sóc" chiếc TV để tránh gây hiện tượng lưu ảnh vĩnh viễn nghe thật ngớ ngẩn. Càng khó chịu hơn khi họ đã phải bỏ ra một số tiền lớn hơn hẳn để mua màn hình OLED thay vì chọn màn hình LCD giá rẻ.

Dẫu vậy, đối với nhiều người khác, được trải nghiệm những sắc thái đen sâu cùng độ tương phản gần như vô tận (về mặt lý thuyết) là quá đủ lý do để họ chăm chút chiếc màn hình của mình.

Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác góp phần vào quyết định chọn mua màn hình OLED hay LED truyền thống của bạn. Ví dụ, một tấm nền OLED sẽ không đạt được độ sáng tương đương những màn hình LED sáng nhất hiện nay. Tuy nhiên, vì tấm nền OLED hiển thị được những sắc thái đen "hoàn hảo", nên chúng cũng không nhất thiết phải sáng quá mức như vậy.

Thêm nữa, kể cả khi bạn xem một loại nội dung liên tục, không có gì đảm bảo bạn sẽ gặp hiện tượng lưu ảnh vĩnh viễn. Kể cả khi các điểm ảnh xuống cấp một cách không đồng đều, bạn có thể sẽ chẳng để ý thấy điều đó trong quá trình xem thường ngày.

Người ta thường sử dụng các bài test với hoạ tiết và các khối màu để phát hiện hiện tượng burn-in trên màn hình OLED, nhưng các bài test này hầu như không đại diện cho quá trình sử dụng thông thường.

Các tấm nền OLED hiện nay ít bị burn-in hơn

LG Display hiện là công ty duy nhất sản xuất các tấm nền OLED. Nếu bạn thấy một mẫu TV Sony hay Panasonic sử dụng tấm nền OLED, thì đó là tấm nền do LG Display tạo ra. Qua nhiều năm, công ty Hàn Quốc đã hoàn thiện quy trình sản xuất để tạo ra những màn hình OLED bền bỉ hơn, với mức giá thấp hơn.

Các màn hình OLED trước đây thường sử dụng các điểm ảnh màu rời rạc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nhanh chóng nhận ra rằng các điểm ảnh phụ khác nhau sẽ lão hoá ở tốc độ khác nhau, đặc biệt là các điểm ảnh phụ màu xanh dương và đỏ. LG Display đã chuyển sang sử dụng một mạng lưới các LED trắng vốn có tốc độ lão hoá như nhau. Sau đó, họ áp dụng các bộ lọc màu để tạo ra bốn điểm ảnh phụ riêng rẽ là đỏ, xanh lá, xanh dương và trắng.

Ngoài ra còn có một vài giải pháp phần mềm có thể giúp giải quyết vấn đề, nhưng chúng còn tuỳ thuộc vào từng nhà sản xuất TV chứ không phải nhà sản xuất tấm nền. Trên các TV của mình, LG dùng phần mềm để giới hạn độ sáng ở những vùng cụ thể của màn hình thường hiển thị các điểm ảnh tĩnh, như logo hay HUD trong game.

Một giải pháp khác là dịch chuyển điểm ảnh, tức di chuyển nhẹ hình ảnh để hình ảnh tĩnh không hiển thị liên tục ở một vùng trên màn hình, tránh khiến các điểm ảnh nhất định bị quá tải. Các màn hình OLED cũng có thể cho tính năng "làm mới điểm ảnh" chạy mỗi vài ngàn giờ một lần. Tính năng này sẽ đo điện áp của từng điểm ảnh và tìm cách làm yếu đi các khu vực không được sử dụng nhiều. TV sau đó sẽ tăng độ sáng tổng thể của màn hình để bù lại độ sáng đã yếu đi của tấm nền OLED.

Mọi nhà sản xuất sử dụng tấm nền OLED đều có những "mánh" của riêng họ, dù rằng chúng hầu như chẳng khác gì nhau, chỉ được đặt tên khác mà thôi.

Năm 2013, LG Electronics khẳng định tuổi thọ ước tính của một màn hình OLED là 36.000 giờ. Năm 2016, công ty này tăng ước tính lên 100.000 giờ, hoặc 30 năm nếu bạn xem TV 10 giờ/ngày. Trong khi đó, các tấm nền LCD với đèn nền LED có tuổi thọ chỉ từ 6 - 10 năm mà thôi.

Các bài test burn-in cho thấy bức tranh thực sự của vấn đề

Tháng 1/2018, trang RTINGS bắt đầu thực hiện các bài test burn-in thực tế trên 6 màn hình LG C7. Họ sử dụng một loạt các nội dung khác nhau để giả lập nhiều năm sử dụng màn hình mà chỉ cần một thời gian ngắn. Họ còn để TV hoạt động liên tục 20 giờ mỗi ngày mà không thay đổi nội dung.

Bạn có thể xem các kết quả test sau một năm trong video trên. Tại thời điểm mà đoạn video này được đăng tải, các TV được test đã hoạt động khoảng 9.000 giờ, tương đương khoảng 5 năm sử dụng với tần suất 5 giờ mỗi ngày. Một số TV, như những chiếc được bật kênh CNN, bị burn-in đáng kể.

Số khác, như một TV hiển thị tựa game Call of Duty: WWII, không có dấu hiệu burn-in kể cả khi sử dụng các mẫu test. RTINGS cho biết những kết quả này không phản ánh kết quả trong sử dụng thực tế, bởi đó đơn giản không phải là cách chúng ta thường sử dụng TV.

Tuy nhiên, nếu có ai đó sử dụng TV theo cách tương tự, thì bài test một lần nữa khẳng định OLED là một sự lựa chọn tồi.

"Các TV hiện đã chạy hơn 9000 giờ (khoảng 5 năm với tần suất 5 giờ mỗi ngày). Nhiều vấn đề giống nhau đã xuất hiện trên các TV hiển thị chương trình đá bóng và game FIFA 18, và bắt đầu xuất hiện trên các TV hiển thị Live NBC. Quan điểm của chúng tôi vẫn như cũ, chúng tôi không cho rằng hầu hết mọi người xem các nội dung đa dạng mà trong đó không có các vùng ảnh tĩnh sẽ gặp vấn đề burn-in trên TV OLED".

Trên kênh YouTube của mình, HDTVTest, Vincent Teoh đã tiến hành thử nghiệm của riêng anh trên màn hình LG E8. Dù bài test này khá "gắt" (TV được bật lên 20 giờ mỗi ngày), nó cũng thể hiện gần giống cách mọi người sử dụng TV ngoài đời thực.

Teoh còn chuyển qua nhiều kênh TV khác nhau cứ mỗi 4 giờ mỗi lần trong vòng 6 tháng.

Màn hình của anh không có dấu hiệu bị lưu ảnh vĩnh viễn sau gần 4000 giờ sử dụng. Dù không thể rút ra quá nhiều kết luận chỉ từ một bài test, quá trình sử dụng TV mà Teoh giả lập gần với cách hầu hết chúng ta sử dụng TV hơn nhiều so với bài test của RTINGS.

Tại sao lại chọn OLED?

Nếu xét về công nghệ màn hình, đến thời điểm này có thể xem OLED là loại màn hình tuyệt vời nhất. Bởi các tấm nền OLED có khả năng tự phát sáng, chúng có thể đạt những sắc độ đen hoàn hảo, khiến hình ảnh trông thực sự nổi bật.

Dù các TV LED với tính năng làm tối cục bộ full-aray đã có nhiều tiến bộ so với nhiều năm trước, chúng vẫn sử dụng những "vùng tối" tương đối lớn, do đó gây ra hiện tượng quầng sáng (halo) khi hiển thị các khung cảnh với độ tương phản cao. Tấm nền Mini-LED gần đạt được chất lượng hình ảnh như OLED bằng cách tăng số lượng vùng tối. Tuy nhiên, phải cần đến những công nghệ mới hơn, như MicroLED, mới thực sự cạnh tranh được với OLED.

Bởi màn hình OLED khá đắt đỏ, chúng chỉ được trang bị cho các thiết bị flagship. Khi bạn mua một thiết bị với tấm nền OLED, bạn nhiều khả năng sẽ nắm trong tay một vi xử lý hình ảnh đỉnh cao, một màn hình với tần số làm tươi 120Hz cho chuyển động mượt mà hơn, và cổng kết nối HDMI 2.1 cho trải nghiệm game thế hệ tiếp theo. Bạn có thể có được hiệu năng HDR xuất sắc, kể cả khi màn hình không thể đạt độ sáng gần 1.000 nits trở lên như những mẫu màn hình LCD tốt nhất.

Tuy nhiên, OLED không dành cho mọi người. Ngoài giá bán và những vấn đề về ảnh tĩnh, chúng đơn giản là không sáng như các tấm nền LED. Nếu bạn làm việc trong một căn phòng khá sáng, bạn sẽ muốn một màn hình LED sáng hơn. Trong phòng tối, muốn có trải nghiệm như rạp phim, không gì đánh bại được OLED.

Vấn đề burn-in sẽ không biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, nó cũng không còn là một vấn đề lớn như đã từng trước đây nhờ những cải tiến trong sản xuất và phần mềm. Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc TV mới trong năm 2020, đặc biệt để chơi các tựa game mới nhất khi những cỗ máy console thế hệ tiếp theo ra mắt, TV OLED sẽ là lựa chọn tốt nhất.

Minh.T.T (theo HowToGeek)

Chủ đề khác