VnReview
Hà Nội

Mổ ấm siêu tốc 80k và 400k để xem khác nhau thế nào

Ấm siêu tốc là một vật dụng phổ biến và quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày hiện nay. Chắc hẳn bạn sẽ đôi lần băn khoăn tại sao;có những chiếc ấm lên đến cả triệu đồng và có những cái chỉ vài chục nghìn nhưng vẫn có thể đun nước nhanh như nhau.

Để giải đáp thắc mắc đó, chúng tôi mổ 2 chiếc ấm siêu tốc: một chiếc ấm loại đắt tiền (chiếc bên phải, giá khoảng 400.000 đồng) và một chiếc ấm giá rẻ (chiếc bên trái, giá 80.000 đồng) để tìm hiểu xem chúng khác nhau như thế nào.

Thiết kế tổng quan

Chiếc đắt tiền có chất liệu và các chi tiết nhựa được hoàn thiện tốt

Trước khi mổ, chúng ta sẽ cùng quan sát qua 1 chút vẻ bề ngoài của 2 chiếc ấm. Bằng mắt thường có thể dễ dàng thấy được ngay chiếc âm đắt tiền hơn có độ hoàn thiện tốt hơn rất nhiều. Các chi tiết nhựa trên ấm đều rất sắc sảo cứng chắc, không bị sần sùi.

Chiếc giá rẻ thì chi tiết nhựa cũng kém hơn thấy rõ

Trong khi đó, chiếc ấm rẻ tiền có độ hoàn thiện rất thấp, các chi tiết nhựa sần xùi, cong vênh không chắc chắn. Phần inox bị xỉn màu, bên trong chiếc ấm có mùi khét, còn mẫu đắt tiền không có mùi như vậy.

Cơ chế hoạt động, "nội soi" bên trong

Cụm rơ le và cảm biến của hai ấm đắt tiền (trái) và giá rẻ (phải)

Sau khi mở nắp bảo vệ 2 ấm, điều chúng tôi điều nhận thấy sự khác biệt đầu tiên là về cấu tạo. Cả 2 ấm đều sử dụng chung 1 cơ chế dùng dây điện trở hay còn gọi là maiso và rơ le nhiệt. Dây điện trở để làm nóng nước, khi đạt 100 độ c thì rơ le sẽ ngắt dòng điện khỏi thanh điện trở.

Cận cảnh rơ le nhiệt ấm điện giá rẻ

Cận cảnh mâm, rơ le và dây điện trở của ấm giá rẻ

Quan sát các chi tiết bên trong của 2 chiếc ấm chúng ta có thể thấy bên phía chiếc ấm rẻ tiền các chi tiết phần dây điện trở, rơ le đều có chất lượng rất kém. Phần đế gắn dây điện trở bị xỉ màu và oxi hóa, bong tróc mặc dù đây là 1 chiếc ấm mới chưa được sử dụng

Cận cảnh mâm, rơ le và dây điện trở của ấm đắt tiền

Bên phía chiếc ấm đắt tiền hơn phần đế dây điện trở rất dày dặn và chắc chắn. Các chi tiết nhựa tiếp điện và lá đồng cũng chắc chắn cứng cáp và sáng bóng.

Như vậy về chất lượng của 2 chiếc ấm, chúng ta có thể thấy rõ từ bên ngoài và bên trong đều có sự khác biệt. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sử dụng ấm. Rõ ràng với các linh kiện kém chất lượng tuổi thọ của ấm rẻ tiền sẽ không cao và quan trọng là tiềm ẩn sự an toàn.

Ấm rẻ tiền sử dụng loại INOX kém chất lượng

Mâm ấm đắt tiền sử dụng INOX 304 sáng bóng

Không chỉ có vậy, phần vỏ và phần mâm nhiệt của ấm rẻ tiền không sử dụng INOX 304, loại được khuyến cáo dùng trong lĩnh vực thực phẩm. Hệ lụy đó là phần vỏ và phần mâm nhiệt này rất dễ bị oxi hóa, hoen gỉ. Ngoài ra, việc dùng Inox kém chất lượng lẫn nhiều tạp chất, kim loại nặng có thể gây ra những tác động xấu cho cơ thể.

Về nguyên lý hoạt động: Cả 2 ấm đều tương tự như nhau, khi chúng ta cắm dây nguồn nhận điện vào ổ cắm điện, một dòng điện lớn sẽ đi qua dây điện trở. Từ đây điện năng sẽ được chuyển thành nhiệt năng, giúp nước trong ấm sôi lên nhanh chóng. Sau khi nước đạt tới nhiệt độ sôi của nước, rơ le của ấm sẽ ngắt và kết thúc quá trình hoạt động.

Rơ le của ấm giá rẻ nằm phía trong

Rơ le của ấm đắt tiền nhìn chắc chắn hơn

Cả 2 ấm đều sử dụng rơ le rạng cơ học có tên gọi là rờ le nhiệt lưỡng kim loại. Đây là loại rơ le nhiệt với cấu tạo gồm 2 phiến kim loại kép khác nhau (dải lưỡng kim), với nhiệt độ giãn nở khác nhau. Khi nhiệt độ trong ấm đun tăng đến nhiệt độ sôi của nước, rơ le nhiệt lưỡng kim loại sẽ bị cong về một phía để ngắt mạch thiết bị.

Rơ le thứ nhất được đặt ở dưới phần phần mâm truyền nhiệt lên nước. Và rơ le thứ 2 đặt ở trên phần tay cầm đây cũng đồng thời là một chiếc công tắc. Rơ le thứ nhất được dùng để bảo vệ ấm trong trường hợp ấm không có nước. Khi trong ấm không có nước mà bạn vẫn bật công tắc ở phía trên rơ le này sẽ ngắt điện để ấm không hoạt động.

Rơ le thứ 2 được đặt ở phần tay cầm và có ống thống hơi dẫn hơi nóng đến rơ le khi nước sôi

Rơ le thứ 2 trên tay cầm sẽ đóng vai trò chính là đóng ngắt điện khi nước thông ấm đạt độ sôi. Rơ le này được thiết kế 1 ống dẫn hơi trong bình, khi nước sôi hơi nước nước bay lên sẽ đi qua ống này giúp rơ le đóng ngắt điện đến dây điện trở. Điều này giải thích cho việc vì sao khi sử dụng ấm siêu tốc nếu không đóng nắp lại thì ấm sẽ không tự ngắt. Lý do là lúc này hơi nước sẽ bay ra ngoài hết không đi qua ống thông hơi đến rơ le. Các bạn sinh viên thường hay tận dụng chi tiết này trên ấm để biến chiếc ấm thành 1 chiếc nồi luộc trứng hay thậm chí là luộc rau.

Tổng kết

Hình ảnh quá trình cho thấy có sự khác biệt rất lớn về chất liệu giữa 2 chiếc ấm siêu tốc giá cao và giá rẻ. Đúng như câu nói của ông bà ta đúc kết "tiền nào của nấy" là vậy.

Video mổ hai chiếc ấm siêu tốc đắt tiền và rẻ tiền để tìm sự khác biệt

Đào Trường

Chủ đề khác