VnReview
Hà Nội

"So kèo" các định dạng video HDR: Dolby Vision, HDR10, HLG,... chọn cái nào?

Nếu đang có ý định mua một chiếc TV 4K sắp tới, chắc chắn bạn sẽ thấy bên cạnh công nghệ 4K quen thuộc, còn có một khái niệm mới là "HDR". Nhưng bạn có biết có đến bốn loại định dạng HDR khác nhau?

Toàn bộ về công nghệ HDR.

Công nghệ HDR vẫn là một mớ hỗn độn.

VnReview lược dịch bài viết trên How-To Geek, giúp bạn đọc phân loại một cách cơ bản về công nghệ hình ảnh HDR hiện nay.

HDR10: Tiêu chuẩn cơ bản nhất

Đây là tiêu chuẩn HDR phổ cập nhất hiện nay, mọi màn hình HDR đều tối thiểu hỗ trợ loại HDR này. Nội dung sản xuất dưới định dạng HDR10 được biên tập ở mức sáng 1.000 nit. Nó sử dụng siêu dữ liệu tĩnh (static metadata) để điều chỉnh cấp độ sáng trung bình của các khung hình và mức độ sáng tối đa. Từ đó, TV của bạn sẽ biết phải làm như thế nào để chiếu lại khung hình.

Tiêu chuẩn HDR cơ bản nhất (ảnh: How-To Geek)

Vì đây là tiêu chuẩn mở miễn phí, mọi màn hình lẫn camera đều hỗ trợ. Khi điện thoại của bạn quảng cáo sở hữu màn hình HDR, quay phim HDR, ít nhất đây sẽ là định dạng HDR mà nó đáp ứng.

HDR10+: Bổ sung siêu dữ liệu động vào HDR10

Đây được coi là bản nâng cấp của HDR10 ở trên, do Samsung đứng ra phát triển. Thay vì dùng static metadata, HDR10+ sử dụng siêu dữ liệu động (dynamic metadata) để điều chỉnh độ sáng cho từng khung hình. So với siêu dữ liệu tĩnh của HDR10, hình ảnh từ HDR10+ được đánh giá cao hơn nhờ việc can thiệp đến từng khung hình, thay vì toàn bộ.

Nội dung HDR10+ hiện nay được xử lý ở mức sáng 4.000 nit, tốt hơn nhiều HDR10 và bỏ xa SDR lỗi thời. Một điểm cộng khác là HDR10+ hỗ trợ video có độ sâu màu 16-bit, độ phân giải lên tới 8K và đỉnh sáng có thể đạt tới 10.000 nit. Tất nhiên đây chỉ là không gian phát triển sau này, còn hiện tại không có hệ thống nào đủ sức tạo ra được nội dung đáp ứng cấu hình đó.

Tiêu chuẩn HDR10+ là do Samsung tự đặt ra để cạnh tranh với Dolby Vision (ảnh: How-To Geek)

Vấn đề lớn nhất của HDR10+ là độ phổ biến. Hiện tại, HDR10+ vẫn chưa có nhiều nội dung bằng đối thủ lớn nhất của nó, cũng như sự hỗ trợ trong ngành công nghiệp bị hạn chế hơn.;

Dolby Vision: tiêu chuẩn cao cấp nhất

Tiếp nối HDR10+ là Dolby Vision, định dạng được coi là cạnh tranh lớn nhất với HDR10+ ở trên. Chúng có nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự nhau, ví dụ nội dung xử lý ở 4.000 nit và cho phép mở rộng lên tới 10.000 nit. Cũng hỗ trợ độ phân giải cao nhất lên tới 8K và độ sâu màu 12-bit. Dolby Vision cũng sử dụng siêu dữ liệu động để cải thiện chất lượng hiển thị từng khung hình.

Dolby Vision được ngành công nghiệp ưa chuộng hơn dù đó là định dạng độc quyền của Dolby Labs, phải trả phí bản quyền hàng năm để sử dụng. Nhiều công ty đều quảng bá công nghệ này như LG, Sony, TCL, Hisense, Apple,... Chỉ duy nhất Samsung - "cha đẻ" của HDR10+ - là từ chối tham gia.

Giống như HDR10+, chuẩn Dolby Vision cũng dùng siêu dữ liệu động để chỉnh ánh sáng từng khung hình

Đối với các dịch vụ phân phối nội dung và các hãng phim Hollywood, Dolby Vision cũng là định dạng được đánh giá cao hơn HDR10+. Netflix, Disney+, Amazon Prime Video,... đều tích cực hỗ trợ Dolby Vision. Thậm chí Microsoft đã tích hợp cả công nghệ này vào thế hệ console mới nhất, Xbox Series X và Series S. Điều này hứa hẹn Dolby Vision sẽ ngày càng bỏ xa HDR10+.

HLG: tiêu chuẩn của phát sóng truyền hình

Đối với ngành truyền hình, các tiêu chuẩn ở trên đều không sử dụng được. Thay vào đó, để thay thế SDR đã cũ kỹ, người ta hướng tới Hybrid Log-Gamma (HLG), một tiêu chuẩn mở phát triển bởi đài BBC ở Anh và NHK của Nhật. Tiêu chuẩn này có khả năng tương thích ngược để nhanh chóng triển khai video HDR vào hệ thống phát sóng. Giống như HDR10, độ sáng hiệu chỉnh ở mức 1.000 nit.

Tuy là định dạng dùng để phát sóng truyền hình, đặc biệt là truyền hình trực tiếp các trận thi đấu thể thao, nó cũng được hỗ trợ bởi một số dịch vụ streaming video ngoài các nhà đài. Có thể kể ra là YouTube, BBC iPlayer, còn các đài truyền hình tuyên bố triển khai HLG gồm có Eutelsat, DirecTV và Sky U.K, bên cạnh hai đài đã phát triển tiêu chuẩn này.

Mô tả về các định dạng HDR hiện nay (ảnh: FlatpanelsHD)

Nên đầu tư vào định dạng nào?

Mua TV bây giờ đồng nghĩa nó sẽ là TV 4K HDR, chúng ta không có lựa chọn nào khác. Trong khi HDR10 là tiêu chuẩn mặc định, Dolby Vision cao cấp hơn lại cần phải được đầu tư để có nguồn nội dung chất lượng. Đây là định dạng được các hãng TV và nhà sản xuất yêu thích, nhưng để có nguồn phim, bạn phải đầu tư vào đĩa Blu-ray hoặc các dịch vụ streaming trả phí.

Đối với HDR10+, việc thiếu hụt nội dung cản trở nó tiếp cận với mọi người. Kể cả khi bạn sở hữu cho mình một chiếc Galaxy S20 Ultra hay TV QLED 8K của Samsung, đều hỗ trợ HDR10+, nhưng lại không kiếm đâu ra nguồn phân phối phim để xem thì cũng không có nhiều giá trị. Có rất ít phim hỗ trợ HDR10+ và Amazon là dịch vụ streaming lớn duy nhất phân phối.

Do HLG là tiêu chuẩn phát sóng, các TV hiện nay hầu như đều hỗ trợ, hơn nữa màn hình của bạn cũng không cần phải hỗ trợ HLG để bạn có thể xem. Do vậy, không cần quá quan tâm đến tiêu chuẩn này khi chọn mua.

Ambitious Man

Chủ đề khác