VnReview
Hà Nội

Có nên mua nồi cơm điện cao tần?

Công nghệ cao tần (IH - induction heating) được quảng cáo giúp cơm được nấu chín ngon hơn, nhưng có thực sự cần thiết cho các bà nội trợ?

Ứng dụng nung nóng kim loại của công nghệ cao tần mà không làm bỏng tay người sử dụng

Công nghệ cao tần là phương pháp truyền nhiệt vào các vật dẫn điện (thường là kim loại) bằng hiện tượng cảm ứng điện từ. Phương pháp này đã được phát minh từ thập niên 1920 và ngày nay được ứng dụng rộng rãi trong nhà bếp như bếp từ, ấm từ cho đến trong công nghiệp hàn, đúc kim loại...

Khoảng giữa những năm 2000, Nhật Bản đã tìm được cách ứng dụng thành công công nghệ cao tần vào nồi cơm điện. Các sản phẩm này đã gần như thay thế hoàn toàn nồi cơm điện tiêu chuẩn thông thường dù chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa.

Vài năm trở lại đây, với việc đẩy mạnh sản xuất ra các thị trường ngoài nước, nồi cơm điện cao tần bắt đầu xuất hiện phổ biến ở Việt Nam với mức giá rẻ hơn khá nhiều so với trước kia. Mỗi chiếc nồi cơm điện cao tần có giá trong khoảng từ 2 - 5 triệu đồng, so với nồi cơm điện thông thường có giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng.

Mức giá này cùng quảng cáo hấp dẫn khiến người tiêu dùng thực sự đắn đo trong việc nên mua;nồi cơm điện cao tần hay không?

Nồi cơm điện cao tần cũng có nguyên lý làm nóng tương tự

Trước hết, cần biết nồi cơm điện cao tần hoạt động khác nồi cơm điện thường như thế nào. Với nồi cơm điện thông thường, người dùng có thể nhìn thấy mâm nhiệt là một lò xo nằm ở mặt trong của đáy thiết bị. Đây là phần tiếp xúc và truyền nhiệt cho nồi cơm dẫn đến nhiệt chỉ tập trung ở đáy và khi nấu nhiều lần, nồi cơm sẽ dễ sinh ra hiện tượng cháy hoặc ‘trên sống dưới khê' nếu không đánh đều cơm. 

Trong khi đó, nồi cơm điện cao tần hoạt động theo nguyên tắc truyền nhiệt từ trong ra ngoài nồi cơm ở mọi vị trí của nồi, giúp cơm chín đều hơn. Thực tế, công nghệ cao tần có thể làm nóng vật trong thời gian rất ngắn nhờ sử dụng tần số cực cao tạo ra từ trường, do đó nồi cơm điện cao tần không thực sự cao tần (high frequency) trong suốt thời gian nấu, mà đẩy tần số lên từ từ trong suốt thời gian nấu.

Điều này khiến cho nồi cơm điện cao tần dù có thể làm cạn nước rất nhanh, nhưng thời gian nấu lại lâu hơn đáng kể so với nồi cơm điện thường. Về cơ bản, nồi cơm điện cao tần sử dụng phần lớn thời gian để ngâm gạo, đun sôi từ từ nước và chỉ dùng một thời gian rất ngắn để làm nóng nồi, qua đó đun nước sôi trên 100 độ C. 

Tuy nhiên cũng lưu ý nồi cơm điện cao tần gặp hạn chế ở khả năng thoát nước

Như vậy, nồi cơm điện cao tần sẽ ngốn rất nhiều điện năng so với nồi cơm điện thông thường. Và khi hỏng hóc xảy ra, việc sửa chữa (nếu đã hết hạn bảo hành) cũng là khá tốn kém. Vấn đề nữa là nồi cơm điện cao tần sẽ tạo ra hơi nước rất nhanh và tích tụ ở mép nồi, tạo ra nước nhỏ xuống gây thiu cơm nếu sử dụng không đúng cách.

Ngoài ra, cơm nấu ra có ngon hay không còn phụ thuộc rất lớn vào loại gạo, khả năng hấp thụ nước, lượng nước sử dụng, cách vo gạo, tình trạng gạo trước khi nấu. Vì vậy người tiêu dùng không nên quá chú tâm vào việc mua nồi cơm đắt tiền mà quên đi yếu tố quan trọng nhất là gạo có ngon hay không. 

Trên thực tế, điểm mạnh của nồi cơm điện cao tần chính là có thể nấu nhiều kiểu cơm khác nhau (nhão, khô, cháy) cũng như nấu cháo, hầm xương, đồ xôi... Tất nhiên, để làm được điều này, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ loại nồi có các chức năng tương ứng với giá tiền cũng như nhu cầu sử dụng của gia đình. 

Theo Vietnamnet

Chủ đề khác