VnReview
Hà Nội

“Cẩm nang” TV LG 2021 từ a đến á: Tất cả những điều bạn cần biết

Với dải sản phẩm cực kỳ rộng trải đều khắp các phân khúc, việc lựa chọn mẫu TV LG ưng ý và phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như túi tiền không phải là chuyện đơn giản.

Từ đầu năm, LG đã giới thiệu toàn bộ dải sản phẩm TV của mình cũng như lộ trình ra mắt trong năm 2021. Một trong những thông tin được đón nhận nhiều nhất chính là sự xuất hiện của tấm nền mới mang tên OLED Evo. LG cho biết loại tấm nền mới này mang lại độ sáng cao hơn, chất lượng hình ảnh giàu chi tiết hơn, như một lời phản bác dành cho những ai nói rằng công nghệ tấm nền OLED đã chạm đến ngưỡng giới hạn của mình.

Bên cạnh đó, trong năm nay, LG cũng mang đến phiên bản nâng cấp của chip xử lý Alpha, cập nhật nền tảng webOS, cũng như điều khiển Magic Remote mới. Nhưng tất nhiên, điều chúng ta quan tâm nhất trong bài viết này chính là line-up, hay nôm na là thông tin và cách nhận biết toàn bộ dải sản phẩm TV của LG trong năm nay. Hãy cùng VnReview khám phá nhé!

Lưu ý: VnReview sẽ chỉ liệt kê những model đã bán hoặc sắp bán tại thị trường Việt Nam. Riêng dòng TV QNED do chưa có giá chính thức tại Việt Nam nên sẽ quy đổi giá bán từ đơn vị Euro tại thị trường châu Âu.

TV OLED

LG Z1 8K OLED TV

Không cần bàn cãi, đây chính là model TV "đầu bảng" của LG trong năm 2021 (không tính mẫu TV cuộn R1 bên dưới, vốn không dành cho người tiêu dùng phổ thông). Chiếc TV trang bị phiên bản dành riêng cho độ phân giải 8K của chip xử lý Alpha 9 Gen 4, với mục đích khai thác tối đa những ưu điểm của độ phân giải khổng lồ này. Có sẵn với hai kích thước 77 inch và 88 inch, khá thú vị khi tuy Z1 không sử dụng tấm nền Evo mới, LG vẫn khẳng định đây là chiếc TV mang lại chất lượng tốt nhất của hãng trong năm 2021 này.

Z1 là một trong số ít TV OLED 8K hiện có trên thị trường, khi chỉ có LG thực sự theo đuổi cùng một lúc hai công nghệ tấm nền cao cấp là LCD 8K và OLED 8K. Bạn sẽ không phải phân vân "chọn độ phân giải hay màu đen sâu, tương phản rộng" khi so sánh với những hãng khác. Ngoài ra, nếu là game thủ, bạn sẽ biết rằng với card đồ họa RTX 3000 series hay máy chơi game console thế hệ mới PS5/Xbox Series X, 8K gaming đã trở nên khả thi hơn bao giờ hết. LG Z1 hỗ trợ nhiều công nghệ cần thiết để nâng cao trải nghiệm chơi game, chẳng hạn như tấm nền 120Hz, HDMI 2.1 và VRR (Variable Refresh Rate).

Giống như model G1, chiếc Z1 mang thiết kế mà LG gọi là "Gallery design", tức là nó rất mỏng và có mặt lưng phẳng tối ưu cho gắn tường. Tuy nhiên, thay vì chỉ có ngàm gắn tường như G1, Z1 được trang bị thêm một chân đế thời trang nếu bạn muốn đặt chúng lên kệ tủ.

LG R1 4K OLED ‘cuộn'

Tương lai của công nghệ TV, LG "Rollable" R1 là phiên bản nâng cấp của model R ra mắt vào năm ngoái tại Hàn Quốc. Theo LG, các mẫu TV cuộn "Rollable" không chỉ thay đổi suy nghĩ của người dùng về khả năng của một chiếc TV, mà còn là một cuộc cách mạng về cách bạn sử dụng không gian của mình.

Giá trị của chiếc TV cuộn này, tất nhiên, nằm ở khả năng cuộn lên và xuống của nó. LG cho biết, chiếc TV có thể cuộn lên/xuống tới 50.000 lần. Trung bình mỗi ngày bạn cuộn lên và xuống một lần thì 50.000 lần phải mất đến 68 năm.

LG R1 "Rollable" có độ phân giải 4K, trang bị các tính năng mới như webOS 6.0, HDMI 2.1. Tuy nhiên, nó không hỗ trợ VRR như các TV OLED khác của LG.

Không có quá nhiều thông tin nào khác về model LG R1 "Rollable", ngoại trừ việc giống như phiên bản tiền nhiệm, chúng dành cho giới siêu giàu và cần phải liên hệ đặt trước để mua. Theo nhiều nguồn tin, LG R "Rollable" đời đầu chỉ bán được đâu đó 10 chiếc tại Hàn Quốc, nhưng theo công ty nghiên cứu thị trường Omdia, ước tính nhu cầu TV cuộn toàn cầu sẽ đạt khoảng 3.000 chiếc vào 2022, 74.000 chiếc vào 2024 và 672.000 chiếc vào 2027.

LG G1 OLED Evo TV

Vài năm gần đây, không ít người cho rằng công nghệ tấm nền OLED đã đạt đến đỉnh cao của mình, dẫn đến tiến độ phát triển gần như dậm chân tại chỗ. Tấm nền OLED Evo mới của LG mang sứ mệnh thay đổi suy nghĩ đó.

Thừa hưởng đầy đủ những điểm mạnh của tấm nền OLED như màu đen sâu và tỷ lệ tương phản vô hạn, OLED Evo sử dụng vật liệu phát xạ mạnh mẽ hơn, giúp tinh chỉnh bước sóng của ánh sáng hiệu quả hơn. Nhờ đó, độ sáng hình ảnh được tăng thêm 20%, chất lượng hiển thị sắc nét và giàu chi tiết hơn. LG khẳng định tấm nền OLED Evo là "Cuộc tiến hóa lần thứ hai" của OLED, lần đầu tiên là khi hãng tiến tới 4K/HDR vào năm 2015.

LG G1 "Gallery" là model TV duy nhất trong năm 2021 sử dụng tấm nền Evo mới. Nếu như những năm trước đây, mua một chiếc TV thuộc C-series của LG sẽ mang đến chất lượng hiển thị hàng đầu, thì năm nay, bạn sẽ phải nâng cấp lên model G1.

Về thiết kế, LG G1 có thân hình siêu mỏng giống các đàn anh, gợi liên tưởng như một khung tranh. Nhưng không chỉ dừng lại ở gắn tường, với model G1, LG còn mang đến tùy chọn chân đứng Gallery Stand để biến chiếc TV giống như một bức tranh trưng bày tại triển lãm. Nếu không muốn treo tường theo ngàm có sẵn hoặc mua Gallery Stand, người dùng cũng có thể mua chân giữ của bên thứ ba hỗ trợ ngàm chuẩn VESA.

LG chưa tiết lộ liệu tấm nền OLED Evo có được đưa lên TV của các thương hiệu khác hay không. Xét việc LG là nhà cung cấp tấm nền OLED duy nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại, không loại trừ khả năng OLED Evo sẽ là trang bị độc quyền trên các dòng TV LG.

LG C1 4K OLED TV

Những năm trước, C-series của LG luôn là lựa chọn TV OLED được người tiêu dùng hướng tới với chất lượng hiển thị tốt nhất. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của model G1 và tấm nền OLED Evo, LG C1 bị đẩy xuống như là một lựa chọn thứ cấp, khi LG G1 hiển nhiên sẽ vượt trội hơn về công nghệ.

Phần còn lại, LG C1 vẫn trang bị đầy đủ những gì mới nhất của LG, bao gồm vi xử lý Alpha 9 mới nhất, tần số quét 120Hz, VRR, HDMI 2.1. Hơn nữa, C1 cũng là dòng TV có kích thước đa dạng nhất trong toàn bộ dải sản phẩm OLED của LG, từ 48 inch lên tới 83 inch, nên người tiêu dùng sẽ có rất nhiều lựa chọn để cân nhắc.

LG B1 4K OLED TV

Thông thường, B-series của LG được coi là dòng sản phẩm TV OLED "phổ thông" với mức giá dễ tiếp cận nhất, nhưng điều này đã thay đổi trong năm 2021. So với model C1 ở trên, LG B1 có vi xử lý thấp cấp hơn (Alpha 7 Gen 4), và chỉ có 2 cổng HDMI 2.1 thay vì 4. Dù vậy, LG B1 vẫn được tích hợp tần số quét 120Hz và hỗ trợ VRR cho nhu cầu gaming.

LG A1 4K OLED TV

Một model hoàn toàn mới trong năm 2021, A1 sẽ trở thành cái tên thay thế B1 cho model TV OLED rẻ nhất của LG. Sự khác biệt lớn nhất giữa A1 và B1 nằm ở chỗ: A1 sử dụng tấm nền 60Hz thay vì 120Hz, và A1 không có bất kỳ cổng HDMI 2.1 nào. Như vậy, A1 sẽ phù hợp cho những game thủ không có ý định tiến đến next-gen và người dùng bình thường muốn một chiếc TV OLED giá rẻ cho nhu cầu xem phim và giải trí.

Tuy không tích hợp HDMI 2.1, model TV A1 có hỗ trợ eARC (Enhanced Audio Return Channel) và ALLM (Auto Low Latency Mode). Vi xử lý bên trong A1 cũng là Alpha 7 Gen 4 giống như B1, và A1 có tùy chọn 48-inch còn B1 thì không.

TV LCD

LG QNED 8K và 4K

Không chỉ OLED, LG còn muốn thống trị thị trường TV LCD với sự xuất hiện của dòng QNED. Bên cạnh bộ lọc màu NanoCell vốn đã mang lại chất lượng màu sắc cao, LG còn thêm vào các chấm lượng tử để tăng độ sáng và mở rộng gam màu, đồng thời kết hợp với đèn nền mini LED mang đến hàng trăm vùng làm mờ (dimming zone). Kết quả, TV QNED có độ sáng tốt hơn, tương phản rộng hơn và cải thiện hiệu suất HDR.

Dòng TV QNED bao gồm hai tùy chọn độ phân giải 4K và 8K, với các kích thước 65, 75 và 86 inch. Cả hai dòng đều trang bị tấm nền tần số quét 120Hz, tích hợp Dolby Atmos và Dolby Vision IQ, cũng như các tính năng cho gaming như VRR và HDMI 2.1. Sự khác biệt chủ yếu đến từ vi xử lý, khi phiên bản 8K trang bị Alpha 9 Gen 4, còn phiên bản 4K là Alpha 7 Gen 4.

LG NanoCell 8K và 4K

Dòng TV tầm trung của LG có tên NanoCell, lấy tên gọi từ công nghệ bộ lọc màu của hãng. Chúng có kích thước đa dạng (model thấp cấp nhất trải dài từ 43 tới 86 inch), thiết kế mỏng nhẹ hơn so với các thế hệ trước.

Model đầu bảng trong dòng NanoCell là NANO99, đây là chiếc TV 8K rẻ nhất của LG tính đến thời điểm hiện tại. Nó tích hợp tần số quét 120Hz, vi xử lý Alpha 7 Gen 4 8K, và các công nghệ hình ảnh/âm thanh khác như Dolby Vision IQ và Dolby Atmos.

Những model giá rẻ hơn, NANO80 và NANO75, chỉ được trang bị màn hình 60Hz, không có tính năng làm tối cục bộ và tích hợp vi xử lý 4K 4 nhân (ngoại trừ phiên bản 86 inch dùng Alpha 7 Gen 4).

LG UHD 4K

Cuối cùng, đây là những TV phổ thông, giá rẻ nhất của LG, có tên gọi UP7X (ở Việt Nam có UP75, 77, 78) và UP80. Chúng không có chấm lượng tử và bộ lọc màu NanoCell, nhưng người dùng vẫn sẽ được tận hưởng đầy đủ nền tảng webOS 6.0 mới nhất, và model UP80 còn được trang bị Dolby Vision IQ và Dolby Atmos để tăng cường trải nghiệm nghe nhìn.

Giống như NANO75, model UP80 cũng có phiên bản kích thước lớn 86 inch với chip xử lý Alpha 7 Gen 4 4K để upscale hình ảnh tốt hơn.

Lời kết

Trên đây là toàn bộ dải sản phẩm TV của LG trong năm 2021 này, cũng như những điểm nhấn, khác biệt giữa các dòng sản phẩm. Hy vọng rằng qua bài viết này, các độc giả của VnReview sẽ có những nền tảng nhất định trước khi chọn mua TV LG, cũng như không còn "hoang mang" trước ma trận sản phẩm trước mắt.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác