VnReview
Hà Nội

Sự thật về điều hòa tốn 1 số điện 1 đêm!

Trên thị trường điều hòa hiện nay, không hãng điều hòa nào - kể cả các hãng điều hòa Nhật Bản nổi tiếng - dám mạnh miệng tuyên bố điều hòa của họ chỉ tốn 1 số điện mỗi đêm, ngoại trừ hãng điều hòa Trung Quốc Midea.

Có thể bắt gặp tấm biển quảng cáo điều hòa Midea "1 Kwh/đêm" nổi bật trên đường phố Hà Nội dưới cái nắng gay gắt hơn 40 độ C. Điều hòa là cỗ máy ngốn điện nhiều nhất trong mỗi hộ gia đình những ngày nắng nóng này, do đó điều hòa tiết kiệm điện, chỉ tốn có một số điện mỗi đêm thì quá lý tưởng còn gì!

Thực ra, sản phẩm điều hòa "1 kWh/đêm" được Midea ra mắt từ cuối năm 2020. Máy điều hòa hai chiều này có công suất 9000 BTU, giá 13 triệu đồng – đắt hơn cả điều hòa Nhật Bản cùng loại từ 1-1,5 triệu đồng. Nhà sản xuất cho biết máy có trang bị công nghệ Full DC Inverter Quattro, được quảng cáo là mang đến trải nghiệm bất ngờ "1 đêm 1 kWh điện - tức 1 số điện". Tuy nhiên, hãng lưu ý để đạt được mức tiết kiệm điện này, điều kiện phải là "khi hoạt động ở tần số ổn định 12HZ".

Sự thật về điều hòa tốn 1 số điện 1 đêm!

Điều hòa Midea inverter "1 đêm 1 kWh điện" ra mắt tháng 11/2020.

Đây là một "chiêu trò" marketing điều hòa phải nói là rất tinh vi, đánh đúng tâm lý lo sợ tốn điện của người tiêu dùng nhưng lại mù mờ về công nghệ bằng việc "thòng" thêm câu "khi hoạt động ở tần số ổn định 12HZ".

Bản chất điều hòa Midea "1 đêm 1 kWh điện" là điều hòa inverter như các điều hòa khác. Cũng như các sản phẩm điện gia dụng khác, điều hòa được trang bị công nghệ inverter (công nghệ biến tần) ngày càng phổ biến trên thị trường vì nó tiết kiệm điện hơn so với điều hòa không inverter. Nhờ bộ biến tần tự động tăng/ giảm tần số cấp vào máy nén, điều hòa inverter có khả năng duy trì nhiệt độ phòng mong muốn mà không phải ngắt/ mở động cơ hoàn toàn như điều hòa không inverter.

Để dễ hình dung, ta có một ví dụ thế này: giả sử khi bạn thiết lập nhiệt độ mong muốn là 23 độ C, máy nén của điều hòa không inverter sẽ chạy với công suất không đổi một mạch cho tới khi nhiệt độ phòng đạt đến 23 độ C. Sau đó rơ-le ngắt để máy nèn nghỉ ngơi. Trong thời gian nghỉ này dàn lạnh chỉ có quạt gió hoạt động mà không có tác dụng làm lạnh nên với ảnh hưởng của hơi nóng bên ngoài, nhiệt độ trong phòng sẽ nóng dần lên. Khi độ chênh lệch nhiệt với nhiệt độ được thiết lập (23 độ C) vào khoảng 1-2 độ, rơ-le sẽ đóng cho máy chạy tiếp tới khi đạt lại được 23 độ C rồi nghỉ.

Sự thật về điều hòa tốn 1 số điện 1 đêm!

Tấm pano quảng cáo điều hòa của Midea 1 số điện/ đêm. Chưa có một hãng điều hòa nào dám quảng cáo "bạo miệng" như vậy.

Với máy điều hòa biến tần Inverter, khi thiết lập được nhiệt độ trong phòng 23 độ C, máy sẽ tăng dần công suất hoạt động cho tới khi đạt được nhiệt độ đó. Lúc này bộ biến tần sẽ tự động giảm tần số cấp vào máy nén, đồng nghĩa với việc làm giảm tốc độ máy nén, tăng khả năng duy trì nhiệt độ trong phòng mà không phải ngắt hẳn động cơ hoàn toàn.

Việc máy chạy đều đặn ở công suất thấp giúp hạn chế điện năng dư thừa, loại bỏ được hao phí điện ở giai đoạn khởi động máy do bỏ được chu trình tắt mở máy liên tục.

Tần số 12HZ như hãng điều hòa Trung Quốc Midea quảng cáo có nhắc đến là tần số của xung điều khiển mô tơ của máy nén. Hiểu một cách nôm na, thường xung có tần số càng cao thì mô tơ quay càng nhanh. Ở điều hòa không inverter, mô tơ khi đã chạy là chạy tối đa luôn cho đến khi đủ nhiệt thì nghỉ. Còn ở điều hòa có inverter, mô tơ chạy nhanh hay chậm là do tần số xung. Tần số xung là biểu thị sự có điện hay không có điện, xung càng thấp thì mô tơ chạy càng chậm, càng đỡ tốn điện như đề cập ở trên.

Tần số xung ổn định có thể hiểu là máy điều hòa đó đã hoạt động ổn định, tương đương với việc nhiệt độ phòng đã đạt mức cần thiết, nên điều hòa chỉ cần duy trì nhiệt độ đó. Ví dụ: Nhiệt độ phòng đang là 23 độ C, đóng cửa, bật điều hòa để ở chế độ 23 độ C. Như vậy thì đúng là tiết kiệm điện nhất rồi còn gì, vì điều hòa… chẳng cần hoạt động! Thực tế trong quá trình review điều hòa trong nhiều năm qua của VnReview.vn cho thấy có điều hòa chưa tiêu thụ hết 1 số điện trong vòng 8 tiếng buổi đêm, bởi vì nhiệt độ ngoài trời mát mẻ, chỉ chênh với nhiệt độ trong nhà khoảng 1 độ C.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điều hòa là làm mát nhiệt độ phòng trong mùa hè nắng nóng do đó không thể duy trì ổn định được mãi một giá trị. Vì nhiệt độ ngoài trời quá nóng, có người, đèn, thiết bị khác phát thải nhiệt khiến điều hòa lại phải làm lạnh để về nhiệt độ đã đặt.

Tóm lại, điều hòa Midea "1 Kwh/đêm", tức tốn 1 số điện mỗi đêm, là có thể nếu điều hòa chỉ có tác dụng quạt, không phải hoạt động làm lạnh. Còn nếu khi sử dụng điều hòa Midea mà hóa đơn điện nhà bạn trong mấy tháng hè vẫn tăng phi mã thì bạn cũng chỉ tự trách mình quá tin vào lời quảng cáo của nhà sản xuất mà không biết rằng chẳng có điều hòa nào "hoạt động ở tần số ổn định 12HZ" trong mùa hè.

Tuấn Phan

Chủ đề khác