VnReview
Hà Nội

7 dấu hiệu nhắc bạn đã đến lúc thay PC mới

Chiếc máy tính cũ kỹ của bạn chạy chậm ì ạch, không tương thích với phiên bản hệ điều hành và phần mềm mới cùng một số lỗi không xác định. Đó là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên thay máy mới.

Không thể cài phiên bản hệ điều hành mới nhất

Phiên bản mới của các hệ điều hành thường không phải là một ưu tiên lớn đối với nhiều người dùng phổ thông. Những hãng phần mềm như Microsoft và Apple thường tung ra bản phát hành chính mới của hệ điều hành Windows và Mac mỗi 3 hoặc 4 năm.

Bạn sẽ phải trả tiền để mua một phiên bản hoàn toàn mới và "phá vỡ" những thứ quen thuộc hằng ngày. Và kết quả là mọi người sẽ gắn bó với các phiên bản hệ điều hành hiện được cài đặt trên máy tính của họ.

Yêu cầu cấu hình phần cứng của phiên bản Windows 10 Technical Preview.

Tuy nhiên, đối với người dùng sử dụng máy tính chạy hệ điều hành quá cũ cần phải nâng cấp để tương thích với hầu hết phần mềm hiện nay thì việc nâng cấp lên phiên bản mới là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Microsoft và Apple cũng thường định kỳ phát hành những bản cập nhật hệ thống quan trọng và được mong chờ hơn bao giờ hết. Mỗi năm, bạn sẽ nhận được một bản cập nhật giúp sửa chữa lỗi và bổ sung thêm chức năng mới.

Nếu bạn đang sử dụng một hệ thống phần cứng cũ thì chắc chắn máy không thể đáp ứng khả năng nâng cấp của các phiên bản hệ điều hành mới. Trong trường hợp này, cuối cùng thì sớm hay muộn bạn cũng phải tính đến phương án nâng cấp phần cứng hay thậm chí là mua một máy tính PC mới.

Không thể chạy các ứng dụng và game mới

Giả sử bạn đang sử dụng phiên bản Microsoft Office phiên bản cũ nhưng lại nhận được email từ đồng nghiệp, bạn bè các tập tin tạo từ phiên bản Office mới hơn. Hãy thử tưởng tượng lúc đó bạn sẽ khó chịu thế nào khi không mở xem được các tập tin này.

Chơi game trên PC là lĩnh vực đòi hỏi liên tục nâng cấp phần cứng.

Bên cạnh đó, hầu hết các phần mềm và game mới hiện nay đều đòi hỏi những cấu hình phần cứng tương thích khá cao. Do đó, hệ thống máy tính cũ kỹ của bạn chắc chắn không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Các ứng dụng chính như trình duyệt mới của Microsoft yêu cầu máy tính có cấu hình đủ khả năng chạy Windows 10. Ngay cả dịch vụ truyền trực tuyến Netflix không chỉ cần một kết nối Internet nhanh, mà còn đòi hỏi phần cứng có khả năng phát video 4K mượt mà.

Chạy chậm một cách khó hiểu

Sau khi đã quét virus/malware, cài lại những phần mềm bị lỗi hay thậm chí cài đặt hoàn toàn mới hệ điều hành nhưng tình trạng máy tính chạy chậm ì ạch vẫn không được khắc phục. Lúc này, có lẽ bạn nên nghĩ đến việc nâng cấp phần cứng.

Hiện tượng máy tính chạy ì ạch gây khó chịu cho người dùng.

Như đã đề cập ở trên, hệ điều hành và các phần mềm mới hiện nay đều đòi hỏi cấu hình phần cứng tương thích để có thể đủ sức đáp ứng. Thử tưởng tượng phiên bản phần mềm Photoshop mới nhất được cài đặt trên một hệ thống cấu hình cũ sẽ mất rất nhiều thời gian xử lý hay thậm chí hoàn toàn không chạy được.

Không thể kết nối với các thiết bị đời mới

Nói đến ngành CNTT, ai cũng nghĩ đây là một lĩnh vực phát triển không ngừng. Hiện nay, hầu như máy tính nào cũng có cổng USB để kết nối với các thiết bị ngoại vi. Tuy nhiên, đa số máy tính đời mới đều trang bị chuẩn cổng USB 3.0 tốc độ cao.

Chuẩn kết nối USB Type-C dự kiến sẽ phổ biến trên nhiều mẫu máy tính đời mới.

Hãy thử tưởng tượng bạn cắm thiết bị gắn ngoài USB 3.0 vào một máy tính chỉ có cổng USB 2.0 và phải ngồi đợi hàng giờ để chép những bộ phim HD dung lượng cao. Lúc đó, có lẽ bạn sẽ ước gì mình có thể nâng cấp lên một máy tính đời mới có trang bị cổng USB 3.0.

Công nghệ ngày càng phát triển, máy tính sẽ phải kết nối với màn hình 4K, kết nối vào mạng nội bộ sử dụng chuẩn 802.11ac siêu nhanh. Khi đó, máy được yêu cầu sẽ phải trang bị những cổng giao tiếp tương thích.

Hết dung lượng lưu trữ

Ổ đĩa cứng máy tính của bạn thông báo sắp hết không gian lưu trữ, đồng thời khi mở màn hình hệ thống trên máy tính và thấy rằng tất cả bộ nhớ RAM đã được sử dụng khi chỉ có một vài ứng dụng đang mở. Ngoài ra, tài nguyên CPU trên hệ thống của bạn thường xuyên đạt mức 80% hoặc nhiều hơn. Đó là những dấu hiệu cho thấy máy tính đang đạt đến giới hạn của những gì phần cứng có khả năng làm.

Ổ cứng báo đầy là dấu hiệu cho thấy cần phải nâng cấp.

Bạn có thể mua thêm một ổ cứng gắn ngoài và gắn thêm RAM (nếu bo mạch chủ còn khe trống). Tuy nhiên, như một quy luật chung, một khi bạn phải bắt đầu để ý quản lý nguồn tài nguyên của mình thì việc nâng cấp một hệ thống hoàn toàn mới sẽ sớm diễn ra.

Gây nhiều tiếng ồn khi hoạt động

Về mặt kỹ thuật, bất kỳ máy tính nào qua một thời gian sử dụng cũng sẽ gây ngày càng nhiều tiếng ồn hơn so với khi mới mua. Tiếng ồn này có thể được tạo ra từ quạt của bộ nguồn, quạt tản nhiệt CPU, quạt tản nhiệt card đồ họa hay tiếng ồn của ổ cứng.

Phần mềm DataCent cho phép phân tích sức khỏe ổ cứng qua những tiếng động.

Đôi khi, lúc bật máy lên, bạn có thể nghe thấy tiếng cọt kẹt của ổ cứng. Nếu nghe thấy một trong những tiếng động này bên trong thì đã đến lúc bạn nên chú ý đến "sức khỏe" của hệ thống máy tính của mình.

Trong trường hợp này, bạn có thể làm sạch bụi quạt tản nhiệt, làm vệ sinh bên trong máy, thay mới các bộ phận sắp hư hay thậm chí nghĩ đến chuyện đầu tư máy mới nếu hệ thống của bạn quá cũ và lạc hậu.

Tốn nhiều thời gian để sửa hơn là để dùng

Nếu bạn đã kiểm tra qua tất cả những vấn đề trên, cuối cùng vẫn còn thêm một dấu hiệu khác khiến bạn cần nâng cấp máy tính mới thay vì tiếp tục sử dụng cái cũ. Đó là thời gian dành để sửa cho chiếc máy tính hiện tại còn nhiều hơn là thời gian dành để làm việc, giải trí hay chơi game.

Lỗi "màn hình xanh chết chóc" là nỗi ám ảnh của người dùng Windows.

Những ứng dụng bị thoát không lý do, Wi-Fi liên tục bị ngắt kết nối, toàn bộ hệ thống chạy ì ạch hay bị treo cùng nhiều hiện tượng khó chịu khác trong quá trình sử dụng.

Máy tính có tuổi thọ giới hạn và một khi chúng gặp vấn đề rồi thì bạn sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để sửa chữa những hỏng hóc, kể cả phần cứng lẫn phần mềm. Đó cũng là lúc bạn nên cân nhắc lên kế hoạch chọn cho mình một hệ thống mới.

Theo PC World VN

Chủ đề khác