VnReview
Hà Nội

Google vinh danh người đặt nền tảng cho công nghệ điện toán

Ngày hôm qua (02/11), Google đã thay đổi bộ Doodle (hình ảnh hiển thị ở trang chủ) của họ để vinh danh George Boole, người sáng tạo ra Đại số Boole.

Tên của Boole rất quen thuộc với những người chuyên môn tin học. Nhưng nếu vẫn không thể nhớ ra ông là ai thì bạn chỉ cần nhớ ông là người đã đặt nền móng để tạo ra chiếc máy tính. George Boole sinh ngày 2/11/1815 tại Anh. Tuy không được đi học đầy đủ, với trí thông minh của mình ông đã trở thành giáo viên tại một trường học địa phương khi mới 16 tuổi, sau đó tự mở một ngôi trường ở tuổi 19. Tới năm 1849, ông chuyển tới Ai Len và trở thành giáo sư toán tại Đại học vùng Cork (Queen's College).

Google vinh danh người sáng tạo ra Đại số Boole

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có tên The Laws of Thought (Tạm dịch: Định luật tư duy) được xuất bản năm 1954, cung cấp những nền tảng về toán học để giải quyết các vấn đề logic. Trong cuốn sách này ông cũng làm rõ những vấn đề cơ bản để tạo nên Đại số Boole, một môn đại số chỉ gồm hai biến là Đúng (True) và Sai (False).

Đại số Boole chỉ có ba phép "tính" cơ bản: Và (AND), Hoặc (OR), Không (NOT). Ba phép tính này giúp cho các vấn đề logic có thể được diễn giải bằng toán học. Hai giá trị Đúng và Sai, sau này được lượng hóa thành 1 và 0 cùng các phép tính trên đã trở thành nền tảng để những nhà toán học như Claude Shannon phát triển nên những nguyên lý cơ bản của mạch điện tử, và tất cả những thiết bị số mà chúng ta dùng hôm nay đều xuất phát từ đó.

Google vinh danh người sáng tạo ra Đại số Boole

Để hiểu rõ làm thế nào Đại số Boole có thể tạo ra cả một kỷ nguyên mới của con người, có thể bạn sẽ phải mất vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên nếu muốn hiểu ba phép tính cơ bản đó hoạt động như thế nào, hãy quan sát tấm ảnh động của Google. Năm chữ cái (trừ chữ G thứ hai) hoạt động như những bóng đèn, với các lệnh được định sẵn. x và y là hai giá trị định sẵn, và các lệnh sẽ được thực thi khi một trong hai ô (của chữ G) sáng lên. AND có nghĩa là đèn sáng cả hai giá trị cùng đạt, OR là một trong hai giá trị đạt, còn XOR là chỉ một trong hai đạt.

Ít người biết rằng Boole có thể là nguyên mẫu của nhân vật Giáo sư Moriarty, kỳ phùng địch thủ của thám tử Sherlock Holmes trong bộ tiểu thuyết của Sir Arthur Conan Doyle. Giáo sư Des MacHale của Đại học Cork, người viết tiểu sử về Boole cho rằng giữa hai người có sự tương đồng khi Moriarty cũng là một nhà toán học, và giảng dạy tại một đại học tỉnh lẻ. Những nghiên cứu của Moriarty trong bộ tiểu thuyết cũng có nhiều sự liên hệ với các nghiên cứu ngoài đời của Boole.

Mọi nhà khoa học máy tính, nhà toán học, kỹ sư điện hay người nghiên cứu logic trên Trái đất này đều biết đến George Boole. Nếu như mối liên hệ giữa Boole và Moriarty có cơ sở, những người yêu văn học cũng sẽ biết đến ông.

Anh Minh

Chủ đề khác