VnReview
Hà Nội

Benchmark AMD Ryzen 8 nhân: Cực mạnh để làm việc, vừa đủ để chơi game

Sau nhiều tháng chờ đợi, sau cùng những bài đánh giá độc lập về mẫu chip mới nhất của AMD cũng đã được công bố. Và dù sử dụng các phương pháp khác nhau, nhưng hầu hết các trang công nghệ đều đồng ý con chip 8 nhân này rất mạnh cho công việc. Song nó lại có "trục trặc" với nhiều tựa game giải trí.

Có thể nói lần ra mắt này của Zen là một trong các sự kiện nổi bật và thu hút được nhiều mối quan tâm nhất trong làng công nghệ PC nói riêng và chip xử lý x86 nói chung trong vòng 5 năm trở lại đây. Lý do của việc này là từ khi thế hệ chip Bulldozer của AMD ra mắt vào 6 năm trước, nó đã gây nhiều thất vọng vì hiệu năng không chỉ thua kém dòng chip Sandy Bridge đến từ Intel mà thậm chí còn không bằng cả thế hệ chip K10.5 đến từ chính AMD vốn đã ra mắt trước đấy. Kể từ đó, Intel không có đối thủ trên thị trường x86 nữa và sự cải thiện sức mạnh các thế hệ chip về sau này (Ivy Bridge, Haswell, Broadwell, Skylake...) cũng trở nên rất nhạt nhoà. Người dùng không còn nhiều động lực để nâng cấp CPU mới sau mỗi sự kiện ra mắt của Intel nữa và các mối lưu tâm liên quan tới PC cũng bị suy giảm ít nhiều.

Tất nhiên không thể không kể đến việc các thiết bị di động lên ngôi mà hạt nhân của chúng là kiến trúc ARM nằm trong các sản phẩm của Apple, Samsung, Qualcomm, TI, MediaTek... với hàng loạt thương hiệu như iPhone, iPad, Galaxy, Xperia, One... Do vậy trong khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết giới công nghệ không để tâm nhiều tới các chip PC nữa vì... cũng chả có mấy để mà quan tâm!

Vì thế, sự xuất hiện của kiến trúc Zen với các đại diện Ryzen 7 đến từ AMD tựa như một làn sóng chấn động toàn bộ "chiếc hồ" PC vốn đang "buồn hiu" và "lặng lẽ". Vậy Zen hay Ryzen mạnh đến thế nào?

Sơ bộ về các chip Ryzen 8 nhân

Chip AMD Ryzen 7 gồm 8 nhân, 16 luồng được cấu tạo từ 2 CCX

 

Tuy bản chất của kiến trúc Zen nằm sâu bên trong cấu tạo của từng nhân xử lý, song kiến trúc này được thiết kế dựa trên tư duy "tổ hợp nhân xử lý" (Core Complex - CCX). Theo đó, cứ 4 nhân Zen lập thành 1 CCX, rồi đến lượt các CCX sẽ kết hợp với nhau để cho ra các chip xử lý thật sự có số nhân "thật" là bội số của 4 gồm 4, 8, 16, 32... nhân. Các chip Ryzen 7 (R7) mà chúng ta bàn trong hôm nay là các đại diện có 8 nhân Zen tương ứng với 2 CCX. Trước mắt, AMD tung ra 3 đại diện gồm R7 1700, 1700X và 1800X. Tất cả chúng đều có 8 nhân Zen (xử lý được 16 luồng) đi kèm với bộ đệm L3 có dung lượng 16 MB. Khác biệt chính giữa chúng là xung nhịp, mức TDP cũng như giá bán trên thị trường.

CCX là đơn vị cơ bản nhất để làm ra chip AMD Ryzen

Nếu bạn chú ý, R7 1700 và 1700X có mức TDP khác nhau. TDP có nghĩa là mức nhiệt toả ra theo thiết kế (thermal design power). Con số này không phải mức tiêu thụ điện (power consumption) thật của con chip mà luôn nhỏ hơn - vì một phần điện năng được chuyển hoá thành công có ích và phần còn lại là công vô ích. Tuy vậy trên cùng một dây chuyền sản xuất, mức nhiệt toả ra thường tỷ lệ thuận với mức điện tiêu thụ nên chúng ta thường hiểu mặc định - con chip có TDP cao hơn sẽ tốn nhiều điện hơn và ngược lại. Do vậy có thể thấy, con chip R7 1700 thực ra là bản tiết kiệm điện của chip R7 1700X chứ về mặt tính năng và bản chất, chúng không khác gì nhau.

Đến đây bạn có thể thắc mắc - nếu các model R7 đều được tạo thành từ 2 CCX để cho ra 8 nhân Zen vậy các model cao cấp hơn hoặc thấp cấp hơn sẽ thế nào? Không quá khó để hình dung được, các phiên bản cao cấp hơn sẽ có 3 CCX trở lên (12 nhân), và thấp cấp hơn sẽ chỉ có 1 CCX (4 nhân).

Bên cạnh đó, trong kỹ thuật sản xuất chip có một khái niệm là "thu hoạch chip lỗi" (harvest). Theo đó không phải con chip nào khi sản xuất ra cũng hoàn hảo, mọi nhân đều hoạt động ổn định. Song không có nghĩa rằng khi có nhân lỗi thì toàn bộ các nhân khác cũng sẽ lỗi. Vì vậy nhà sản xuất sẽ cố "thu hoạch" lại các chip lỗi này và "cắt bỏ" các nhân lỗi này ra khỏi con chip, chỉ giữ lại các nhân vẫn hoạt động tốt. Với trường hợp của Ryzen, AMD xác nhận trong tương lai sẽ có thêm 2 model R5 1600X và 1500X. R5 1600X sẽ có 6 nhân hoạt động cho thấy đây là phiên bản "thu hoạch" lại từ các chip R7 vốn đã bị bỏ đi 2 nhân lỗi. Còn R5 1500X sẽ là phiên bản chỉ có 1 CCX.

Trước mắt AMD chỉ có 3 mẫu chip Ryzen trên thị trường

Song trong lần ra mắt này, AMD chỉ tập trung vào các model 8 nhân nên chúng ta sẽ không bàn sâu hơn về các phiên bản R5 khác.

Mainboard, DDR4, tản nhiệt và chipset

Nếu đang có nhu cầu nâng cấp desktop mới, hẳn bạn sẽ quan tâm đến vấn đề mainboard và loại RAM cần thiết. Trong một số trường hợp, mainboard cũ và RAM cũ có thể tái sử dụng lại được. Ở các trường hợp khác thì bạn buộc phải mua mới toàn bộ. Đáng tiếc là Ryzen lại rơi vào trường hợp sau - bạn sẽ cần có mainboard socket AM4 đi kèm với RAM DDR4.

Một mẫu mainboard socket AM4 dành cho Ryzen

Song đây cũng không phải là nhược điểm quá lớn vì những chiếc mainboard cuối cùng hỗ trợ socket AM3 cũng đã ra mắt từ 5 năm trước. Và tất cả chúng chỉ hỗ trợ RAM DDR3. Do vậy dù đang dùng hay không dùng CPU AMD thì bạn vẫn buộc phải mua mới mainboard và RAM để "lên đời". Điều này cũng sẽ không khác với người dùng Intel hiện tại là bao. Với "truyền thống" thay đổi socket liên tục cứ 2-thế-hệ-chip 1-lần, từ LGA 1156 >> 1155 >> 1150 >> 1151, Intel buộc người dùng phải thay mới mainboard nếu vòng đời chiếc desktop của họ kéo dài trên 3 năm hoặc hơn. Bạn không có lựa chọn nào khác khi nâng cấp từ Sandy Bridge/Ivy Bridge lên Haswell/Broadwell hoặc Skylake/Kaby Lake. Thậm chí với các chip Coffee Lake và Cannon Lake, chúng ta vẫn chưa rõ chúng còn tiếp tục hỗ trợ socket LGA 1151 nữa hay không...

Việc phải mua RAM DDR4 cũng có thể chấp nhận được vì đây là lựa chọn tối ưu nhất cho cả Intel Skylake lẫn AMD Ryzen. Thứ duy nhất còn lại mà bạn cần "băn khoăn" là tản nhiệt cho Ryzen. Vì sử dụng socket AM4 mới có đến 1331 chân cắm, kích thước con chip mới khác hẳn so với các thế hệ trước đó và vì thế, các chân cắm tản nhiệt cũng cần thay đổi để "thích nghi với tình hình mới".

Trong trường hợp là người dùng phổ thông và không đặt nặng vấn đề tản nhiệt "xịn", bạn cứ việc an tâm dùng bộ tản nhiệt Wraith có sẵn mà AMD kèm theo chip vì nó được thiết kế để dùng cho socket AM4. Còn trong trường hợp là người dùng chuyên nghiệp và đặt nặng vấn đề tản nhiệt, bạn có 2 lựa chọn - hoặc bạn liên hệ với hãng sản xuất chiếc tản nhiệt đang-dùng để xem có bộ phụ kiện lắp tản nhiệt (bracket) mới cho socket AM4 không, hoặc bạn phải mua mới các tản nhiệt hỗ trợ sẵn loại socket này.

Danh sách các chipset AM4 và tính năng hỗ trợ

Bộ tản nhiệt Wraith kèm sẵn theo chip Ryzen

Sau cùng, bạn nên chọn chipset (kèm theo mainboard) nào cho hợp với nhu cầu? Có thể nói từ khi chip cầu bắc được tích hợp thẳng vào CPU, chip cầu nam trở thành yếu tố duy nhất để "phân cấp" các dòng sản phẩm PC. Ví dụ về phía Intel hiện có 5 đại diện mới nhất là chipset Z270, H270, Q270, Q250 và B250. Trong đó, 2 chipset đầu tiên dành cho người dùng cá nhân và 3 chipset sau hướng tới các doanh nghiệp. Còn về phía AMD, nền tảng AM4 sẽ có 5 mẫu chipset lần lượt là X370, B350, A320, X300 và A300. Trong đó 3 đại diện đầu tiên nhắm tới người dùng cá nhân còn 2 đại diện sau nhắm tới các hệ thống PC siêu gọn (small form factor - SFF).

Vậy thì mẫu chipset nào hợp lý nhất để chọn? Theo AMD, X370 là dòng chipset cao cấp nhất và nó hỗ trợ đầy các tính năng mà Ryzen hiện có. Nó cho phép người dùng thoải mái ép xung (OC) CPU lẫn hỗ trợ chạy 2/3 card đồ hoạ cùng lúc (CrossFire/SLI). Còn B350 là phiên bản "lành tính" hơn khi chỉ hỗ trợ 1 card đồ hoạ duy nhất. Song nó vẫn cho phép người dùng OC chip. Và A320 là mẫu chipset "bé bỏng" nhất khi nó không chỉ hỗ trợ duy nhất 1 card đồ hoạ mà còn không cho phép OC. Có thể nói A320 là lựa chọn cho những ai "thích" sự ổn định mà không đam mê ép xung lấy điểm số. B350 cân đối nhất về mặt giá cả còn X370 dành cho những ai "muốn có tất cả".

Tại buổi công bố Ryzen, AMD cho biết hiện đã có khoảng 90 mẫu mainboard AM4 trên thị trường. Riêng tại Việt Nam, có lẽ phải một thời gian nữa các sản phẩm này mới có mặt đầy đủ.

Mạnh mẽ để làm việc

Đối thủ chính của Ryzen 7 là các chip 4 - 8 nhân Skylake/Kaby Lake của Intel

 

Tuy model cao cấp nhất có giá chỉ 500 USD, xấp xỉ các mẫu chip 4 - 6 nhân mà Intel đang bán trên thị trường. Nhưng đối thủ "thực sự" của các Ryzen 8 nhân lần này là các đại diện có cùng số nhân bên phía Intel, cụ thể như Core i7-5960X (8 nhân, 16 luồng @ 3 ~ 3,5 GHz) hay 6900K (8 nhân, 16 luồng @ 3,2 ~ 3,7 GHz). Mặc dù vậy, với mức giá niêm yết trên, sẽ có nhiều người muốn so sánh Ryzen với các đối thủ cùng tầm giá. Do đó đa số các bài đánh giá từ các trang công nghệ đặt Ryzen 7 "lên bàn cân" với 2 model chính yếu là Core i7-6900K (8 nhân) và 7700K (4 nhân, 8 luồng @ 4,2 ~ 4,5 GHz).

Như thế, các kết quả benchmark chủ yếu sẽ chia thành 2 nhóm - nhóm có ít nhân nhưng xung nhịp cao và nhóm nhiều nhân nhưng xung nhịp thấp. Với những ai quen thuộc với các benchmark CPU, không khó để nhận ra các phép kiểm tra nào đặt nặng sức mạnh đơn luồng (single-thread) thì i7-7700K sẽ có ưu thế hơn (vì xung boost tới 4,5 GHz), các các phép kiểm tra nặng về đa luồng (multi-thread) thì i7-6900K sẽ chiếm thế thượng phong (do có tới 16 luồng). Sau đây là một số kết quả chúng tôi tổng hợp lại.

Không ngoài dự đoán, các benchmark cho thấy hiệu năng của Ryzen 7 tiến rất sát với bộ đôi i7-5960X và 6900K bên phía Intel, do có cùng số nhân, số luồng và xung nhịp xấp xỉ nhau. Song cũng tương tự, ở các benchmark thiên về đơn luồng thì i7-7700K chiếm ngôi vị nhất bảng. Và chi tiết này hoàn toàn có thể hiểu được vì ngay đến i7-6900K cũng không bằng i7-7700K do sự thua kém về xung nhịp. Nhưng điều đáng nói ở đây là những ứng dụng tận dụng đa luồng tốt thường là những ứng dụng cao cấp/chuyên nghiệp như render đồ hoạ, thiết kế, kiến trúc, giải mã, mã hoá, biên tập video... Còn các ứng dụng đơn luồng đa số là các ứng dụng phổ thông như nghe nhạc, xem phim, lướt web, biên tập văn bản...

Và một trong các chi tiết khác cần chú ý là chênh lệch hiệu hiệu năng giữa Ryzen 7 và các chip AMD thế hệ cũ như A10/FX (Kaveri/Excavator). Mặc dù tính tới hiện tại, hầu như mọi người đã "quên mất" những con chip "yếu sinh lý" này nhưng chúng vẫn là đại diện cho kiến trúc cũ của hãng. Nếu so sánh trực diện Ryzen 7 với A10/FX, có lẽ là không quá lời khi dùng từ "cách mạng" cho sự cải tiến trên. Trong khi đó, chênh lệch hiệu năng giữa Skylake/Kaby Lake với Broadwell/Haswell lại rất "nhạt nhoà"...

Vừa đủ để chơi game

Tuy kết quả benchmark công việc cực kỳ ấn tượng, song khi chuyển qua các tựa game 3D thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Hiệu năng chơi game của Ryzen 7 tỏ ra khá khó hiểu và đây đang là một đề tài gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn công nghệ quốc tế. Hầu hết các trang công nghệ đều ghi nhận tình trạng sau: Ở các độ phân giải cao như Quad HD (2560 x 1440 px) hoặc UHD 4K (3840 x 2160 px) thì Ryzen 7 chơi game không thua ai (kể cả i7-6900K và 7700K). Song khi giảm độ phân giải xuống HD (1280 x 720 px) hoặc Full HD (1920 x 1080 px) thì vấn đề xuất hiện - Ryzen 7 yếu hơn cả i7-6900K lẫn 7700K.

Tất nhiên xung nhịp cũng đóng một vai trò không nhỏ ở đây, khi vẫn có những game mà i7-7700K trội hơn cả 6900K. Nhưng cục diện chung vẫn là Ryzen 7 yếu hơn cả 2 model 8 nhân và 4 nhân của Intel. Đặc biệt ở các game tận dụng tốt đa luồng thì khoảng cách giữa Ryzen 7 và i7-6900K là rất lớn. Song bạn chú ý đây là độ phân giải Full HD trở xuống. Ở các độ phân giải cao hơn thì hạn chế chủ yếu sẽ nằm ở card đồ hoạ và nhược điểm này sẽ không còn nữa, lúc này Fyzen sẽ không hề thua kém đối thủ của Intel ở bất kỳ phân khúc nào.

Đâu có thể là nguyên nhân?

Câu hỏi đặt ra - tại sao Ryzen rất mạnh cho công việc nhưng lại trung bình với game? Đáng tiếc là cho đến lúc này, chúng ta hoàn toàn chưa có câu trả lời thích đáng. Kể cả chính AMD cũng không rõ tại sao. Và theo kết quả nghiên cứu riêng của từng trang, chúng ta tạm thời có thể kết luận ra một số nguyên nhân sau (có thể là nguyên nhân duy nhất, cũng có thể là tổ hợp của nhiều cái cùng lúc):

- Zen là một kiến trúc hoàn toàn mới và còn nhiều lỗi cần khắc phục. Một số tester cho biết, các mẫu mainboard AM4 vẫn còn dùng BIOS bản beta thậm chí trên web của NSX mainboard vẫn chưa có đủ thông tin về chúng. Đợt ra mắt này của AMD có vẻ khá "vội vàng" khi nhiều đối tác vẫn chưa chuẩn bị kịp sản phẩm. Do đó sẽ cần có thêm thời gian để các hãng tiếp tục sửa lỗi mainboard để cải thiện hiệu năng.

Zen là một kiến trúc hoàn toàn mới nên còn nhiều vấn đề cần khắc phục

- Tính năng SMT có thể làm giảm hiệu năng. Và điều này hoàn toàn không mới, công nghệ xử lý đa luồng trên một nhân xử lý (SMT hay HyperThreading của Intel) vẫn được xem như con dao 2 lưỡi. Những ứng dụng nào được lập trình tốt với SMT sẽ tận dụng được nó. Còn ngược lại, nó có thể làm sụt hiệu năng vì vô tình tăng thêm thời gian xử lý ứng dụng do một ống lệnh đang xử lý thì ống lệnh kế tiếp buộc phải ngưng lại.

Bật/tắt SMT có thể thay đổi hiệu năng game

- Windows 10 đang "hiểu sai" kiến trúc Zen. Một số trang đã thử cài Windows 7 lên hệ thống Ryzen 7 và nhận ra rằng, hiệu năng chơi game trên Windows 7 của Ryzen... tốt hơn! Đây là một điều rất oái ăm khi AMD cũng theo gót Intel - không chính thức hỗ trợ Windows 7 trên các nền tảng mới nữa. Windows 10 là hệ điều hành mặc định được hỗ trợ cho Zen và Kaby Lake. Song có vẻ sự ưu ái này đã... nhầm chỗ!

Một số chuyên gia cho rằng có thể chính liên kết Infinity Fabric (AMD thừa hưởng lại từ SeaMicro) nằm giữa 2 CCX đã vô tình khiến Windows 10 "hiểu" đấy là 2 CPU độc lập (SeaMicro là một công ty về chuyên hạ tầng mạng và máy chủ) với mỗi CPU có 4 nhân. Do "hiểu nhầm" này, thay vì chuyển giao dữ liệu trực tiếp giữa 2 CCX thì Windows 10 lại chuyển dữ liệu từ CCX_1 sang RAM hệ thống rồi mới chuyển sang CCX_2, vô tình gây ra độ trễ tín hiệu không đáng có và làm giảm hiệu năng.

Liên kết Infinity Fabric trên Ryzen 7 có thể đã bị "hiểu nhầm" thành 2 CPU độc lập

- Các hãng game đã "bỏ quên" AMD. Thật vậy, kể từ khi hãng này không còn tung ra mẫu CPU cao cấp nào sau lứa chip FX cuối cùng từ 3 năm trước, kết hợp với yếu tố nền tảng Intel tốt hơn, các nhà lập trình game ít nhiều chỉ tập trung tối ưu game của họ cho các chip Intel. Hệ quả rất dễ hiểu là sản phẩm của AMD sẽ gặp "khó" bất kể là kiến trúc nào (Zen, Bulldozer, K10). Chi tiết này cũng phần nào được thể hiện qua điểm số fps của các chip Core i5 không kém gì các chip Core i7 (cả 4 lẫn 8 nhân) - các game đã tối ưu rất tốt cho Intel. Và lý luận này cũng đã được chứng minh khi cả chip Ryzen 7 1700 và i7-7700K cùng bật chế độ SMT, nhưng mức khai thác các nhân xử lý khi chạy game của i7 luôn đạt > 90%, còn phía Ryzen dao động lớn từ 20 ~ 80% - chứng tỏ sức mạnh của Ryzen đã không được khai thác hết

Nhiều nhà phát triển game đã "quên" AMD

Kết luận sơ bộ

Gọi là "sơ bộ" vì cho đến thời điểm này, câu chuyện về Zen và Ryzen vẫn còn nhiều khúc mắc chưa được giải đáp hết. Trong các phát biểu mới nhất, CEO Lisa Su của hãng cho biết, hiện AMD đang làm việc với các hãng phần mềm để tối ưu sản phẩm của họ với kiến trúc Zen. Dĩ nhiên đây chỉ mới là lời nói chứ chưa được "hoá thân" ra sản phẩm thật. Thứ duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là cả AMD lẫn các đối tác sẽ cần ít nhất vài tháng để cải thiện tình hình. Còn hệ quả ra sao thì không ai có thể khẳng định được.

Cũng không thể không nhắc tới Microsoft và các hãng phân phối các distro Linux. Việc hệ điều hành hiểu "sai" hay "đúng" bản chất kiến trúc chip có thể quyết định cả yếu tố "thắng thua" trong các benchmark. May thay, chơi game không phải thứ dành cho Linux và trước mắt, chúng ta có những kết quả rất tốt của Ryzen (vì Linux để làm việc).

Hiệu năng trên Linux của Zen rất tốt

Vậy mua Ryzen, nên hay không? Đây là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra. Câu trả lời là tuỳ theo nhu cầu và thời điểm quyết định mua của bạn. Nếu game là tất cả những gì bạn cần và nhu cầu mua mới là ngay lập tức, hãy đầu tư vào nền tảng Skylake/Kaby Lake 4 nhân của Intel. Đặc biệt, nếu bạn chơi nhiều tựa game ở độ phân giải Full HD. Thêm vào đó, tại Việt Nam vào lúc này, các hãng phân phối linh kiện PC vẫn chưa kịp nhập Ryzen lẫn mainboard socket AM4. Nên bạn có "vội" cũng không làm gì được trừ phi chấp nhận mua hàng xách tay và gặp rủi ro bảo hành.

Còn nếu bạn không vội vàng và có đủ kiên nhẫn. Hãy chờ thêm vài tháng tới để xem liệu hiệu năng Ryzen có cải thiện hay không cũng chưa muộn. Và thông tin đặc biệt là trong Q2 năm nay, AMD sẽ ra mắt tiếp các đại điện Ryzen cấp thấp hơn, gồm Ryzen 3 và Ryzen 5. Có thể với nhu cầu của bạn, các chip Ryzen 7 là "hơi thừa" để sử dụng. Biết đâu chừng do có ít nhân hơn, hiệu năng đơn luồng của Ryzen 3 & 5 sẽ tốt hơn Ryzen 7, tương tự như Core i7-7700K có điểm đơn luồng tốt hơn i7-6900K, dù giá thấp hơn rất nhiều.

Trong thời gian tới, AMD sẽ ra mắt thêm các mẫu Ryzen rẻ tiền hơn

Còn trước mắt, Ryzen 7 thực sự là đối thủ để làm việc "nặng" mà nhiều người dùng chuyên nghiệp đang mong đợi, với mức giá rẻ hơn hẳn Intel.

Huyền Thế

Chủ đề khác