VnReview
Hà Nội

Tại sao người dùng Windows thường vô hiệu hóa tính năng Automatic Update?

Automatic Update, một tính năng thiết yếu của Windows dường như lại không chiếm được nhiều thiện cảm của người dùng. Tại sao lại như vậy?

Một hình ảnh thường thấy khi sử dụng Windows Update

Có một vài lần tôi đọc lướt qua những trang web với tiêu đề như "thủ thuật để Windows chạy nhanh hơn", "những mẹo cực hay trên Windows có thể bạn chưa biết" hoặc tương tự vậy, và trong số chúng có cái đúng, có cái sai, nhưng thứ làm tôi cảm thấy băn khoăn nhất chính là việc họ khuyên người dùng hãy tắt tính năng Automatic Update đi. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi rất nhiều người dùng cũng đồng tình với việc tắt nó đi, cho rằng nó chẳng đem lại cái gì tốt đẹp ngoại trừ những phiền toái và bực bội. Nhưng, sau vụ tấn công của WannaCry cuối tuần qua, liệu một chút phiền toái bạn bớt đi được khi tắt Automatic Update có xứng đáng không, khi bạn trở thành miếng mồi ngon cho mã độc và các phần mềm độc hại? Tại sao người dùng sẵn sàng vì một cái lợi nho nhỏ trước mắt mà sẵn sàng từ bỏ quyền lợi lâu dài của mình?

Trong những ngày cuối tuần vừa qua, tôi có mượn tạm chiếc laptop của một cậu bạn gần nhà để làm việc. Máy của cậu ấy đang chạy Windows 7 Ultimate, hàng crack. Nhân tiện mã độc tống tiền WannaCry đang hoành hành khắp thể giới, tôi kiểm tra qua thì hỡi ôi: Windows Update đã bị vô hiệu hóa, các bản vá thì chưa cài đặt, thậm chí những biện pháp phòng hộ đơn giản như đóng các cổng kết nối, vô hiệu tính năng SMBv1,... cũng chưa được thực hiện. Tôi có hỏi tại sao cậu ấy lại để máy trong tình trạng không phòng bị một chút nào thế này, trên mạng có rất nhiều thông tin về WannaCry không lẽ lại không nhận thức được tầm nguy hiểm của nó thì mới nhận được câu trả lời rằng: "Máy này từ lúc mang ra tiệm cài lại Win mấy tháng trước có động chạm gì vào nó đâu, đi học cả ngày rồi về đánh một hai trận Liên minh rồi đi ngủ thì "khóc lóc" cái gì?"

Tôi đã buộc phải dành ra 10 phút của cuộc đời mình giải thích cho cậu ấy vì sao những người dùng như cậu ấy đã ít nhiều góp phần vào sự "thành công" của WannaCry, rằng cậu ấy hoàn toàn có thể là mục tiêu của nó và phải đối mặt với việc toàn bộ dữ liệu của mình bị biến mất, bao gồm hàng chục GB "tài liệu quý hiếm" mà cậu ấy đã dày công sưu tầm mà tôi không tiện nói ra. Tuy nhiên, vấn đề mà tôi muốn nói ở đây là cậu ấy hoàn toàn đã có thể tiết kiệm được cho tôi 10 phút ấy nếu cậu ấy biết rằng tính năng Automatic Update của mình đã bị vô hiệu hóa và bật nó lên, bởi vì Microsoft đã tung ra bản vá cho lỗ hổng bảo mật này cho Windows 7 từ tháng Ba vừa rồi.

Tôi đã tạm bỏ qua cho cậu ấy và bắt cậu ấy hứa phải chú ý hơn trong việc tự bảo vệ bản thân trên Internet thì mới đi về. Về đến nhà, tôi mở một cuộc khảo sát nho nhỏ với bạn bè và người quen của mình, với điều kiện họ biết Windows Update là gì, xem họ có vô hiệu hóa tính năng ấy đi không và lí do tại sao. Sau đây tôi xin được chia sẻ những kết quả mà mình thu được, cùng với những suy nghĩ của bản thân về lí do đó:

Windows lúc nào cũng chọn thời điểm không thích hợp chút nào để tiến hành cập nhật.

Đây là lí do tôi cho là phổ biến nhất. Còn gì khó chịu bằng việc bạn đang dang dở một công việc nào đó và Windows thông báo rằng bạn phải khởi động lại máy để hoàn thành việc cập nhật, phải không? Tuy nhiên, những phiên bản Windows hiện tại, cụ thể là Windows 10 đã có những công cụ giúp bạn quản lí việc cập nhật của mình dễ dàng và thuận tiện hơn.

Lúc nào Windows cũng muốn tôi nâng cấp lên phiên bản Windows 10 và tôi không muốn chút nào.

Có thể nói, Windows 10 là một thành tựu của Microsoft, và họ hoàn toàn có quyền tự hào về nó, muốn nó có mặt trên càng nhiều thiết bị càng tốt. Nhưng, cách Microsoft sử dụng cơ chế Windows Update để khiến người dùng nâng cấp có phần hơi thái quá, gây khó chịu cho người dùng và thậm chí còn phản tác dụng, khiến họ càng không muốn nâng cấp. Có lẽ cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề này là người dùng phải thông cảm cho Microsoft, khi họ chỉ muốn người dùng có được trải nghiệm tốt nhất cũng như được đảm bảo an toàn.

Update quá tốn thời gian

Riêng vấn đề này tôi hoàn toàn thấu hiểu. Với chất lượng mạng tại Việt Nam, việc tải cập nhật dường như là một cực hình, đặc biệt là nếu cá mập "nổi hứng" và quyết định ăn tối bằng cáp quang AAG. Khi cài đặt xong người dùng sẽ còn phải khởi động lại máy, đợi máy thiết lập các thay đổi mới có thể tiếp tục công việc bị gián đoạn. Tốt nhất là bạn hãy cài đặt cho Windows chỉ tiến hành cập nhật vào thời gian rảnh mà bạn đề ra, như vậy sẽ dễ chịu hơn nhiều.

Update thay đổi quá nhiều thứ

Ngoại trừ cập nhật lên một phiên bản hệ điều hành hoàn toàn mới hoặc các bản cập nhật lớn như Creator Update, Anniversary,... các bản cập nhật của Windows đều là các bản vá lỗi bảo mật hoặc chỉnh sửa hệ thống, hoàn toàn không ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng (hoặc ít nhất là bạn sẽ không thể nhận ra).

Cập nhật sẽ khiến các phần mềm không tương thích với hệ điều hành mới

So với lúc Windows 10 mới xuất hiện, hiện tượng này đã giảm đi rất nhiều. Có thể bạn sẽ gặp rắc rối trong việc cài đặt driver nếu thiết bị của bạn đã quá cũ, nếu vậy thì bạn nên cân nhắc đầu tư một thiết bị mới.

Không hỏng thì không cần sửa

Đây là một quan điểm hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng, nếu máy bạn cần đến các bản vá bảo mật, về lí thuyết thì nó đã "hỏng" rồi.

Máy của tôi thì thích làm gì là việc của tôi

Okay :(

Tôi thích cập nhật thủ công hơn

Không có lí do gì để làm vậy khi Windows hoàn toàn có thể làm giúp bạn. Chưa kể, nếu bạn bỏ lỡ một bản cập nhật quan trọng nào đó thì cũng rất khó để theo dõi và khiến máy tính của mình trở thành mục tiêu bị của các cuộc tấn công.

Lời kết: Việc cập nhật, vá lỗi cho hệ điều hành mình đang sử dụng có thể tốn thời gian, gây phiền toái và làm gián đoạn công việc. Mỗi người ai cũng có lí do cho hành động của mình. Nhưng suy cho cùng, đó là việc làm cần thiết.

Các bạn hãy coi cuộc tấn công WannaCry là "hồi chuông cảnh tỉnh", hãy tự biết bảo vệ bản thân khi sử dụng Internet và khi tự bảo vệ bản thân, bạn cũng đã góp phần bảo vệ cộng đồng.

Văn Hoàn

Chủ đề khác